Thứ Ba, ngày 10 tháng 9 năm 2024

Đồng bào các dân tộc trong khối đoàn kết toàn dân đã chung sức đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển TPHCM

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc trao quà cho các đại biểu tại buổi họp mặt

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 21/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức buổi họp mặt đồng bào tiêu biểu các dân tộc, mừng xuân Giáp Thìn năm 2024. Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu và 200 đại biểu là đồng bào tiêu biểu trên các lĩnh vực, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc gồm: Hoa, Chăm, Khmer, Tày, Nùng, Mường, Thái, K'Ho, Sán Chay, Sán Dìu, Êđê, H’Mông... trên địa bàn TP.

Thực hiện hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc

Báo cáo tại họp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung cho biết, năm 2023, kinh tế - xã hội TP đã có nhiều điểm sáng, tạo tiền đề và động lực tích cực để TP triển khai nhanh chóng việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương vì sự phát triển của TP, góp phần vào kết quả chung đó, có sự quyết tâm, đồng lòng của hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp của TP, cùng sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn TP.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Trung, nhiều năm qua, TP luôn quan tâm, làm tốt chính sách dân tộc như: thực hiện thường xuyên các chính sách giải quyết việc làm, chính sách dạy nghề, trợ vốn, chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc. Kết quả, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 10.840 trường hợp, hỗ trợ 72 căn nhà ở, nhà tình thương; dạy nghề miễn phí và hỗ trợ việc làm cho hàng trăm trường hợp. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn cho 615 trường hợp với số tiền gần 28,4 tỷ đồng; miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer với số tiền gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ 50 giáo viên người dân tộc dạy tiếng dân tộc với số tiền gần 500 triệu đồng.

TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức thăm, tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn, người già neo đơn, công nhân, học sinh và sinh viên khó khăn... với hơn 12 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tiêu biểu đại diện cho đồng bào dân tộc Chăm Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tiêu biểu đại diện cho đồng bào dân tộc Chăm

Hệ thống MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp của TP tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc phát huy nội lực, tiếp tục cùng TP khắc phục khó khăn, động viên các dân tộc tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cần có nhiều chính sách chăm lo thiết thực hơn

Đại diện cho gần 450.000 người Việt gốc Hoa đang sinh sống tại TPHCM, ông Vương Bá Xuyên, nguyên Chánh Văn phòng Ban Bảo trợ Trung tâm Hoa văn Khải Tú khẳng định, đồng bào người Việt gốc Hoa rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền TPHCM khi đã có những chính sách thiết thực để bà con yên tâm làm ăn, đóng góp cho sự phồn thịnh của TPHCM và đất nước Việt Nam.

Với vai trò người uy tín trong cộng đồng, ông Vương Bái Xuyên khẳng định, sẽ tích cực tham gia vận động bà con không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, tuyên truyền pháp luật để bà con thông hiểu không vi phạm các quy định của Nhà nước, tham gia đóng góp xây dựng phường, xã văn hóa. Đồng thời, mong muốn TP quan tâm đến lực lượng giáo viên ngoại ngữ trong đó có giáo viên giảng dạy tiếng Hoa. Bên cạnh đó, cần có những chính sách thiết thực để phát huy vai trò của nguồn nhân lực trí thức trong thời gian tới.

Ông Res A Bidine, Trưởng Ban quản trị Thánh đường Mubarak, dân tộc Chăm nhấn mạnh, cộng đồng người Chăm luôn nghiên cứu các giải pháp để đóng góp cho TP, như dự thảo thiết kế khu vực ẩm thực “Halal food” nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc Chăm cũng như giới thiệu văn hóa Chăm đến khách du lịch. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Res A Bidine khẳng định, sẽ luôn là chiếc cầu nối giữa chính quyền, các dân tộc tại TP và bà con dân tộc Chăm trong tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, các chính sách của TP để mọi người luôn sống “tốt đạo, đẹp đời”, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội và góp phần vào sự phát triển chung của TP.

Ông Hứa Sa Ni, Phó trưởng Khoa Văn hóa Dân tộc, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, dân tộc Khmer mong rằng, TP tiếp tục quan tâm và có nhiều chính sách thiết thực hơn nữa trong thời gian tới để đồng bào dân tộc ngày càng an tâm hơn, cố gắng làm việc, cống hiến nhiều hơn cho TP. Riêng đối với cộng đồng người Khmer, ông Hứa Sa Ni mong rằng TP cần phối kết hợp với 2 ngôi chùa Khmer (tại Quận 3 và quận Tân Bình), nhằm khai thác, tổ chức các hoạt động gắn với du lịch. Đây được xem là 2 trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa tâm linh không chỉ dành riêng cho người Khmer mà đã trở thành nơi tụ hội của người dân TP đến chiêm nghiệm mỗi khi có dịp lễ hội.

Tiếp tục đoàn kết, gắn bó, cùng chung sức phát triển TP

Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc hoan nghênh, đánh giá cao Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP đã duy trì hoạt động thường niên và tổ chức chu đáo buổi gặp mặt; đồng thời, trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp của đồng bào dân tộc hòa chung vào sự đóng góp của toàn dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của TPHCM trong thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc chụp ảnh lưu niệm với các chức sắc các dân tộc tại buổi họp mặt Đồng chí Nguyễn Phước Lộc chụp ảnh lưu niệm với các chức sắc các dân tộc tại buổi họp mặt

Theo đồng chí Nguyễn Phước Lộc, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền TPHCM luôn quan tâm xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân tộc, cụ thể là quan tâm huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Thành ủy, UBND TPHCM và các sở, ngành đã ban hành hơn 30 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ chế để thực hiện chính sách công tác dân tộc. Qua đó, đã thúc đẩy rất tích cực ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc tham gia phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, chú trọng đến tính đặc thù của đồng bào dân tộc trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách công tác dân tộc, gắn liền với chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc cũng nhấn mạnh các hoạt động, các lễ hội đặc trưng theo tập quán xã hội trong cộng đồng các dân tộc TP tạo điều kiện tổ chức, thông qua các hoạt động này đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp là người dân tộc đã tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng vào chỉ số phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và sự phát triển của TP. Bên cạnh đó, từ các đề án, dự án, công trình trọng điểm của TP, ngày càng có nhiều trí thức trẻ là người dân tộc được đào tạo chính quy, bổ sung vào nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của TP.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Phước Lộc yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM kết hợp với các ban, ngành liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Trong đó, đặc biệt quan tâm, cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Triển khai hiệu quả các chính sách chăm lo đồng bào dân tộc của TPHCM gắn với việc huy động sự tham gia và phát huy vai trò giám sát của người dân trong việc triển khai thực hiện các chính sách, động viên khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của cá nhân, gia đình đồng bào dân tộc.

Ngoài ra, cần duy trì nâng cao chất lượng các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…

Trên tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Phước Lộc tin tưởng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân TP và các đại biểu là đồng bào tiêu biểu tiếp tục lan tỏa, truyền động lực phấn đấu, mở rộng ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp nhân dân để đồng bào dân tộc tiếp tục đoàn kết, gắn bó, cùng chung sức phấn đấu, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.

Bên cạnh đó, tham gia các phong trào, các cuộc vận động, các đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cùng thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa TPHCM sớm hoàn thành mục tiêu trở TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, đồng chí Trần Kim Yến khẳng định, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tiếp tục cùng với Ủy ban MTTQ  Việt Nam các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trong đó phát huy vai trò và sự tích cực tham gia của đồng bào dân tộc.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo