Cách đây tròn 50 năm, vào 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta, trở về với thế giới người hiền.
Trái tim của con người có tấm lòng nhân hậu nhất đã ngừng đập. Khối óc của nhà tư tưởng lỗi lạc nhất đã ngừng suy nghĩ. Trong Thông cáo đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta khi đó, cũng như trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Lễ truy điệu trọng thể Người sáng 9/9/1969, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đều nhấn mạnh: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại. Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta” (*) (*).
Hồi tưởng lại sự kiện Bác Hồ ra đi về cõi vĩnh hằng 50 năm trước, mọi thế hệ người Việt Nam đều cảm nhận thấm thía tận đáy lòng nỗi đau mất mát lớn. Đau đớn, tiếc thương vô hạn vì Bác đi xa, chúng ta càng kính trọng, tự hào hơn về Bác, về cuộc đời và sự nghiệp, về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, về di sản vĩ đại, thiêng liêng Người để lại cho Đảng, cho dân tộc, nhân dân và nhân loại. Người dấn thân để tranh đấu cho độc lập, tự do, Người dâng hiến cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của nhân dân, và bởi thế, Người hy sinh cả cuộc sống riêng tư để hóa thân vào dân-nước, Tổ quốc và nhân loại. Tên Người là cả một niềm thơ, tên Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.
Fidel Castro, lãnh tụ Cuba, người bạn lớn thân thiết của Việt Nam đã đánh giá về Người trong bức điện chia buồn gửi Đảng ta: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt”.
Nhà triết học và chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình rất nổi tiếng Bertrand Russell đã nói những lời cảm động: “Trong thế kỷ 20, hiếm có vĩ nhân nào được như Hồ Chí Minh mà sự ra đi của Người lại lấy của nhân loại nhiều nước mắt đến vậy”…
Ngược dòng thời gian, Bác Hồ khởi thảo lần đầu bản Di chúc từ 9 giờ đến 10 giờ ngày 10/5/1965, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người. Bản thảo Di chúc hoàn thành ngày 15/5/1965. Người viết sẵn một dòng chữ: “Chứng kiến, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương” và mời đồng chí Lê Duẩn đến ký.
Từ đó cho đến lúc qua đời, năm nào Người cũng đọc và sửa chữa bản văn mà Người gọi là tài liệu "tuyệt đối bí mật", cũng vào dịp sinh nhật tháng Năm, cũng vào khoảng giờ ấy, mà Người nhận thấy, đó là giờ minh mẫn nhất. Người dành khoảng thời gian ấy để nghĩ về dân, về nước và dặn dò những điều hệ trọng đối với Đảng và Chính phủ. Trái tim Người ngừng đập cũng vào đúng khoảng thời gian buổi sáng, khi Người thường viết và bổ sung, chỉnh sửa Di chúc. Đó là những khoảnh khắc linh thiêng Người đã dành cho đồng bào và các đồng chí của mình khi viết và sửa chữa “bức thư để lại”-như Người nói, với tất cả sự khiêm nhường.
Một điều đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường viết Di chúc trong dịp sinh nhật, nên ở Người không bao giờ có cảm giác bi lụy, ưu phiền. Viết mấy lời để lại trong dịp “mừng sinh nhật 75 tuổi”, Người đã lấy sự sống vượt lên cái chết. Đó là bản lĩnh văn hóa của một con người làm chủ cuộc sống, hoàn cảnh, thấu hiểu quy luật tất yếu để hành động tự do, đầu óc sáng suốt, trí tuệ mẫn tiệp. Người đau nỗi đau nhân thế ở đời, nhưng vẫn tràn đầy niềm tin tưởng, lạc quan, gieo vào lòng người những hy vọng lớn lao và triển vọng tốt đẹp ở tương lai. Hơn ai hết, Người cảm nhận thắng lợi đang đến gần, đó là một điều chắc chắn. Đã làm trọn sự hiến dâng và đã sống hết mình, nên dù phải ra đi, Người không có điều gì ân hận. Người chỉ có một điều tiếc nuối “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” với đồng bào, Tổ quốc mình, với nhân dân và nhân loại, mà tình thương yêu của Người mãi mãi không bao giờ thay đổi. Đó là lẽ sống cao thượng Hồ Chí Minh, đó là nhân cách lớn Hồ Chí Minh.
Bản Di chúc thiêng liêng với hơn 1.000 từ của Người để lại cho mọi người, cho muôn đời sau thực sự là một hiện tượng văn hóa, cho ta thấy rõ có một văn hóa Hồ Chí Minh-văn hóa làm người, văn hóa ở đời với giá trị và ý nghĩa trường tồn.
GS, TS Hoàng Chí Bảo,
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
__________________________
(*) (*) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 15, tr.626.