Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đẩy mạnh công tác truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 30/8, tại Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh đã diễn ra Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý âm nhạc Khmer Nam Bộ, giảng viên và sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh Thạch Thị Dân cho biết, hội thảo là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong việc sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo, truyền dạy âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ; chia sẻ những nghiên cứu về thực trạng bảo tồn cũng như phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian nói chung, âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số và âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ nói riêng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, với xu thế hội nhập và giao lưu ngày càng sâu rộng, sự ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng phương Tây, sự tác động của các loại hình âm nhạc hiện đại, nền âm nhạc dân gian của người Khmer Nam Bộ đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức; nhiều loại hình, loại thể đang có nguy cơ bị mai một, đánh mất bản sắc, trong đó, có các loại hình cần bảo tồn khẩn cấp như kịch múa Yeak Rom - Rô băm, nghệ thuật trình diễn dân gian Chầm riêng Chà pây. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay là nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải từ bỏ đam mê vì công việc mưu sinh nhọc nhằn; giới trẻ ngày càng thờ ơ và không mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Trước thực trạng này, theo Tiến sĩ - Nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Sóc Trăng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm dân ca, dân nhạc và nhạc khí để hệ thống hóa, in ấn thành bộ tuyển tập. Các trường ĐH, trường văn hóa - nghệ thuật trong khu vực ĐBSCL cần phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh tiến hành thực hiện các công trình nghiên cứu và xác lập các quy phạm đặc trưng của kho tàng nhạc khí dân gian Khmer Nam Bộ, biên soạn thành sách giáo khoa đưa vào chương trình đào tạo, tập huấn và truyền nghề để xây dựng một đội ngũ kế thừa trong cộng đồng người Khmer.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng nhà nước cần có chế độ chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ người Khmer; có chế độ ưu tiên đặc biệt đối với những người đang theo học các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc, nhất là thế hệ trẻ con em đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Một trong các tiết mục trình diễn âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ Một trong các tiết mục trình diễn âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ

Nam Bộ là vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc như Kinh, Khmer, Hoa, Chăm,… Trong đó, Khmer là tộc người có dân số đông nhất trong các tộc người thiểu số ở Nam Bộ. Người Khmer đã tạo dựng một nền văn hóa - nghệ thuật dân gian độc đáo và đa dạng, với nhiều loại hình và thể loại khác nhau, gắn bó mật thiết với nhịp sống đời thường, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ. Có thể nói, nền âm nhạc dân gian của người Khmer Nam Bộ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện và khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam. Chính vì vậy, các loại hình này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Khmer Nam Bộ cũng như các dân tộc Việt Nam. Âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, tâm hồn của người Khmer nói riêng, mỗi con người Việt Nam nói chung, đặc biệt là trong thời đại mới, góp phần phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị của đất nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.

Dịp này Trường ĐH Trà Vinh cũng tổ chức trao Chứng nhận cho 30 học viên lớp truyền dạy nghệ thuật Chầm riêng Chà pây. Học viên tham gia lớp học thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, bao gồm sinh viên các trường ĐH, trường dân tộc nội trú, nghệ nhân, nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật Khmer khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức phục dựng âm nhạc trong các trò chơi dân gian, hát ru và dàn nhạc Arak của người Khmer Nam Bộ.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thưởng thức là chương trình trình diễn âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ với các thể loại như hát ru, hát đối đáp, hát ngẫu hứng, trình diễn nhạc cụ, phục dựng nghi lễ truyền thống,…

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo