Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cơ chế chính sách pháp luật thay thế phải tạo sự chủ động cho TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 30/7, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo tinh thần Nghị quyết số 54/2017/QH14”. Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Thành ủy viên, Giám đốc Học viện Cán bộ TP; TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.

Tạo sự chủ động cho TPHCM mạnh mẽ hơn

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho biết, Hội thảo được tổ chức với mục tiêu góp phần tổng kết thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong gần 5 năm qua. Đồng thời cung cấp cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý để đề xuất, tư vấn các cơ quan hữu quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách mới, thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 để phát triển bền vững TPHCM trong bối cảnh, điều kiện mới. Ban tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận 67 bài tham luận khoa học.

Đồng chí Nguyễn Tấn Phát phát biểu tại hội thảo Đồng chí Nguyễn Tấn Phát phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế tháo gỡ những điểm nghẽn của TPHCM, giúp TP bứt phá, tăng tốc phát triển, từ đó tạo thêm động lực cho kinh tế cả nước. Nhấn mạnh đến tiềm lực to lớn của TPHCM cũng như những điểm nghẽn của TP hiện nay, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng, nếu không gỡ được các điểm nghẽn sẽ còn “khó dài dài”. Có những khó khăn còn vượt ra ngoài Nghị quyết số 54; có những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật… “Tôi nghĩ phải gỡ ở tầm cao, ở tầm chính sách, pháp luật, tầm Bộ Chính trị; phải có ý chí quyết tâm chính trị mới có thể gỡ được điểm nghẽn tại TPHCM.” - đồng chí Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.

Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thả Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thả

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, Nghị quyết của Trung ương, cơ chế chính sách pháp luật thay thế phải tạo sự chủ động cho TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn. Trong tình hình chưa chuẩn bị được Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, có thể kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 54 và phải tháo gỡ thêm một số vướng mắc cụ thể. Trong đó, có các nội dung liên quan đến cán bộ, công chức cấp phường. Vấn đề phải có Nghị quyết, phải có luật hóa cơ chế chính sách mạnh hơn nữa mới xử lý được tình hình. Có những vấn đề cho TP phải xử lý cho nhanh, trước mắt nên tháo gỡ về biên chế; trước hết cán bộ, viên chức, người không chuyên trách ở phường. Phải thống nhất về cách hiểu để xử lý vấn đề về biên chế theo quy mô dân số và tính chất phức tạp của công việc. Đồng chí Phạm Phương Thảo lấy ví dụ, ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có 19.000 dân. Bên cạnh quy mô dân số còn có tính chất phức tạp của công việc. Có phường 20.000 dân nhưng có ngày xử lý 2.000 văn bản. Có phường 20.000 dân nhưng mỗi năm đón mấy trăm ngàn khách nước ngoài. Tiêu chí về biên chế cán bộ làm việc ở cấp phường phải gặp nhau để xử lý các vấn đề, trước mắt cho TP chủ động về việc này.

Liên quan đến nội dung này, từ thực tế đi giám sát, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Lê Minh Đức chia sẻ, năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước tại TPHCM rất cao (tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng số cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị của TPHCM là 14.195 người. Tức là bình quân 1 cán bộ, công chức quản lý nhà nước TPHCM phục vụ 346 người dân thường trú tại địa bàn TPHCM, trong khi bình quân cả nước khoảng 187 người dân/cán bộ, công chức quản lý nhà nước). Vì vậy, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn TP cải thiện đời sống, yên tâm làm việc, sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, đồng thời, khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách thu nhập tăng thêm, rất cần thiết tiếp tục có các chính sách đặc thù, giải pháp cụ thể về thu nhập. Trong đó, Trung ương tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về thu nhập tại TPHCM trong thời gian tới, bao quát đầy đủ, cụ thể hóa từng đối tượng cán bộ công chức đang làm việc trên địa bàn TPHCM.

Về cơ chế chính sách thu hút người tài, TS Ngô Võ Kế Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, 5 năm qua, Trung tâm thu hút được 4 chuyên gia, trong đó có chuyên gia đến từ Nhật Bản. Từ những kinh nghiệm của đơn vị, TS Võ Kế Thanh cho rằng, TPHCM cần đề xuất cho TP cơ chế được ký hợp đồng với chuyên gia theo cơ chế đặt hàng, thoả thuận theo cơ chế thị trường mà không bị áp đặt bởi các khung hệ số, thay vào đó là một mức trần. Cùng với đó nên có cơ chế khen thưởng đột xuất cho chuyên gia, để tạo thêm động lực, động viên, khuyến khích các chuyên gia làm việc tại TPHCM.

Một hình mẫu đi đầu để đề xuất các mô hình mới

Cùng với vấn đề nhân lực, nhiều ý kiến đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM; đầu tư phát triển hạ tầng cho tương xứng với vị thế, tiềm lực của TP. TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia khu vực IV cho rằng, TPHCM có cơ chế đặc thù 5 năm qua đã có tác động tích cực đến kinh tế TP. Tuy nhiên, tác động chưa được như mong muốn. Về nguyên nhân của mặt hạn chế, TS  Phan Công Khanh cho rằng, hơn 2 năm dịch Covid-19 đã ảnh hướng rất lớn, nên khó phát huy cơ chế đặc thù. Có một số cơ chế gọi là cơ chế đặc thù cho TP trên thực tế đã áp dụng cho một số địa phương khác và chưa “đủ liều” đối với một TP là trung tâm kinh tế của cả nước như TPHCM.

TS Phan Công Khanh cho rằng, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho TPHCM tương xứng với sự đóng góp của TP cho cả nước, xem đó là một đòn bẩy tạo đà cho sự phát triển của cả nước. Đồng thời thực hiện phân quyền mạnh mẽ cho TP. “Theo tôi, với TPHCM cần có một Nghị quyết mở khi thực tế đặt vấn đề buộc phải xử lý thì Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ có thể trao cơ chế cho TP để TP kịp thời giải quyết vướng mắc. Có thể xem đây là một hình mẫu đi đầu để đề xuất các mô hình mới”. – TS Phan Công Khanh góp ý.

Đối với tỷ lệ điều tiết ngân sách, đồng chí Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, phải có giải pháp ngân sách mạnh hơn. Điều tiết ngân sách để lại cho TP không chỉ là 21% mà ít nhất bằng Hà Nội là 32%. Năm 2003, tỷ lệ để lại cho TP là 33%. Nhìn rộng thế giới, các TP lớn tỷ lệ này là hơn 30% trở lên. Đối với phần thu vượt, đề nghị để lại hết cho TP đầu tư cho hạ tầng, tránh quá tải hạ tầng.

Theo TS Dương Huy Đức (Tạp chí Cộng sản), trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển TPHCM trong giai đoạn tới. Theo đó, Nghị quyết mới phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể và sẽ không thí điểm cơ chế đặc thù mà thực hiện dài hạn nhằm có thời gian triển khai để thấy được hiệu quả. Do thời gian quá ngắn để thí điểm cơ chế chính sách thì rất khó lan tỏa trong xã hội. Đặc biệt, TPHCM phải có cơ chế riêng trong nhiều lĩnh vực như quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính ngân sách, đô thị, môi trường, tổ chức bộ máy, phân cấp uỷ quyền và một cơ chế riêng cho TP Thủ Đức... Nghị quyết mới thay thế phải xác định rõ ràng minh bạch hơn nữa trong cơ chế phân cấp phân quyền, ủy quyền cho TPHCM.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo