Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Để giảm nghèo đa chiều bền vững, phải giảm tỷ lệ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam)

(Thanhuytphcm.nn) - Sáng 27/7, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội về chương trình này với 6 dự án (11 tiểu dự án), phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 75.000 tỷ đồng.

Các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đã góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo. Việt Nam lần đầu tiên và là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới…

Tuy nhiên, các đại biểu (ĐB) cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai chương trình này. ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, khi áp dụng chuẩn nghèo mới, chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng cao. Do đó, việc bố trí nhân lực, nguồn lực cho chương trình này phải bảo đảm khả thi, nhất là việc bố trí vốn đủ để thực hiện.

Quốc hội họp sáng 27/7 Quốc hội họp sáng 27/7

ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) nhất trí việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm xóa bỏ đói nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid-19 gây khó khăn cho ngân sách, trong khi đó đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng do dịch bệnh sẽ nhiều hơn. Do đó, để bảo đảm tính khả thi của chương trình, Chính phủ cần rà soát để thực hiện chương trình hiệu quả, không trùng lắp, không bỏ sót đối tượng. Cần bỏ chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo kiểu cho không để hạn chế tính ỷ lại, nhưng đồng thời phải tăng cường lồng ghép các dự án để bảo đảm người nghèo, cận nghèo được thụ hưởng ở mức cao nhất. ĐB Nguyễn Thị Minh Trang cũng cho rằng, phải bảo đảm hạn chế việc trục lợi chính sách giảm nghèo cũng như không để việc giảm nghèo chạy theo thành tích, tô hồng kết quả thực hiện.

ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, cần ưu tiên cho việc đào tạo nghề cho người nghèo để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần hạn chế việc trợ cấp, hỗ trợ tự phát cho người nghèo. Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo để hạn chế việc trục lợi. Còn ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) và một số ý kiến cho rằng, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh. Chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Các ĐB cũng nêu quan điểm, Chính phủ trước khi quyết định Chương trình cần khẩn trương tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh theo hướng: các mục tiêu cụ thể cần định lượng được kết quả thực hiện, đồng thời bổ sung các chỉ tiêu để đo lường được hết các mục tiêu cụ thể; đảm bảo không có sự trùng lặp giữa các chỉ tiêu. ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng đồng ý quan điểm phải khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Song song đó, phải thiết kế chính sách để hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo.

Đáng chú ý, một số ĐB thống nhất cho rằng, đất nước hàng năm đều có thiên tai, bão lũ, do đó, người nghèo rất dễ bị tổn thương, có một bộ phận trường hợp không thể nào thoát nghèo, cần phải tách bộ phận này ra thành nhóm riêng để có chính sách bảo trợ riêng, không đưa chung trong chương tình giảm nghèo bền vững.

Phát biểu làm rõ về các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung xin tiếp thu ý kiến thâm huyết của ĐB Quốc hội; cam kết sẽ hoàn thiện chương trình, rà soát để bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo, bảo đảm người nghèo được thụ hưởng tối đa chính sách, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo