Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Loạt bài “Để cuộc sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa thiết thực”

Bài 5: Đảng viên cần được khích lệ và rút kinh nghiệm trong cuộc sinh hoạt chi bộ

Chi bộ Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Tân trong một cuộc sinh hoạt chi bộ. (Ảnh minh họa)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trong việc tạo ra những ý nghĩa thiết thực của cuộc sinh hoạt chi bộ, bí thư, cấp ủy cần chú ý đến những điều thực sự bổ ích cho các đảng viên. Trong đó, sự khích lệ để các đảng viên cảm thấy tự tin và phấn chấn hơn cũng như việc tự mình rút ra những kinh nghiệm cho bản thân là điều cần được quan tâm.

Có một số mục trong diễn tiến của cuộc sinh hoạt chi bộ có thể thể hiện được hai yêu cầu này. Đó là các phần như sinh hoạt tư tưởng, kiểm điểm công việc tháng qua, phần thảo luận bàn các giải pháp cho công việc tháng tới, các lưu ý, nhắc nhở…

Trong phần sinh hoạt tư tưởng, là cơ hội để đảng viên trình bày các suy nghĩ, ý kiến của mình hoặc những điều mình ghi nhận được có thể bộc lộ ít nhiều sự tinh ý, nhạy cảm của đảng viên. Thí dụ: đảng viên A. nêu hiện tượng một đồng chí trong chi bộ vài tháng gần đây tỏ ra trầm lặng, ít nói, thường không vui và ít tham gia các sinh hoạt ngoài giờ của đơn vị. Có thể một số đảng viên khác cũng thấy điều đó nhưng không cho rằng đồng chí mình có “vấn đề” mà chỉ là những diễn biến tâm lý bình thường, hoặc có đảng viên khác không nhận ra điều đó và cho rằng đồng chí ấy không có biểu hiện gì đặc biệt. Khi đồng chí A. nêu công khai việc đó ở chi bộ, với sự quan tâm và động viên của mọi người, đảng viên có biểu hiện trầm lặng kia mới trình bày khó khăn của mình ở gia đình là do con nhỏ đã phát hiện bệnh nan y được vài tháng nay; tuy đang chạy chữa nhưng vừa tốn kém vừa không có kết quả khả quan… Như vậy, phát hiện của đồng chí A. thể hiện sự quan tâm đến đồng chí, đồng nghiệp của mình, từ đó cho thấy trách nhiệm và tình yêu thương của đồng chí đối với mọi người trong chi bộ và đơn vị. Trong trường hợp này, người chủ trì cần biểu dương đồng chí A.; điều đó chắc chắn có ý nghĩa khích lệ đồng chí A. và các đồng chí khác trong chi bộ tiếp tục phát huy tinh thần thân ái, chia sẻ với nhau.

Việc khích lệ có thể ở những hành động cụ thể như: biểu dương kết quả xuất sắc trong công việc chuyên môn; khen ngợi một thành tích đột xuất; ghi nhận sự nỗ lực vượt khó; đánh giá cao một ý kiến, một hành động có ý nghĩa nào đó… Tâm lý chung của nhiều người là thường mong muốn được mọi người, nhất là cấp trên, thấu hiểu và ghi nhận sự nỗ lực, kết quả tích cực của bản thân; nếu điều đó được nhiều người biết đến thì càng có tác dụng động viên. Do đó, người chủ trì, bí thư chi bộ nên công khai khen ngợi những đảng viên có được những điều đó, không chỉ tạo ra sự phấn chấn, tự tin của bản thân đảng viên đó mà còn có thể tác động tích cực đến những đảng viên khác. Và, lời khen không nhất thiết dành cho những gì to tát mà có thể chỉ là những khía cạnh nổi trội cụ thể.

Ta thử hình dung: một đảng viên đã rất cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong điều kiện gia đình có nhiều biến cố không may nhưng không được ai ghi nhận, không được một lời động viên và cũng không cho đó là sự nỗ lực vượt bậc… thì có lẽ lần sau đảng viên đó không tích cực vượt khó hoặc sẽ thiếu ý chí để vượt khó. Không chỉ vậy, những đảng viên biết được sự nỗ lực đó nhưng thấy không được lãnh đạo quan tâm thì khi họ được giao việc trong hoàn cảnh tương tự có thể sẽ thiếu nhiều động lực để phấn đấu bởi sẽ sinh tâm lý “có cố gắng thì cũng vậy thôi, có ai biết đâu”.

Trong nhiều trường hợp, sự khích lệ, động viên được xem là món quà ý nghĩa, đôi khi có tác động, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng, hiệu quả, cường độ làm việc, thậm chí thay đổi cả quá trình phấn đấu của một con người. Có khi từ một lời nói chân thành như “trong việc này, chi bộ rất tin tưởng đồng chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ” hoặc “với kinh nghiệm và bản lĩnh của đồng chí, chắc chút trở ngại này không ảnh hưởng đến việc đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công”, người được giao việc sẽ mạnh dạn nhận nhiệm vụ và đương đầu với những khó khăn. Chính vì vậy, có người nói rằng, “sự động viên, khích lệ đã tiếp sức cho những người mệt mỏi, mở lối cho người đang phân vân và soi đèn cho ai đang lần mò trong bóng tối”.

Ở khía cạnh có phần ngược lại, trong sinh hoạt chi bộ, các đảng viên có thể tự rút ra cho mình những kinh nghiệm, những bài học từ thành công và cả thất bại, sai sót của đồng chí mình, nếu chi bộ đã nhìn nhận thấu đáo kết quả và nguyên nhân của nó. Đây là chức năng giáo dục của sinh hoạt chi bộ mà đôi khi chính các đảng viên, kể cả cấp ủy, chưa nhận ra đầy đủ[1].

Chẳng hạn, trong đơn vị có trường hợp một quần chúng sử dụng mạng xã hội đưa thông tin có nội dung chưa đúng chuẩn mực với tư cách một công chức ở cơ quan nhà nước, bí thư chi bộ nhân đó nhắc nhở chung với các đảng viên. Bằng thái độ cầu thị, có thể có đảng viên tự thấy rằng việc nhắc nhở đó thực ra có ý nghĩa với bản thân mình, vì có lúc đã nghĩ rằng trang cá nhân là trang riêng của mình, bản thân muốn sử dụng thế nào là tùy ý, không nhất thiết gắn với vai trò là công chức ở một cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, qua phân tích của đồng chí bí thư, bản thân nhận thức được rằng mình không thể nào tách bạch vai trò một người sử dụng mạng xã hội bình thường với vai trò một đảng viên, một công chức, vì khi đăng thông tin chưa hay thì không thể nào “chú thích” rằng “tôi đăng nội dung này không phải với vai trò của đảng viên, của công chức!”. Như vậy, từ việc của người khác mà mình được rút kinh nghiệm để tránh mắc khuyết điểm tương tự.

Hay ở một chi bộ cơ quan báo chí, trong trường hợp cuộc họp đã phân tích một cách khách quan, thấu đáo từ kết quả và nguyên nhân một phóng viên là đảng viên đã có loạt bài đạt giải báo chí thành phố thì các đảng viên khác là phóng viên cũng có thể tự tìm cho mình lời giải của riêng mình. Chẳng hạn, các kinh nghiệm đó là: bám sát các chủ trương lớn của thành phố; tìm những đề tài góp phần giải quyết và mang lại giá trị thực tiễn gắn với các chủ trương đó; xây dựng đề cương cho loạt bài; vừa phản ánh thực tế vừa lý giải và đề ra các giải pháp phù hợp; ghi nhận các ý kiến chuyên gia về vấn đề được nêu… Như vậy, từ chia sẻ của đồng chí, đồng nghiệp, đảng viên có thể vận dụng một cách linh hoạt, hợp lý để biến kinh nghiệm của người khác thành bài học cho mình một cách thiết thực và có ý nghĩa. Dĩ nhiên, để có được điều đó, bản thân đảng viên phải biết lắng nghe, biết phân tích và chọn lựa điều gì phù hợp với mình, đồng thời có thái độ cầu thị, tôn trọng đồng nghiệp…

Tóm lại, với các chi bộ thực hiện tốt cuộc sinh hoạt định kỳ, mỗi đảng viên sẽ học và tích lũy được nhiều điều bổ ích để làm phong phú thêm cho bản thân về nhiều mặt. Và khi đó, mỗi đảng viên lại “trông” đến kỳ họp để được học!

Vân Tâm

-----------------

[1] Chức năng giáo dục của cuộc sinh hoạt chi bộ có thể hiểu là từ việc tham gia các cuộc sinh hoạt của chi bộ, đảng viên được học tập và nâng cao kiến thức, nhận thức về nhiều vấn đề, từ hiểu biết phổ thông, nhận thức, quan điểm về chủ trương, đường lối cho đến các kiến thức trong công tác chuyên môn.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo