Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cần có Nghị quyết về chính sách đặc thù phát triển TPHCM

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Tất cả ý kiến phát biểu đều tán thành với sự cần thiết của dự thảo nghị quyết, đây là dự án hết sức quan trọng, không chỉ cho TPHCM mà còn cho cả nước, tác động đến cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội (mang tính thể chế đổi mới) và đời sống nhân dân TPHCM cũng như trong khu vực. TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đóng góp 15,6% GDP, 29,6% tổng thu ngân sách quốc gia. TPHCM còn là vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, đầu mối giao lưu quốc tế; là đầu tàu trong nhiều năm qua, đã có quá trình tích lũy và hội tụ về mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực kinh tế và nguồn lực lao động.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) và các ý kiến đều nhấn mạnh TPHCM là đô thị đặc biệt. Với vị trí và tính chất như vậy, thì không chỉ là cơ chế đặc thù mà phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà vượt trước để thành phố thực sự là đầu tàu đa chức năng đảm nhiệm vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành thực nghiệm những vấn đề mới trong thực tiễn. Nhắc lại TPHCM từng là “hòn ngọc Viễn Đông”, nhiều ĐB hy vọng nghị quyết là một cú hích thật mạnh, là một đột phá lớn đối với TPHCM, để TPHCM sẽ phát triển vượt bậc.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất cho phép thành phố thực hiện thí điểm BOT với các công trình đường bộ hiện hữu. Hiện Luật Đầu tư quy định không được thực hiện BOT trên những tuyến đường hiện hữu, không thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án đầu tư, cải tạo các công trình sẵn có. Các ĐB đều ủng hộ chủ trương này trong dự thảo nghị quyết nhằm phát triển công trình đường bộ của TPHCM.  Tuy nhiên, cần có quy định chặt chẽ trong dự thảo này về điều kiện để triển khai các dự án BOT, đường bộ trên địa bàn thành phố, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhất là người dân sống gần khu vực BOT, tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp...

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có nội dung về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò chủ lực. ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, đây là một giải pháp căn cơ và bền vững, mang tính đột phá. Nếu triển khai được mô hình TOD, có thể tổ chức lại không gian đô thị, hình thành các khu đô thị nén mật độ cao xung quanh các nhà ga. TOD giúp việc tiếp cận đến các nhà ga một cách thuận tiện, dễ dàng, giúp tăng số lượng người dân sử dụng giao thông công cộng, từ đó, giảm phương tiện giao thông cá nhân và góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế khí thải ra môi trường. “Quy hoạch theo TOD là cơ sở quan trọng để tạo ra nguồn lực tài chính để đầu tư trở lại cho công tác xây dựng và vận hành các tuyến đường sắt đô thị thông qua việc gia tăng giá trị các diện tích đất xung quanh các nhà ga”, ĐB Huỳnh Thanh Phương nêu.

Đồng tình với ĐB Phương, một số ý kiến cũng cho rằng, phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ chế, chính sách đặc thù có trọng tâm, trọng điểm, rất cần thiết và cấp bách để tạo động lực phát triển hệ thống giao thông đường sắt đô thị nói riêng và kinh tế thành phố nói chung.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận xét, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết chưa bao quát hết các lĩnh vực phát triển (mang tính đặc thù của thành phố) trong giai đoạn phát triển hiện nay và trong tương lai, đặc biệt là vai trò của thành phố trong tương lai và hướng tới phát triển “vượt trội”, là hạt nhân tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước đến năm 2030. ĐB Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, do còn nhiều nội dung cần bàn (mở rộng hoặc thu hẹp trong dự thảo) nên cần tính toán thời gian thực hiện nghị quyết, đó là nên kéo dài hay chỉ hạn chế trong thời gian 5 năm. “Thời gian thực hiện Nghị quyết 54 trước đây quy định là 5 năm nhưng với thời gian như vậy, các nội dung đều chưa đạt được. Dự thảo nghị quyết mới lần này, thực chất là thực hiện tiếp Nghị quyết 54 và có thêm một số chính sách, cơ chế đối với một số lĩnh vực khác. Vậy câu hỏi đặt ra là, tiếp tục thực hiện trong 5 năm tới, liệu có khả thi? Theo tôi là phải trong thời gian từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045”, ĐB Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Mặt khác, vấn đề phân cấp, ủy quyền tuy đã đề cập trong dự thảo nhưng chưa rõ, cần phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa giữa Chính phủ với Thành phố; giữa TPHCM với các thành phố, quận, huyện trực thuộc TPHCM (không chỉ trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, công chức, viên chức mà còn trong các lĩnh vực khác như thẩm quyền quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội và quản lý dân cư trên địa bàn..).

ĐB Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, cần đưa vấn đề thu hút FDI tại TPHCM vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Vì hiện nay, với tư cách là đầu tàu kinh tế, trong tương lai sẽ xây dựng Trung tâm tài chính khu vực. Do đó, việc cho phép TPHCM có cơ chế riêng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế là việc làm hết sức cần thiết. Tương tự, về khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo: cần dành cho TPHCM một quy chế đặc biệt để phục vụ khoa học công nghệ cao, chuyển đổi số và các vấn đề liên quan đến phát triển công nghệ cao hàng đầu cả nước.

Một nội dung cũng được nhiều ĐB quan tâm góp ý, đó là về thu hút, lựa chọn, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các ý kiến cho rằng, cần có cơ chế thông thoáng theo tư duy công nghiệp hiện đại để có thể thu hút, trọng dụng nhân tài và tập trung các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu khu vực.

Hoạt động trong lĩnh vực y tế, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cần có cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân đồng hành tham gia. TPHCM cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. ĐB cũng đề xuất ban soạn thảo xem xét bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP cho cả lĩnh vực y tế không áp dụng hạn mức. Nếu được Quốc hội chấp thuận, ĐB kiến nghị giao HĐND TPHCM quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện.

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TPHCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. UBND TPHCM được chủ động điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tùy theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý và đặc điểm địa bàn bảo đảm không vượt mức tổng biên chế đã được HĐND TPHCM quyết định…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo