Thứ Hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người

(Thanhuytphcm.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969), người sáng lập, lãnh đạo và là lãnh tụ vĩ đại nhất của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Một trong những tài sản tinh thần vô cùng quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt phải kể đến là những tư tưởng của Người qua bản Di chúc mà Người đã để lại cho Đảng và dân tộc ta. Giá trị to lớn trong bản Di chúc không chỉ là những lời căn dặn đơn thuần cuối cùng của một người trước lúc đi xa, mà là kết tinh những tinh hoa, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một người đã hiến dâng cả cuộc đời mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, giá trị của bản Di chúc mãi mãi trường tồn, mãi mãi được khắc sâu trong tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng, toàn dân ta.

Cùng với tiến trình của cách mạng Việt Nam, chúng ta càng thấy rõ những giá trị quý báu mà Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc. Nhân Hội thảo khoa học “50 năm Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, xin chia sẻ những suy ngẫm được từ những điều tâm huyết mà Bác để lại cho cán bộ, đảng viên và hậu thế.

1. Di chúc là thư của người chuẩn bị “đi xa”, được viết để gửi gắm lại cho các thế hệ con cháu, bạn bè, người thân… Trong thư ấy thường ghi lại tất cả tâm tư, những điều rất quan trọng cần phải làm, những trăn trở mà người sắp “đi xa” mong muốn hậu thế sẽ làm thay mình… Do vậy, làm theo những điều Bác dặn trước lúc Bác đi xa là việc hệ trọng. Đọc từng câu, từng lời Bác viết trong Di chúc, càng thấm thía những ý tứ hàm chứa Bác gửi gắm để mong muốn xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự “vừa hồng, vừa chuyên”; xây dựng một Đảng cộng sản cầm quyền thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng một đất nước độc lập, tự do, dân chủ, văn minh, giàu mạnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Với hơn 1200 từ, Di chúc của Người là những mệnh lệnh của người chỉ huy, là những hoạch định của người lãnh đạo cho tương lai đất nước, là những tâm tình của người đồng chí – người đảng viên chân chính, vĩ đại của Đảng ta. Đó là những điều sau đây:

(1)- Phải luôn tin tưởng vào vai trò của nhân dân, biết phát huy sức mạnh và phẩm chất tốt đẹp của nhân dân. Bởi vì như Bác viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.”

“Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. 

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

(2)- Phải thương yêu, kính trọng và chăm lo cho nhân dân; người lãnh đạo cần dành thời gian để thăm hỏi tình hình dân chúng. Điều này được hàm chứa trong ước muốn của Bác: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

“Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người.”

“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.”

(3)- Phải giữ đạo lý sống có tình nghĩa thủy chung, đền ơn đáp nghĩa, giữ nếp sống trọng ân tình. Bác dự tính cũng chính là gửi gắm cho Đảng việc phải làm để nhân dân thế giới luôn đánh giá cao truyền thống đạo lý của dân tộc: “Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.”

Bác mong muốn Đảng ta phải luôn ghi nhớ những đóng góp lớn lao của toàn dân: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người.”

(4)- Phải luôn nhận thức sâu sắc bài học quý báu về truyền thống đoàn kết của dân tộc, một trong những căn nguyên tạo thành thế mạnh của Đảng đó là biết phát huy truyền thống đoàn kết. Đây cũng là vấn đề quan trọng mà ngay từ “Đường Kách mệnh” – tác phẩm đầu tiên dạy cho nhân dân làm cách mạng, Bác đã khẳng định đoàn kết là chiến lược nhất quán và xuyên suốt để tập hợp lực lượng cách mạng và là nhân tố quyết định sự thành công. Hơn 40 năm sau, trong Di chúc, Bác đã đúc kết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Lời Bác dặn vô cùng ý nghĩa, vấn đề đoàn kết cực kỳ quan trọng, không giữ được đoàn kết thì như sa vào đêm đen, lạc lối, vấp ngã.

(5)- Phải tuân thủ các nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng; hiểu rõ mối quan hệ giữa các nguyên tắc để phối hợp trong thực hành.  “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Ba dòng súc tích, Bác nhắc đến các nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng: nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác.

(6)- Phải giữ vững vai trò lãnh đạo của một đảng cầm quyền trên nền tảng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng và năng lực: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Đọc những dòng này, lại nhớ “Đường Kách mệnh”. Bởi vì đạo đức cách mạng là nền tảng của người cách mạng, của Đảng cách mạng; “có đạo đức cách mạng mới gánh được nặng, đi được xa” cho nên từ “Đường Kách mệnh” đến “Di chúc” Bác đều đề cập đến việc gìn giữ.

(7)- Phải chú trọng thường xuyên công tác đào tạo đội ngũ kế thừa và bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp cách mạng: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng", vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Bác luôn nhìn thấy tiềm lực ở lớp người trẻ tuổi mà nó sẽ phát huy khi được đào tạo, huấn luyện một cách đúng đắn. Bác dặn Đảng cần tin tưởng vào khả năng của họ. Lời dặn dò này của Bác càng khẳng định quyết tâm cách mạng mà Bác đã khẳng định từ những năm đầu thế kỷ 20: “Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong” vì làm cách mệnh là “Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó”[1]  

Bác hoạch định một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội

(8)- Bất luận mọi hoàn cảnh, người cách mạng, Đảng cách mạng phải luôn kiên định mục tiêu cách mạng. Là nhà lãnh đạo, người chiến sĩ nhưng trước lúc đành phải rời xa cuộc kháng chiến anh dũng của toàn dân đang trong thời kỳ đế quốc Mỹ triển khai cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, Bác đã khẳng định một cách cương quyết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”

 “Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Từ “nhất định” được Bác nhắc những 6 lần trong Di chúc thể hiện ý chí kiên định và là niềm tin tất thắng của chính nghĩa. Trong những lời quyết tâm ấy còn chứa đựng tình cảm ưu tư của Bác về những hy sinh to lớn của toàn dân. Bác viết hai từ “Dù sao,” như gửi vào đấy sự động viên, cổ vũ nhân dân; như mệnh lệnh người chỉ huy trên chiến trường oanh liệt. Lời của Bác như lệnh tiếng công!

(9)- Phải vươn lên khẳng định tầm vóc của dân tộc và đất nước ta trên trường quốc tế. Bác viết: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Đây là lời khích lệ của Bác gửi nhân dân. Bác nhắn nhủ nhân dân hãy viết tiếp những trang vẻ vang vào lịch sử của dân tộc.  

(10)- Phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm của cách mạng Việt Nam với phong trào Cộng sản thế giới. Bác viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác -Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Với tư cách người chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, thủy chung, luôn quan tâm đến sự phát triển chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Bác đã gửi sự ưu phiền vào Di chúc như là gửi gắm mong muốn thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng.

(11)- Phải luôn gắn tâm tư, ước nguyện với lợi ích của nhân dân và phấn đấu vì tương lai tươi sáng của dân tộc thì mới xứng đáng với danh hiệu người cộng sản chân chính. Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”

Những nuối tiếc của Bác không dành cho bản thân mình, cao đẹp như cuộc đời của Bác. Tâm tư của Người cho đến cuối cùng vẫn là tâm tư một công bộc của nhân dân.

(12)- Phải nắm rõ quy luật vận động của tự nhiên và xã hội; hiểu rõ chính bản thân, mạnh dạn đối diện thực tế để luôn có tư thế sẵn sàng, chủ động. Bác viết: “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, …nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.

Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?

Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các-Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

Những dòng tâm sự thiết tha ấy đã toát lên một phong cách tuyệt vời: phong cách tư duy khoa học, khách quan, sáng suốt; phong cách ứng xử đậm chất văn hóa phương Đông: biết mình, biết người, biết thời thế…, phong cách làm việc cẩn thận, sắp xếp hợp lý…

2. Đọc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Người công bộc” vĩ đại của Nhân dân, càng hiểu thật sâu sắc quan điểm của Người về vai trò người cán bộ, đạo đức và năng lực làm “người đầy tớ trung thành của nhân dân”. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” do vậy đây cũng là điều vô cùng quan trọng nên Người cẩn thận, khéo léo nhắn nhủ lần nữa trước lúc đi xa: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Bác đã từng viết: “Nhiệm vụ của chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đày tớ cho dân…Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò”[2]. “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân”[3]. “Cán bộ từ trung ương đến xã đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”[4]; “Làm cán bộ là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”[5].

“Suốt đời”, theo quan điểm của Bác là phải phục vụ nhân dân cho đến lúc “sẽ đi gặp cụ Các-Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, cũng có nghĩa là người cán bộ, đảng viên cần có ý chí bền bĩ, phải rèn luyện sức khỏe mới cống hiến cho sự nghiệp cách mạng một cách trọn vẹn; đồng thời, điều này cũng yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, có năng lực thì mới “gánh được nặng, đi được xa”; làm theo tấm gương của Bác – làm cách mạng “suốt đời” tức là phải học tập, làm việc, chiến đấu cho đến lúc “theo chân Bác” “về với các cụ C.Mác, Lênin và các vị cách mạng đàn anh”.

“Đày tớ”, “phục vụ” – những từ được Bác dùng thường xuyên và nhấn mạnh để xác định rõ ràng vai trò và năng lực cần phải có của người cán bộ, đảng viên chân chính. Đó là làm người phục vụ Nhân dân chứ không phải “làm quan Nhân dân”. Muốn là người đày tớ được người chủ - nhân dân của mình yêu quí thì phải là người có phẩm chất tốt, có năng lực đáp ứng công việc. Năng lực phải có để “phục vụ nhân dân” được thể hiện qua các yếu tố: tri thức, kỹ năng, thái độ, hành vi. 

*

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai; là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người. Những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản tỏa sáng từ Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tác phẩm đã định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng, phát triển đất nước trong tương, lai; khẳng định tầm quan trọng của nhân tố đạo đức đối với Đảng cầm quyền. Vì vậy, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như mong muốn của Người.

Cùng với cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong tâm hồn, trí tuệ dân tộc Việt Nam và sự trân trọng, kính phục của nhân dân thế giới.

Hiện nay toàn Đảng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 50 năm thực hiện Di huấn của Bác là nhiệm vụ thiêng liêng. Do đó, một trong những việc trước tiên người đảng viên cần làm đó là: bảo vệ giá trị Di chúc – văn bản tổng lược những quan điểm toàn diện và sâu sắc của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tức bảo vệ giá trị Tư tưởng Hồ Chí Minh. Thật thà, nghiêm túc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; kiên quyết chống tình trạng mà đồng chí Trần Bạch Đằng đã từng khuyến cáo: “từng chữ, từng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường được nhắc,…song nhắc như một loại công thức, cốt tô điểm và đôi khi người nhắc chẳng có tư cách để nhắc, suy cho cùng, đó là lối làm mờ nhạt ý nghĩa của tư tưởng lớn”[6].

TS. Bùi Thị Ngọc Trang

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

---------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, (2000), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, (2011), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, (2011), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, (2011), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, (2011), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, (2011), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

7. Phan Văn Hoàng (sưu tầm), (2018), Hồ Chí Minh Chân dung và di sản, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

[1] Nguyễn Ái Quốc: Đường Kách mệnh.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, tr.432

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, tr.113

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, tr.110

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, tr.670

[6] Trần Bạch Đằng: Sđd.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo