Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đồng chí Trần Trung Tam - Người cán bộ kiên định, bền bỉ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc

Đồng chí Trần Trung Tam
(Thanhuytphcm.vn) - Sinh ra và lớn lên ở làng Hựu Thạnh, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), nơi giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, năm 17 tuổi, đồng chí Trần Trung Tam (tên thật là Nguyễn Tấn Hoạch) đã sớm giác ngộ cách mạng bằng sự kiện tham gia phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5 năm 1930 tại quê hương. Đồng chí tích cực tham gia các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã Hựu Thạnh. Tháng 1 năm 1936, tại Chi bộ xã Hữu Thạnh, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1936, đồng chí là Bí thư Chi bộ xã Hựu Thạnh.

Năm 1937, đồng chí giữ chức Thường vụ Quận ủy Đức Hòa (tỉnh Chợ Lớn). Tháng 8 năm 1938, đồng chí được Xứ ủy điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Tân An, chuẩn bị thành lập Tỉnh ủy. Sau hai tháng chuẩn bị, tháng 10 năm 1938, Tỉnh ủy Tân An chính thức thành lập do đồng chí Trần Trung Tam làm Bí thư. Đồng chí Trần Trung Tam cùng với đồng chí Nguyễn Thanh Tùng (Tỉnh ủy viên) đã chỉ đạo xây dựng cơ sở, thành lập thêm một số chi bộ các làng Bình Phong Thạnh, Lợi Bình Nhơn, Bình Thành... Tổ chức Đảng ở tỉnh Tân An được phát triển với một hệ thống chỉ đạo chặt chẽ. Quần chúng lao động ngày càng ủng hộ cách mạng, một số người thuộc tầng lớp khá giả cũng có cảm tình với cách mạng.

Sau Nam Kỳ Khởi nghĩa, Xứ ủy và các cán bộ, đảng viên còn lại vẫn lấy Sài Gòn - Gia Định làm trung tâm hoạt động. Đầu năm 1942, đồng chí Trần Trung Tam - Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Mùi, Hà Đăng Nam (Gia Định), Ngô Thị Huệ, Nguyễn Hồng Minh, Nguyễn Hồng Phước, Bùi Dự từ Liên tỉnh ủy Hậu Giang bàn việc củng cố lập lại Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Liên tỉnh miền Đông (Tiền Giang) và để tiến tới lập lại Xứ ủy, nhưng việc không thành.

Tháng 9 năm 1942, đồng chí Trần Trung Tam bị địch bắt, chúng giam đồng chí tại nhà tù Côn Đảo.

Tháng 1 năm 1945, đồng chí được thả và tiếp tục hoạt động cách mạng tại Đức Hòa, giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Đức Hòa.

Sau khi ký Hiệp định sơ bộ (ngày 6 tháng 3 năm 1946), Trung ương rút một số đồng chí trong Tỉnh ủy Chợ Lớn và tiếp tục củng cố lại Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Trung Tam giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, phụ trách Tuyên huấn.

Đầu tháng 5 năm 1946, Ban Cán sự Đảng của tỉnh Chợ Lớn triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố lại Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn, đồng chí Trần Trung Tam được bầu giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn phụ trách đảng vụ, kiểm tra, tài chính, kinh tế. Sau Hội nghị này, có sự sắp xếp lại cán bộ Mặt trận, đoàn thể tỉnh, đồng chí giữ chức Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Chợ Lớn.

Cuối tháng 11 năm 1946, tại Gò Xoài (căn cứ Vườn Thơm) đã diễn ra Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để bầu Bí thư mới (do đồng chí Hồ Văn Long được rút lên Xứ làm Thanh tra Chính trị miền Đông). Đồng chí Trần Trung Tam là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn phụ trách chung, đồng thời phụ trách Mặt trận Việt Minh, Thường vụ Khu ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn cho đến tháng 11 năm 1949.

Đầu năm 1950 đến tháng 11 năm 1951, đồng chí giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc - Long Châu Sa.

Năm 1952 đến năm 1954, đồng chí nghỉ trị bệnh rồi về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Cục, Ban Nông vận Trung ương.

Năm 1954 - 1955, đồng chí là Ủy viên Ban Tập kết Nam Bộ.

Từ năm 1954 - 1979, đồng chí là Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế.

Từ năm 1980, đồng chí nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vẫn tham gia công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng ở tỉnh Long An.

Đồng chí mất ngày 1 tháng 7 năm 1998, hưởng thọ 85 tuổi.

Sáu mươi tám năm hoạt động cách mạng, sáu mươi hai năm tuổi Đảng, đồng chí trải qua muôn vàn gian nan, thử thách, tù đày... nhưng vẫn kiên định lập trường cách mạng, bền bỉ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Trần Trung Tam được tặng thưởng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Kháng chiến, Huy hiệu Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo