Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đổi mới tư duy về hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát phát biểu tại Hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 11/1, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình chính quyền đô thị - Thực tiễn và giải pháp áp dụng tại TPHCM”. Chủ trì Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ TP; PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP; TS Phan Hải Hồ, Đảng ủy viên, Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TP.

Đề xuất bộ máy chính quyền đô thị đồng bộ hơn

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP nhấn mạnh, TPHCM - trung tâm kinh tế, văn hóa lớn, là địa phương đầu tiên tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội. Tổ chức chính quyền đô thị TP được thực hiện theo mô hình đặc biệt. Trong đó, quận và phường chỉ có UBND mà không có HĐND; huyện, xã, thị trấn gồm HĐND và UBND; đặc biệt mô hình TP thuộc TP đầu tiên của cả nước là TP Thủ Đức có đầy đủ HĐND và UBND.

PGS.TS Nguyễn Văn Y phát biểu tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Văn Y phát biểu tại Hội thảo

Để triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, toàn hệ thống chính trị TP đã vào cuộc. Trong đó, Thành ủy đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết về chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.  HĐND và UBND TPHCM, TP Thủ Đức, các quận, huyện và các tổ chức trong hệ thống chính trị TP đã ban hành nhiều văn bản triển khai từ bộ máy, nhân sự, chế độ, tài chính…

Các tham luận hội thảo đã khẳng định chính quyền đô thị là xu thế tất yếu phát triển bền vững tại TPHCM; việc xây dựng chính quyền đô thị sẽ góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết đặt ra đối với mô hình đô thị đặc biệt như TPHCM. Các đại biểu tập trung phân tích những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số phương hướng, giải pháp hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại Hội thảo Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại Hội thảo

Theo nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, dù đã có Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM nhưng cơ chế vận hành chính quyền đô thị chưa có nên TP gặp khó khăn trong thực hiện. Với TP Thủ Đức dù là TP trong TP nhưng hiện nay hoạt động như đơn vị cấp huyện. Vì vậy, cần đề xuất bộ máy chính quyền đô thị đồng bộ hơn, trách nhiệm rõ ràng, bớt tầng lớp để giải quyết công việc nhanh, hiệu quả hơn.

Đồng chí Phạm Phương Thảo cũng đề xuất, cần làm rõ những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP. Nếu nội dung nào cũng đem ra xin ý kiến của UBND sẽ chậm được giải quyết, trong khi có những nội dung có thể phân cấp cho Chủ tịch UBND. Tinh thần trách nhiệm, thẩm quyền giữa chung, riêng phải mạch lạc. Việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị trên tinh thần cấp nào làm tốt nhất giao cho cấp đó.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Các đại biểu tham dự Hội thảo

“Cần tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức nhiều hơn. Các quận, huyện còn lại cần tạo điều kiện về ngân sách và các điều kiện cần thiết để thực hiện các dự án. Trung ương cần cho TP tự chủ về biên chế công chức, viên chức; gắn với chủ động điều tiết về thu nhập; bố trí số lượng các phòng, ban với chức năng cụ thể rõ ràng, phù hợp tính chất đặc điểm quy mô dân số” - đồng chí Phạm Phương Thảo nêu ý kiến.

Cần có khung pháp lý rõ ràng, ổn định bền vững

Để thực hiện hiệu quả hơn mô hình chính quyền đô thị, TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu, Học viện Cán bộ TPHCM đề xuất cần có khung pháp lý rõ ràng, ổn định bền vững, trước mắt định vị mô hình về chính quyền đô thị rõ ràng, cụ thể về cơ chế thực hiện chính quyền đô thị. Đối với TPHCM, cần chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền đô thị và cơ chế chính sách thí điểm. Cùng với đó là tổng rà soát cơ chế thủ tục hành chính, tránh chồng chéo, xung đột các cơ chế pháp lý để chính quyền đô thị TP vận hành trôi chảy hơn.

Từ những vấn đề đặt ra khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, TS Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TP khuyến nghị, Chính phủ cần có tổng kết Nghị định số 33, trong đó phân tích những “điểm vênh” với pháp luật chuyên ngành, với Nghị quyết số 98 để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; chỉ đạo các bộ, ngành tích cực phối hợp với TPHCM triển khai thực hiện các đề án có liên quan; căn cứ đề xuất cụ thể của TP trên từng nội dung, lĩnh vực, Chính phủ xem xét, sớm điều chỉnh hoặc ban hành nghị định có liên quan theo hướng giao TP chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn của TP trên cơ sở hành lang pháp lý của Nghị quyết 98.

TS Phan Hải Hồ cho rằng, TPHCM cần tập trung thời gian để rà soát, xây dựng các quy định, quy chế về cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98 như: cách huy động vốn; thu hút nguồn lực; đầu tư và triển khai các dự án theo TOD (Transit Oriented Development - là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm); cơ chế vận hành các nguồn vốn… để triển khai đồng bộ với mô hình chính quyền đô thị TP.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP cho biết, các bài tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo rất đa dạng, phong phú, bổ ích, thiết thực; gợi mở những vấn đề vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính lý luận; là cơ sở để thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy về hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM trong thời gian tới. Sau Hội thảo, Học viện Cán bộ TP sẽ tổng hợp, chắt lọc các giải pháp, kiến nghị gửi các cấp lãnh đạo TP để góp phần tham gia công tác tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách nhằm hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo