Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Loạt bài “Quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội”
 

Bài 3: Những điều nên làm khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội

Người sử dụng không gian mạng có trách nhiệm là không xúc phạm người khác

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm là một đòi hỏi quan trọng và có tính bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang… Nhưng “có trách nhiệm” vẫn là một yêu cầu còn chưa cụ thể, vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị có thể đề ra một bộ quy chuẩn để cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị của mình lấy làm căn cứ để thực hiện, đồng thời là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, đảng viên. Dưới đây là một số gợi ý về những điều nên làm.

Thứ nhất, có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh… khi tiếp nhận thông tin. Không phải thông tin nào được lan truyền, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin chính xác, đúng đắn. Do đó, cần thiết phải tìm cách khẳng định tính xác thực của thông tin chứ không dễ dàng tin theo và làm lan tỏa thông tin đó khi chưa biết rõ mức độ tin cậy của thông tin. Tuyệt đối không nên xác tín theo cách “thông tin do mạng A nói”, “do ông X trên mạng B nói”… mà phải căn cứ trên những nguồn thông tin chính thức, chính thống. Nói cách khác, hơn người khác, cán bộ, đảng viên phải có “bộ lọc” khi tiếp cận thông tin chứ không phải tiếp thu một cách tùy tiện, thiếu trách nhiệm.

Thứ hai, sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc trang mạng internet cá nhân của mình để chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho người khác, cho xã hội và đất nước. Mỗi người có thể đăng trên các trang diễn đàn (trên các nền tảng mạng internet hoặc mạng xã hội), trang cộng đồng (fanpage), nhóm (group)… những thông tin mà mình có căn cứ xác thực cho là đúng đắn, chính xác để có độ lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn.

Thứ ba, đăng tải các bình luận, ý kiến nhận xét có văn hóa, có trách nhiệm và có tính xây dựng về những vấn đề mà bản thân cho rằng nên có ý kiến hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm. Nhất là với các vụ việc đang “nóng”, cần tránh tạo tâm lý kích động hoặc dẫn dắt dư luận một cách sai lệch; khi cần có ý kiến thì phải hợp lý, thể hiện bằng văn phong đúng mực, tránh để bị quy chụp, xuyên tạc về thái độ, tư cách của người cán bộ, đảng viên nói chung.

Thứ tư, tuyên truyền, động viên để nhiều người khác, nhất là với người thân, những người xung quanh mình, hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội. Với các cơ quan có quy chuẩn thì nên khuyến khích mọi người thực hiện theo quy chuẩn đó; hoặc gợi ý mọi người những cách thức sử dụng đúng pháp luật, văn minh, tiến bộ, hợp lý bằng các hình thức dễ hiểu, dễ thực hiện.

Thứ năm, trên trang mạng internet và mạng xã hội của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nên tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo người dân, các vấn đề đang có ý kiến khác nhau… Chẳng hạn, động viên nhau nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong bối cảnh dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, hay nhắc nhở mọi người không xả rác bừa bãi giúp giữ gìn mỹ quan đô thị và giảm ngập nước…, hoặc lưu ý người khác không tin theo các ý kiến của những người theo phong trào “anti-vaccine” (tẩy chay vaccine), vốn có thể gây nhiều hệ lụy phức tạp…

"Không gian mạng không thể là một lĩnh vực không có pháp luật" nên xem là một khẩu hiệu cần nhớ của mỗi cán bộ, đảng viên sử dụng không gian mạng "Không gian mạng không thể là một lĩnh vực không có pháp luật" nên xem là một khẩu hiệu cần nhớ của mỗi cán bộ, đảng viên sử dụng không gian mạng

Thứ sáu, tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị, về TPHCM và đất nước…; làm lan tỏa những gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… trên trang cá nhân hoặc các trang cộng đồng. Thay vì chia sẻ các thông tin vô thưởng vô phạt, chúng ta có thể góp phần lan tỏa những thông tin tốt, hình ảnh đẹp, câu chuyện hay…, không chỉ giúp người khác thưởng lãm mà còn có thể tác động đến suy nghĩ, tình cảm, hành động, từ đó có thêm những hành động tích cực khác.

Thứ bảy, chủ động phản ánh với các cơ quan có chức năng hoặc với cấp ủy khi phát hiện, đồng thời tích cực đấu tranh phản bác những trang, những thông tin sai trái, xuyên tạc, tiêu cực… Hình thức dễ thực hiện và có ý nghĩa thiết thực là nên trao đổi, chia sẻ về các thông tin sai trái, xấu độc trong các cuộc sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là sinh hoạt chi bộ. Việc phản ánh đó có thể giúp đồng nghiệp, đồng chí có được thông tin cần thiết từ đó cảnh giác hơn và có biện pháp ứng phó chủ động hơn, đồng thời có thể tạo điều kiện cho cấp ủy hoặc người am hiểu vấn đề giải đáp, định hướng nhằm giúp bản thân và người khác hiểu rõ vấn đề hơn. Bên cạnh đó, việc báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền là giải pháp cần thiết để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, phản bác hoặc các hình thức xử lý khác phù hợp.

Thứ tám, luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin… trên mạng internet và mạng xã hội; không đưa những thông tin, hình ảnh, tư liệu nội bộ cơ quan, đơn vị; không đưa thông tin một cách lập lờ để dẫn dắt dư luận nhằm mục đích công kích cá nhân hoặc tổ chức với dụng ý không tốt. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên nên luôn ý thức rằng mỗi thông tin, mỗi status mình đưa lên “có ích gì cho ai không”, chứ không phải như người khác quan tâm nhiều hơn đến câu hỏi “có hại gì cho ai không”. Do đó, chuẩn mực dành cho cán bộ, đảng viên có phần khắt khe hơn nhưng thực sự là cần thiết, bởi trong nhiều trường hợp, những gì được đưa lên mạng internet và mạng xã hội không còn là vấn đề cá nhân mà trở thành hình ảnh, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, của đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ trong hệ thống, của Đảng, chế độ…

Thứ chín, đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, bên cạnh việc thực hiện các yêu cầu chung về việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội, còn quan tâm việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội của cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi mình phụ trách để kịp thời góp ý, nhắc nhở, chấn chỉnh các biểu hiện chưa lành mạnh; đồng thời tích cực lắng nghe các ý kiến phản hồi về bản thân, về cơ quan, đơn vị, về cán bộ, nhân viên ở cơ quan của mình… để có biện pháp ứng xử phù hợp. Các cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội, đồng thời phải có biện pháp nắm bắt, giám sát, quản lý việc sử dụng không gian mạng của cán bộ, đảng viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị, trong tổ chức đảng của mình. Đây không phải là việc nên làm mà là việc phải làm, là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cán bộ lãnh đạo, không chỉ để kịp thời giải quyết các vấn đề của nội bộ cơ quan, đơn vị mà còn tránh để lây lan, gây tác động xấu để hình ảnh của đội ngũ, của hệ thống…

Trên đây là gợi ý về những điều nên làm của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội, chưa phải là tất cả những điều mà người sử dụng không gian mạng phải lưu ý. Bởi suy cho cùng, với cán bộ, đảng viên, bên cạnh bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, quy định của Đảng, các chuẩn mực, nội quy của cơ quan, các định hướng của tổ chức mà mình là thành viên, sự tự ý thức về trách nhiệm, về tính đảng, về sự gương mẫu, về sự chuẩn mực là hết sức quan trọng. Hơn hết, đó là các yêu cầu về tính tự giác thay vì chỉ tuân thủ quy định một cách máy móc; từ sự tự giác sẽ có các cách thức, biện pháp thực hiện hợp lý, đúng mức và có ý nghĩa.

Trúc Giang

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo