Lãnh đạo chủ trì tại hội nghị (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/8, Huyện ủy Bình Chánh tổ chức Tọa đàm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trên địa bàn huyện.
Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nam; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phạm Văn Lũy; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Đức Thanh chủ trì buổi tọa đàm.
Huyện Bình Chánh hiện có 130 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông với 3.243 lớp, 110.830 học sinh (HS) đang trong độ tuổi đi học. Toàn huyện có 34 trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên chỉ có 3/34 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 và chưa có trường thực hiện mô hình trường chất lượng cao.
Theo bà Phan Thị Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch UBND huyện: “Hiện nay toàn huyện có 254 cán bộ quản lý giáo dục các cấp học, bậc học đạt chuẩn (đạt 100%), 129 cán bộ quản lý trình độ sau đại học, 3.612/3.944 giáo viên (GV) đạt chuẩn. Ngành GD - ĐT huyện đang cần thêm 427 GV (và 63 nhân viên) để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ nhà giáo trên địa bàn huyện”.
Thực tế, do quá trình đô thị hóa nhanh, dân cư tăng cơ học giữa các xã cánh Bắc và cánh Nam không đồng đều, nên hiện nay, trong khi các trường ở cánh Nam đảm bảo điều kiện cở sở vật chất để thực hiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì các trường ở các xã cánh Bắc, như: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày.
Mặc dù tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày có tăng hơn những năm học trước nhưng vẫn còn thấp, việc xây dựng trường “tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại 3 cụm trường Phong Phú, Tân Túc, Vĩnh Lộc B còn chậm, tỷ lệ HS sau tốt nghiệp THPT đạt trình độ ngoại ngữ bậc 1 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc chưa đạt chỉ tiêu.
Toàn cảnh hội nghị Trước những khó khăn thực tế, đồng chí Võ Đức Thanh khẳng định trách nhiệm nâng cao chất lượng giảng dạy là trách nhiệm chung và cũng là trách nhiệm của người đứng đầu từng ngành, từng cấp, đặc biệt là các trường.
Tại tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nam đặc biệt nhấn mạnh và kêu gọi tất cả cán bộ quản lý giáo dục, GV mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phương pháp tích cực chủ động, sáng tạo vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, khắc phục tình trạng học tập một chiều, máy móc.
Sau buổi tọa đàm, UBND huyện, các xã - thị trấn, phòng ban chuyên môn huyện tập trung rà soát nhanh những nội dung cần sửa chữa nhỏ để đáp ứng nhu cầu hoạt động cho năm học mới (năm học 2023-2024). Tất cả vì “phát triển giáo dục là sự chung tay của cả xã hội”.