Thứ Năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024

Bàn các giải pháp để khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn

Các đại biểu tham dự hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 15/10, Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn”. Đến dự có GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội; Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TPHCM…

Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy

Tại hội thảo, Thạc sĩ Phạm Chánh Trung chia sẻ, hiện nay, tổng tỷ suất sinh tại TP năm 2023 là 1,32 con so với mức 1,96 con của cả nước. TP hiện đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, TP có mức sinh thấp. Trong điều kiện kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, tốc đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Theo Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, cho đến hiện nay, TPHCM đang đi những bước đi thận trọng trong việc điều chỉnh mức sinh dựa trên việc quan sát các kinh nghiệm của các nước trên thế giới và dựa trên ý kiến đóng góp của chuyên gia và ý kiến của chính người dân phản hồi qua nhiều kênh truyền thông. Trong đó, Sở Y tế đã có những đề xuất tham mưu đối với UBND TP trong Dự thảo về chính sách Dân số tại TP đến năm 2030 để trình HĐND TP trong kỳ họp cuối năm 2024.

Cụ thể, các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc: hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp nam, nữ thanh niên sắp kết hôn; hỗ trợ một phần chi phí chăm sóc y tế (cho việc chăm sóc thai kỳ và sinh con) đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi; hỗ trợ chi phí khi tham gia chương trình Sàng lọc trước sinh - Sàng lọc sơ sinh đối với các đối tượng chính sách... Sở Y tế  hiện cũng đang xem xét việc đề xuất các sở, ban ngành có liên quan trong xây dựng các chính sách tập trung vào việc hỗ trợ “toàn diện” cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con như: hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục, hỗ trợ mua nhà ở xã hội, miễn giảm học phí bán trú, nới rộng độ tuổi hỗ trợ miễn phí bảo hiểm y tế cho trẻ, thay đổi hình thức - thời gian trông trẻ mầm non - mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân …

Với tham luận Thách thức của Việt Nam trước năm 2045 và giải pháp cấp bách, đồng bộ, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh hơn, khi không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới phải đối diện với vấn đề dân số, cụ thể là tỉ suất sinh giảm như hiện nay. Nhiều nước châu Á lẫn châu Âu đều đang phải nỗ lực giải quyết tình trạng này.

Kiến nghị các quan điểm và chính sách phát triển dân số Việt Nam thời kỳ 2025 - 2050 để đất nước và dân số phát triển bền vững, gia đình và người dân hạnh phúc, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, các chính sách của chính phủ, các biện pháp của doanh nghiệp, việc giáo dục hạnh phúc ở nhà trường để phòng ngừa suy thoái lao động, dẫn tới gia đình tan vỡ phải được ban hành và thực hiện từ sớm, từ xa, ngay khi tổng tỉ suất sinh bắt đầu giảm dưới tổng tỉ suất sinh thay thế.

Theo Trưởng Phòng Việc làm - An toàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM Trần Lê Thanh Trúc, thống kê, người lao động làm việc rất nhiều ở các khu vực chế tạo, sản xuất, cho thấy, thời gian lao động gia tăng và thu nhập từ 5,8 đến 9,2 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nhưng phụ nữ không còn thời gian chăm sóc bản thân và chăm lo cho gia đình. Để cải thiện vấn đề này, cần sự quan tâm của từng doanh nghiệp. Về giải pháp, Sở hướng đến việc tạo sinh kế, cơ hội việc làm linh hoạt bằng các mô hình làm việc từ xa để người lao động yên tâm hơn trong công việc. Ngoài ra, đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động sau nghỉ thai sản; đồng thời, phát triển các ngành nghề phù hợp với lao động nữ.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho biết, với mục tiêu nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nhằm động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa chính sách Dân số trên địa bàn TP, HĐND TPHCM thấy cần thiết phải ban hành Nghị quyết về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn TPHCM.

Cần thay đổi chính sách bảo hiểm y tế để vừa khuyến sinh, vừa giúp cải thiện chất lượng dân số

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất cần tháo gỡ rào cản về pháp lý để việc khuyến sinh trở nên toàn diện hơn. Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, rất cần thiết phải có sự điều chỉnh, thay thế, thậm chí bỏ các quy định gây tác động tiêu cực đến quá trình thực hiện quy định pháp luật về dân số đối với đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, một trong những lực lượng đưa pháp luật vào cuộc sống.

Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, phụ nữ trên 35 tuổi mang thai và sinh con ở tuổi 35 sẽ có nhiều nguy cơ như sanh non, nguy cơ về bệnh lý cũng như việc chăm sóc tiền sản. Việc trữ trứng có thể thực hiện nhưng nên thực hiện trước tuổi 35. Việc giáo dục, huấn luyện, đào tạo tư tưởng cho các cặp gia đình rất cần thiết.

Một số ý kiến cho rằng, cần thay đổi chính sách bảo hiểm y tế để vừa khuyến sinh, vừa giúp cải thiện chất lượng dân số sau này. Bảo hiểm y tế nên hỗ trợ cho các xét nghiệm, khám, đánh giá khả năng sinh sản và một số xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán nguyên nhân gây hiếm muộn. Song song đó, cần tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản trong nhà trường; tăng cường truyền thông về chính sách dân số hiện tại.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Trần Thị Phương Hoa chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, Hội Liêp hiệp Phụ nữ TPHCM đã tổ chức các lớp tiền hôn nhân. Sau thời gian triển khai, các lớp học này đã lan tỏa rất nhiều tỉnh thành. Hiện nay, chúng tôi cũng đẩy mạnh các lớp học về sức khỏe, học làm cha mẹ để hỗ trợ các gia đình trẻ nâng mức sinh, đồng thời, xây dựng gia đình hạnh phúc hơn. Hơn 30 năm qua, Hội vẫn duy trì các mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc và tiếp tục vận động các cặp vợ chồng tham gia câu lạc bộ này.

Một số đại biểu cho rằng, bên cạnh giải pháp truyền thông, hỗ trợ chi phí y tế để nâng cao mức sinh, TPHCM cũng cần phải tính đến các chế độ an sinh xã hội để có thể thu hút được lực lượng lao động nhập cư và tạo điều kiện cho họ có thể phát triển tốt nhất với sự đóng góp của mình. Cụ thể, để tăng mức sinh, người dân phải có được sự an tâm rằng con cái họ sẽ được sinh ra và phát triển với chất lượng sống tốt nhất. Muốn như vậy, sự đầu tư không chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho việc sinh con mà cần phải tạo ra môi trường cho thế hệ trẻ có thể phát triển tốt, bao gồm tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận với chất lượng giáo dục tốt, chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng như đời sống tinh thần khỏe mạnh và môi trường trong lành. Các chính sách giảm áp lực về gánh nặng kinh tế không dừng ở thời gian ngắn mà phải hướng đến sự hỗ trợ cho các cặp vợ chồng nuôi con cho đến 18 tuổi thông qua hỗ trợ học phí, hỗ trợ thời gian chăm sóc trẻ, đặc biệt chế độ hỗ trợ hưởng lương cho các cặp vợ chồng có con nhỏ chưa thể gửi trẻ.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo