Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cần sớm xử lý dứt điểm các vụ việc sai phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Hầu hết các ý kiến bày tỏ thống nhất cao với báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của đoàn giám sát của Quốc hội. Đồng thời, đánh giá cao việc Quốc hội đã lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát cũng như cách thức triển khai hoạt động giám sát. 

Các ý kiến tiếp tục nêu nhiều ý kiến về công tác phòng chống dịch cũng như nâng cao chất lượng y tế dự phòng.

ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) cho rằng báo cáo đã thể hiện rõ những nỗ lực cũng như tồn tại, hạn chế của hệ thống y tế thời gian qua. Nhắc lại giai đoạn đại dịch Covid-19, ĐB Tô Thị Bích Châu cảm ơn sự chỉ đạo, hỗ trợ, động viên, tiếp sức của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đội ngũ y tế cùng nhân dân cả nước đối với TPHCM trong thời gian vô cùng khó khăn đó.

ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng, nhìn về phía trước, việc cần làm là hàn gắn những vết thương, hoàn thiện chính sách và đội ngũ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân tốt hơn; cần có cơ chế phân cấp hợp lý hơn, giao thẩm quyền cho Chính phủ phân cấp cho UBND các tỉnh thành trong những trường hợp “chống dịch như chống giặc”, khẩn cấp và không chồng lấn, để kịp thời trong phản ứng, giúp đỡ tốt nhất cho người dân, tránh trường hợp “nước xa không cứu được lửa gần”.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) thảo luận tại hội trường chiều 29/5 Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) thảo luận tại hội trường chiều 29/5

ĐB cũng đề nghị cần rà soát, mở rộng để có những quy định vinh danh những hành động đột xuất, những nghĩa cử cao đẹp, ủng hộ tài lực, vật lực, những tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp chắt chiu đóng góp ủng hộ cho các nguồn quỹ chống dịch, chăm lo cho hệ thống y tế hoặc các túi an sinh cho người dân.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng phân tích nhiều điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch. Theo ĐB, dịch bệnh Covid-19 vừa qua là phép thử cho thấy hiện trạng và thực lực của ngành y tế. Trong quản lý nhà nước cũng chưa phân biệt được giữa dịch bệnh chưa gặp lần nào với dịch bệnh thông thường. Với những quy định pháp luật vào thời điểm đó, ĐB cho rằng khó có thể thực hiện mua được vaccine, mà vướng mắc là ở quy chế đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu sửa đổi đang được thảo luận cũng chưa thấy quy định để tháo gỡ. ĐB băn khoăn, trong tình trạng bình thường mà các cơ sở điều trị còn thiếu thuốc, thiếu vaccine… thì không biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được.

 ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị trong báo cáo cần bổ sung đánh giá để cân bằng giữa xây và chống. Chống tiêu cực nhưng cũng cần quan tâm đúng mức việc xây dựng, “bồi bổ” để ngành y tế mạnh hơn, để có thể đương đầu với việc chống đại dịch. ĐB mong kết quả giám sát sẽ giúp trong tương lai, nếu như dịch bệnh quay trở lại thì chúng ta sẽ đối phó tốt hơn, sẽ bảo vệ người dân tốt hơn. Do đó, Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng nền y tế, mặt khác phải có những cơ chế và bảo vệ cho người làm.

ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cũng cho rằng, dự thảo nghị quyết của đoàn giám sát nêu khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. “Nhưng không chỉ riêng vụ án tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, mà đề nghị khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc khác liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua” - ĐB nêu.

ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) nêu thực tế một số doanh nghiệp hỗ trợ bằng tiền mặt vào tài khoản của các bệnh viện trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng chưa có biện pháp xử lý. ĐB đề nghị Chính phủ có hướng dẫn theo hướng chuyển sang hình thức quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các dự án luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng riêng, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc.

ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) kiến nghị, hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm, chế độ phụ cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm. Do đó, quy định lương và phụ cấp cần được đưa vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế công lập sẽ giúp tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế và nhân lực cho y tế cấp cơ sở và y tế dự phòng, góp phần tăng cường năng lực khám, chữa bệnh và năng lực làm công tác dự phòng của các cơ sở này. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nêu, tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên kéo dài chưa khắc phục được. Trong khi đó, hệ thống các bệnh viện ở cơ sở thì không có đủ nguồn thu, không đủ nguồn lực để đảm bảo cho các hoạt động của mình. Vì vậy, cần phải có giải pháp sớm đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế công lập.

Góp ý kiến về y tế cơ sở, ĐB Nguyễn Tri Thức cho rằng đầu tư cho lĩnh vực này không thể cào bằng, mà tập trung đầu tư cho trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa; đối với trạm y tế ở thành phố lớn có thể nghiên cứu không duy trì mô hình này. Về chủ trương luân chuyển bác sĩ trẻ mới ra trường về công tác tại trạm y tế xã, ĐB cho rằng, tại trạm y tế không có trang thiết bị xét nghiệm, máy móc để chẩn đoán chính sách. Hơn nữa, thu nhập khó khăn, bác sĩ trẻ vẫn phải tự thân vận động để tăng thêm thu nhập, làm thêm ngành khác, dần dần ý chí và học tập giảm đi. Do vậy, ĐB đề nghị Chính phủ có đề án luân chuyển bác sĩ có kinh nghiệm về trạm y tế xã trong thời gian 3-6 tháng…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo