Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Họp mặt Nhà giáo đi B và Nhà giáo nội đô

Bài học quý giá về ý chí, nghị lực, sự tận tụy và lòng nhiệt huyết

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải tặng quà lưu niệm các đại biểu

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/11, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, Hội Cựu Giáo chức TPHCM tổ chức họp mặt Nhà giáo đi B và Nhà giáo nội đô, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024). Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Trần Văn Khuyên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM;…

Truyền cảm hứng cho thế hệ nhà giáo trẻ

Tại chương trình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Văn Hiếu cho biết, họp mặt Nhà giáo đi B và Nhà giáo nội đô nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra trong không khí thân tình, đầm ấm; cho thấy sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo TP đối với ngành giáo dục nói chung và các thầy, cô là Nhà giáo đi B, Nhà giáo nội đô nói riêng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng vạn nhà giáo, sinh viên miền Bắc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu; cùng với các nhà giáo ở miền Nam xây dựng nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng. 

Dù trong khói lửa chiến tranh, nhưng những ngôi trường, lớp học được dựng tạm bằng cây rừng, vách lá vẫn mọc lên. Ngày đêm vẫn vang vọng tiếng ê, a, học chữ, ráp vần, như thách thức bom đạn. Người thầy giáo cũng là người chiến sĩ, vượt khó khăn để gieo chữ, truyền ngọn lửa cách mạng, tình yêu đất nước, tự hào về lịch sử dân tộc cho các thế hệ trẻ. Dù trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, trong vô vàn hiểm nguy của bom đạn, sự càn quét ngày đêm của kẻ thù, nhưng nền giáo dục cách mạng vẫn phát triển, ươm mầm cho biết bao thế hệ.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, những thầy giáo, cô giáo đi B, có người quay trở về quê hương, có người ở lại gắn bó với TPHCM, ở lại với ngành giáo dục TP, tiếp tục sự nghiệp trồng người. Rất nhiều thầy giáo, cô giáo trực tiếp đứng trên bục giảng; nhiều thầy giáo, cô giáo được đề bạt làm cán bộ quản lý các trường học, các phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM. Dù ở cương vị nào, các chiến sĩ, nhà giáo vẫn luôn tâm huyết, cống hiến xây dựng TP và đất nước, phát triển giáo dục, vun đắp tài năng cho các thế hệ học sinh. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã vượt qua khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, các di chứng chiến tranh để tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp phát triển của ngành giáo dục TP.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu Đồng chí Nguyễn Hồ Hải chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu gửi lời tri ân các thầy cô đã vượt Trường Sơn để đến với miền Nam và các nhà giáo nội đô yêu nước, hoạt động trong lòng địch; đồng thời nhấn mạnh: “Không chỉ xây dựng phong trào giáo dục, cầm súng chiến đấu bảo vệ trường lớp học; thầy, cô đã góp sức mình cùng viết nên trang sử oanh liệt trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, thống nhất non sông. Hiện nay, vẫn còn nhiều thầy cô tiếp tục tham gia các hoạt động gắn với công tác giáo dục, tham gia Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học… tinh thần, ý chí, phẩm chất và sức cống hiến bền bỉ của thầy cô đã truyền cảm hứng cho thế hệ nhà giáo trẻ hôm nay có thêm sức mạnh, niềm tin để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, làm tròn sứ mệnh “trồng người” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó cho ngành Giáo dục và Đào tạo”.

Góp phần làm nên trang sử vẻ vang cho nền giáo dục nước nhà

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải bày tỏ niềm vinh dự được dự buổi họp mặt các nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô đang sinh sống tại TPHCM, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam; đồng thời bày tỏ sự kính trọng và lòng tri ân sâu sắc đối với quý thầy cô - những người đã sống một thời hoa lửa, hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp trồng người cao quý.

Các đại biểu tham dự buổi họp mặt Các đại biểu tham dự buổi họp mặt

Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, TP từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam Bộ và đã trở thành những “nhà giáo cầm súng”. Các thầy cô, nhiều người còn rất trẻ, vừa dạy học và tham gia gây dựng nền giáo dục giải phóng trong các chiến khu, vùng căn cứ, vừa tăng gia sản xuất và trực tiếp cầm súng chiến đấu, chống càn. Các thầy, cô thường xuyên đối mặt với B52 rải thảm, chất độc hóa học và những trận càn ác liệt của địch, với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy không lường được. Nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường miền Nam, thậm chí có thầy cô đã ngã xuống ngay trước thời khắc ngày 30/4/1975 lịch sử.

Với những “Nhà giáo nội đô” không phải là người cầm súng chiến đấu mà là những thầy giáo, cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam, một lực lượng đã góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch; một bộ phận tham gia phát triển nền giáo dục giải phóng ở các căn cứ lõm và vùng địch hậu. Những bài giảng của các nhà giáo nội đô đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử và truyền thống dân tộc. Phần lớn phong trào đấu tranh của nhân dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đều có sự tham gia tích cực của các nhà giáo nội đô. Nhiều người bị địch phát hiện, khủng bố gắt gao buộc phải thay tên đổi họ, sống dưới nhiều vỏ bọc khác nhau để kiên trì bám trụ hoạt động và tiếp tục giảng dạy; nhiều người bị địch bắt, bị tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người trí thức cách mạng, không hề nao núng. 

Sau khi chiến tranh kết thúc, các thầy cô trở về cuộc sống đời thường tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, không ngừng truyền đạt tri thức và kinh nghiệm quý báu cho thế hệ trẻ. Nhiều thầy cô đã trở thành cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị hoặc tiếp tục hoạt động trong ngành Giáo dục và Đào tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của TPHCM. Dù hoạt động lĩnh vực nào, các thầy cô vẫn luôn mang trong mình đức hy sinh và nghị lực phi thường của thời kỳ kháng chiến gian khổ mà anh dũng. “Tất cả đều có chung tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình, thống nhất non sông và sự cống hiến tận tụy đối với sự nghiệp trồng người cao quý, thực sự là những tấm gương sáng về phẩm chất nhà giáo cách mạng, góp phần làm nên trang sử vẻ vang cho nền giáo dục nước nhà” – đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh. 

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu tham dự buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để tri ân, ghi ơn những người con ưu tú từ mọi miền đất nước đã hy sinh xương máu và để lại một phần thân thể nơi mảnh đất này, góp phần viết nên thiên anh hùng ca bất hủ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM. Cuộc họp mặt truyền thống các nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô hôm nay càng có ý nghĩa hơn khi chỉ còn hơn 5 tháng nữa là cả dân tộc kỷ niệm một sự kiện lịch sử trọng đại: 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Trong gần nửa thế kỷ qua, đất nước nói chung, TPHCM nói riêng đã trải qua nhiều biến đổi to lớn, thay da đổi thịt từng ngày, nhân dân đã được hưởng nhiều thành quả tốt đẹp mà độc lập tự do mang lại. Để có những điều đó, những đóng góp công sức, máu xương của thế hệ đi trước không bao giờ bị quên lãng” – đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải khẳng định, các thế hệ sau, luôn biết ơn và trân trọng những gì các thầy cô đã làm cho đất nước. Những bài học quý giá về ý chí, nghị lực, sự tận tụy và lòng nhiệt huyết của các thầy cô đã và đang là động lực giúp thế hệ hôm nay vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống và công tác.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo