Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đảm bảo tiến độ, chất lượng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công

Thủ tướng Phạm Minh Chính

(Thanhuytphcm.vn) - Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là gần 500 ngàn tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%. Như vậy nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 còn rất lớn.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do khâu tổ chức thực hiện còn yếu, thiếu đồng bộ, thông suốt, việc khắc phục những tốn tại, yếu kém chưa kịp thời… nên tình hình giải ngân đầu tư công thời gian qua vẫn chậm; nhiều bộ, ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, có đơn vị giải ngân vốn đầu tư công bằng 0%.

Ngoài nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 gây ra, ảnh hưởng đến giải ngân do thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội…, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó, việc chuẩn bị đầu tư chưa kỹ càng, dàn trải, chưa sát thực tế, thiếu tập trung, không đúng với bản chất của đầu tư công là đầu tư cho phát triển. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp trong tổ chức thực hiện có lúc thiếu tập trung, cụ thể, thiếu giám sát, kiểm tra. Công tác giải phóng mặt bằng có nơi thiếu minh bạch, chưa tuyên truyền, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, ủng hộ, thực hiện. Công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng có nơi còn bất cập, thiếu minh bạch. Việc thẩm định, tư vấn, thanh quyết toán còn chậm chạm.

Biểu dương các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%, song, Thủ tướng cũng thẳng thắn phê bình nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 40% và đề nghị cấp ủy, chính quyền kiểm điểm nghiêm túc về tình hình chậm giải ngân, xem xét, xử lý những tập thể, cá nhân trì trệ, thậm chí có sai phạm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Quang cảnh Hội nghị Quang cảnh Hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước vẫn rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cần tập trung các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa mở cửa có lộ trình để khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội, mà một trong giải pháp quan trọng là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ còn 3 tháng là kết thúc năm 2021, trong khi nhiệm vụ giải ngân còn lại chiếm hơn 50% kế hoạch, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, chưa thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” cần tranh thủ làm các thủ tục để khi hết giãn cách xã hội có thể bắt tay ngay vào triển khai.

Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổ chức kiểm soát dịch bệnh thật tốt để có điều kiện khởi động lại và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; chuẩn bị kỹ càng các dự án, đúng với tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư cho phát triển; lấy đầu tư công làm vốn mồi để dẫn dắt đầu tư tư, huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, nhất là vai trò người đứng đầu; phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ đạt cao nhất có thể; vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả; song song với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến đến hết tháng 9/2021, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt hơn 218 ngàn tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó vốn trong nước đạt 51,71%; vốn nước ngoài đạt 12,69%.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Đến nay, có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; 46/50 bộ, cơ quan Trung ương và 52/63 địa phương giải ngân đạt dưới 60%. Có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021, với tổng số vốn là gần 22 ngàn tỷ đồng...

Lý giải của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều yếu tố như: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn... Bên cạnh đó, năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Đặc biệt, năm 2021, kinh tế - xã hội nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nên ảnh hưởng trực tiếp đến giải ngân vốn đầu tư công...

Theo phản ánh của đại diện thành phố Hà Nội, TPHCM, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam..., ngoài các khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến “đóng băng” thi công các công trình, dự án, có một số khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hồ sơ, thủ tục pháp lý của các dự án; các hạn chế về mặt chủ quan như năng lực quản lý, thực hiện dự án của chủ đầu tư; sự phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt, đầu tư dàn trải...

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo