Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đồng chí Phạm Văn Bạch – Một trí thức lỗi lạc của dân tộc Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn)- Luật sư Phạm Văn Bạch sinh trưởng trong một gia tộc lớn ở Trà Vinh. Ông mồ côi mẹ từ khi mới 3 tuổi. Cha là công chức của Pháp làm việc tại Sài Gòn, sau đó về Châu Đốc - An Giang.

Chân dung đồng chí Phạm Văn Bạch Chân dung đồng chí Phạm Văn Bạch

Từ nhỏ cho đến khi 15 tuổi, cậu Hai Bạch học tiểu học ở Trà Vinh, sau đó học trung học tại Cần Thơ và Mỹ Tho. Thời kỳ học trung học, Hai Bạch đứng đầu nhóm học sinh lãnh đạo biểu tình, đòi thả bốn bạn bị bắt giam vì nghi “làm chính trị”, rồi bãi khóa để tang Cụ Phan Châu Trinh cho nên bị nhà trường thuộc địa buộc thôi học cùng với 16 học sinh khác.

Năm 1928, sau khi tốt nghiệp bậc trung học, gia đình bên ngoại cho Phạm Văn Bạch sang Pháp du học tại khoa Luật của Trường Đại học Lyon. Bốn năm học tập tại Lyon, Phạm Văn Bạch có hai bằng đại học là cử nhân Luật và cử nhân Triết học, rồi tiếp tục làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Luật. Năm 1936, ông giành được học vị tiến sĩ Luật với đề tài luận án: Cách mạng ruộng đất và thực tiễn Xô-viết[1]. Luận án được Hội đồng chấm luận án đánh giá xuất sắc và đề nghị tác giả luận án nhận bằng tiến sĩ Luật hạng ưu.

Trong 8 năm học tập, nghiên cứu tại Pháp, Phạm Văn Bạch chịu ảnh hưởng của phong trào cánh tả, hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Lyon, nghiên cứu khá sâu về chủ nghĩa Mác - Lênin. Đặc biệt ông có người bạn thân thiết là bà Lucelte Chargnioux - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Rhôme, đã giúp ông tư liệu quan trọng liên quan đến vấn đề căn bản là dân tộc và giai cấp để hoàn thành luận án tiến sĩ. Vì vậy sau này khi ông về nước, Đảng Cộng sản Pháp đã bí mật đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ theo dõi, giúp đỡ ông, một trí thức có khuynh hướng cộng sản.

Năm 1936, sau khi giành được học vị tiến sĩ Luật học, ông trở lại Nam Kỳ, sống tại Cần Thơ - thủ phủ của đất Chín Rồng. Trong 8 năm sống ở Pháp, mặc dù chưa phải là đảng viên cộng sản nhưng hoạt động tích cực trong phong trào cánh tả, có cảm tình đặc biệt với nước Nga Xô-viết, với chủ nghĩa Mác - Lênin, cho nên khi ông về nước, mật thám Pháp chỉ thị cho mật thám Nam Kỳ theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim. Lúc này Phạm Văn Bạch về lại Cần Thơ sinh sống, bắt liên lạc được với một số đảng viên cộng sản, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cái, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim trưng dụng Phạm Văn Bạch làm Chánh án tỉnh Bến Tre. Sau khi bí mật xin ý kiến của Tỉnh ủy và được yêu cầu nên nhận lời vì ở vị trí này có thể giúp đỡ những người cộng sản khi cần thiết nên ông chấp nhận làm Chánh án cho chính quyền Nhật.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Phạm Văn Bạch được Tỉnh ủy Bến Tre giao nhiệm vụ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền và cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời của tỉnh. Tháng 9 năm 1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Thường vụ Trung ương Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh cử vào Nam Bộ công tác, đã thống nhất với Xứ ủy Nam Kỳ mời ông lên Sài Gòn giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng Nam Bộ (thay đồng chí Trần Văn Giàu được điều ra Trung ương), sau này đổi thành Ủy ban Hành chính Nam Bộ. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 06 tháng 01 năm 1946, riêng miền Nam đi bỏ phiếu theo kế hoạch cũ là ngày 23 tháng 12 năm 1945, nhân sĩ trí thức Phạm Văn Bạch được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Bến Tre.

Theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 02 năm 1946, ông được cử làm Trưởng phái đoàn gồm 10 người trong đó có các nhà cách mạng nổi tiếng như Nguyễn Văn Tạo, Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Văn Nguyễn, Ngô Thị Huệ… của Nam Bộ thành đồng ra Hà Nội báo cáo với Trung ương về tình hình Nam Bộ và chuẩn bị họp Quốc hội khóa đầu tiên. Trong thời gian công tác tại Trung ương, theo sự giới thiệu và bảo đảm của các đồng chí Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn, ngày 29 tháng 6 năm 1946 đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ kết nạp đồng chí Phạm Văn Bạch vào Đảng. Đây là một vinh dự to lớn của một trí thức cách mạng.

Trong thời gian công tác tại Trung ương, ông bị bệnh, phải ở lại miền Bắc hơn 2 năm, mãi tháng 7 năm 1948 mới trở lại Nam Bộ, trực tiếp đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 133/SL, số 134/SL ngày 15 tháng 02 năm 1948 bổ nhiệm ông. Ông còn kiêm nhiệm chức Bí thư Đảng đoàn cơ quan, và được bầu làm Ủy viên Liên Chi ủy Văn phòng Trung ương Cục miền Nam cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi.

Sau Hiệp định Genève, theo sự phân công của tổ chức, tháng 9 năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được Trung ương cử làm Phó Ban miền Nam của Trung ương Đảng. Từ tháng 01 năm 1955 đến tháng 6 năm 1957, ông làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó ban Quan hệ Bắc - Nam của Chính phủ. Do âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của Mỹ - Diệm, Ngô Đình Diệm đã cự tuyệt Tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Nam - Bắc, từ tháng 6 năm 1957, Phạm Văn Bạch được trao nhiệm vụ mới là Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, và là Ủy viên Ủy ban kiện toàn tổ chức Trung ương của Chính phủ và đảm nhiệm chức trách này cho đến tháng 9 năm 1959.

Rất trân trọng một trí thức có bằng tiến sĩ Luật do nước Pháp đào tạo, một nhà cách mạng tiêu biểu của miền Nam thành đồng Tổ quốc, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu và kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa I diễn ra từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 5 năm 1959 đã phê chuẩn Phạm Văn Bạch giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ông giữ trọng trách này 22 năm (1959-1981) cho đến lúc nghỉ hưu. Như vậy, 35 năm liên tục, ông là đại biểu Quốc hội, từ khóa I đến khóa VII (1946-1981), là Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội.

Trong thời gian giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông đã kiến nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đề nghị Liên Xô cử các chuyên gia sang đào tạo hai khóa dài hạn (1960-1964) có trình độ trung - cao cấp về luật cho hàng trăm cán bộ chủ chốt của Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, C500 (Học viện An ninh ngày nay). Các học viên hai khóa học này sau đó trở thành những cán bộ lãnh đạo, chuyên viên nghiệp vụ chủ chốt của hệ thống tư pháp và các ban ngành trong khối nội chính Việt Nam.

Ông còn có công lao to lớn, là thành viên Ủy ban soạn thảo các Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 và hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam trước thời kỳ đổi mới.

Trong thời gian tại nhiệm, ông còn được Đảng, Nhà nước giao kiêm nhiệm rất nhiều chức vụ quan trọng khác như: Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước phụ trách ngành luật, kiêm Viện trưởng Viện Luật học của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế. Khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân xâm lược miền Nam, mở rộng đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, gây ra những tội ác vô cùng tàn bạo, ông được cử làm Phó Chủ tịch rồi sau đó là Chủ tịch Ủy ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Thời gian này bằng uy tín của mình, ông đã thành lập Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ đặt tại Brussel Vương quốc Bỉ. Nhà văn, nhà triết học hiện sinh Jean Paul Santre, nhà vật lý thiên tài Albert Einstein và nhiều trí thức nổi tiếng của phương Tây đã tham gia tòa án này.

Năm 1981, khi đã 71 tuổi, ông Phạm Văn Bạch mới thôi nhiệm vụ và về sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ tháng 5 năm 1983, ông được hiệp thương giới thiệu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông mất ngày 08 tháng 3 năm 1987, hưởng thọ 77 tuổi và được an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.

Để ghi nhớ công lao của ông với cách mạng miền Nam và đất nước, Đảng - Nhà nước ta đã trao tặng ông nhiều huân chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Sau khi ông qua đời, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Thủ đô Hà Nội và rất nhiều thành phố, thị xã của các tỉnh Nam Bộ đều có con đường lớn mang tên nhà cách mạng Phạm Văn Bạch.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

____________________

[1] Có tài liệu khác nêu tên Luận án là “Hiến pháp Xô-viết và thực tiễn Xô-viết – giải pháp cho vấn đền dân tộc và giai cấp”.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo