Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Đề án Phát triển quan hệ lao động bước đầu đã có tác động tích cực, tạo bước chuyển mới

Công nhân lao động tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng (ảnh minh họa)

(Thanhuytphcm.vn) – UBND TPHCM vừa báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ lao động tại TPHCM giai đoạn 2022 – 2026”.

Theo báo cáo, Đề án “Phát triển quan hệ lao động tại TPHCM giai đoạn 2022 – 2026” được xây dựng và triển khai với 6 nhóm giải pháp căn bản, làm nền tảng cho việc xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn TP, tạo cơ sở cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, người lao động, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh lành mạnh, ổn định và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là một yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP.

Trong  giai đoạn 1 (năm 2022 – 2024), Đề án tập trung chủ yếu tuyên truyền, triển khai, kiện toàn các thiết chế quan hệ lao động và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Nhưng có thể thấy, qua quá trình góp ý xây dựng và triển khai Đề án, các sở, ban, ngành cũng đã nhận thức, hình dung rõ hơn trước về quan hệ lao động, về các giải pháp tác động đến quan hệ lao động, qua đó, lực lượng làm công tác về quan hệ lao động tại TP đã có chuyển biến về nhận thức trong các giải pháp tác động đến quan hệ lao động.

Theo đó, Đề án Phát triển quan hệ lao động đã được triển khai đến các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn TP, bước đầu đã có tác động tích cực, tạo bước chuyển mới về mặt nhận thức trong công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động và quan hệ lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đặc biệt, người sử dụng lao động đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong quan hệ lao động, quan tâm chăm lo lợi ích, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nên tình hình ngừng việc tập thể xảy ra tại TP giảm, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động được tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần, nắm bắt tình hình tâm tư nguyện vọng của người lao động được thực hiện tốt, kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc chính đáng của người lao động, góp phần hạn chế ngừng việc tập thể, đình công không đúng quy định pháp luật.

Những năm gần đây, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã được quan tâm nhiều hơn, nhất là qua việc thực hiện Đề án Phát triển quan hệ lao động tại TP. Tuy còn nhiều khó khăn khách quan, cùng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ văn hóa còn yếu và thiếu, nhưng nhìn chung các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị TP đã có sự quan tâm, tiếp tục chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động tại TP.

Giai đoạn 2022 – 2024 và những năm tiếp theo, TP tiếp tục là nơi có mật độ tập trung công nghiệp cao nhất trong cả nước, tính trên cả 3 chỉ số là số lượng và mật độ các khu công nghiệp; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Mức độ công nghiệp, lao động cao trong đó phần lớn là những doanh nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ tiếp tục là một trong những yếu tố cơ bản dẫn tới những diễn biến phức tạp trong quá trình vận hành của quan hệ lao động tại TP.

Hơn nữa, Việt Nam đã là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác, việc thực hiện các cam kết này sẽ xuất hiện những thách thức trong quá trình hội nhập toàn cầu và quản lý lao động tại Việt Nam khi thực hiện các cam kết về lao động theo tiêu chuẩn lao động quốc tế. Từ đó, đòi hỏi phải đổi mới quản lý nhà nước về quan hệ lao động là một yêu cầu tất yếu.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của đội ngũ phụ trách về quan hệ lao động trong các cơ quan quản lý Nhà nước về quan hệ lao động ở cấp TP, quận, huyện, TP Thủ Đức theo mục tiêu của Đề án đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Hiện nay, tồn tại khoảng cách giữa pháp luật và thực tiễn quan hệ lao động từ bấy lâu nay và làm thế nào để thu hẹp khoảng cách này cũng là nội dung quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi, bổ sung pháp luật về quan hệ lao động và pháp luật khác có liên quan từ thực tiễn của TP.

Theo báo cáo, UBND TP kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp  tục hướng dẫn về chuyên môn cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Quyết định số 416/QĐ-TTg, Đề án Phát triển quan hệ lao động thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; Chỉ đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương tiếp tục hỗ trợ các cơ quan chuyên môn của TP triển khai thực hiện Đề án, trong đó, đề nghị tập trung hỗ trợ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; Hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình tổ chức thực hiện Đề án; Hỗ trợ hoạt động tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn về quan hệ lao động cho đội ngũ cán bộ của TP; Hỗ trợ hoạt động sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án; Thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật khác theo yêu cầu…

Liên đoàn Lao động TP kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn trong việc tổ chức thực hiện các nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW và Quyết định số 416/QĐ-TTg, Đề án thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp, hỗ trợ các cơ quan liên quan tại TP triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Quyết định số 416/QĐ-TTg, Đề án theo nội dung được phân công; tổ chức hội thảo, tập huấn cho các doanh nghiệp về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung của Đề án, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tạo sự đồng thuận, cùng tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo