Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Công đoàn cần làm tốt vai trò đại diện, chăm lo cho đoàn viên, người lao động

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 1/12, các đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã tiến hành thảo luận tại 10 trung tâm để thảo luận các văn kiện trình tại Đại hội, trong đó tập trung góp ý cho Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn loa động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Các ý kiến tập trung thảo luận về nội dung thúc đẩy đối thoại, thương lượng thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc; đảm bảo an ninh trong công nhân; xây dựng mô hình tự quản trong công nhân lao động ở các khu công nghiệp…

Tại trung tâm thảo luận số 7, nhiều ý kiến đề nghị cần quan tâm đầu tư xây dựng khu nhà ở tập thể tập trung dành riêng cho công nhân lao động, vì hiện nay số doanh nghiệp hỗ trợ, xây dựng nhà ở chỗ công nhân chưa nhiều. Tổng LĐLĐ Việt Nam cần dành sự quan tâm, có chủ trương đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội với các tỉnh, thành đặc thù, để cho đoàn viên, người lao động có thu nhập thấp được tiếp cận và có cơ hội được hưởng lợi chương trình, qua đó người lao động sẽ yên tâm công tác và cống hiến lâu dài… Theo các đại biểu, thực tế hiện nay, số lượng công chức viên chức, người lao động chưa có nhà ở, phải đi thuê nhà ở còn rất lớn; với mức chi phí thuê nhà cao, trong khi đó thu nhập từ lương của người lao động lại rất thấp (khoảng 5-7 triệu đồng/tháng).

Tại trung tâm thảo luận số 1, các ý kiến thảo luận cũng tập trung vào việc công đoàn cần làm tốt vai trò đại diện, chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội nêu ý kiến cần đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới khu vực phi chính thức vì hiện nay việc dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức đang diễn ra ngày càng rõ.

Đối với vấn đề thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam nêu thực tế khó khăn từ phía công đoàn cơ sở trực tiếp tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Hiện theo quy định thì vấn đề lương cơ bản, tiền lương hàng năm sẽ do công đoàn cơ sở thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt thì việc thương lượng không phải vấn đề quá khó; nhưng khi doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh không tốt thì việc thương lượng, đàm phán thực sự khó khăn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, vì hầu hết là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, ăn lương của chủ doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, nhiệm kỳ qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thương lượng để tăng tiền lương của người lao động lên 25% so với đầu nhiệm kỳ. Ngoài ra, tổ chức công đoàn cũng chú trọng việc chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động như tổ chức giải bóng đá công nhân toàn quốc, chương trình Giờ thứ 9 (gameshow mới dành cho công nhân), tổ chức thành công cuộc thi sáng tác văn học về công nhân và công đoàn…

Trước thềm đại hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức 10 diễn đàn chuyên đề để thảo luận, đưa ra các sáng kiến về 10 vấn đề lớn của tổ chức công đoàn Việt Nam, như làm thế nào để phát triển đoàn viên mạnh mẽ hơn nữa, làm thế nào để công tác thương lượng đi vào thực chất, giải pháp nào để nâng cao chất lượng công đoàn tham gia xây dựng chính sách pháp luật…

Sáng 2/12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ tổ chức phiên trọng thể, chính thức khai mạc đại hội. Đại hội sẽ nghe phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo