BS Thọ với công việc thường ngày tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.(Thanhuytphcm.vn) - Ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, BS.CKII Phan Vĩnh Thọ, hiện đang là Trưởng khoa Cấp cứu và đã có những đóng góp tích cực trong công tác phòng chống dịch. Tốt nghiệp năm 2003, sau đó học bác sĩ nội trú thêm 3 năm chuyên ngành truyền nhiễm và lấy bằng thạc sĩ Bộ môn Nhiễm của ĐH Y Dược trước khi chuyển công tác Bệnh viện Bệnh nhiệt đới làm việc cho đến nay. Năm 2018, Bệnh viện thành lập Khoa Cấp cứu thì anh được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tại đây với chức vụ Trưởng khoa.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, vai trò một bệnh viện về bệnh truyền nhiễm như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trở nên quan trọng và nổi bật hơn bao giờ hết. Bệnh viện được thành phố phân công tiếp nhận, điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch của một số nơi chuyển đến trong khi vẫn tiếp nhận những trường hợp người bệnh tự đến. Khoa Cấp cứu với vai trò sàng lọc tình trạng người bệnh để chuyển vào các khoa một cách hợp lý; những nhân viên tại Khoa như BS Thọ là những người sẽ cấp cứu ban đầu đối với những trường hợp nguy kịch, đến khi người bệnh tạm ổn mới sắp xếp để chuyển vào những khoa nội trú. Đỉnh điểm là các tháng 7, 8, 9/2021, khi mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã quá tải ở các khoa nội trú do các ca bệnh tăng nhanh liên tục thì Khoa Cấp cứu cũng được bố trí, sắp xếp lại để vừa có thể cấp cứu và đồng thời tiếp nhận luôn phần điều trị nội trú Covid-19 cho những trường hợp nặng. Khoa Cấp cứu bình thường chỉ có 6 giường bệnh nhưng thời điểm đó số ca thở máy có lúc lên đến 20 bệnh nhân, bất cứ chỗ nào có thể kê được giường là Khoa tận dụng hết, kể cả khu vực nghỉ dành cho nhân viên y tế cũng được trưng dụng, nhân viên y tế phải sinh hoạt và nghỉ ngơi trên các ghế đá hành lang của Khoa.
BS.CKII Phan Vĩnh ThọVới lượng công việc khủng khiếp và áp lực như vậy, BS. Thọ vẫn sắp xếp thời gian tham gia chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới, tuyến quận huyện, tuyến tỉnh như Bệnh viện Gò Vấp, Bình Chánh, Xuyên Á, Thống Nhất Đồng Nai, Đa khoa tỉnh Sóc Trăng… Đặc biệt ở thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát, những bệnh viện tuyến dưới vẫn chưa nắm bắt kịp phác đồ điều trị, cách sử dụng thuốc, những kỹ năng thăm khám, chuyển bệnh an toàn cho người bệnh…; hay như việc phối hợp với Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn hỗ trợ các bệnh viện khác tổ chức, bố trí, sắp xếp lại khoa cấp cứu, khoa hồi sức, cách phân luồng, tiếp nhận người bệnh… cho đúng với chuẩn của một bệnh viện chống dịch. Đầu tiên, BS Thọ là người vừa trực tiếp cấp cứu vừa hướng dẫn những nhân viên y tế khác. Anh chia sẻ, các bác sĩ ở những bệnh viện tuyến dưới có kỹ năng cấp cứu, thậm chí hồi sức rất tốt, nhưng họ lại chưa có nhiều kinh nghiệm với những ca bệnh truyền nhiễm, do đó anh phải làm mẫu để mọi người xem và không bỡ ngỡ với những trường hợp bệnh khác. BS Thọ tâm sự: “Việc truyền cảm hứng cho những bác sĩ, nhân viên y tế tuyến dưới là vô cùng quan trọng. Mình đã là bác sĩ chuyên về truyền nhiễm thì mình phải xắn tay áo vô cấp cứu cho người bệnh ngay từ đầu, mình phải làm gương, chỉ có như vậy thì những đồng nghiệp khác họ mới không e ngại, không sợ bị lây nhiễm nữa”.
Bên cạnh đó, khi các bệnh viện tuyến dưới trong thành phố gặp phải những ca vượt quá khả năng, BS Thọ là người trực tiếp đến tận nơi để hỗ trợ. Anh cũng cùng các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và các bệnh viện khác lập những nhóm trao đổi về chuyên môn để cùng trao đổi, hội chẩn các ca bệnh nặng, phức tạp.
BS.CKII Phan Vĩnh Thọ (đeo kính thứ 3 từ trái qua) trong chuyến công tác hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng.Việc rơi vào tình trạng quá tải về nhân lực, cơ sở vật chất là điều không thể tránh khỏi đối với BS Phan Vĩnh Thọ và các nhân viên của Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Họ không có chỗ để nghỉ ngơi hay ngả lưng chợp mắt sau những giờ làm việc đầy áp lực, phòng làm việc của chính họ cũng được dành để sắp xếp chỗ cho người bệnh, nhưng không vì vậy mà anh và các đồng nghiệp chùn bước. Anh tâm niệm, việc cứu sống người bệnh là điều ưu tiên hàng đầu, tất cả những chuyện khác chỉ là việc thứ yếu. Anh cho biết, tất cả nhân viên Khoa Cấp cứu đều làm việc 100% trong suốt cả mùa dịch, không ai nghỉ ngày nào, mọi người cùng nhau gồng gánh, chia sẻ công việc để cùng nhau vượt qua giai đoạn căng thẳng ở thời điểm đó, chẳng ai nản chí; thậm chí đến cả những cô chú lớn tuổi, chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu, được tạo điều kiện làm việc ở những khoa khác đỡ áp lực hơn nhưng tất cả đều từ chối và vẫn muốn tiếp tục công việc của mình tại Khoa mà không nề hà sự gian khổ.
Khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM dần được kiểm soát, theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, những người bệnh còn lại được chuyển vào các khoa nội trú, Khoa Cấp cứu được sắp xếp, dọn dẹp lại để chuẩn bị tiếp nhận các bệnh khác, cũng chính là ngày BS Thọ và nhân viên của mình cảm thấy vui nhất, bởi mọi người hiểu rằng những những ngày khó khăn của dịch bệnh đã tạm qua và tất cả bắt đầu bước vào một trạng thái mới.