Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ giấy chuyển viện để tạo thuận lợi cho người bệnh

Phiên họp Quốc hội sáng 20/11

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Điều hành phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội dành 1/2 ngày để thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Việc này đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước, do đó, tại kỳ họp thứ 6 nội dung này đã được đưa vào vào chương trình kỳ họp để các ĐBQH thảo luận.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.

Thảo luận về nội dung này, các ý kiến đều đánh giá đây là hoạt động đổi mới của Quốc hội khóa XV, được cử tri và nhân dân đánh giá cao; cử tri mong muốn đây sẽ là hoạt động thường xuyên tại các kỳ họp Quốc hội. Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa, trả lời đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri, giải quyết những tồn tại, hạn chế, giải quyết dứt điểm những kiến nghị trong lĩnh vực quản lý, nhất là những kiến nghị liên quan đến đời sống dân sinh, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng tiến độ để báo cáo trước cử tri. 

Theo ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), có những nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được giải quyết; trong đó những kiến nghị về việc hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. ĐB dẫn chứng, cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho người và các cơ sở chăn nuôi có heo bị buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả heo Châu Phi từ năm 2021 đến nay. Nhưng thời điểm hiện tại, dịch tả heo Châu Phi lại đang có nguy cơ bùng phát, ĐB cho rằng việc hỗ trợ thiệt hại cần được thực hiện kịp thời. Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo Bộ NN-PTNT khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, góp phần giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

ĐB Nguyễn Văn Huy cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng nêu nhiều kiến nghị của cử tri chậm được giải quyết, khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ. Đơn cử vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ LĐTB-XH và của Bộ Y tế liên quan đến kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn của cả nước. Đây là vấn đề cử tri quan tâm từ rất lâu và bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào của đoàn ĐBQH của tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến. Bộ LĐTB-XH đã nhiều lần ghi nhận và hứa và sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này.

Đặc biệt, vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) nêu rõ, hiện nay người dân rất bức xúc về vấn đề chuyển BHYT. ĐB chỉ rõ, chuyển BHYT có hai ý nghĩa quan trọng, đó là quản lý quỹ BHYT và không để người dân vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều đối với những bệnh thông thường. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần công khai danh mục kỹ thuật mà các cơ sở y tế cấp huyện có thể thực hiện, còn những gì không làm được thì người dân được phép chuyển lên tuyến trên.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương cho rằng, nhiều cử tri phản ánh khi đi khám bệnh phải xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi. 93% dân số Việt Nam có BHYT, giấy chuyển viện trở thành barie (hàng rào) với bệnh nhân trong khi công nghệ thông tin phát triển, liên thông kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã trở nên dễ dàng. Do đó, cần thông tuyến dễ dàng hơn nữa. ĐB đề nghị khi sửa Luật BHYT sắp tới, các cơ quan cần hướng đến mục tiêu người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh tật, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc của người có BHYT, “phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất của Luật Bảo hiểm y tế tới đây”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

ĐB Nguyễn Anh Trí đánh giá cao Nghị định 75 mới đây của Chính phủ, vì đã điều chỉnh tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế (giới hạn chi quỹ BHYT) của các bệnh viện mỗi năm để thực hiện thanh toán theo giá dịch vụ. Theo đó, các dịch vụ BHYT sẽ được thanh toán theo thực tế, tức là cơ sở khám chữa bệnh cung cấp thuốc gì, vật tư y tế nào thì sẽ được BHYT thanh toán cái đó. ĐB Nguyễn Anh Trí cảm ơn Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Nghị định 75 để chấm dứt một “rừng rào cản” gây phiền hà kéo dài dùng dằng suốt mấy năm qua. ĐB mong các cơ sở y tế, bệnh nhân giám sát để nghị định được thực thi đúng trong thực tế, không bị biến tướng.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp Quốc hội sáng 20/11 Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp Quốc hội sáng 20/11

Về danh mục thuốc được BHYT chi trả, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị bổ sung các bệnh lý nam khoa đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa vào danh mục phân loại bệnh tật quốc tế thì phải được BHYT thanh toán thuốc. Mặt khác, sửa Luật BHYT sắp tới, đề nghị bỏ danh sách thuốc được BHYT thanh toán, bởi điều trị bằng thuốc gì, phác đồ nào là do bác sĩ căn cứ vào mức độ bệnh và trình độ, kinh nghiệm của họ cũng như cập nhật tiến bộ y học thế giới nhằm đạt hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. “Danh mục thuốc, vật tư y tế đó phải do bác sĩ, ngành y quyết định sử dụng. Bệnh nhân dùng thuốc gì, phác đồ nào nếu đúng và hiệu quả thì BHTT phải thanh toán như vậy, xin đừng có cái danh sách thuốc được BHYT thanh toán nữa", ĐB phát biểu.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo