Thứ Hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024

Chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lễ kết nạp Đảng cho 21 đoàn viên ưu tú từ lớp đảng viên trẻ “Tự hào theo chân Bác” tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM vào ngày 5/6/2019. (Ảnh minh họa: nguồn Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà Thapa Mađơrat (Ấn Độ) lại đưa ra nhận định “…Nhiều lãnh tụ khi đã nắm được quyền thì thoái hóa về chính trị và trở thành độc tài. Nhưng Cụ Hồ Chí Minh thì không bao giờ như thế. Đó cũng là lý do khiến thanh niên trên toàn thế giới yêu mến Cụ, tìm thấy ở Cụ một con người mẫu mực mà họ hoàn toàn có thể tin cậy…”. Có được sự cảm mến đặc biệt trên là do trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có tinh thần cách mạng triệt để, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, tận tụy phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, toàn tâm, toàn ý phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Suốt đời phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân trong đó có tầng lớp thanh niên.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên

Thứ nhất, vai trò của thanh niên trong nhận thức của Hồ Chí Minh thì thanh niên là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân tộc. Người nhận thấy thanh niên có những ưu điểm nổi trội, trẻ, khỏe, chiếm số đông trong xã hội, hăng hái, nhiệt tình, nhanh nhạy tiếp thu cái mới, giàu ước mơ... Đó là lứa tuổi ham hiểu biết, giàu niềm tin, tự thể nghiệm mình, có khả năng tiềm ẩn trong việc thực hiện lý tưởng, mục tiêu cao quý... Do vậy, nếu biết định hướng, động viên đúng thì thanh niên sẽ say sưa với lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa.

Thực tiễn đã chứng minh rằng, khi thanh niên Việt Nam có lý tưởng cách mạng soi đường, họ đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, cùng với Đảng, với dân tộc làm nên thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945,... Chính vì điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem tuổi trẻ thanh niên là lứa tuổi sung mãn nhất của cuộc đời, là tương lai của xã hội, của dân tộc và là lực lượng xung kích tham gia hoạt động trên tất cả mọi mặt trận. Vĩnh biệt chúng ta, Người để lại một bản Di chúc lịch sử. Đó là lời căn dặn cuối cùng của Người, một tài sản vô giá, kết tinh những giá trị tư tưởng, những tình cảm thắm thiết và niềm tin vững chắc của Người đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các thế hệ mai sau, trong đó có những lời căn dặn dành riêng cho thanh niên. Bác nói: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”.

Lời căn dặn trên chứa đựng tầm nhìn xa, trông rộng, thể hiện sự quan tâm của Bác đến thế hệ trẻ, đến sự nghiệp trồng người cho mai sau. Bởi sự nghiệp cách mạng là một quá trình lâu dài, cam go, phức tạp, đòi hỏi sự kết tinh trí tuệ, công sức của nhiều thế hệ thì mới đi đến thắng lợi. Điều quan trọng hơn nữa, lớp thanh niên mà Bác Hồ nói ở đây không chỉ là lớp thanh niên của một thời kỳ nhất định mà là những lớp thanh niên nối tiếp nhau trong dòng chảy lịch sử của cách mạng, của dân tộc ta.

Thứ hai, nội dung giáo dục đạo đức cho thanh niên, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để tuổi trẻ trở thành người cách mạng chân chính, những con người mới XHCN, việc cần thiết phải giáo dục đoàn viên, thanh niên tính trung thực, ngay thẳng, tác phong khiêm tốn, giản dị, tinh thần lao động tích cực, siêng năng, táo bạo và sáng tạo. Đoàn viên, thanh niên phải luôn có tinh thần cố gắng vươn lên, sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Không những thế, Người còn yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải chống tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình, chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc, chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay... đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của đoàn viên, thanh niên.

Thứ ba, phương pháp giáo dục đạo đức cho thanh niên được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định để giáo dục thanh niên đạt hiệu quả cao nhất cần kết hợp các phương châm, phương pháp giáo dục một cách khoa học. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục lý luận, lý tưởng với hành động cách mạng; Kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục thanh niên; Đề cao giáo dục nêu gương, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục thanh niên… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là biện pháp có ý nghĩa thiết thực để giáo dục cho thanh niên hướng tới cái tốt, cái đẹp, cái cao cả; giúp thanh niên giác ngộ lý tưởng và có thêm sức mạnh để thực hiện lý tưởng, hoài bão của mình…

7 giải pháp, kiến nghị trong công tác giáo dục đạo đức cho thanh niên

Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ bằng nghị quyết, chương trình hành động và những chỉ tiêu cụ thể. Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng với Ban Thường vụ Thành đoàn cũng đã có sự chủ động phối hợp triển khai, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng các cấp, của Trung ương Đoàn vào tình hình thực tế tại TPHCM, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp giữa giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh thiếu niên với các hoạt động nâng cao trình độ năng lực, kiến thức chuyên môn, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ chính trị trong lực lượng đoàn viên, thanh niên.

Trong bối cảnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội ngày càng nhanh, nhiều, đa dạng, phong phú, vấn đề đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, tránh hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng đơn điệu, một chiều. Để điều chỉnh, khắc phục những xu hướng lệch chuẩn, phát huy giá trị đạo đức truyền thống giúp hình thành, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống thanh niên hiện nay có ý nghĩa to lớn. Đó là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vì vậy, phương hướng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên tại Thành đoàn TPHCM theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là đầu tư cho tương lai của đất nước. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội; tạo điều kiện tối đa cho thế hệ trẻ học tập, lao động, cống hiến, là lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin mạnh dạn đề ra một số giải pháp, kiến nghị như sau: Một là, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống về tình hình trong nước và thế giới cho thanh niên. Chú trọng tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", phản bác các luận điệu, thông tin sai trái; tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ trước sự chống phá của các thế lực thù địch.

Hai là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Khắc phục tình trạng một bộ phận báo chí, xuất bản hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, làm ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng của thế hệ trẻ. Chú trọng khai thác, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại, thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là Internet trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi.

Ba là, xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người", có ý thức tự trọng, tự chủ, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam.

Bốn là, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Năm là, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đảm bảo sinh động, thuyết phục.

Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lê Thị Sáu (Khoa Xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Cán bộ  TPHCM)

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo