Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bài 3: Vì một đô thị văn minh, hiện đại

Người dân tập thể dục buổi sáng trên tuyến đường mới dọc kênh Tham Lương, do người dân đóng góp

(Thanhuytphcm.vn) - Năm 2022, cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển của TPHCM với gần 27.000 tỷ đồng, còn có hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn lực xã hội do các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức thực hiện các công trình phục vụ đời sống dân sinh. Hàng trăm km đường giao thông, hàng chục công viên, khu vui chơi giải trí và rất nhiều hạng mục, phần việc được đầu tư từ sức dân với những cách làm hiệu quả, thiết thực tại các địa bàn dân cư, đã làm thay đổi bộ mặt đô thị theo hướng văn minh, hiện đại…

Sức dân từ những công trình dân sinh

“Anh Hòa ơi, dậy đi tập thể dục nè”, “Nay trời nắng to đây, không đi sớm là chút nắng nóng lắm”… Mới hơn 5 giờ sáng, đoạn đường dọc bờ kênh Tham Lương phía Khu phố 3, Phường 13 (quận Gò Vấp) đã rộn tiếng nói cười của người dân đi tập thể dục buổi sáng. Từ ngày có đoạn đường gần 1 cây số rộng rãi, sạch sẽ, có công viên dọc bờ kênh, đã thay đổi bộ mặt của hàng trăm hộ dân các tổ dân phố 19, 23, 25. Thế nhưng, như ông Nguyễn Đức Hiếu, Trưởng Khu phố 3, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sứ Hợp An cho biết, trước kia đoạn đường này đất đỏ lầy lội, “ổ trâu”, “ổ gà” rất khó đi lại. Khu phố với hơn 95% hộ dân là Công giáo. Đầu tiên, ông Hiếu vận động các hộ có điều kiện, nhà mặt tiền kênh đóng góp, ai có gì góp nấy. Còn hộ dân trong các con hẻm thì ông vận động các cá nhân hảo tâm và các ông đứng đầu họ đạo trong giáo xứ. “Tôi phụ trách 6 giáo họ, mỗi giáo họ có 3 ông là người đứng đầu và 2 tổ trưởng dân phố. Cứ rỉ rả vận động, góp từng chút từng chút một vậy đó. Khu vực không có nhà dân thì tôi vận động cha Chánh xứ nhà thờ và giáo dân góp vào đã được hơn 100 triệu đồng và mấy tấn xi-măng, mấy xe đá” - ông Hiếu chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Trưởng Khu phố 3, Phường 13 (quận Gò Vấp) với người dân trong khu phố tập thể dục buổi sáng trên tuyến đường mới do nhân dân đóng góp Ông Nguyễn Đức Hiếu, Trưởng Khu phố 3, Phường 13 (quận Gò Vấp) với người dân trong khu phố tập thể dục buổi sáng trên tuyến đường mới do nhân dân đóng góp

Ngoài vận động trong giáo xứ, ông Hiếu còn tìm đến các cá nhân hảo tâm ở Giáo xứ Tân Định (Quận 1) góp tiền, vật liệu làm 50m đường đầu tiên phía đầu cầu Bến Phân. Là người ngoài Đảng, ông Hiếu xin được dự các cuộc họp chi ủy và chi bộ khu phố để thuyết phục cho chủ trương làm suốt tuyến. Được sự ủng hộ và trực tiếp chỉ đạo của Chi bộ khu phố, 150m tiếp theo, rồi 200m, 300m giáp với Khu phố 2 chỉ một thời gian ngắn đã hoàn thành, nối toàn tuyến đường. Nhẩm tính tổng giá trị tuyến đường gần 1 cây số đã làm được, ông Hiếu nói: “Tính luôn 4 cụm công viên, vườn hoa dọc bờ kênh là gần 2 tỷ đồng, đều của dân đóng góp”.

Tại Khu phố 8, Phường 15 (quận Gò Vấp) có một con đường dài hơn 200m từ bờ kênh Tham Lương dẫn vào các tổ dân phố 56, 57, 58 được đầu tư gần 1 tỷ đồng từ sức dân đóng góp. Ông Nguyễn Văn Mai, Trưởng Khu phố 8 giới thiệu với chúng tôi ông Chín, một cá nhân hảo tâm, người đầu tiên trong khu phố đi đầu góp sức với hơn 100 triệu đồng. Ông Chín nói: “Khi Chi hội Cựu chiến binh khu phố vận động, thấy được lợi ích của con đường là tôi tham gia ngay”. Ông Chín cho biết thêm, khu vực này trước kia là hầm hố, vũng nước sinh lầy. Gần 1.000 hộ dân các tổ dân phố bên trong muốn ra đường ngoài này phải đi vòng qua các hẻm của Quận 12.

Rạch Ông Học tại phường Thạnh Lộc (Quận 12) được cải tạo từ nguồn vốn đầu tư công và nhân dân đóng góp Rạch Ông Học tại phường Thạnh Lộc (Quận 12) được cải tạo từ nguồn vốn đầu tư công và nhân dân đóng góp

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông rộng 8m, ông Chín nói: “Đường của dân do dân đóng góp. Tôi bỏ ra công cán, xe ủi lấp đất, làm nền đường, các hộ chủ đất xung quanh thì hiến đất, góp tiền, góp vật liệu, hơn 2 tháng sau là xong, khánh thành cho dân đi”.

Đó là 2 công trình tiêu biểu trong hàng ngàn công trình mở đường, mở hẻm được thực hiện từ sức dân thời gian qua ở TPHCM, thể hiện “ý Đảng gặp lòng dân” với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, tiêu biểu trong cuộc vận động nhân dân hiến đất mở hẻm, có thể kể đến ở các quận: Gò Vấp, 3, 7, Phú Nhuận,... đã làm thay đổi bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại tại các địa bàn dân cư.

“Phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của nhân dân”

Đó là tên gọi của mô hình mang tính đột phá của các cấp ủy Đảng đơn vị, địa phương tại các quận huyện, Thành phố Thủ Đức được đăng ký thực hiện thời gian qua với sự đóng góp từ sức dân và ngân sách Nhà nước. Trong đó, Quận 7 có 2 công trình trọng điểm do Quận ủy chỉ đạo và phân công trực tiếp UBND quận thực hiện trong năm 2022, gồm: Hẻm 793/28 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng và hẻm 20 Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận và xây dựng, nâng cấp đường Đào Trí, phường Phú Thuận và đường D6, Khu dân cư Nam Long, phường Tân Thuận Đông. Ngoài ra, quận còn hoàn thành, đưa vào sử dụng 3 cây cầu dân sinh tại các phường Phú Thuận, Phú Mỹ và Tân Hưng.

Bà Nguyễn Thị Hòa, ngụ tại hẻm 803/59, khu phố 2, phường Phú Thuận đi trên cây cầu mới xây to, đẹp vui vẻ nói với chúng tôi: “Từ ngày có cây cầu mới, người dân trong các tổ dân phố 15, 16 mừng dữ lắm, không phải lội nước qua cầu mỗi khi triều cường lên”.

Tuyến đường rạch Cầu Kênh tại phường An Phú Đông (Quận 12) được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và người dân đóng góp. Ảnh: Hoài Nam Tuyến đường rạch Cầu Kênh tại phường An Phú Đông (Quận 12) được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và người dân đóng góp. Ảnh: Hoài Nam

Ngoài xây cầu, mở rộng đường cho dân đi lại, Quận 7 còn thực hiện chương trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” 33 công trình khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh rạch, xóa ngập gắn với chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu vui chơi giải trí, công viên, vườn hoa, tiểu cảnh. Tổng kinh phí thực hiện các công trình trên hơn 20 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân.

Tại Quận 10, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội quận triển khai chương trình chăm lo an sinh xã hội với 12 mô hình giúp dân mưu sinh, thoát nghèo, vượt qua tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng nguồn hỗ trợ hơn 28 tỷ đồng, trong đó huy động trong dân được gần 5 tỷ đồng. Từ các mô hình giúp dân trong chương trình chăm lo an sinh xã hội đã giúp Quận 10 tạo ra hàng trăm việc làm mới và cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa hộ nghèo, hộ cận nghèo trong quận.

Huyện Hóc Môn cũng được đánh giá là địa phương có nhiều công trình, mô hình phát huy giá trị cảnh quan vùng đất văn hóa, truyền thống, lịch sử cách mạng theo hướng phát triển du lịch. Dự án “Lịch sử, truyền thống, sinh thái và ẩm thực” và tổ chức tour du lịch “trên bến, dưới thuyền” ngắm sông Sài Gòn, tham quan làng hoa Nhị Bình, Công viên đá Nhật - cá Koi được triển khai thực hiện với sự đồng lòng tham gia của nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Qua đó, tạo môi trường và không gian xanh mang đặc trưng vùng đất Hóc Môn giàu truyền thống cách mạng, thu hút nguồn lực đầu tư cho hướng phát triển mới văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên chi sẻ: “Tiềm năng và dư địa phát triển của huyện là rất lớn. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì khó thực hiện được các dự án phát triển trong tương lai. Chính vì vậy, huyện chủ trương mở rộng các mô hình, hình thức hợp tác đa dạng, trong đó đặc biệt chú trọng đến mời gọi nguồn lực đầu tư từ trong dân”.

Các mô hình, dự án đầu tư lớn từ ngân sách Nhà nước và nhân dân đóng góp tại Quận 12

- Nâng cấp tuyến đường cặp rạch Cầu Kinh (bờ phải), Khu phố 4, phường An Phú Đông; chỉnh trang hai bên tuyến đường rạch Ông Học, Khu phố 3, phường Thạnh Lộc. Tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng, trong đó nhân dân hiến đất, góp vật liệu trị giá gần 3 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng mới 23 trường học với quy mô 590 phòng học.

- Nâng cấp 38 tuyến đường giao thông liên phường.

- Hoàn thành giai đoạn 1 dự án khu công viên cây xanh 150ha tại 2 phường Thạnh, Thới An và mở rộng 2 tuyến đường lớn tại phường Tân Thới Hiệp và Thạnh Xuân.

(Nguồn: UBND Quận 12)

Hoài Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo