Thứ Hai, ngày 7 tháng 10 năm 2024

Chữ ký số chuyên dùng công vụ phải được quản lý đặc biệt

Quốc hội sáng 30/5

* Cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định dự án liên quan đến rừng

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 30/5, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) sửa đổi. Các ý kiến quan tâm nhiều đến vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về GDĐT; vấn đề chữ ký điện tử, chữ ký số; định danh điện tử…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu Quốc hội sáng 30/5 Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu Quốc hội sáng 30/5

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho biết, tại Luật GDĐT hiện hành có 2 loại chữ ký số: chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng. ĐB cho rằng, theo quan điểm trình Chính phủ, việc sửa đổi, luật này không thay đổi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Tuy nhiên, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được quản lý đặc biệt và cần phải được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm bí mật và an toàn.

ĐB Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) cho rằng, bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Kinh nghiệm thế giới cũng như Việt Nam coi mật mã như một vũ khí đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước quản lý theo một chế độ nghiêm ngặt và phải được mã hóa. Nếu như xác định như vậy thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc này… ĐB Nguyễn Quốc Duyệt đề nghị giữ nguyên việc quản lý nhà nước và lĩnh vực cơ yếu và chữ số chuyên dùng công vụ; bổ sung quy định cụ thể về chữ ký số chuyên dùng công vụ tại dự thảo luật về trách nhiệm của Ban cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Quốc hội thảo luận về Luật Giao dịch điện tử Quốc hội thảo luận về Luật Giao dịch điện tử

Phát biểu tại phiên thảo luận, đề cập tới vấn đề chức năng quản lý nhà nước, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) đồng tình giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý về GDĐT. Đối với vấn đề chữ ký điện tử số công vụ, ĐB cho rằng sự tách bạch giữa chữ ký số công vụ phải được mã hóa bởi Ban Cơ yếu của Chính phủ. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề này dưới góc độ quốc phòng, an ninh để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - TPHCM Đại biểu Nguyễn Minh Đức - TPHCM

Theo ĐB Nguyễn Minh Đức, Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập một cơ quan riêng biệt thuộc Bộ Quốc phòng cũng như của Bộ Công an để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như an ninh quốc gia trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các chỉ thị, nghị quyết và các giấy tờ khác không đơn thuần là các văn bản sẽ được ký ban hành trên môi trường điện tử, nên phải sử dụng kỹ thuật mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ. Đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng và Chính phủ về quản lý nhà nước cả về kỹ thuật và con người. Đồng thời, đơn vị này cũng được sử dụng mật mã cơ yếu để nghiên cứu theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, đề nghị Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động GDĐT thuộc lĩnh vực cơ yếu chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - TPHCM Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - TPHCM

Đối với quy định về chữ ký điện tử, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đồng ý với cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định khung về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử không phải là chữ ký điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử, các bên không sử dụng chữ ký để thực hiện việc mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, mà thay vào đó việc mua bán hàng hóa sẽ được thực hiện thông qua việc người mua hàng bấm chọn để xác nhận việc đặt hàng và giao dịch mua bán được giao kết tại thời điểm đó. Việc bổ sung này phần nào giải quyết được về mặt nguyên tắc, cách thức xác nhận giao dịch như vậy cũng có thể được pháp luật công nhận.

ĐB Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong GDĐT. Để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm này, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong GDĐT đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh. Dự thảo luật cũng cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến…

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Các ý kiến đại biểu đều bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với cả hai dự án xây dựng trình Quốc hội. Trong đó, dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã có quá trình chuẩn bị kỹ từ lâu, Quốc hội cũng đã bố trí, hỗ trợ nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng đến nay dự án còn tiến hành chậm tiến độ. Các ĐB cũng đề nghị cần đánh giá kỹ nguyên nhân, trong đó tập trung làm rõ các nguyên nhân chủ quan, để rút kinh nghiệm cho quá trình triển khai trong các giai đoạn tiếp theo. 

Các ý kiến ĐB cũng đề nghị cần rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong phê duyệt, thẩm định dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng sự cần thiết của dự án. 

Các ĐB đều ủng hộ Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Bình Thuận, bởi đây là dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy ký kết nối vùng và thực hiện quy hoạch vùng. Đặc biệt hơn là dự án này giúp hai huyện nghèo miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa sớm thoát nghèo; góp phần phát triển du lịch, giao lưu văn hóa ở tại địa phương. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, dự án cần thiết trình Quốc hội xem xét quyết định để bảo đảm thận trọng kỹ lưỡng vì liên quan đến rừng. Có như vậy mới thận trọng hơn, xem xét một cách thấu đáo hơn để chỉ khi nào cần thiết, cấp thiết lắm mới đụng đến rừng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân -TPHCM Đại biểu Trần Hoàng Ngân -TPHCM

Các ĐB cũng cho rằng, Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, tuyến đường đi sát vào khu bảo tồn quốc gia, nên cần đặt biệt chú ý đến công tác bảo tồn, phải có phương án thi công cụ thể, có phương án phục hồi, trồng rừng thay thế. Cần mở rộng diện tích khu bảo tồn ở phạm vi xung quanh để bù lại diện tích rừng thay vì trồng lại phân tán ở nhiều xã, hay ở đất rừng sản xuất.

Với dự án đã giao Chính phủ, UBND tỉnh chủ trì thực hiện, hàng năm Chính phủ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi nào hoàn thành thì báo cáo Quốc hội.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo