Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đề xuất 4 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quốc hội họp sáng 27/5

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 27/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho UBTVQH tổ chức giám sát.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TPHCM; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Thảo luận về nội dung này, các ý kiến đều đánh giá cao từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác giám sát đã có nhiều đổi mới, tăng cường, ngày càng thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, giảm tối đa phiền hà, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị liên quan. Điều đó đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác ban hành, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, xử lý được nhiều vụ việc tồn đọng, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân.

ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội) góp ý cần tiếp tục phân định rõ, nâng cao tính đồng bộ, sự kế thừa trong hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Cần nâng cao hiệu quả phối hợp, điều phối giữa các cơ quan để nâng cao hiệu quả giám sát, đảm bảo tính khách quan, độc lập.

Góp ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đồng tình với các chuyên đề giám sát về chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện các nghị quyết về chính sách phục hồi kinh tế và một số dự án, công trình quan trọng quốc gia. Đối với chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội và chuyên đề giám sát trật tự, an toàn giao thông, ĐB cho rằng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát hoạt động lập pháp.

ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) lại đồng tình lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”. Chuyên đề này cần tập trung hơn vào phát triển, quản lý nhà ở xã hội, vì chính sách nhà ở xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đại biểu cho biết, tuy pháp luật, chính sách đã có, nhưng việc triển khai nhà ở xã hội cho người dân còn nhiều khó khăn, còn khoảng cách xa so với mục tiêu, nhu cầu đặt ra. Qua giám sát để định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách, bảo đảm giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, hiện nay, tình hình kinh tế có dấu hiệu suy giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường không ít, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới cũng giảm. Vì vậy, ĐB mong muốn Quốc hội chọn chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”. ĐB cũng cho rằng, việc giải ngân đầu tư công hiện nay còn chậm, trong khi thời hạn thực hiện Nghị quyết số 43 không còn nhiều, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội gói hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư để phục hồi, phát triển một cách toàn diện nền kinh tế.

ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho rằng, điểm mới của nhiệm kỳ này là quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình giám sát hàng năm, Quốc hội và UBTVQH đã triển khai sớm các Chương trình giám sát năm. ĐB đề xuất Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn và các vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, ngoài 4 chuyên đề UBTVQH đề nghị đại biểu lựa chọn, có một số ý kiến đại biểu đề nghị lựa chọn thêm các lĩnh vực khác. Trên cơ sở ý kiến thảo luận và kết quả phiếu xin ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát Quốc hội năm 2024, Nghị quyết về thành lập các đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội trong kỳ họp…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo