Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Doanh nghiệp phải liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng để tự cứu mình

(Thanhuytphcm.vn) - Nhiều giải pháp được đưa ra tại tọa đàm: “Tác động của dịch bệnh Covid-19 lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt” diễn ra ngày 28/2 tại TPHCM do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức - ảnh.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết sau chuyến thăm 6 doanh nghiệp (DN) dẫn đầu trong Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) thì hầu hết DN đều chạy theo sự vụ, thị trường, những vấn đề có tính chất tình huống rồi DN nhận ra thị trường bị co hẹp, đơn hàng giảm mạnh khi bị tác động kép – khó khăn cả nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, khi một bộ phận lao động không đi làm, giảm chi tiêu, mua sắm dẫn đến tiêu thụ hàng hóa giảm không chỉ thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước.

Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, các DN dệt may, da giầy, nông sản bị thiệt hại trực tiếp nhất; kế đó là hàng không, bán lẻ, dịch vụ liên quan cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Một số DN đã làm khá tốt khi đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, từ tốt, trung bình đến tệ hơn để kịp ứng phó.

Nhiều DN cho biết đang gặp khó khăn ở nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Ngay cả những DN xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng gặp khó khăn... Nhiều DN thừa nhận thực trạng hiện nay là rất nghiêm trọng, đây là khoản thời gian rất quan trọng khi DN bị đẩy vào chân tường thì DN phải bật ra để tiếp tục sống. Muốn vậy, DN phải rà soát, cơ cấu lại mô hình kinh doanh, bộ máy nhân sự, về thu – chi, báo cáo tài chính và làm mới sản phẩm của mình.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá dịch bệnh Covid-19 trở thành tai họa đối với nền kinh tế thế giới, tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế thế giới. Thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hồng Kông, New York hoảng loạn, các chỉ số mất điểm kỷ lục, các nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc. Các công ty chia cổ tức thấp nhấp từ nhiều năm và tình trạng thiệt hại này chưa thấy điểm dừng. Kinh tế Việt Nam cũng bị thiệt hại nhiều mặt: xuất- nhập khẩu, dệt may, cơ khí, du lịch, vận tải… Chuỗi giá trị bị đứt gẫy; vật tư, nguyên liệu từ Trung Quốc bị gián đoạn...

Cũng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thực tế đáng lo ngại hiện nay là rất nhiều ngành của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc, như dệt may, điện tử…vì vừa rẻ, nhanh, linh hoạt. Chính vì vậy mà ngành dệt may là một trong những ngành đang phải trả giá đắt vì lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Nhiều DN sẽ cạn nguyên liệu trong tháng 3 này.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng “trong họa có phúc, trong nguy có cơ”, DN cần tận dụng thời điểm này đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác. Bên cạnh tái cơ cấu sản xuất, thị trường, tìm đối tác mới, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu mới như từ Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Đồng thời, DN cần vận dụng mạnh công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số, thương mại điện tử... DN phải nhận thức đúng tình hình, tìm giải pháp, không chịu đứng yên, phá sản.

Đặc biệt, DN phải liên kết lại với nhau, nhận chung một đơn hàng và cùng đáp ứng đơn hàng. Việc liên kết ở DN Việt Nam trước giờ còn yếu, đây là lúc DN phải liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng để tự cứu mình. DN chấp nhận thử thách, đau đớn nhưng đừng coi đây là thời điểm phá sản vì phá sản là kết thúc của sự sang tạo. Thay vào đó hãy tìm cách vươn lên, tìm thêm cộng sự, đối tác để cùng hợp tác. Đối với hàng không cần đẩy mạnh khai thông đường bay mới, giảm giá vé hơn nữa. Chính Phủ cũng đang tìm phương án để đưa ra giải pháp hỗ trợ các DN…

“Đến nay, Chính Phủ vẫn giữ mức chỉ tiêu tăng trưởng 6,9-7% nhưng tôi cho rằng không khả thi, sẽ phải sớm có gói kích cầu, cắt giảm thuế, tạo điều kiện cấp vốn cho DN, thúc đẩy tiêu dùng trong nước; giảm mức chỉ tiêu tăng trưởng... Nên vận dụng Chính Phủ điện tử để giảm bớt chi phí in giấy tờ....Như, Thụy Điển là một trong những nước giàu nhất thế giới nhưng chi tiêu công của họ rất ít, chúng ta cần học hỏi. Việt Nam hãy xem dịp này là thử thách để vượt lên, tái cơ cấu để bảo vệ nền kinh tế VN…”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

Sơn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo