Thứ Tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024

NGHỊ QUYẾT

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 3 - Lần thứ 3

PHẦN THỨ NHẤT

BÁO CÁO VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ QUẬN 3 - LẦN THỨ II VÀ TÌNH HÌNH TRONG QUẬN TỪ NĂM 1980 ĐẾN NĂM 1982

Trong bối cảnh chung của Thành phố, ba năm qua, toàn Đảng bộ và nhân dân Quận 3 đã tích cực thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Thành ủy, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 3 lần thứ hai, tình hình trong Quận đã có những chuyển biến nhiều mặt.

Đặc điểm của Quận 3 là một Quận hành chính cư trú, đang trong quá trình chuyển thành một Quận có sản xuất phát triển, cơ sở vật chất cho sản xuất mới xây dựng được một ít trong những năm gần đây, nhưng chưa được bao nhiêu, nên có ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng, cải tạo và chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên và nhân dân lao động trong Quận.

Là địa bàn trọng điểm bảo vệ có nhiều cơ quan lãnh đạo, nhiều đơn vị của Trung ương, Thành phố đóng trong Quận, đồng thời trong Quận cũng có nhiều trung tâm tôn giáo lớn., mà địch thường lợi dụng để tiến hành kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Nhưng, Quận đã xây dựng các lực lượng an ninh, quân sự, đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững được an ninh chính trị, trật tự xã hội, vừa đảm bảo an toàn cho các cơ quan lãnh đạo, vừa tạo điều kiện cho các mặt kinh tế, văn hoá khác phát triển.

Ở vị trí trung tâm của Thành phố, Quận 3 còn có điều kiện góp phần xây dựng bộ mặt văn hoá của Thành phố. Ba năm qua, Quận đã tiến hành việc chống văn hoá văn nghệ đồi truỵ phản động, và từng bước xây dựng văn hoá mới, nếp sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Các hoạt động chăm lo đời sống văn hoá quần chúng có kết quả trên một số mặt xây dựng con người mới, nếp sống văn hoá mới.

Để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hệ thống chuyên chính vô sản của Quận được tập trung xây dựng và củng cố về số lượng và chất lượng, nâng dần vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực hoạt động, khả năng quản lý của Chính quyền các cấp và phong trào quần chúng cũng có những tiến bộ đáng kể.

Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 3 lần thứ hai và tinh thần Nghị quyết Đại hội V, Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết khác của Trung ương và Thành uỷ, Ban Chấp hành kiểm điểm lại tình hình và báo cáo trước Đại hội những công tác cơ bản đã tổ chức thực hiện trong 3 năm qua như sau:

A- CÔNG TÁC THỨ NHẤT:

ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, PHÂN PHỐI LƯU THÔNG, TIẾP TỤC CẢI TẠO CÔNG THƯƠNG NGHIỆP TƯ BẢN, TƯ DOANH, CHĂM LO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ VĂN HOÁ CỦA CBCNV VÀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG.

I- SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP.

Trong 3 năm qua, Quận 3 tập trung sức phát triển tiểu thủ công nghiệp. Trong tình hình nguyên liệu vật tư, điện, giá cả, tiền mặt v.v… còn thiếu và không ổn định. Quận đã ra sức tháo gỡ đưa sản xuất phát triển khá nhanh. Từ giá trị sản lượng năm 1980 là 42,8 triệu đã nâng lên 71,5 triệu đồng năm 1982, tốc độ tăng bình quân hằng năm là 28%. Ba năm liền ngành tiểu, thủ công nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước và năm 81 đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Rọi lại tinh thần Nghị quyết 6/TW, Nghị quyết 9/TU thì Quận 3 sản xuất có bung ra, phát triển sản xuất năm sau cao hơn năm trước đó là do một mặt Quận có tập trung chỉ đạo ngành chủ quản và phường hết sức tháo gỡ những khó khăn cụ thể cho cơ sở sản xuất, và mặt khác có vận dụng tốt một số chính sách đối với khu vực sản xuất tập thể.

Quận 3 có khả năng sản xuất hàng hoá xuất khẩu, nhất là hàng may mặc, thuê đan, thủ công mỹ nghệ. Quận sớm xác định khả năng này nên tập trung củng cố xây dựng và đã vận dụng tốt các chính sách đối với cơ sở sản xuất tập thể nên giữ được các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu (may mặc, thuê đan) không bị tan rã. Từ đó, các cơ sở vươn lên, nhiều cơ sở đã đóng vai trò quan trọng trong nhóm sản phẩm của Thành phố như thuê, mành trúc, đồ gỗ…

Mặt khác, khả năng sản xuất hàng tiêu dùng nội địa của Quận phong phú và đa dạng. Trong 3 năm qua Quận đã khơi dậy được tiềm năng này, đưa sản xuất phát triển nhanh và đúng hướng, trong đó ngành cơ khí phát triển gấp đôi, giá trị sản lượng năm 80 là 11,3 triệu tăng lên 22,6 triệu năm 1982.

Trong 7 ngành kinh tế kỹ thuật thì 4 ngành cơ khí, kim khí, may mặc và lương thực thực phẩm, hoá nhựa, cao su, có giá trị sản lượng lớn (trên dưới 20 triệu đồng/năm. Tuy nhiên 2 ngành lương thực thực phẩm, hoá nhựa cao su gần đây phát triển có khó khăn vì nguyên liệu ngày càng khan hiếm.

Công tác tổ chức, sắp xếp lại sản xuất để củng cố quan hệ sản xuất tập thể, kiểm tra chất lượng sản phẩm thực hiện chậm, đến cuối năm 1982 mới tiến hành. Việc tập thể hoá tư liệu sản xuất cũng chưa thực hiện được bao nhiêu. Số lượng hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất so với năm 80 không tăng lên (13 hợp tác xã, 181 tổ hợp tác sản xuất) phản ánh tình hình buông lơi công tác cải tạo trong thời gian dài. Trong các cơ sở cá thể và ngay cả trong tổ hợp tác sản xuất trá hình xuất hiện nhiều chủ tư nhân có vốn lớn, có thuê mướn lao động và bóc lột. Quận chưa thật chú trọng việc thành lập cơ sở quốc doanh và xí nghiệp hợp doanh và tuy có tập trung chỉ đạo cho hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất nhưng khu vực này còn chiếm tỷ lệ thấp so với khu vực cá thể cả về giá trị sản lượng và thu nhập của người lao động. Cán bộ khoa học kỹ thuật trong Quận khá đông, nhưng chưa tập hợp lại được, chưa tạo điều kiện để anh chị em đóng góp vào sản xuất trong Quận.

Rọi lại các chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận lần II thì giá trị sản lượng, thu nộp sản phẩm đạt kế hoạch, còn các mặt cải tạo, sắp xếp lại sản xuất, thu hút lao động, chất lượng sản phẩm là chưa đạt yêu cầu.

Về sản xuất ngoại thành

Hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản cho nông trường Thái Mỹ (Củ Chi) trong năm 80, từ đó đến nay do Thành phố chưa định hướng nên hoạt động có phần hạn chế. Năm 82 triển khai xây dựng lâm trường ở Đắc Nông. Việc đưa dân định cư ở nông trường Phạm Văn Hai năm 82 mới đưa được 56 hộ, trong khi đó có trên 6.400 dân từ các vùng kinh tế mới trở về Quận phải giải quyết nơi ăn ở và việc làm.

Duyên Hải, qua sản xuất thử nghiệm đã xác định được phương hướng sản xuất là trồng cói, thầu dầu, nuôi tôm… Về giáo dục cải tạo lao động được 1.600 trại sinh, song chất lượng giáo dục chưa nâng lên kịp yêu cầu, một số trại sinh xuất trại tiếp tục phạm pháp.

Trước khi nhập với Ban Khai hoang sản xuất, Xí nghiệp Khai thác và Cung ứng lâm sản cũng đã khai thác trắng và giao nghiệm thu được 400 ha rừng ở Lòng Hồ, đem được một số gỗ, củi về phục vụ yêu cầu trong Quận. Bộ phận này đang tiếp tục xây dựng lâm trường Quảng Tân để trồng rừng và sản xuất gạch.

II- HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH PHÂN PHỐI LƯU THÔNG, CHĂM LO ĐỜI SỐNG

1- Thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã.

Ba năm qua, ngành thương nghiệp mở rộng quy mô tổ chức kinh doanh. Từ một Phòng Thương nghiệp và vài Công ty nhỏ bé, ngành đã mở rộng tổ chức lên 4 Công ty, một cửa hàng cấp Quận, một hợp tác xã cấp Quận có Công ty riêng và hệ thống 20 hợp tác xã phường với trên 1.600 lao động ngành thương nghiệp. Ba năm qua thực hiện được doanh số trên 940 triệu đồng (năm 82 với doanh số trên 550 triệu đồng, gấp 10 lần năm 80). Nét nổi bật là khi có Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, hệ thống thương nghiệp XHCN trưởng thành nhanh, (trong đó thương nghiệp quốc doanh phát triển nhanh hơn hợp tác xã). Cả hai hệ thống thương nghiệp đều đảm bảo được chức năng bán lẻ của mình (bình quân của hợp tác xã là 70% - 80%, của quốc doanh là 60% - 70%).

Trong kinh doanh ngành có chú trọng các mặt hàng thiết yếu của đời sống nhân dân. Các chỉ tiêu mặt hàng như gạo, thịt đều đạt được, đảm bảo bán cung cấp cho CBCNV và người ăn theo và có lúc tham gia thị trường kềm giữ giá có hiệu quả. Cửa hàng kinh doanh lương thực thành lập năm 82, đưa gạo ra thị trường bình quân 300 tấn/tháng góp phần ổn định giá gạo. Song lượng cá và rau có phần giảm sút, không đạt kế hoạch mặt hàng do khó khăn trong thu mua. Tư thương 2 ngành này còn thao túng trên thị trường.

Tác động của ngành thương nghiệp cho sản xuất có nhiều cố gắng song qui mô còn hạn chế. Cả 3 năm qua mua được 80 triệu đồng hàng hoá sản xuất trong Quận (tương đương 10 triệu đồng giá trị sản lượng và bằng 27% tổng giá trị hàng tự sản tự tiêu do ngành tiểu thủ công nghiệp nắm được). Còn để một lượng hàng hoá của ngành tiểu thủ công nghiệp ra thị trường không tổ chức khoảng 200 triệu đồng. Việc tác động cho sản xuất gặp khó khăn là do không có nguyên vật liệu để gia công, trao đổi, chưa thống nhất giá cả, mặt khác 2 ngành chủ quản chưa thật gắn bó.

Khu vực hợp tác xã trong 3 năm qua hoạt động khá tốt, giải quyết được một phần nhu cầu đời sống nhân dân lao động và đấu tranh thị trường. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu đến hai bữa ăn của hợp tác xã thường là thấp hơn giá thị trường từ 15% đến 20%. Tuy nhiên vẫn còn 1 số hợp tác xã phường chạy theo bán buôn hoặc yếu trong quản lý chưa tập trung phục vụ xã viên, và chưa được kịp thời củng cố.

Nhìn chung 3 năm qua thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã có phát triển nhanh về quy mô tổ chức, tiến bộ trong kinh doanh. Song do công tác thu mua chưa được củng cố kịp thời, quỹ hàng hoá còn mỏng nên chưa chiếm lĩnh được thị trường bao nhiêu, trừ một số mặt hàng chủ yếu như gạo, thịt, rau, nước chấm; còn lại các mặt hàng khác thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã chỉ chiếm lĩnh trên dưới 30%. Có một số đơn vị, khâu phục vụ chưa được chú ý đúng mức.

2- Chăm lo đời sống CBCNV và nhân dân lao động

Khi có Nghị quyết về đời sống của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ II, Quận có tập trung chăm lo đời sống CBCNV và quần chúng. Ngành Thương nghiệp đảm bảo cung cấp các mặt hàng định lượng cho CBCNV và người ăn theo, nhưng đến năm 1982 do quỹ hàng hoá không đủ nên trong thực tế chỉ còn lại 5 mặt hàng như gạo, thịt, vải, chất đốt, đường, các mặt hàng khác phải bù cấp bằng tiền nhưng Tài chính cấp bù không sát giá nên CBCNV không mua được hiện vật đủ định lượng. Đời sống nhìn chung còn khó khăn có lúc khá căn thẳng. Các tiêu chuẩn hàng định lượng cho đối tượng ưu tiên như giáo viên, hưu trí… có đảm bảo được song cũng còn chậm.

Trước tình hình khó khăn về đời sống, Quận cũng đã có chủ trương cho các đơn vị hành chánh sự nghiệp tổ chức sản xuất để cải thiện thêm cho đời sống CBCNV nhưng kết quả cũng còn hạn chế, chỉ có một số đơn vị đi đúng hướng, một số đơn vị chạy theo kinh doanh, buôn bán.

3- Công tác xuất nhập khẩu.

Thánh 3-1982 Công ty Cung ứng xuất nhập khẩu được hình thành và đã cung ứng cho Thành phố hàng xuất khẩu với giá trị 56,8 triệu đồng, trong đó 60% là nông sản thực phẩm thu mua từ các Tỉnh, còn lại là thu mua hàng tiểu thủ công nghiệp trong và ngoài Quận. Riêng trong Quận, Công ty mới hợp tác được với hai cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu.

Trong hoạt động, ngành xuất nhập khẩu bước đầu có cố gắng nhất định, song quy mô còn nhỏ, chưa tác động tốt cho sản xuất và tạo chân hàng xuất khẩu trong Quận, có tham gia vào việc tranh mua tranh bán trên thị trường hàng hoá xuất khẩu, công tác quản lý tài vụ còn một số sơ hở như giao tiền mặt cho tư thương.

4- Cải tạo thương nghiệp tư nhân

Thương nghiệp quốc doanh và Thương nghiệp hợp tác xã cả mạng lưới, quỹ hành hoá và phương thức kinh doanh chưa đủ mạnh để đóng vai trò chủ đạo thị trường.

Tiểu thương các chợ có được sắp xếp, tổ chức lại việc mua bán, song giá cả do họ niêm yết chỉ là hình thức, giá cả khu vực dịch vụ ở đường phố quá cao; trong lúc ấy mạng lưới dịch vụ của Quận lại mỏng, tư thương hàng ngày hàng giờ tranh mua tranh bán với quốc doanh và hợp tác xã trên từng mặt hàng. Cộng vào đó, bọn đầu cơ nâng phá giá, làm hàng giả, buôn lậu gây rối ren ở thị trường ta chưa phát hiện và trừng trị kịp thời. Mặt khác, một số hoạt động của một vài Công ty quốc doanh và hợp tác xã kể cả một số đơn vị không có chức năng buôn bán cũng kinh doanh như bán trao tay, bán buôn tự định giá, tuôn hàng ra ngoài dù không nhiều song cũng đã làm cho thị trường thêm phức tạp. Các ngành dịch vụ, ăn uống, phát triển nhiều nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn.

Ban Quản lý thị trường mới thành lập, hoạt động có hiệu quả bước đầu trong việc ngăn chặn được một ít các hoạt động buôn bán trái phép, song chưa làm tốt chức năng cải tạo giáo dục tiểu thương, trừng trị bọn tư sản thương nghiệp và các loại lưu manh khác; do đó chưa góp phần cho khu vực tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp trong cải tạo sắp xếp, nắm hàng hoá…

Do at buôn lơi trong thời gian dài công tác cải tạo nên thành phần tư thương phát triển phức tạp, tư sản thương nghiệp bị cải tạo trước đây, nay ngóc đầu dậy hoạt động với nhiều hình thức biến dạng, một số tư sản mới xuất hiện, làm cho tương quan trên thị trường xã hội có chiều hướng không thuận lợi cho thương nghiệp XHCN.

III- HOẠT ĐỘNG MỘT SỐ NGÀNH KINH TẾ KHÁC PHỤC VỤ CHO SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI LƯU THÔNG

1- Giao thông vận tải

Về giao thông, Quận đã tập trung duy tu bảo dưỡng đường xá được phân cấp, đã sửa chữa 2/3 diện tích mặt đường. Song do vật tư thiếu, mặt khác chưa tận dụng khả năng quần chúng bảo vệ mặt đường nên một số đường tiếp tục xuống cấp.

Nhờ quản lý được đầu xe họat động, cải tiến thêm xe than nên trong 3 năm qua Quận cơ bản đảm bảo yêu cầu vận chuyển cho sản xuất, thương nghiệp và yêu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo được chỉ tiêu 6,5 triệu lượt hành khách và luân chuyển được 9,6 triệu tấn hàng hóa/km. Nhu cầu vận chuyển lương thực lớn, Quận chưa có khả năng đáp ứng vì thiếu cả xe vận tải nặng lẫn xăng dầu.

Xe Cyclo phát triển nhanh, có hơn 3.800 xe ta mới quản lý được 2.800 xe, còn một số khá lớn chưa quản lý được nên đã gây phức tạp trong an ninh trật tự.

2- Sửa chữa quản lý nhà và công trình công cộng

Nhà của trong Quận nhiều, song đa số do Thành phố quản lý, Quận chỉ quản lý 2.879 căn hộ. Thực hiện Chỉ thị 16/CT-HĐBT, Quận đã quy họach nhà ở 20 Phường và một số cơ quan đơn vị, sắp xếp nhà sau khi nhập 25 phường còn 20 phường. Quận đã đầu tư 2.700m2 nhà cho sản xuất và 56 căn hộ cho việc phát triển mạng lưới thương nghiệp.

Công tác xây dựng sửa chữa mấy năm trước có hạn chế do chờ đợi vật tư của Thành phố. Năm 82, đã có nhiều tiến bộ, hòan tất trên 100 công trình (8.500m2 với 3,3 triệu đồng) do Quận tự lo nguồn vốn, chạy vật tư. Vận dụng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cấp trên và Quận cùng làm nên đã cơ bản xây dựng xong chợ Vườn Chuối và chợ Bàn Cờ. Quận tự lực xây sửa sân số 2 Hồ Xuân Hương làm trung tâm sinh họat văn hóa thể dục thể thao của Quận.

Tuy nhiên ngành còn những tồn tại khá lớn: quy họach tòan bộ nhà cửa tiến hành chậm, 242 căn nhà chiếm ngụ không hợp pháp, 250 căn nhà sử dụng không hợp lý, không đúng công năng chưa giải quyết.Việc phân phối, hóan chuyển nhà có lúc còn tùy tiện, chưa vào quy họach. Chưa dành ra một số nhà để cấp cho công nhân, đối tượng chính sách, cán bộ CNV. Nhà cửa còn xuống cấp nghiêm trọng nhất là trường học, một số nhà trên sông chưa giải tỏa, và một số phường việc xây dựng sửa chữa không đúng quy định phân cấp quản lý.

3- Tài chính – Thuế - Giá cả - Ngân hàng

Quận có ngân sách từ đầu năm 1980 và 3 năm đều bội thu (năm 82 bội thu trên 3 triệu đồng). Quận đã đầu tư cho việc phát triển kinh tế, cho các yêu cầu văn hóa phúc lợi chung. Song mật tồn tại là chưa giám đốc tốt các ngành sử dụng ngân sách, chi cấp có lúc còn chậm ảnh hưởng đến họat động của một số ngành.

Ngành Thuế: Có xem xét nâng định mức thuế cho phù hợp với tình hình kinh doanh của cơ sở. Riêng năm 81 thu thuế không đạt kế họach do Thành phố điều chỉnh chỉ tiêu quá chậm. Ngành Thuế có phối hợp với phường trong thu thuế. Tuy nhiên, thất thu, khai man, trốn thuế cũng còn nhiều do chưa nắm sát tình hình kinh doanh của các hộ, xác định doanh thu thấp, thu thuế chưa tập trung vào các hộ A, B. Thuế chưa phát huy chức năng cải tạo, chưa điều tiết được thu nhập giữa các thành phần xã hội, thu thuế nhưng không kềm giữ giá nên trong thực tế người tiêu thụ phải chịu thuế.

Trong số gần 8.953 hộ đăng ký kinh doanh có đến 4.482 hộ thương nghiệp và 2.518 hộ ăn uống, chưa kể hàng ngàn hộ khác buôn bán nhỏ chưa đăng ký; ước tính có đến trên 10.000 hộ kinh doanh thương nghiệp ăn uống. Việc cho phép kinh doanh nhiều hộ ăn uống, thương nghiệp là không đúng hướng. Trong 63 hộ có mức thuế AB cũng đã có đến 38 hộ kinh doanh lớn, doanh thu hàng tháng từ 450.000 đồng đến 800.000 đồng.

Giá cả: 3 năm qua biến động phức tạp. Có đến 6 lần biến động giá cả trong khu vực Nhà nước. Giá cả thị trường không tổ chức tăng lên 2 lần rưỡi. Đồng thời lương thực tế CBCNV giảm 60%.

Việc đấu tranh kềm giữa giá phải tiến hành trong phạm vi tòan Thành phố, song Quận cũng còn buông lơi, chưa có những biện pháp đấu tranh kềm giữa giá có hiệu quả.

Ngân hàng: Quận đã hết sức cố gắng trong việc giải quyết khó khăn tiền mặt kéo dài 2 năm 80 – 81, dành thuận lợi cho khu vực sản xuất, thương nghiệp và các yêu cầu chi ưu tiên cũng đạt được như lương bổng, quốc phòng. Việc cho vay cũng tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh; vòng quay vốn công nghiệp là 1,8; tiểu thủ công nghiệp là 6,1 và thương nghiệp 8,1 vòng.

Công tác tiết kiệm đạt kết quả tốt do Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với đòan thể phát động được phong trào quần chúng, đưa số dư cuối năm tăng lên, bình quân số dư mỗi người năm 82 là 62 đồng.

Song Ngân hàng chưa làm tốt chức năng giám đốc nhằm thúc đẩy các ngành họat động, để cho bội chi tiền mặt lớn (58,4 triệu) việc cân đối chưa tốt, có lúc để tiền mặt thiếu (20 triệu đồng tiền nợ) và tình trạng đòi trả tiền mặt phát triển (thu chi bù trừ không qua Ngân hàng tới 130 triệu đồng). Chưa huy động được tiền mặt qua Ngân hàng.

IV- HỌAT ĐỘNG CỦA NGÀNH VĂN HÓA XÃ HỘI; XÂY NẾP SỐNG MỚI CON NGƯỜI MỚI

1- Phân bổ lao động

Trong 3 năm, đã giải quyết 17.109 lao động có việc làm ổn định hoặc tạm thời. Rọi lại chỉ tiêu từng năm chưa có năm nào đạt được, nhưng trong đó chỉ tiêu từng mặt có đạt như nghĩa vụ quân sự (3.287 thanh niên).

Tình hình sản xuất phát triển nhanh nhưng không thu hút được lao động bằng số người từ cơ sở đi ra, trong lúc đó lao động phát triển hằng năm khá lớn (5.000 kể cả quân nhân và thanh niên xung phong xuất ngũ, học sinh không đậu vào cấp III và phát sinh tự nhiên). Lao động chưa có việc làm ổn định còn đến 14.000 người kể cả nội trợ, trong đó có 2.500 thanh niên và 1.700 thợ có tay nghề bậc 2-3. Đến năm 82, có thêm 6.400 người từ các vùng kinh tế mới trở về cũng chưa giải quýêt được việc làm. Một bộ phận lớn đã chạy theo buôn bán làm cho tình hình an ninh trật tự xã hội, thị trường thêm phức tạp.

2- Văn hóa thông tin

Hệ thống các công trình văn hóa thông tin, phòng đọc sách, câu lạc bộ có quan tâm xây dựngvà củng cố ở các phường. Các đội văn nghệ không chuyên cấp Quận và Phường họat động đều, phục vụ được cho yêu cầu văn hóa của quần chúng. Số người đọc và xem biểu diễn văn nghệ mỗi năm đều có tăng lên. Riêng năm 82 số người xem ở 3 rạp do Quận quản lý tăng lên bằng 2 năm 80 và 81 cộng lại (950.214 lượt người xem).

Năm 81 khi có Chỉ thị 05/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy, công tác chống văn hóa văn nghệ đồi trụy phản động, mê tín dị đoan v.v… có tiến hành tốt hơn. Phong trào xây dựng nếp sống mới được phát động liên tục ở khắp nơi.

Song rọi lại yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần trước là phải nâng lên một bước bộ mặt văn hóa của Quận thì chưa đạt yêu cầu bề rộng lẫn chiều sâu, chưa tiến hành điều tra cơ bản về văn hóa văn nghệ và chưa tranh thủ phát huy được lực lượng làm văn hóa văn nghệ đóng trên địa bàn Quận. Đời sống văn hóa của quần chúng trong Quận chưa được quan tâm đúng mức, phong trào văn nghệ quần chúng, tự biên tự diễn… phát triển chậm. Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lọai hình họat động chưa phong phú… Từ đó phong trào xây dựng con người mới, nếp sống mới cũng chứ được tiến bộ bao nhiêu.

3- Giáo dục Nhà trẻ.

Hai năm học vừa qua, công tác giáo dục có d8ạt yêu cầu chất lượng. Đạo đức giáo viên và học sinh đều có tiến bộ. Số học sinh mỗi năm lên lớp đều tăng. Ngành mậu giáo nhà trẻ giữ vững chất lượng nuôi dạy. Sở dĩ đạt được kết quả đó là do có quan tâm xây dựng phong trào 2 tốt, và cuộc vận động “mỗi thầy giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Quận quan tâm bồi dưỡng văn hóa cho CBCNV chưa hết cấp II, 50% đối tượng này đã vào lớp. Đặc biệt, 4 trung tâm hướng nghiệp của Quận đã thu hút đến 7.000 học sinh, 1.700/2.000 các em nghèo thất học đã trở lại lớp học đêm.

Nhưng tồn tại hiện nay là đời sống của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, Quận có quan tâm giải quyết nhưng chưa được nhiều. Năm qua có đến gần 400 giáo viên xin nghỉ việc, bỏ việc. Do tình hình các lớp dạy tư phát triển nên có ảnh hưởng đến chất lượng học tập và dạy dỗ trong trường.

4- Y tế: Việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân trong 3 năm qua có nhiều cố gắng. Phong trào vệ sinh phòng dịch, phòng bệnh được thường xuyên phát động đạt kết quả tốt. Các phường đã quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân trong phường. Phong trào 5 dứt điểm từ 1 phường năm 80 đến nay đã có 3 phường đạt 5 dứt điểm, 2 phường đạt 4 dứt điểm và 12 phường đạt yêu cầu phòng bệnh. Năm 81 và 82 không có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, việc tiêm phòng dịch cho nhân dân đạt yêu cầu. 8.000 lượt phụ nữ đã đăng ký sinh đẻ có kế họach. Tỷ lệ tăng dân số là 1,56%, cao hơn tỷ lệ cho phép. Các bệnh viện của Thành phố đóng trong Quận đã hỗ trợ đắc lực cho Quận bảo vệ sức khỏe CBCNV, cấp cứu và phối hợp với địa phương quản lý thuốc men.

Song phòng mạch tư tăng lên nhiều, giá rất cao. Phòng khám công thiếu thuốc, cửa hàng thuốc ngọai nhập mọc lên nhiều. Nhìn chung công tác quản lý về Y tế còn lỏng lẻo.

5- Thể dục thể thao: Phong trào rèn luyện sức khỏe, thể dục quốc phòng phát triển khá. Các trường học duy trì tốt nề nếp tập thể dục buổi sáng; ngòai ra có quan tâm đào tạo vận động viên, thường xuyên bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức phẩm chất và phong cách XHCN, đồng thời đưa phong trào thi đấu các bộ môn sôi nổi. Mặt yếu là cơ sở vật chất của ngành còn ít, ngành quan tâm tổ chức thi đấu nhiều nơi hơn việc xây dựng phong trào quần chúng ở cơ sở, chưa kết hợp được với Y tế, Đòan thanh niên để phát động và rèn luyện thân thể và thường xuyên rộng khắp ở các cơ quan xí nghiệp và phường.

6. Thương binh xã hội: Quận 3 có nhiều đối tượng phải chăm sóc theo chính sách. Quận đã phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo xác nhận các cá nhân gia đình thuộc diện chính sách, đồng thời ừng phường đã đi sâu giúp đỡ các gia đình neo đơn. Nhưng phong trào chưa đồng đều và thường xuyên mà chỉ tập trung các dịp lễ Tết. Riêng các bộ phận hưu trí, đời sống khó khăn hơn lúc tại chức. Quận ủy có quan tâm chăm sóc cán bộ hưu trí, diện gia đình có công cách mạng và diện hưởng chính sách nhưng chưa được nhiều.

Trong từng lúc ngành thương binh xã hội có phối hợp với công an giải quyết tệ nạn xã hội, nhưng nạn ăn xin, cùi hủi lê la trên đường còn ở 1 số tụ điểm chưa giải quyết tốt.

Nhìn chung, sự nghiệp giáo dục, văn hóa y tế v.v… đã vượt qua nhiều khó khăn để chăm lo đời sống văn hóa nhân dân, đấu tranh chống lại các biểu hiện văn hóa củ hồi phục. Nhưng phong trào vẫn còn hạn chế, chưa thành phong trào quần chúng rộng rãi, đồng đều ở các địa phương. Bộ mặt văn hóa của Quận chưa có thay đổi tương xứng với một Quận ở trung tâm thành phố, nếp sống mới, con người mới ít được quan tâm xây dựng giáo dục.

B. CÔNG TÁC THỨ HAI

XÂY DỰNG AN NINH QUỐC PHÒNG, GIỮ VỮNG AN NINH CHÍNH TRỊ TRẬT TỰ AN TÒAN XÃ HỘI.

I- AN NINH TRẬT TỰ.

Trong 3 năm qua, bọn phản động trong các tôn giáo một mặt thi hành chính sách thích nghi thời đại, mặt khác tranh thủ mở rộng tổ chức, tập hợp bọn xấu, tranh nắm quần chúng giáo dân, lợi dụng giáo lý để tuyên truyền những quan điểm phản cách mạng, xuyên tạc chủ trương chính sách. Địch và bọn xấu các lọai tung tinh xuyên tạc nhảm nhí, kích động vượt biên, hù dọa chiến tranh, phá họai thị trường, xuyên tạc các chủ trương chính sách, đánh vào uy tín lãnh đạo… Đã có 270 nguồn tâm lý chiến gây một phần ảnh hưởng xấu trong quần chúng. Năm 81, trên hai trăm trường hợp vắng mặt nay xuất hiện, có một số trường hợp ghi vấn xâm nhập. Những người có quan hệ nước ngòai khá nhiều. Năm 82 ta nắm được 600 hộ có quan hệ với sứ quán Mỹ ở Thái Lan. Trong quận có 15.000 hộ có quan hệ tiền hàng với nước ngòai, 17.000 người cư ngụ không hợp pháp, sĩ quan viên chức chế độ củ học tập cải tạo về chưa được quản lý giáo dục và sử dụng chặt chẽ, nhiều tụ điểm lấn chiếm lòng lề đường xuất hiện, tệ nạn cờ bạc, mãi dâm, cướp giật có hiện tượng phục hồi. Số người vượt biên năm 81 khá cao (2.188 người), mất mát tài sản Nhà nước còn lớn (206 vụ thiệt hại 861.000 đồng).

Trong tình hình đó, được sự chỉ đạo chặt chẻ của Quận ủy, ngành Công an đã phối hợp với các ban, ngành, đòan thể tiến hành các biện pháp ngăn chặn, truy quét như sưu tra các đối tượng xâm nhập, phá các vụ án vượt biên, đưa ra kiểm điểm trước dân những phần tử phản cách mạng tung tin xuyên tạc và những phần tử lợi dụng tôn giáo, chuyển hóa địa bàn trọng điểm ở các phường 1, 8, 17, giáo dục Nghị quyết 297 về chính sách tôn giáo cho quần chúng khu vực phường 17. Kết quả địa bàn chính trị phường 17 đã chuyển hóa một bước, bọn lợi dụng tôn giáo bị cô lập và bị quần chúng lên án. Số người trốn đi nước ngòai năm 82 giảm 60% so với trước. Thường xuyên giáo dục và phát động phong trào bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và các biện pháp khác như giải tỏa các tụ điểm lòng lề đường, giáo dục đối tượng hình sự tại chỗ, tiến hành các đợt truy quét bọn tội phạm hình sự, kiểm tra phương tiện mà chúng thường sử dụng gây án, kiểm tra nhân hộ khẩu v.v… Kết quả các vụ phạm pháp hình sự giảm, riêng trọng án giảm 40%. Tỷ lệ trấn án các vụ phạm pháp bình quân đạt 55% số vụ xảy ra. Tụ điểm tệ nạn xã hội phường 1, phường 8 đã giải tỏa. Trật tự lòng lề đường cơ bản đã được giải quyết vào cuối những năm 1982. Công an đã khám phá 60% các vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, thu về cho Nhà nước 550.000 đồng. Giải quyết cho trên 3.000 người nhập lại hộ khẩu và đổi xong sổ hộ khẩu 20 phường, giải quyết được một phần quan trọng tình hình an ninh trật tự trong Quận.

Nhìn chung, an ninh chính trị trên địa bàn trong Quận cơ bản được đảm bảo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong Quận. Các vụ việc mang tính chất chính trị được theo dõi và có đối sách kịp thời nên không có bạo lọan diễn ra và thường án đều giảm từng bước, chuyển hóa được các địa bàn trọng điểm chính trị, tệ nạn xã hội.

PHÁT HUY PHONG TRÀO BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC VÀ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÔNG AN.

Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng lực lượng Công ancó tiến bộ đáng kể, qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 92/CT-BBT gần 700.000 quần chúng được phát động giáo dục. Lực lượng thanh niên được tổ chức lại gần 100 đội dân phòng ở khu phố, cộng với các lực lượng chuyên nghiệp tạo thành thế trận an ninh, khống chế họat động của địch và bọn xấu. Quần chúng đã cung cấp cho Công an 8.300 nguồn tin; riêng năm 82 các nguồn tin trên đã giúp cho Công an trấn áp 851 vụ phạm pháp và quần chúng tự bắt giao cho Chính quyền 220 vụ. Phong trào phòng chống cháy, canh gác bảo vệ khu phố, giáo dục đối tượng tại xhỗ khá sôi nổi, xuất hiện nhiều điển hình tốt. Đến cuối năm 82, đã xây dựng 64/93 khu phố an toàn (66%) và 730/1.022 tổ dân phố an toàn (61%).

Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh đã tác động tốt đến việc xây dựng lực lượng Công an trong sạch vững mạnh. Lực lượng Công an đã trưởng thành về nghiệp vụ, về đạo đức cách mạnh, số cán bộ chiến sỹ sai phạm giảm rõ rệt từ 7% năm 80 còn 4% năm 82.

Mô hình tổ chức mới của ngành phù hợp với điều kiện hoạt động. Lực lượng bảo vệ bán chuyên nghiệp ở phường cũng được củng cố.

Tuy nhiên, tình hình bảo vệ an ninh trật tự ở các cơ quan xí nghiệp trên địa bàn còn nhiều sơ hở, nhất là các đơn vị kinh tế, các đơn vị Thành phố, Trung ương đóng trên địa bàn. Việc chuyển hoá địa bàn trọng điểm chưa triển khai sang các trọng điểm khác. Chưa tiến hành đánh giá hoạt động phá hoại nhiều mặt của địch trên địa bàn Quận. Trọng án còn xảy ra, tệ nạn xã hội tăng giảm thất thường làm cho tình hình an ninh trật tự chưa thật ổn định. Số cán bộ chiến sỹ vi phạm quy chế ngành Công an cũng cón nhiều (4% lực lượng) ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng.

II- CÔNG TÁC QUÂN SỰ ĐỊA PHƯƠNG

Công tác vận động tuyển quân đã đi vào nếp. Bảy năm liền Quận đạt và vượt chỉ tiêu giao quân (riêng 3 năm vừa qua đã giao 3.287 thanh niên). Từng bước đã xây dựng được phong trào thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự. Số quân nhân đào, lạc ngũ, thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự đã giải quyết cơ bản (2.039 người) tác động tốt cho tuyển quân.

Quận đã ra sức củng cố các Phường đội, nhờ đó Phường đội từng bước đảm bảo được nhiệm vụ nòng cốt cho công tác tuyển quân và phối hợp với Công an trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Lực lượng bán vũ trang cũng đã được thành lập ở khắp các phường và ở một số cơ quan đơn vị. Đã tổ chức trên 100 lần diễn tập phòng chống bạo loạn, có 70.000 lượt quần chúng tham gia. Công tác huấn luyện bộ đội tự vệ đạt yêu cầu.

Song mặt tồn tại là còn một số CBCNV và quần chúng nhân dân phần lớn là thanh niên, chưa quán triệt sâu sắc Luật Nghĩa vụ quân sự. Phường đội còn thiếu, yếu nên chất lượng quân giao chưa tốt, lực lượng bảo vệ bán chuyên trách và phong trào dân quân chưa được duy trì, công tác hậu phương quân đội và giải quyết quân nhân xuất ngũ chưa kịp thời. Đời sống lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.

III- CÁC NGÀNH TOÀ ÁN - KIỂM SÁT VÀ THANH TRA

Ba năm qua, ngành Toà án, Kiểm sát, Thanh tra có bám được nhiệm vụ chính trị theo chức năng từng ngành mà phục vụ. Toà án đã xử đúng tội, đúng người, đúng luật pháp, góp phần đáng kể vào ổn định an ninh trật tự trong Quận, không có sai sót nào lớn. Nhưng khó khăn hiện nay là các vụ tố tụng ngày càng nhiều, nhất là các vụ ly hôn trong cán bộ ngày càng tăng, năm 82 tăng lên đáng chú ý. Toà án cũng chưa phân loại đối tượng trong xét xử và xét xử các vụ án chưa được kịp thời.

Ngành Kiểm sát có đi sâu vào kiểm sát chung và cùng Công an Quận đưa công tác bắt, giam giữ vào nề nếp và đảm bảo việc truy tố đúng tội, đúng người, đúng pháp luật. Tuy còn một số vụ việc bắt giam làm chưa đúng thủ tục, một số vụ giải quyết còn chậm.

Ban Thanh tra Quận và 20 phường đã nhiều lần được củng cố. 40 Ban Thanh tra công nhân ở cơ sở bước đầu phát huy tác dụng. Thanh tra đã giúp cho Chính quyền giải quyết 64% các loại đơn của quần chúng gửi đến. Tuy nhiên các vụ thanh tra điểm còn kéo dài và có lúc Thanh tra chưa giúp cho Chính quyền kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quyết định.

Phong trào sống làm việc theo pháp luật chưa phát động sâu rộng trong quần chúng, ngay cả trong CBCNV Nhà nước. Các vụ vi phạm pháp luật chưa kịp thời truy tố và xử lý. Ban Tư pháp Quận và Phường mới thành lập và cũng chưa đủ ở các Phường nên hoạt động chưa hiệu quả bao nhiêu.

C- CÔNG TÁC THỨ BA

XÂY DỰNG ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN VÀ ĐOÀN THỂ

I- XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN

Do được bầu cử lại nên Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Quận và Phường đã củng cố về số lượng và chất lượng. Hội đồng nhân dân từng bước phát huy được vai trò quyền lực, sinh hoạt có nề nếp; song những hoạt động còn nặng về hình thức, Đảng Đoàn Hội đồng nhân dân hoạt động còn hạn chế.

Uỷ ban nhân dân Quận và Phường đều có trưởng thành trong quản lý kinh tế, văn hoá xã hội. Nhất là Phường đi vào quản lý hành chính kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất, phân phối lưu thông. Việc sắp xếp các phường đã chứng tỏ được tính hợp lý về ranh giới và quy mô.

Các ban ngành cấp Quận được thường xuyên củng cố đã giúp cho Quận uỷ và Uỷ ban trong công tác chỉ đạo, đồng thời biết đi sâu vào chuyên ngành tổ chức thực hiện. Song nhìn chung hoạt động của Chính quyền có lúc chưa đồng bộ, một vài chủ trương làm chưa triệt để.

II- CÔNG TÁC DÂN VẬN, XÂY DỰNG CÁC ĐOÀN THỂ, PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ.

1- Tình hình quần chúng:

Trước tình hình đời sống khó khăn, nhưng các tầng lớp nhân dân lao động, công nhân viên chức đã cố gắng khắc phục, đeo bám cơ sở sản xuất, lao động, công tác thể hiện được nhận thức về chế độ có nâng lên, thấy được tình hình đất nước. Nhưng vừa qua chưa chú ý đến công tác tư tưởng ngoài quần chúng lại bị địch tác động tâm lý xói mòn niềm tin và ảnh hưởng khó khăn đời sống nên một bộ phận quần chúng lao động và CBCNVC chưa thật yên tâm, năng suất lao động công tác không cao.

Trong 3 năm qua, có sự chuyển hoá tự phát từ các thành phần khác sang tiểu thương (800 hộ năm 80 đến 6.400 hộ năm 82) do việc vận dụng, thực hiện các chính sách kinh tế xã hội chưa tốt, buông lơi cải tạo, quản lý thị trường để cho một bộ phận tiểu thương lợi dụng tình hình đó làm giàu, làm ăn gian dối, buôn lậu phá rối thị trường làm khó khăn thêm đời sống nhân dân lao động. Một bộ phận tư sản cũ ngóc đầu dậy, những tiểu chủ có hoạt động mạnh ở các ngành thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, bóc lột người lao động làm giàu, đời sống cao, nhưng ta chưa điều tra nắm vững để tiến hành các biện pháp giáo dục cải tạo đưa họ vào làm ăn chân chính.

2- Việc phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động và CBCNV, chiến sĩ có được quan tâm. Quần chúng đã tự giác hơn trong tham gia các phong trào hành động cách mạng, thấy được nghĩa vụ của mình đóng góp công sức để xây dựng xã hội mới. Cụ thể họ đã mạnh dạn hơn trong việc đóng góp xây dựng Chính quyền, Công an, Đảng bộ địa phương trên các mặt công tác, đạo đức tác phong, và cũng mạnh dạn tố giác những phần tử phá hoại, suy thoái biến chất. Nhờ có tiếp xúc với nhân dân nên tinh thần thái độ phục vụ của CBCNV các ngành có chuyển biến tốt hơn.

Nhưng việc pháy huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng còn chung chung chưa thực hiện được tốt trong sản xuất, phân phối lưu thông và quản lý xã hội. Một số nơi như trường cải tạo, trại giam còn tình trạng đánh đập phạm nhân, thiếu trách nhiệm để đời sống quá thiếu thốn, bệnh tật đến tử vong.

3- Hoạt động các đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc

Các đoàn thể và Mặt trận trong 3 năm qua đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế văn hoá xã hội, xây dựng Đảng và Chính quyền. Các phong trào chung như sản xuất hoàn thành kế hoạch, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào NVQS, phong trào xây dựng nếp sống mới v.v... diễn ra khá sôi nổi. Công tác đoàn thể đã gắn với nhiệm vụ chính trị, nét nổi bật là đã đi vào được khu vực sản xuất, phân phối lưu thông.

Công đoàn đã phát động được phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và vận động công nhân lao động ra sức tăng năng suất hoàn thành kế hoạch Nhà nước, bước đầu đi vào chăm lo đời sống, giải quyết phúc lợi, quyền lợi CNVC.

Mặt tồn tại của Công đoàn là giáo dục về giai cấp chưa sâu. Công đoàn cơ quan khu vực hành chính sự nghiệp còn yếu. Hội lao động hợp tác có được thành lập khắp ở các Phường và cơ sở sản xuất tập thể song hoạt động còn hạn chế, phát triển đoàn viên Công đoàn mới có 90% CBCNVC biên chế và chỉ phát triển thêm 1.428 hội viên lao động hợp tác, đưa tỷ lệ hội viên lên 60% tổng số lực lượng.

Phong trào thnah niên 3 xung kích làm chủ tập thể, phong trào tiến quân vào khoa học kỹ thuật có phát triển một bước ở một số cơ quan đơn vị. Quận đoàn kết hợp với Quận đội và các ban ngành phát động tốt phong trào NVQS. Các hoạt động văn thể mỹ từng lúc có thu hút được thanh niên.

Tuy nhiên, Đoàn Thanh niên Cộng sản chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục lý tưởng và nếp sống mới văn minh lịch sự trong thanh niên, nên còn hiện tượng thanh thiếu niên chưa thiết tha với Đoàn, Đội. Các loại hình hoạt động kém phong phú nên ít thu hút thanh niên. Công tác phát triển Đoàn bước đầu có đi vào khu vực sản xuất, phân phối lưu thông, song chưa đạt yêu cầu. Đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng chất lượng chưa thật đảm bảo. Công tác chăm sóc thiếu niên, nhi đồng còn yếu. Việc củng cố Quận Đoàn chậm, đến giữa năm 1982 mới tiến hành nên có ảnh hưởng đến hoạt động.

Phong trào người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được phát động sâu rộng, thu hút được nhiều phụ nữ tham gia. Phụ nữ đã tham gia đông đảo học tập Luật Hôn nhân gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, ý thức giác ngộ và bình đẳng xã hội có nâng lên.

Hội đã đi sâu tổ chức giáo dục tiểu thương ở các chợ, góp phần đấu tranh quản lý thị trường. Đội ngũ cán bộ Hội có được bồi dưỡng đào tạo. Nhưng, phong trào phụ nữ chưa đi vào khu vực sản xuất, nhất là các Hợp tác xã, tổ hợp có đông lao động nữ. Phát triển hội viên còn yếu mới đạt 80%, 3 năm chỉ phát triển được 2.500 hội viên.

Công tác Mặt trận 3 năm qua, nhất là năm 1982 có quan tâm các đối tượng của mình như tôn giáo, dân tộc, trí thức, nhân sĩ, phụ lão v.v… Mặt trận đã từng bước đấu tranh có hiệu quả với số giáo sĩ, tu sĩ có hành động tiêu cực, gắn bó đoàn kết giữa người Việt và bà con lao động người Hoa. Hội phụ lão hoạt động khá tốt đi đầu một số phong trào ở cơ sở nhất là phogn trào Vì tuyến đầu Tổ quốc, vận động xây dựng công trình thuỷ điện Trị An. Hình thức Quỹ trợ táng đã có tác dụng tương trợ tốt.

Song việc vận động trí thức chưa đạt yêu cầu, chưa tập hợp giáo dục sĩ quan chế độ cũ cải tạo về, việc xây dựng nòng cốt còn lỏng lẻo nên nắm tình hình trong tôn giáo chưa thật chắc.

Nhìn chung, công tác dân vận có góp phần vào thành quả chung của Quận. Song việc giáo dục các tổ chức quần chúng chưa được quan tâm chỉ đạo nên hạn chế phong trào chung. Quận uỷ tập trung cho công tác Dân vận chưa đúng mức nên sự phát triển của phong trào quần chúng chưa cân đối với các mặt khác. Từng nơi, từng lúc đoàn thể hoạt động còn theo chiều rộng, chưa đi sâu giáo dục tổ chức quần chúng. Mặt khác Chính quyền chưa tạo mọi điều kiện tốt để đoàn thể hoạt động. Cán bộ đoàn thể còn ít, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ. Các đoàn thể và Mặt trận kết hợp nhau chưa thật chặt chẽ trong hoạt động.

III- XÂY DỰNG ĐẢNG

Đến tháng 12/1982, Quận 3 có 152 cơ sở Đảng với 3.579 đảng viên, bao gồm 20 chi bộ Phường có 890 đảng viên (có 549 đ/c hưu trí), 49 chi bộ các ban ngành cấp Quận có 534 đảng viên và 86 cơ sở Đảng cấp Thành phố và Trung ương trực thuộc có 2.155 đảng viên. Loại hình các chi bộ rất đa dạng như Xí nghiệp, Bệnh viện, Trường học, Viện trạm, trại nghiên cứu, Công ty kinh doanh, các cơ quan cấp sở ban ngành Thành phố và cả cấp bộ. Thông qua các đợt hoạt động chủ yếu như đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu Nghị quyết Đại hội V, đợt phát thẻ đảng viên, phân loại cơ sở Đảng và xây dựng cơ chế tổ chức phường và xí nghiệp do Thành uỷ chỉ đạo, công tác xây dựng Đảng 3 năm qua có sự chuyển biến lớn cả về số lẫn chất lượng.

1- Công tác chính trị tư tưởng

Trong 3 năm qua Quận uỷ đã triển khai các Nghị quyết 6/TW, Nghị quyết 26/BCT, Nghị quyết 9/TV-TU và Nghị quyết 31, 32, 34, 36, 37 của Bộ Chính trị và các Chỉ thị Nghị quyết khác đến tận đảng viên và tinh thần Nghị quyết này đến quần chúng.

Đảng bộ nắm được nội dung chủ yếu của Chỉ thị, Nghị quyết Trung ương và Thành uỷ, từng bước vận dụng vào điều kiện cụ thể của Quận để tổ chức thực hiện. Nhận thức về quan điểm đường lối của Đảng bộ được nâng lên một bước rõ rệt chẳng những ở các chi bộ cấp Quận mà cả ở cấp Thành phố và Trung ương trực thuộc.

Đầu năm 1982 đợt sinh hoạt chính trị đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội 5 và đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu Nghị quyết Đại hội 5 đã được tiến hành chu đáo và có chất lượng. Đảng viên nắm được những quan điểm cơ bản về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, niềm tin được củng cố và nắm vững hơn nữa về phương châm xây dựng Đảng.

Song song với việc học tập các Chỉ thị Nghị quyết của Trung ương và Thành uỷ, Quận thường xuyên báo cáo thời sự, báo cáo chuyên đề về các chủ trương chính sách, đồng thời giáo dục lý luận cơ bản cho đảng viên và bồi dưỡng đối tượng kết nạp vào Đảng. Trong 3 năm đã mở được 3 lớp sơ cấp với 220 học viên, 7 lớp cơ sở 560 học viên và 6 lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng với 720 học viên. Ngoài ra còn gửi học học các trường cao cấp 14 đồng chí, trung cấp 70 đồng chí và sơ cấp 95 đồng chí kể cả 2 hệ tập trung và tại chức. Đảng viên trong Quận cơ bản đã qua chương trình cơ sở, ván bộ chủ chốt Phường cơ bản đã qua chương trình sơ cấp. Nhìn chung việc học tập lý luận Mác – Lênin trong Đảng bộ mấy năm qua có kết quả tốt, làm cho đảng viên từng bước nắm được những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, về những bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ. Từ đó khả năng công tác của đảng viên và nhận thức về Đảng của đảng viên mới cũng được nâng lên.

Công tác chính trị tư tưởng thường xuyên ở chi bộ cũng được quan tâm hơn trước. Chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng nâng cao nhất là qua thực hiện Chỉ thị 83/CT-TW và đợt tổng kết phát thẻ đảng viên. Công tác tự phê bình và phê bình có tiến bộ hơn, nên đã giải quyết một phần tư tưởng hoài nghi, bi quan thái độ thờ ơ trong Đảng và ngoài quần chúng.

Song tồn tại còn khá lớn, do chưa có kế hoạch dài hạn để bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảng viên nhận thức tình hình chưa sâu, quán triệt chưa tốt quan điểm đường lối của Đảng, còn dao động hoài nghi bi quan, thờ ơ, phấn đấu kém, giảm lòng tin vào tổ chức thực hiện, thậm chí bị tiêu cực xã hội tác động làm cho suy thoái biến chất. Công tác chính trị tư tưởng chưa sâu, chưa thật nhạy bén; chưa có hình thức đổi mới sinh động theo tình hình tư tưởng diễn biến của Đảng bộ và Quần chúng.

2- Công tác tổ chức

a) Củng cố kiện toàn và phân loại cơ sở Đảng:

Trong 3 năm các cơ sở Đảng đã tổ chức Đại hội bầu cử lại cấp uỷ 1 lần. Cấp uỷ mới ở phường có khả năng lãnh đạo toàn diện. Cấp uỷ ở cơ quan ban ngành, kể cả các đơn vị Thành phố, Trung ương trực thuộc ngày càng đi sâu vào lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước, nhưng đối với các cơ sở Đảng ở Thành phố và Trung ương trực thuộc ở một số mặt, Quận uỷ chưa thật sát để tìm hiểu và giúp đỡ, còn để một số ban ngành tham mưu yếu kém kéo dài, ảnh hưởng đến việc phát triển phong trào của Quận. Thực hiện Chỉ thị 55 và hướng dẫn 2540/TC-TW của Ban Tổ chức Trung ương, năm 1980, trong 134 cơ sở Đảng có 11 cơ sở Đảng vững mạnh (5 cơ sở Quận Phường, 6 cơ sở thuộc cấp Thành, Trung ương) và 107 khá (còn lại 10 yếu, 10 kém chiếm 15% tổng số cơ sở Đảng). Năm 81, trong 145 cơ sở Đảng có 14 cơ sở Đảng vững mạnh (Quận Phường 6 cơ sở, Thành Trung ương 8 cơ sở) và 117 khá và 14 cơ sở yếu, không còn loại kém. Năm 82 Quận uỷ đã xét được 22 cơ sở Đảng vững mạnh trong đó có 11 cơ sở Quận Phường, 11 cơ sở Thành, Trung ương.

b) Công tác phát thẻ đảng viên:

Đến tháng 12/1982 toàn Đảng bộ đã có 3.352 đồng chí nhận thẻ đảng viên, còn lại 125 đồng chí chưa phát thẻ. Công tác phát thẻ Đảng đã làm suốt trong gần 3 năm, đã tạo được chuyển biến khá tốt. Các Đảng bộ, Chi bộ được phát thẻ sớm củng cố thêm về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết nhất trí gắn bó quần chúng hơn trước, việc giữ gìn kỷ luật đã đi vào nề nếp. Trong 260 đồng chí để lại suốt thời kỳ xét phát thẻ thì đã có 220 đồng chí phấn đấu tốt, nên đã được phát thẻ. Quận uỷ đã thực hiện đúng các quy định của Chỉ thị 83/CT về phát thẻ Đảng và trong xét duyệt có chặt chẽ đảm bảo phát thẻ đúng. Các cơ sở Đảng Thành phố và Trung ương trực thuộc gắn bó với Quận hơn trước, nhiều cơ sở Đảng đã có chuyển biến trong lãnh đạo hoàn thành kế hoạch Nhà nước của đơn vị, có quan tâm xây dựng cơ chế Đảng – Chính quyền – Đoàn thể; nhiều Chi bộ, Đảng bộ yếu được Quận uỷ theo dõi chỉ đạo củng cố nâng lên khá, mỗi năm cơ sở Đảng vững mạnh đều tăng lên.

Số đảng viên còn để lại hiện nay là 125 đồng chí với lý do có vấn đề tham ô, móc ngoặc, ức hiếp quần chúng hoặc vi phạm đạo đức phẩm chất hoặc phấn đấu kém, trình độ nhận thức về Đảng còn thấp.

Trong số đảng viên đã được phát thẻ có 27 đồng chí sai phạm phải kỷ luật trong đó có 16 trường hợp phải thu lại thẻ Đảng. Có 9 vụ làm mất thẻ Đảng đã xử lý kỷ luật.

Trong đợt tổng kết xem xét lại tư cách đảng viên vừa qua đa số đảng viên đã nhận thẻ đều giữ gìn tốt tư cách đảng viên nhưng trong đó có 64 đồng chí còn phải xem xét lại (Quận và Phường).

Công tác phát thẻ Đảng viên đã tác động tốt đến vệc kiện toàn tổ chức cơ sở và kiện toàn Đảng bộ Quận, song còn một số vụ việc làm chậm cũng có ảnh hưởng đến sức phấn đấu của Đảng viên.

c) Phát triển Đảng

Ba năm qua phát triển được 418 đảng viên mới trong đó khối Phường 163 đồng chí, khối cơ quan Quận 75 đồng chí và Thành phố Trung ương 180 đồng chí. Trong số đảng viên mới có 148 đồng chí là Đoàn viên thanh niên, 270 đồng chí có trình độ văn hoá cấp 3 trở lên, thành phần công nhân 58 đồng chí chiếm 13,5%, khu vực sản xuất 70 đồng chí, kinh doanh 48 đồng chí (kể cả đơn vị Thành phố Trung ương trực thuộc). Riêng khối sản xuất và lưu thông phân phối của Quận phát triển Đảng còn yếu, khu vực sản xuất mới có 8 đảng viên.

Công tác phát triển Đảng trong 3 năm qua có những nhân tố mới, giải quyết được một số vấn đề nhận thức như đánh giá quần chúng còn hẹp hòi, thủ tục rồm rà, do đó đã phát triển được đảng viên ở khu vực trực tiếp sản xuất, trường học, mẫu giáo, nhà trẻ, bệnh viện trước đây trắng và yếu, nhưng khu vực này cũng còn trắng khá nhiều, làm cho chất lượng lãnh đạo ở cơ sở chưa được nâng lên kịp yêu cầu.

Cơ cấu đảng viên khối Phường có thay đổi một bước, nhiều cáb bộ chủ chốt được kết nạp Đảng trong những năm gần đây, song đảng viên hưu trí chiếm nhiều, đảng viên tại chức còn ít. Cơ cấu đảng viên ở xí nghiệp, trường học bệnh viện, trạm nghiên cứu v.v…. chưa thay đổi bao nhiêu. Nhiều khoa, phòng, phân xưởng, khâu trọng yếu chưa có đảng viên vì trong những năm qua thiếu chú ý tạo nguồn, xây dựng đối tượng Đảng.

Về trình độ phẩm chất đảng viên mới kết nạp khá đảm bảo, trước khi được kết nạp vào Đảng tất cả đối tượng đều thông qua lớp bồi dưỡng chính trị nâng cao nhận thức về Đảng, từ đó khá nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

d) Xây dựng cơ chế tổ chức Phường, Xí nghiệp

Năm 1981 thực hiện quyết định của Thành uỷ, Quận 3 đã xây dựng lại cơ chế Phường. 20 Phường của Quận có 93 khu phố (1.022 tổ dân phố), các khu phố đều có chi bộ hoặc tổ Đảng. Theo cơ chế đó các đoàn thể ban ngành đều hình thành hệ thống của mình. Riêng nhóm trung kiên ở khu phố chỉ mới có 13 nhóm đạt 5%. Hoạtđ ộng theo cơ chế mới có phù hợp so với trước nên một số ngành phát huy được hiệu quả, như công an, đoàn thể, uỷ ban phường. Chi bộ có sâu sát quần chúng hơn trước. Tuy nhiên sinh hoạt của chi bộ khu phố còn hạn chế vì chưa kịp thời xác định chức năng.

Quận có kết hợp với Thành phố xây dựng cơ chế xí nghiệp, lấy Xí nghiệp Dược phẩm 2/9 làm điểm song chưa theo dõi việc triển khai ra các Xí nghiệp khác.
e) Bố trí cơ cấu đảng viên

Về bố trí cơ cấu đảng viên cấp Quận hiện nay tương đối đều khắp, song mật độ trong từng khu vực không đều. Trong ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp chỉ có 8 đảng viên. Ngành Thương nghiệp có 64 đảng viên chiếm 6,4% so với tổng số CBCNVC; Ngành Giáo dục chỉ có 61 đảng viên chiếm 1,7% tổng số CBCNV; Phường đội chỉ có 13 đảng viên trên 287 đội viên tự vệ… Số đảng viên trong xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các đơn vị sản xuất, kinh doanh Thành phố Trung ương trực thuộc còn thấp, dưới 4% so với tổng số CBCNV.

f) Công tác cán bộ:

Ba năm qua đề bạt được 79 cán bộ trưởng phó ban ngành cấp Quận hoặc Chi uỷ Phường, 629 đồng chí được nâng bậc lương sơ cấp, 37 cán bộ được nâng lên trung cấp và 17 đồng chí từ cán sự lên chuyên viên, Quận uỷ có quan tâm bố trí cán bộ có năng lực và phẩm chất cho các ngành quan trọng.

Công tác điều chuyển do chưa có quy hoạch và thiếu cán bộ nên có lúc chấp vá và chậm. Có đồng chí trong 3 năm điều chuyển 2 – 3 lần nhưng cũng có đồng chí chậm phân công giao việc. Đối với số cán bộ được đề bạt nâng lương, chưa kịp thời giáo dục, bồi dưỡng khả năng, chưa mạnh dạn bố trí vào những cương vị lãnh đạo. Chưa tận dụng khả năng cán bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn Quận, nhất là ở các đơn vị Thành phố Trung ương.

Công tác quy hoạch đào tạo cán bộ mới thực hiện bước đầu cho Quận uỷ và cơ sở Phường, còn các Chi uỷ các cơ sở Đảng cấp Quận chưa làm được, nên 3 năm qua đội ngũ cán bộ không tăng lên mấy, cán bộ quản lý, cán bộ đoàn thể vẫn thiếu hoặc không có người kế thừa.

Nhìn chung, công tác tổ chức gần 3 năm qua đạt một số kết quả như củng cố cơ sở Đảng, phát thẻ Đảng viên. Nhưng do chưa có quy hoạch lâu dài và ổn định nên việc bố trí, đào tạo cán bộ còn bị động. Công tác tổ chức có góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị chung, song còn chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ.

3- Công tác kiểm tra và chống tiêu cực trong nội bộ Đảng.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 28, 29 và Chỉ thị 81/CT-TW, Quận đã thành lập Ban 79 Quận và ở cơ sở để tiến hành chống các hiện tượng tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội. Ba năm 80 – 82 đã xử lý 206 vụ kỷ luật có 211 đồng chí sai phạm. Nội dung sai phạm 3 năm qua phần lớn về phẩm chất đạo đức, tham ô, móc ngoặc. Các vụ ức hiếp quần chúng do không phát hiện ngăn chặn kịp thời nên còn một số vụ việc xảy ra (nhưng không nhiều …) Tính chất sai phạm có nghiêm trọng, trong số 211 đồng chí bị thi hành kỷ luật có đến 108 đồng chí bị khai trừ hoặc lưu Đảng, còn lại hình thức cảnh cáo là phổ biến. Sai phạm ở diện cán bộ có chức có quyền là 84/211 đồng chí (39%).

Thực hiện hướng dẫn của Trung ương về xây dựng nếp sống gìn giữ kỷ luật ở tổ chức cơ sở Đảng, Quận uỷ đã tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ việc còn tồn đọng trong những năm trước, đồng thời qua xét tư cách đảng viên để phát thẻ cũng phát hiện thêm nhiều vụ khác, giúp cho cơ sở Đảng củng cố nâng cao sức chiến đấu. Tuy nhiên cũng còn những vụ kéo dài hằng năm không giải quyết kịp thời, nhất là ở một số đơn vị Thành phố và Trung ương trực thuộc và công tác kiểm tra còn nặng nề xét xử kỷ luật ít tiến hành những biện pháp ngăn ngừa sai phạm.

Nhìn chung công tác kiểm tra thời gian qua có nhiều tiến bộ song do thiếu cán bộ nên chỉ đi sâu vào kiểm tra xử lý kỷ luật, chưa tham mưu tốt cho Quận uỷ và các cấp uỷ cơ sở kiểm tra thực hiện các Nghị quyết. Nghị quyết xây dựng 4 nề nếp gìn giữ kỷ luật chưa thực hiện triệt để (đến nay còn 71/152 cơ sở chưa có Nghị quyết trong đó Thành và Trung ương trực thuộc có 58/80 đơn vị).

Trong xử lý còn nặng nề hình thức kỷ luật, tác dụng giáo dục chưa cao, chưa đi sâu giáo dục ngăn ngừa, một số trường hợp xử lý chưa nghiêm.

4- Nhân điển hình tiên tiến - cải tiến lề lối làm việc.

a) Thực hiện Chỉ thị 41/CT-TV: Trong 3 năm qua phong trào thi đua nhân điển hình tiên tiến, từ 3 Phường điển hình năm 1980, Quận đã nhân lên 4 Phường toàn diện, và 7 Phường khá toàn diện, các phường còn lại đều có những điển hình tốt. Về từng mặt các ban ngành đòan thể cũng nhân điển hình của mình khá tốt như công an, phụ nữ, mặt trận, công tác xây dựng Đảng… Riêng khối Thành Trung ương do Quận uỷ thiếu quan tâm xây dựng nên phong trào nhân điển hình có hạn chế.

Hằng năm Quận có phát động phong trào thi đua thúc đẩy được phong trào chung song từng lúc thiếu kiểm tra nên chưa đánh giá thật chính xác phong trào của từng đơn vị, chưa tổng kết để nâng lên một bước phát triển mới mặc dù có chú ý phổ biến kinh nghiệm của các điển hình.

b) Quận uỷ, Uỷ ban và các Ban ngành đoàn thể có chú ý thường xuyên cải tiến lề lối làm việc. Nhưng khâu yếu hiện nay vẫn là tổ chức thực hiện, một mặt do Quận uỷ thiếu đi sâu sát, giúp đỡ các cơ sở, mặt khác một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm không sâu sát, có chương trình kế hoạch nhưng không có biện pháp cụ thể như không kiểm tra việc thực hiện, hợp đồng trách nhiệm lỏng lẻo, phân công không rõ ràng, còn tình trạng làm thay hoặc chờ đợi. Tất cả những vấn đề trên đây chưa được kiểm điểm uốn nắn kịp thời để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong 3 năm qua, toàn Đảng bộ đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện các mặt công tác lớn vể sản xuất, phân phối lưu thông, chăm lo đời sống, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản đã đạt những thành tựu phấn khởi, nổi lên mấy ưu khuyết điểm chủ yếu như sau:

ƯU ĐIỂM VÀ NGUYÊN NHÂN

1- Trong tình hình mất cân đối về nguyên liệu, vật tư, năng lượng, tiền mặt v.v… Đảng bộ và nhân dân trong Quận ra sức khắc phục, vươn lên đưa sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển với tốc độ khá nhanh, góp phần giải quyết đời sống nhân dân, chuyển Quận hành chính cư trú trước đây từng bước thành Quận có sản xuất phát triển.

2- Đảng bộ và nhân dân Quận đã tập trung xây dựng ngành phân phối lưu thông, xây dựng hệ thống thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã lớn nhanh về quy mô tổ chức, với phương thức kinh doanh XHCN góp phần giải quyết đời sống nhân dân, đấu tranh quản lý thị trường.

3- Các ngành văn hoá, xã hội đều có nhiều cố gắng trong hoạt động, từng bước chăm lo việc học hành và đời sống văn háo cho nhân dân.

4- Là một Quận trọng điểm bảo vệ. Đảng bộ, Chính quyền các lực lượng vũ trang và nhân dân đã giữ vững được an ninh chính trị trật tự xã hội đi dần vào hướng ổn định, tạo nên được thế trận an ninh, làm thất bại nhiều âm mưu phá hoại của địch và bọn xấu, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

5- Hệ thống chuyên chính vô sản được kiện toàn nhất là ở cơ sở, triển khia tốt việc xây dựng cơ chế tổ chức Phường. Đảng bộ có trưởng thành về chất lượng lẫn số lượng qua các đợt vận động phát thẻ đảng viên, sinh hoạt chính trị, nghiên cứu học tập Nghị quyết Đại hội V, xây dựng cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Chính quyền cơ sở có trưởng thành về quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội. Phong trào quần chúng trên các mặt trận sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc, nghĩa vụ quân sự, Xây dựng Đảng có tiến bộ về chất lượng.

Có được những thành tựu và ưu điểm trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của Thành uỷ, do Quận uỷ và các cấp uỷ đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Quá trình lãnh đạo của Quận uỷ không có sai sót nào lớn về chủ trương chính sách, biết tập trung đúng lúc các nhiệm vụ trọng tâm đột xuất, bám chặt các Nghị quyết của cấp trên và của Quận uỷ. Cán bộ đảng viên năng nổ, kiên trì khắc phục khó khăn, biết vận động và tổ chức quần chúng học tập những điển hình tiên tiến, tập trung xây dựng cơ sở. Nhân dân trong Quận cần cù lao động, có truyền thống cách mạng kiên cường, khắc phụ khó khăn trong đời sống, tham gia tích cực các phong trào cách mạng.

NHỮNG TỒN TẠI KHUYẾT ĐIỂM VÀ NGÂN NHÂN

Bên cạnh những ưu điểm, Quận cũng có một số tồn tại khuyết điểm có mặt còn khá nghiêm trọng.

1- Về chỉ đạo trước nhất là Quận uỷ và các cấp uỷ chưa làm cho cán bộ đảng viên nhận thức thật sâu sắc quan điểm đường lối của Đảng như: nhận thức về cuộc đấu tranh giai cấp gây go, phức tạp trong bước đi ban đầu của thời ký quá độ, nhận thức rõ cuộc đấu tranh giữa hai con đường gắn chặt với cuộc đấu tranh địch ta trên địa bàn trọng điểm bảo vệ. Từ đó, trong chỉ đạo, Từ Đại hội lần trước đến nay đã buông lơi công tác cải tạo, buông lơi việc tổ chức quản lý trên các lĩnh vực sản xuất, phân phối lưu thông, văn hoá tư tưởng, để cho các thành phần kinh tế phi XHCN hồi phục phát triển.

2- Trong chỉ đạo các mặt công tác, Quận uỷ và các cấp uỷ cũng còn một số khuyết điểm:

- Chưa tập trung tổ chức sắp xếp lại tiểu thủ công nghiệp, không chú ý phát triển các cơ sở quốc doanh, chưa xác định mũi nhọn cho sản xuất để đầu tư xây dựng, chỉ đạo ngành tiểu thủ công nghiệp còn có khuynh hướng chạy theo giá trị sản lượng.

- Buông lơi công tác cải tạo trong lĩnh vực phân phối lưu thông, để cho khu vực này phát triển tự phát, thương nghiệp tư nhân lấn áp thị trường có tổ chức, ảnh hưởng đến đời sốnh CBCNV và người lao động. Thiếu quan tâm chỉ đạo, uốn nắn để cho thương nghiệp XHCN có chiều hướng chạy theo doanh số, lợi nhuận đơn thuần, giảm nhẹ vai trò phục vụ đời sống nhân dân.

- Chưa thường xuyên giáo dục nâng cao cảnh giác trong nội bộ Đảng và quần chúng về kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, xây dựng một thế trận an ninh thật vững chắc, đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Quận.

- Chưa tập trung xây dựng bộ mặt văn hoá của Quận. Giáo dục trong Đảng và quần chúng chưa sâu về CNXH, về nếp sống mới. Phê phán chưa mạnh những tư tưởng tư sản, tiểu tư sản và phong kiến còn tồn tại trong Đảng bộ và quần chúng. Chưa tập trung xây dựng con người mới, mặt khác còn lơ là không tích cực đấu tranh chống nọc độc văn hoá thực dân mới.

Công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, và tổ chức chưa sâu, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ nhất là công tác cán bộ. Chưa phát huy đúng mức quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản. Công tác đoàn thể chưa cân đối với các phong trào chung.

Những khuyết điểm tồn tại trên đây có nguyên nhân là trình độ quản lý kinh tế của Quận uỷ, Uỷ ban Quận và các cấp còn hạn chế, khả năng lãnh đạo toàn diện xây dựng địa bàn Quận nội thành phát triển chưa kịp yêu cầu, chưa nắm chặt tình hình về điều tra cơ bản trong Quận, chưa nhận thức sâu sắc về cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường XHCN và TBCN trong bước đi ban đầu thời kỳ quá độ, để vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Mặt khác, chưa tập trung đúng mức cho công tác vận động quần chúng. Khâu kế hoạch và cụ thể hoá còn yếu. Công tác đào tạo bố trí cán bộ chưa tốt, tổ chức thực hiện còn hạn chế, kiểm tra chưa chặt chẽ.

Trong 3 năm vừa qua, Quận 3 đã lập được những thành tích đáng kể, các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và xây dựng chuyên chính vô sản đều có những bước phát triển đúng hướng, có mặt phát triển nhanh. Song rọi lại tinh thần Nghị quyết Đại hội V, Nghị quyết Ban Chấp hành Trun gương lần thứ 3, Nghị quyết 01, 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận 3 lần thứ 2 thì còn có nhiều mặt tồn tại cần phải ra sức khắc phục mới đảm bảo cho Quận trong những năm tới phát triển đúng hướng, toàn diện và vững chắc.

PHẦN THỨ HAI

A- PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CHUNG TRONG 3 NĂM 1983 - 1985

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội V và các Nghị quyết của cấp trên, căn cứ vào tình hình thực tế của Quận, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 3 lần thứ 3 xác định phương hướng nhiệm vụ chung từ nay đến 1985 như sau:

1- Tập trung sức chăm lo ổn định và từng bước cải thiện đời sống CBCNV, lực lượng vũ trang, những gia đình chính sách và nhân dân lao động.

2- Đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kết hợp sản xuất ngoại thành, bước đầu xây dựng công nghiệp quốc doanh, sản xuất nhiều hàng hoá xuất khẩu và hàng tiêu dùng có chất lượng tốt, trước hết là phục vụ cho sản xuất, đời sống, giải quyết lao động. Chú ý hình thức liên doanh giữa các cơ sở trên địa bàn Quận và ngoại thành.

3- Hoàn thành cơ bản việc cải tạo công thương nghiệp và các thành phần kinh tế không XHCN khác. Tổ chức lại ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, lập lại trật tự trên mặt trận phân phối lưu thông, chú ý tăng cường kinh tế quốc doanh và tập thể.

4- Đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng thế trận an ninh vững chắc, đanh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch trên địa bàn Quận, nhất là trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá tư tưởng, trừng trị nghiêm khắc bọn phản động, bọn phá hoại trật tự xã hội, bọn đầu cơ buôn lậu, ăn cắp tài sản, phục vụ cho việc bảo vệ an toàn địa bàn và các nhiệm vụ cải tạo, xây dựng khác.

5- Đẩy mạnh cuộc cách mạng tư tưởng và văn hoá, xây dựng bộ mặt văn hoá của Quận tương xứng là một Quận ở trung tâm Thành phố. Tiếp tục xây dựng nền văn hoá mới, nếp sống mới và con người mới trên địa bàn Quận. Ngăn chặn các hoạt động văn hoá, văn nghệ không lành mạnh, chống văn hoá đồi truỵ, đưa tư tưởng XHCN, văn hoá văn nghệ cách mạng ngày càng chiếm ưu thế trong đời sống xã hội.

6- Xây dựng cơ chế làm chủ tập thể. Nâng cao vai tyrò lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của Đảng, khả năng quản lý kinh tế xã hội của Chánh quyền. Củng cố các đoàn thể, tăng cường công tác dân vận, xây dựng các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, đồng thời kiên quyết chống những hiện tượng tiêu cực, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Sáu nhiệm vụ trên đây nhằm vào mục tiêu tổng quát là: Hoàn thành cơ bản cải tạo XHCN, tổ chức lại sản xuất tiểu thủ công nghiệp và lập lại trật tự trên mặt trận phân phối lưu thông, chăm lo đời sống CBCNV và nhân dân lao động, từng bước xây dựng bộ mặt văn hoá của Quận, đảm bảo vững chắc an ninh trật tự, xây dựng các lực lượng cách mạng.

B- NHỮNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA QUẬN ĐẢNG BỘ TRONG 3 NĂM 1983 – 1985 VÀ MỘT SỐ MỤC TIÊU CHỦ YẾU TRONG NĂM 1983.

I- CÔNG NGHIỆP VÀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP - SẢN XUẤT NGOẠI THÀNH VÀ MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHÁC.

1- Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Trong 3 năm tới, phương hướng phát triển các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Quận là kết hợp giữa phát triển mới và tổ chức sắp xếp lại các cơ sở hiện có, xây dựng từng ngành kinh tế kỹ thuật phát triển theo quy hoạch và có kế hoạch. Trước mắt là ổn định ngành may, thêu, đan. Tập trung khai thác khả năng làm hàng xuất khẩu cùng với phát triển hàng tiêu dùng nội địa phong phú để phục vụ tại chỗ, đồng thời trao đổi với các tỉnh.

Cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất tập thể trong khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thích hợp cho từng loại hình cơ sở, đảm bảo sản xuất phát triển. Gắn bó giữa sản xuất, phân phối lưu thông và cung ứng xuất khẩu để vừa tác động cho nhau phát triển, vừa nắm chắc sản xuất vào tay Nhà nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín với khách hàng ngoài nước và nội địa.

Triệt để tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, năng lương, đảm bảo nguyên liệu Nhà nước gia công không thất thoát.

Năm 1983, phấn đấu đưa giá trị sản lượng lên 70 triệu đồng, trong đó xuất khẩu chiếm tỉ lệ 25% và những năm về sau tăng bình quân từ 15% đến 17%. Phấn đấu tích cực năm 1985 tăng lên 100 triệu đồng trong đó 50% giá trị sản lượng là của khu vực quốc doanh và tập thể. Giao nộp sản phẩm đạt trên 80%. Thu mua phần lớn hàng tự sản tự tiêu.

Để thực hiện phương hướng mục tiêu trên đây, cần tập trung khai thác tiềm năng lao động có tay nghề kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện có, khai thác khả năng khoa học kỹ thuật và sự hợp tác giúp đỡ của các đơn vị trên địa bàn Quận và các Huyện ngoại thành (Nhà Bè, Huyện Ô Môn, Mỏ Cầy v.v…).

Tiến hành việc đầu tư có trọng điểm để nâng dần tỷ trọng của khu vực may, thuê, đan và các ngành thủ công mỹ nghệ khác, đồng thời đầu tư vào các cơ sở có quy mô lớn, có kỹ thuật sản xuất xuất khẩu. Xây dựng thí điểm vài cơ sở quốc doanh để tạo điều kiện cho việc phát triển công nghiệp địa phương.

Ngay năm 1983, cần tập trung củng cố 81 tổ hợp tác sản xuất và đưa 3 Hợp tác xã lên bậc cao, một số tổ hợp tác sản xuất đủ điều kiện lên Hợp tác xã đồng thời củng cố các Hợp tác xã khác. Với dạng sản xuất tư nhân thì xem xét đầu tư có chọn lọc đưa lên Xí nghiệp hợp doanh.

Tập trung đầu tư vốn, trang bị lại và thêm máy móc, đầu tư khoa học kỹ thuật cho một số ngành mũi nhọn.

Dựa vào quy hoạch ngành nghề của Thành phố mà hình thành các nhóm sản phẩm. Phát triển cơ sở mới phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển từng ngành kinh tế kỹ thuật.

Liên doanh sản xuất giữa Quận và các địa phương khác để ổn định mặt hàng, cân đối vật tư, chú ý tập trung cho xuất khẩu. Trước hết, năm 1983 liên doanh với Huyện Nhà Bè, Huyện Mõ Cày, và Huyện Ô Môn kết nghĩa.

2- Sản xuất ngoại thành: Tập trung việc trồng rừng và cây công nghiệp theo kế hoạch Thành phố giao, kết hợp khai thác một phần gỗ, cũi đưa về Quận.

Ở Duyên hải củng cố khâu giáo dục cải tạo con người, đảm bảo việc xét xoá cưỡng bức lao động cho những người cải tạo tiến bộ. Đồng thời xây dựng cơ sở vật chất để sản xuất cói, nuôi 50 ha tôm xuất khẩu, trồng thử nghiệm 10 ha thầu dầu.

Đưa dân đi nông trường Phạm Văn Hai theo kế hoạch Thành phố phân bổ, tạo điều kiện sinh sống, sản xuất, không để dân trở về Thành phố. Tiếp tục chọn địa bàn để đưa dân đi vào năm 1984 và những năm sau.

Cùng Huyện Nhà Bè xây dựng hình thức liên kết công – nông nghiệp giữa 2 Quận Huyện, vận động một số đơn vị trên địa bàn Quận tham gia.

3- Giao thông vận tải, Bưu điện.

Cố gắn khắc phục tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu và phương tiện, nhiên liệu và phương tiện bằng cách tăng cường quản lý các Hợp tác xã vận tải, bảo trì xe thô sơ, phát triển thêm vận tải đường sông, xe than v.v… để đưa năng lực vận tải lên đảm bảo nhu cầu cho sản xuất và thu mua trong Quận. Năm 1983 phấn đấu luân chuyển 2,5 triệu tấn hàng hoá/km và 6,5 triệu lượt hành khách. Những năm về sau, tăng khối lượng vận chuyển lên 10 đến 12%. Nâng khối lượng vận tải sông lên 3.500 tấn hàng hoá trong năm 87.

Tập trung duy tu đường sá hơn ½ diện tích mặt đường được phân công. Vận động nhân dân bảo trì các con đường nhỏ, hết sức chú ý thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong sửa chữa đường sá, cống rãnh.

Cải tạo các hộ kinh doanh lớn ngành Giao thông vận tải, không cho đóng mới xe cyclo và quản lý tốt số xe hiện có.

Đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt, phát hành báo chí kịp thời gian, nhận, phát tốt bưu kiện trong nước và nhất là đảm bảo thông tin liên lạc trong tình huống xảy ra chiến tranh.

4- Xây dựng cơ bản, sửa chữa quản lý nhà đất

Về xây dựng cơ bản tiến hành điều tra cơ bản và lập quy hoạch tàon bộ nhà cửa, công trình công cộng, tập trung cho sửa chữa nhà cửa, trường học, các công trình văn hoá, y tế. Vận dụng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương Thành phố và địa phương cùng làm để thực hiện một số công trình lớn như mỡ rộng Trường An Phú (Phường 21), sửa chữa trường Lê Quý Đôn, Chợ Đũi, Nhà trẻ Phường 12…

Cùng Thành phố xây dựng công viên Nguyễn Văn Trỗi, xây dựng nhà truyền thống để kỷ niệm 10 năm Thành phố giải phóng, chuyển Đài liệt sĩ ở số 2 Hồ Xuân Hương đến nơi thích hợp. Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải góp phần xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

Phấn đấu thực hiện sửa chữa nhà thuộc diện Nhà nước quản lý theo chỉ tiêu năm 1983 là 18.000m2, ngăn chặn tình trạng xuống cấp kể cả lo vật tư cho nhân dân tự sửa chữa nhà. Mặt khác, theo kế hoạch của Thành phố mà giải toả từng bước nhà trên kênh Nhiêu Lộc. Hoàn thành chỉ tiêu thu tiền thuê nhà năm 83 là 2,5 triệu đồng.

Uỷ ban Quận cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 216 của Hội đồng Bộ trưởng, sắp xếp lại nhà cửa, giải quyết 242 căn nhà cư ngụ không hợp pháp, điều chỉnh 250 căn nhà sử dụng không hợp lý, không đúng công năng để đổi ra diện tích cấp cho công nhân, giáo viên, cán bộ chưa có nhà ở. Chấm dứt việc xây dựng, sửa chữa không đúng quy hoạch, cấp phát nhà tuỳ tiện.

Tăng cường quản lý nâng cấp các công viên, ươm trồng chăm sóc cây, thông cống rãnh, gom quét rác, thanh khiết môi trường sống.

Hình thành 3 xí nghiệp: sửa chữa nhà, quản lý nhà, công trình công cộng trong năm 1983.

II- TIẾN HÀNH CẢI TẠO XHCN ĐỐI VỚI NGÀNH TTCN, THƯƠNG NGHIỆP VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ VĂN HOÁ KHÁC.

Cần phải quán triệt quan điểm cải tạo thực chất là một cuộc đấu tranh giai cấp để đi đến mục đích cuối cùng là xoá bỏ bóc lột, mở đường cho sản xuất phát triển, thiết lập trận tự trên mặt trận phân phối lưu thông, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Bằng bước đi thích hợp và kết hợp 3 biện pháp giáo dục, kinh tế, hành chính mà chủ yếu là biện pháp kinh tế, để tiến hành cải tạo tư sản theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Thành uỷ.

a) Với ngành tiểu thủ công nghiệp: Điều tra cơ bản và thiết lập phương án cải tạo tổ chức lại các cơ sở sản xuất tư nhân trong Quận. Đối với cơ sở sản xuất xác định là tư sản thì công tư hợp doanh. Các xí nghiệp tư nhân lớn khác không phải tư sản thì hợp doanh, hợp tác gia công hoặc làm cơ sở vệ tinh cho xí nghiệp quốc doanh hoặc công tư hợp doanh theo phương thức “lời cùng chia, lỗ cùng chịu”. Có thể giáo dục, sử dụng khả năng kỹ thuật, quản lý của họ dần biến thành người lao động chân chính. Trong cải tạo, phải chú ý các cơ sở sản xuất bằng nguyên liệu do Nhà nước thống nhất quản lý. Những ngành hàng nào Nhà nước cấm tư nhân sản xuất, kinh doanh thì giải quyết xong trước năm 1985 theo đúng quy định của Nhà nước. Hình thức cải tạo cụ thể cho từng cơ sở sản xuất tư nhân khác nhau, song phải quán triệt yêu cầu phát triển sản xuất và theo đúng quỹ đạo của Nhà nước.

b) Thương nghiệp: Triệt để xoá bỏ tư sản hoạt động trong ngành thương nghiệp.

Đối với bọn hoạt động buôn lậu, đầu cơ, nâng phá giá, thì kiên quyết trừng trị.

Trong năm 1983 phải cải tạo xong các hộ kinh doanh ăn uống lớn để những năm sau tiến hành cải tạo ngành ăn uống. Chú ý quản lý chặt chẽ dịch vụ gia công kim hoàn, nghiêm trị bọn buôn vàng, đôla.

c) Tiểu thương, tiểu chủ: Đây là lực lượng quần chúng đông đảo có lao động, song còn tư hữu nên phải vận dụng tốt chính sách giáo dục vận động, thuyết phục, cắt dần quan hệ kinh tế của họ với cơ chế thị trường không tổ chức. Chọn lọc, sử dụng một số người có khả năng làm đại lý cho thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán, hoặc huyển sang sản xuất. Số còn lại tổ chức thành tổ mua bán, tổ ngành hàng để giáo dục họ mua ngay bán thật phục vụ đời sống nhân dân. Từ các hoạt động đó mà tăng cường khả năng cho thương nghiệp quốc doanh và Hợp tác xã mua bán dần dần chiếm ưu thế trên thị trường.

Trong Quận, lực lượng tiểu thương có 10.000 hộ là không hợp lý. Ngay trong năm 1983, tiến hành cải tạo tiểu thương trước nhất là các ngành hàng gạo, thịt, rau, chất đốt, nước chấm. Trọng điểm là 3 chợ Vườn Chuối, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ.

Các cấp uỷ Phường, các đơn vị chức năng như ban ngành, đoàn thể cấp Quận đều phải có trách nhiệm tham gia công tác cải tạo. Riêng Ban Cải tạo phải làm tốt chức năng tham mưu của mình, các đoàn thể cần tăng cường giáo dục quần chúng thống nhất với chủ trương cải tạo của Đảng và các biện pháp cải tạo của Nhà nước.

III- PHÂN PHỐI LƯU THÔNG, QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHĂM LO ĐỜI SỐNG QUẦN CHÚNG.

1- Công tác xuất khẩu: Nhiệm vụ Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu của Quận trong những năm tới là tạo ra chân hàng trong Quận để cung ứng cho Thành phố xuất khẩu, tác động trực tiếp cho sản xuất phát triển. Năm 1983 phấn đấu cung ứng hàng xuất khẩu cho Thành phố trị giá 75 triệu đồng, những năm về sau tăng 20% đến 30%.

Để thực hiện mục tiêu này, Công ty cần liên doanh với ngành tiểu thủ công nghiệp trong Quận, khai thác khả năng sản xuất hàng xuất khẩu của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tổ chức những cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, làm vệ tinh cho Công ty. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ hợp tác gắn bó với các ngành nội thương để tạo chân hàng phục vụ cho xuất khẩu. Mặt khác, theo sự liên doanh của Quận với các địa phương khác và theo kế hoạch Thành phố phân bổ mà thu mua hàng hoá xuất khẩu để cung ứng cho Thành phố.

Kiến nghị Thành phố nhập nguyên liệu, vật tư máy móc thích hợp để đầu tư trở lại cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong Quận, làm cho hàng xuất khẩu hoặc mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đổi lấy hàng nông sản thực phẩm xuất khẩu. Cần tổ chức quản lý phân phối tốt hàng nhập của Thành phố giao.

Trong Quận cần đư tư vào khu vực cơ kim khí dụng cụ đồ nghề, phụ tùng xe đạp, lắp ráp linh kiện điển tử…

2- Thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã.

Để đưa thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã lên địa vị chủ đạo thị trường, ngay năm 1983 tập trung củng cố và tăng cường cả 2 hệ thống này từ Công ty cấp Quận cho đến hợp tác xã phường.

Với các Công ty, Cửa hàng quốc doanh cấp Quận cần tăng cường giáo dục tư tưởng, củng cố tổ chức, nâng cao nghiệp vụ kinh doanh, vươn lên nắm hàng hoá, tổ chức bán lẻ tận tay quần chúng, tham gia thị trường, phục vụ cho sản xuất và đời sống CBCNV và nhân dân lao động.

Với hệ thống hợp tác xã tiêu thụ phường cần củng cố các cửa hàng, quầy hàng đảm bảo phục vụ nhân dân, làm trợ thủ đắc lực cho thương nghiệp quốc doanh.

Cả 2 hệ thống đều hoạt động trong sự phân cấp của Thành phố, không tranh mua tranh bán, chạy theo lợi nhuận đơn thuần, buông lơi việc phục vụ và kềm giữ giá.

Phấn đấu trong năm 1983 và đến năm 1985 thực hiện doanh số như sau:

Tổng doanh số mua 810 triệu đồng, trong đó quốc doanh 440 triệu, Hợp tác xã 370 triệu.

Tổng doanh số bán 850 triệu. Phấn đấu các năm sau mua và bán đều tăng từ 25% đến 30%.

Tỷ lệ bán lẻ toàn ngành là 75% (quốc doanh 60% - 70%, Hợp tác xã 70% đến 80%).

Về chiếm lĩnh thị trường một số mặt hàng chủ yếu:

1983

1985

Lương thực

80%

100%

Thịt heo

70%

90%

50%

70%

Nước chấm

70%

90%

Rau

50%

70%

Đường

70%

90%

Chất đốt

50%

70%

Phấn đấu đưa tỷ trọng hàng hoá bán lẻ của Thương nghiệp XHCN trên toàn bộ thị trường xã hội lên 40% vào năm 1983 và 60% năm 1985.

Để thực hiện được những mục tiêu này, ngành thương nghiệp tiến hành các biện pháp sau:

a) Tổ chức thu mua nắm nguồn hàng ở các Huyện, Tỉnh theo sự phân công của Thành phố. Kết hợp chặt với ngành tiểu thủ công nghiệp để thu mua cho được hàng ngoài kế hoạch và hàng tự sản tự tiêu của các cơ sở sản xuất trong Quận. Tổ chức các vệ sinh chế biến hàng nông sản thực phẩm để vừa cung ứng cho xuất khẩu vừa bán lẻ trên thị trường.

Tổ chức việc tiếp nhận nhanh hoàng hoá của Công ty cấp trên.

b) Tăng cường mạng lưới bán lẻ cho cả hai khu vực Quốc doanh và Hợp tác xã. Các Hợp tác xã Phường tổ chức đại lý bán lẻ cho thương nghiệp quốc doanh. Hệ thống quốc doanh và hợp tác xã cần có khu vực bán lẻ tại các chợ trong Quận. Tổ chức mạng lưới đại lý cho hợp tác xã tiêu thụ ở từng khu phố. Các Công ty, Hợp tác xã, cần mở rộng hình thức dịch vụ để năm 1984 hình thành Công ty dịch vụ.

c) Tổ chức lại mạng lưới cung cấp để phân phối tốt, đủ định lượng, kịp thời gian, đảm bảo chất lượng và thuận tiện cho CBCNV và người ăn theo. Tổ chức cửa hàng hoặc dành riêng thời gian quy định cung cấp cho diện chính sách, các lực lượng vũ trang, nhà trẻ, bệnh viện v.v…

3- Quản lý thị trường

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 17/NQ-TU của Thành uỷ, cùng với việc tăng cường thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, phát động phong trào quần chúng, tiến hành sắp xếp cải tạo và quản lý thị trường không tổ chức.

Đối với những người buôn bán nhỏ cần giáo dục, tổ chức họ lại theo những hình thức phù hợp với đối tượng này. Những người buôn bán các mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý thì giáo dục họ chuyển sang sản xuất, chuyển mặt hàng.

Tất cả các hộ kinh doanh thương nghiệp dịch vụ kể cả khu vực tập thể và tư nhân đều phải đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng ngành hàng đăng ký , nộp thuế đúng quy định của chính sách và tuân thủ mọi quy định khác của Nhà nước và Chính quyền địa phương. Những người vi phạm nhiều lần thì phải đóng cửa, không được phép kinh doanh.

Nghiêm cấm các đơn vị sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể và các đơn vị không có chức năng thương nghiệp, hoạt động kinh doanh thương nghiệp. Nơi nào đã tổ chức cơ sở kinh doanh thì phải bàn giao cho ngành thương nghiệp quản lý.

Kiên quyết nghiêm trị bọn đầu cơ buôn lậu, phá giá làm hàng giả, hàng lậu, bọn ăn cắp vật tư nguyên liệu Nhà nước.

Triệt để xoá bỏ tư sản, đầu nậu, loại trừ tư thương ra khỏi thị trường lương thực, thị trường nguyên liệu ngoại nhập, nguyên liệu do Nhà nướxc quản lý như sắt thép, ciment, xăng dầu, hoá chất v.v…

4- Tài chính - Thuế - Giá cả - Ngân hàng.

- Tài chính: Với tinh thần tự cường, phấn đấu đảm bảo cân đối thu chi ngân sách là 85 triệu, và nhựng năm sau năng tổng số thu chi cân đối ngân sách thường xuyên của Quận tăng từ 20% đến 30%. Thông qua công tác quản lý tài chính mà phát huy chức năng giám đốc nhằm thúc đẩy các nơi hoàn thành kế hoạch. Thi hành chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt, cấp phát, chi phải có trọng điểm nhằm bảo đảm vốn đầu tư đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Ngân sách các phường cũng phải quản lý chặt chẽ, tăng nguồn thu cố định tại phường để từng bước giảm bớt chi trợ cấp của ngân sách Quận.

- Thuế: Phải gắn chặt với công tác cải tạo quản lý thị trường, kềm giữ giá v.v… Cần có biện pháp chống thất thu, lậu thuế một cách toàn diện, đặc biệt đối với các hộ A – B phải thực hiện thu đúng mức để điều tiết mạnh thu nhập của các đối tượng này cho hợp lý.

- Giá: Góp phần tích cực vào việc lập lại trật tự mới trong lĩnh vực phân phối lưu thông , thường xuyên kiểm tra kềm giữ giá, chế độ đăng ký và niêm yết giá, xây dựng khung giá phù hợp với tình hình phát triển sản xuất – kinh doanh.

- Ngân hàng: Phải tăng cường quản lý tiền mặt, phát huy chức năng trung tâm thanh toán, giám đốc qua khâu tín dụng làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển sản xuất thu mua nắm nguồn hàng.

- Công tác tiết kiệm: Kết hợp với các cơ quan đoàn thể từ Quận đến Phường tuyên truyền phát động quần chúng thi đua tiết kiệm, thực hiện đúng tinh thần “gửi vào thuận lợi, lấy ra dễ dàng”. Phấn đấu đưa số dư bình quân đầu người năm 83 là 120 đồng, 2 năm 84 – 85 tăng từ 20% đến 30%.

5- Chăm lo đời sống CBCNV và quần chúng lao động

a) Phân bổ lao động:

Hàng năm, cố gắng giải quyết số lao động phát sinh khoảng 5.000 người và 1.000 lao động chưa có việc làm để phấn đấu đến năm 1985 giải quyết một phần lớn việc làm trong độ tuổi lao động trong Quận. Chú ý thu hút vào cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp những người có tay nghề kỹ thuật và bắt đầu xây dựng trường dạy nghề. Giải quyết việc làm cho quân nhân, thanh niên xung phong hoàn thành nghĩa vụ trở về. Với những người nội trợ, có kế hoạch khuyến khích phát triển kinh tế phụ gia đình như chăn nuôi, gia công v.v… điều tiết hợp lý thu nhập giữa các ngành sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp.

b) Giải quyết đời sống cụ thể:

Trong 3 năm tới phấn đấu thực hiện một số mục tiêu như sau:

Ăn: Đảm bảo cung cấp gạo, rau, thịt, nước chấm, chất đốt, đường bằng hiện vật. các mặt hàng Thành phố thay thế hoặc cấp bù bằng tiền thì ngành Thương nghiệp Quận cố gắng đảm bảo bằng hiện vật. Ngoài ra phải bán thường xuyên cho CBCNV một số mặt hàng thực phẩm theo giá đảm bảo kinh doanh thấp hơn thị trường từ 15% đến 20% ngoài số hàng do Thành phố đưa xuống.

Mặc: Ngoài việc cung cấp đủ tiêu chuẩn vải hàng năm, ngành Thương nghiệp phấn đấu bán thêm 2,5m cho 1 CBCNV theo giá đảm bảo kinh doanh. Cần có một lượng quần áo trẻ em và vải thông thường bán trên thị trường cho quần chúng mua sắm, may mặc.

Ở: Tập trung điều chỉnh sắp xếp nhà theo quy định. Cửa hàng vật liệu xây dựng cần có vật liệu bán cho CBCNV và nhân dân để sửa chữa nhà. Ưu tiên giải quyết cấp nhà cho các đối tượng chính sách, công nhân, CBCNV giáo viên chưa có nhà ở hoặc nhà hư sập, dột nát, quá chật hẹp.

Phòng, chữa bệnh: Khôi phục hoạt động xưởng thuốc của Quận, phối hợp với các bệnh viện, Xí nghiệp Dược phẩm đóng trên địa bàn Quận để giải quyết thuốc thông thường cho quần chúng và cấp cứu trị bệnh. Nhà nước thống nhất quản lý các cửa hàng thuốc không để tư thương kinh doanh, chấm dứt các hoạt động ở chợ trời thuốc tây.

Học tập: Ngành Thương nghiệp đảm bảo bán đủ giấy viết, tập vở cho học sinh, không để cho cha mẹ học sinh phải mua ở chợ trời. Không để bất cứ một tyrường học nào còn học 3 ca trong ngày. Chăm lo sửa chữa trường học, bàn ghế, trang bị dụng cụ bằng cách vận động nhân dân cùng Nhà nước chăm lo cho học sinh. Trường ở Phường nào, cấp uỷ Phường có trách nhiệm vận động quần chúng giải quyết.

Đi lại: Ngành Thương nghiệp tổ chức bán phụ tùng xe đạp, xe đạp hoàn chỉnh rộng rãi cho nhân dânh, đồng thời bán giá đảm bảo kinh doanh cho CBCNV để tăng thêm phương tiện đi lại, công tác. Ngoài ra tổ chức quản lý chặt chẽ các dịch vụ may đo, cắt tóc, sửa chữa theo từng địa bàn phường, chống nâng giá tuỳ tiện.

IV- CÔNG TÁC VĂN HOÁ XÃ HỘI

Nhiệm vụ của ngành văn hoá trong 3 năm tới là tập trung xây dựng bộ mặt văn hoá của Quận, Chăm lo xây dựng sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội, thể dục thể thao, từng bước xây dựng nếp sống mới và con người mới.

Sự nghiệp văn hoá là sự nghiệp mà toàn Đảng bộ phải ra sức củng cố xây dựng. Trước hết cần tăng cường giáo dục sâu rộng trong quần chúng, CBCNV nhận thức về tình hình đất nước, tình hình Thành phố, về chính sách cải tạo, về CNXH. Cần phân định giữa lao động và bóc lột, tập thể và cá nhân, thái độ lao động mới, làm việc và sống theo pháp luật, bảo vệ tài sản XHCN, trách nhiệm quản lý Nhà nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, quyết tâm bảo vệ an toàn Thành phố, đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch.

1- Văn hoá thông tin: Ngành Văn hoá thông tin phát huy vai trò nồng cốt, hướng dẫn kết hợp với các ban ngành đoàn thể và các phường thường xuyên tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Lấy đơn vị Phường xây dựng các hình thức phòng đọc sách, nhà lưu niệm, trạm truyền thanh, đội văn nghệ, một số phường có Nhà Văn hoá.

Xây dựng Nhà Truyền thống của Quận và của khu vực Bàn Cờ xong trong năm 1983. Cải tạo rạp hát Nam Quang phục vụ cho thiếu nhi. Đưa Câu lạc bộ thiếu nhi hoạt động có hiệu quả. Cùng vớo Ban Nhà đất cải tạo khu vực bia Nguyễn Văn Trỗi thành công viên Nguyễn Văn Trỗi và bia kỷ niệm. Đồng thời có kế hoạch xây dựng những công trình văn hoá, thư viện, trạm truyền thanh, Hội trường Quận…

Tập trung củng cố và đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, hoạt động có nội dung lành mạnh, phong phú, đẩy mạnh tự biên tự diễn, chống các hình thức lai căng, nội dung chung chung hoặc lập lờ, kịp thời cổ vũ những nơi làm tốt. Chú ý tập hợp sử dụng năng lực những người làm công tác văn hoá văn nghệ cư ngụ trên địa bàn Quận.

Đẩy mạnh hoạt động văn hoá văn nghệ ở xí nghiệp, trường học, cơ quan. Quản lý chặt chẽ nội dung hoạt động, phong cách biểu diễn của các điểm ca nhạc. Chống các hình thức kinh doanh văn hoá chạy theo thị hiếu không lành mạnh.

Tiếp tục cuộc đấu tranh chống văn hoá, văn nghệ đồi truỵ, phản động, ngoại lai. Thực hiện việc Nhà nước độc quyền quản lý ngành in, tiếp tục cải tạo các nhà văn hoá nhỏ khác.

Coi trọng việc xây dựng lối sống mới: sống bằng lao động chân chính, có ý thức tự giác chấp hành pháp luật, có nếp sống lành mạnh, tiết kiệm, lịch sự. Chống lối sống bê tha, ăn bám, trốn tránh lao động, bài trừ mê tín dị đoan và các thủ tục từng bước nâng cao trình độ nhận thức của quần chúng.

Phát động phong trào xây dựng gia đình văn hoá mới, sâu rộng có chất lượng.

2- Giáo dục Nhà trẻ: Về sự nghiệp giáo dục, tập trung cho cải cách giáo dục đồng thời ra sức nâng cao giáo dục toàn diện nhất là giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho thầy cô giáo và học sinh. Coi trọng giáo dục hướng nghiệp, xây dựng thêm 2 trung tâm, thu hút thêm 3.000 học sinh.

Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, xây dựng Nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở những Phường chưa có, đảm bảo thu hút đại bộ phận các cháu trong độ tuổi vào Mẫu giáo. Mở rộng lớp 1 bán trú trong năm học 1983 – 1984. Nghiêm cấm tôn giáo và tư nhân mở Nhà trẻ Mẫu giáo và các hình thức trường lớp tư nhân trá hình khác, đồng thời tạo điều kiện cho Nhà trẻ Mẫu giáo hoạt động tốt, các trường phổ thông mở thêm các lớp bồi dưỡng văn hoá để nâng cao kiến thức cho học sinh.

Mở rộng hệ bổ túc văn hoá để đưa hầu hết CBCNV chưa hết cấp 2 vào lớp học tập trung hoặc tại chức. Giải quyết hết trẻ em nghèo thất học.

3- Y tế: Trong công tác Y tế, cần tập trung phát triển phong trào vệ sinh phòng dịch, ngăn ngừa dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện 5 dứt điểm.

Củng cố các Trạm Y tế Phường, đảm bảo có y, bác sĩ trực tiếp phục vụ quần chúng. Xây dựng Trạm Y tế nông trường Duyên Hải, có bác sĩ và mạng lưới bảo vệ sức khoẻ ở khu vực trường học, sản xuất với quy mô hợp lý. Tăng cường vận động sinh đẻ có kế hoạch để hạ tỷ lệ tăng dân số từ 1,56% còn 1,2% vào năm 1985.

Quan tâm giáo dục Y Bác sĩ và CBCNV ngành Y tế về quan điểm thái độ phục vụ. Tích cực chăm lo đời sống CBCNV ngành Y tế. Trước mắt củng cố lại hình thức khám bệnh ngoài giờ và tạo điều kiện để tiến tới xoá bỏ hình thức này, quản lý chặt các phòng mạch tư. Thực hiện Nhà nước thống nhất quản lý phân phối thuốc tây, mở rộng mạng lưới thuốc dân lập. Nhanh chống củng cố và phát triển mạng lưới Hội Chữ Thập Đỏ.

4- Phong trào thể dục thể thao: Ra sức phát động phong trào rèn luyện sức khoẻ, nhất là trong học sinh, thanh niên, lực lượng vũ trang, người lao động sản xuất. Đào tạo nòng cốt vận động viên, nâng các đội bán chuyên nghiệp, tổ chức thi đấu để cổ vũ trong trào. Tiếp tục xây dựng Câu lạv bộ Thể dục thể thao số 02 Hồ Xuân Hương có khả năng phục vụ nhiều bộ môn khác nhau. Phối hợp với Quận đoàn, Văn hoá thông tin để xây dựng trung tâm văn hoá Thể dục thể thao của Quận thu hút quần chúng và thanh niên vào sinh hoạt rộng rãi.

5- Thương binh xã hội: Các ngành các địa phương đều phải có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ, cán bộ hưu trí, phát động phong trào toàn Đảng, quân dân tham gia công tác hậu phương quân đội. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào người công dân kiểu mẫu, gia đình gương mẫu, phong trào bảo vệ thiếu niên nhi đồng phải được các địa phương phát động liên tục. Sớm xây dựng Câu lạc bộ Hưu trí và tạo điều kiện để cán bộ hưu trí đóng góp cho địa phương.

Tích cực giải quyết cơ bản dứt điểm tình trạng ăn xin, cùi hủi lê la trên đường và nạn mãi dâm ở các tụ điểm, góp phần xây dựng bộ mặt văn hoá của Quận.

V- GIỮ VỮNG AN NINH CHÍNH TRỊ TRẬT TỰ XÃ HỘI, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG XÂY DỰNG QUÂN SỰ ĐỊA PHƯƠNG

1- An ninh chính trị, trật tự xã hội: Từ nay đến năm 1985 tập trung thực hiện Nghị quyết 01, 03 của Bộ Chính trị, đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng Trung Quốc cấu kết với đế quốc Mỹ và bọn phản động các loại, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ cải tạo và xây dựng trên địa bàn Quận. Cụ thể:

a) Cần quán triệt trong Đảng, CBCNV và quần chúng tinh thần cảnh giác cách mạng, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, làm rõ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong Quận.

b) Ra sức làm tốt các mặt công tác chống thâm nhập, tình báo, biệt kích, nội gián, trên cả mặt trận chính trị, kinh tế, văn hoá, ngăn ngừa các hoạt động phá hoại. Kịp thời đập tan các luận điệu chiến tranh tâm lý xuyên tạc của địch, ngăn chặn hạn chế người trốn đi nước ngoài, trừng trị bọn chủ mưu tổ chức vượt biên.

c) Tích cực bảo vệ tài sản XHCN, chống tham ô, móc ngoặc, ăn cắp, làm hư hỏng tài sản Nhà nước và tập thể. Trừng trị đích đáng bọn đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, phá giá, lưu manh chuyên nghiệp để phục vụ cho công tác sắp xếp lại trật tự trong khu vực phân phối lưu thông, quản lý thị trường.

d) Giảm hẳn trọng án, tai nạn lưu thông, cháy nổ. Kiên quyết bài trừ tệ nạn xã hội, đảm bảo tình hình trật tự có chuyển biến ngày càng ổn định.

e) Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng, Chính quyền, đoàn thể vá các lực lượng khác trong quản lý kinh tế, văn hoá xã hội, phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp ở tất cả các đơn vị, địa phương nhằm hình thành thế trận an ninh vững chắc, có chiều sâu, làm chuyển hoá rõ rệt tương quan giữa ta và địch trên các địa bàn trọng điểm. Không để Phường trọng điểm ở dạng yếu kém. Tập trung xây dựng khu phố an toàn, cuối năm 1983 ít nhất có 2/3 khu phố, tổ dân phố an toàn.

f) Tiếp tục xây dựng lực lượng công an trong sạch vững mạnh, đủ số lượng, nâng cao chất lượng về đạo đức, tác phong nghiệp vụ … đảm bảo công an là lực lượng tin cậy của Đảng, công cụ sắc bén của Chính quyền và gắn bó với quần chúng, được quần chúng tin yêu. Giảm hẳn số lượng cán bộ chiến sĩ bị sai phạm. Phải cương quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ chiến sĩ, những người không đủ tiêu chuẩn là cán bộ chiến sĩ công an nhân dân.

2- Xây dựng quốc phòng và quân sự địa phương.

Trước nhất, cần quán triệt trong Đảng và ngoài quần chúng có tổ chức quan điểm chiến tranh nhân dân trong chiến lược chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tiến hành các phương án xây dựng Quận trong sạch vững mạnh, đảm bảo an toàn toàn diện với những nội dung và mục tiêu kinh tế, xã hội, xây dựng lực lượng đã quy định.

Giáo dục, nâng cao cảnh giác cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân rộng rãi về kiểu chiến tranh páh hoại nhiều mặt của địch. Giáo dục Luật Nghĩa vụ quân sự cho quần chúng, trên cơ sở đó đảm bảo nghĩa vụ, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang thường trực, hàng năm đều phải đạt chỉ tiêu giao quân và phải đảm bảo chất lượng, tổ chức quản lý tốt quân dự bị.

Xây dựng phong trào sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị, địa phương. Coi trọng việc nâng cao chất lượng Phường đội. Hoàn chỉnh các phương án tác chiến phục vụ chiến đấu, hợp đồng chiến đấu, đảm bảo chỉ huy thống nhất và hiệu quả. Đưa chương trình huấn luyện vào nề nếp.

Cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Đoàn thể vận động quần chúng hết lòng chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, thương bệnh binh, quân nhân về hưu và gia đình quân nhân tại ngũ. Cấp uỷ, Uỷ ban Phường, Quận tổ chức đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, bộ đội, công an, lực lượng tư vệ.

Tổng kết hoạt động vũ trang trong Quận để viết truyền thống của Quận.

3- Các ngành Toà án, Kiểm sát, Thanh tra.

a) Toá án: Ngay trong năm 1983 ngành Toà án phân loại các đối tượng để đưa ra xử lý đúng mức các đối tượng nguy hiểm về chính trị, phá hoại kinh tế, gây rối loạn thị trường, lưu manh chuyên nghiệp, làm cho bọn phạm pháp phải chùn bước và răn đe các tội phạm khác. Xét xử phải thật đúng tội, đúng người, đúng pháp luật, thoả đáng, làm rõ tính chất nhân đạo của pháp luật XHCN, đồng thời phải nghiêm túc không để sót tội phạm, đảm bảo luật pháp được thực hiện công minh và nhất là không để án đọng lại.

b) Viện kiểm soát: Tiếp tục đi vào kiểm sát chung tình hình chấp hành luật pháp của cơ quan chính quyền và của nhân dân trên các nhiệm vụ trọng tâm của Quận. Xử lý cho được 60 – 70% các vụ vi phạm, cương quyết đưa ra truy tố các vụ án điển hình để giáo dục quần chúng và CBCNV tuân theo luật pháp. Không để xử lý nội bộ các vụ vi phạm nghiêm trọng. Kiểm tra định kỳ trại giam không để lưu trại quá 150 người. Giám sát việc thi hành án của Toà án.

c) Thanh tra: Bổ sung, củng cố Ban Thanh tra Quận, Phường và thành lập đủ các đội Thanh tra công nhân ở các cơ sở, chú ý giúp đỡ các Phường và cơ sở yếu. Phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Đảng và tổ kiểm tra của chi bộ cơ sở góp phần tích cực vào việc chống tiêu cực, tham mưu cho chính quyền kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Nhà nước, giải quyết khiếu tố. Phấn đấu giải quyết chính xác có lý có tình và dứt điểm 95% đơn từ khiếu tố và ý kiến phản ảnh của dân.

Củng cố tổ chức Ban Tư pháp Quận và Phường để giáo dục pháp luật trong quần chúng, xây dựng phong trào sống và làm việc theo luật pháp. Cùng các ngành khác trong khối nội chính giúp Chính quyền xem xét việc thực hiện luật pháp, tham mưu cho Chính quyền đề ra những quy định có tính chất pháp quy trong Quận phù hợp với luật pháp Nhà nước.

Ban Nội chính là một ban của Đảng, cần phân định rõ chức năng trong ngành nội chính và phối hợp với các ngành trong khối nội chính để thực hiện nhiệm vụ chung của Quận.
VI- XÂY DỰNG CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ Ở PHƯỜNG VÀ QUẬN
1- Củng cố Chính quyền:

Đảng bộ phải thường xuyên quan tâm củng cố Chính quyền, nhất là Phường. Trong 3 năm tới phải tập trung nâng cao vai trò của Hội đồng Nhân dân cấp Quận và Phường, xác định mối quan hệ thường xuyên của các Ban của Hội đồng với các Ban của Chính quyền. Củng cố Ban điều hợp tiếp dân, tập hợp ý kiến nguyện vọng nhân dân, cải tiến nội dung hoạt động của Hội đồng.

Kiện toàn và phát huy hiệu lực của Uỷ ban Nhân dân Quận và Phường trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội, trong việc vận dụng các Nghị quyết của cấp uỷ Đảng và Uỷ ban ở Quận và Phường. Thực hiện tốt 4 chế độ, nhất là chế độ trách nhiệm. Trong chỉ đạo, quản lý phải có kế hoạch chương trình cụ thể, trong thực hiện phải có phương án. Trong năm 83 sơ kết việc xây dựng cơ chế Phường.

Kiện toàn bộ máy các ban ngành, tăng cường cán bộ có năng lực cho những nơi thiếu, yếu, trước mắt là các ngành kinh tế. Bộ máy Chính quyền Quận phát triển theo hướng quản lý toàn diện xây dựng địa bàn Quận. Cấp Phường phát triển theo hướng là cấp quản lý hành chính – kinh tế có ngân sách. Tổ chức tốt phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, qua đó sơ tổng kết nhân điển hình tiên tiến. Các cấp uỷ cần quan tâm chỉ đạo chặt phong trào này.

2- Công tác vận động quần chúng. Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Trong những năm tới công tác vận động quần chúng phải đổi mới về hình thức và phương pháp hoạt động, tập trung vận động người lao động, thanh niên, bồi dưỡng thế hệ trẻ, đồng thời chú ý đúng mức các giai cấp và các tầng lớp khác. Nên tập trung cho cơ sở Phường để phường làm tốt công tác giáo dục, tổ chức và hướng dẫn phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

Nội dung chủ yếu của công tác vận động quần chúng trong 3 năm tới là tập trung giáo dục về CNXH, về đấu tranh giai cấp, về âm mưu thủ đoạn kẻ thù, về tình hình nhiệm vụ chung và của Quận về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, về truyền thống cách mạng, chú ý truyền thống của Quận.

Cần tập trung vào các nhiệm vụ chung như sản xuất, phân phối lưu thông, đời sống, cải tạo, bảo vệ an ninh trật tự, chống văn hoá văn nghệ đồi truỵ, xây dựng nếp sống văn hoá mới, tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền, Đoàn thể. Quận uỷ và các cấp uỷ cơ sở phải quan tâm chỉ đạo công tác dân vận và đoàn thể.

a) Công đoàn: Nhiệm vụ thường xuyên của Công đoàn và Hội lao động hợp tác là giáo dục tính giai cấp, nâng cao giác ngộ XHCN cho CBCNVC và người lao động, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, phát động phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm, khắc phục khó khăn, tham gia tổ chức sắp xếp lại sản xuất, tham gia cải tạo XHCN, bảo vệ tài sản Nhà nước và tập thể, đảm bảo ngày giờ công và tăng năng suất lao động.

Công đoàn có trách nhiệm tổ chức cho công nhân, CBCNV nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của CBCNVC bằng kiểm tra việc thực hiện các chế độ.

Cần đi sâu củng cố Công đoàn cơ sở và Hội lao động hợp tác ở các cơ sở sản xuất tập thể, đảm bảo hoạt động đều và có hiệu quả. Thu hút đầu hết CBCNV trong biên chế vào Công đoàn, 90% người lao động tập thể vào Hội lao động hợp tác và một phần trung niên có lao động ở đường phố vào Hội.

b) Đoàn Thanh niên Cộng sản: Thường xuyên giáo dục lý tưởng cộng sản trong thanh niên, giáo dục về CNXH, về nếp sống văn hoá mới gắn liền với cuộc vận động 3 xung kích làm chủ tập thể đưa thanh niên lên xứng đáng vai trò cánh tay đắc lực của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Cần có loại hình hoạt động phong phú phù hợp tâm lý thanh niên cả trên lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao, học tập … để thu hút thanh niên. Trên cơ sở tập hợp giáo dục, tổ chức hướng dẫn hoạt động mà phát triển đoàn viên. Đến năm 1985 nâng lên 20% tổng số thanh niên là đoàn viên. Chăm lo công tác nữ thanh niên và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng đảm bảo chất lượng.

Tăng cường hoạt động của Đội thiếu niên, đội nhi đồng, giáo dục các em theo 5 điều Bác Hồ dạy.

Việc giáo dục thanh niên chậm tiến cần đi vào nề nếp và dùng các biện pháp quản lý khác để ngăn ngừa lứa tuổi thanh niên phạm pháp.

c) Uỷ ban Thiếu niên nhi đồng: sớm củng cố và kiện toàn tổ chức Uỷ ban Thiếu niên nhi đồng từ Quận đến Phường. Đảng, Chính quyền, Đoàn thể quan tâm đầy đủ việc chăn sóc thiếu niên nhi đồng. Kết hợp các biện pháp giáo dục ở gia đình, ngoài xã hội và trogn nhà trường, tập trung ưu tiên chăm lo việc học hành, sức khoẻ, sinh hoạt vui chơi để các cháu phát triển toàn diện.

d) Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận và Phường: Hướng tất cả hoạt động vào việc giáo dục tổ chức các tầng lớp Phụ nữ tham gia vào phong trào “Người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phát huy vai trò Phụ nữ trong sản xuất, tiết kiệm, chăm lo đời sống gia đình. Quận Hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường cần giáo dục, vận động chị em làm tốt công tác hậu phương quân đội, xây dựng gia đình văn hoá mới, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, thực hiện nam nữ bình đẳng.

Phát triển hội nhằm vào các cơ sở nhiều chị em đang lao động làm việc như cơ sở sản xuất, phân phối lưu thông. Tăng cường công tác tổ chức, quản lý, giáo dục tiểu thương ở các chợ và đường phố.

đ) Công tác Mặt trận: Tập hợp giáo dục các lực lượng quần chúng bao gồm tất cả các tầng lớp trí thức, tôn giáo, dân tộc tham gia hành động cách mạng. Riêng lực lượng trí thức cần phải quan tâm giáo dục, động viên để anh chị em cống hiến nhiều công sức cho việc xây dựng phát triển các mặt của Quận.

Đối với tôn giáo, cần giáo dục sâu Nghị quyết 297 về chính sách tôn giáo cho quần chúng giáo dân và các giáo sĩ, tu sĩ; chuyển hoá các địa bàn tôn giáo, đồng thời phối hợp với các ngành có biện pháp kiên quyết đối với phần tử lợi duụng tôn giáo chống cách mạng.

Hội Phụ lão Quận cần thu hút hầu hết Phụ lão trong phong trào 3 giỏi, phát động phong trào làm gương cho con cháu, giáo dục thanh thiếu niên và giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Quận uỷ và các cấp uỷ phường định kỳ làm việc với đoàn thể. Các ban Đảng, Chính quyền phải hết sức hỗ trợ và kết hợp đoàn thể trong mọi hoạt động.

C- NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ

Nội dung công tác xây dựng Đảng trong 3 năm tới tập trung vào các vấn đề sau:

1- Nâng cao tính chất giai cấp công nhân, tăng cường tính cách mạng và khoa học trong việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo các chủ trương chính sách của Đảng để chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng trên địa bàn Quận.

2- Xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực tổ chức thực hiện ở cơ sở, Bồi dưỡng khả năng quản lý kinh tế xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ và khả năng thực hiện, đảm bảo có tính kế thừa.

3- Phấn đấu xây dựng Quận Đảng bộ thành Đảng bộ vững mạnh cả về chính trị tư tưởng và tổ chức, gắn bó chặt chẽ với quần chúng lao động, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Đại hội Quận đề ra.

Theo phương hướng và nội dung nói trên, các mặt hoạt động chủ yếu của Đảng bộ nhằm vào các vấn đề sau đây:

a) Công tác chính trị tư tưởng: Tập trung vào nội dung giáo dục cán bộ đảng viên và quần chúng có nhận thức cơ bản về chủ nghĩa xã hội khoa học, về tính chất cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường trong thời ký quá độ gắn với cuộc đấu tranh địch ta hiện nay. Coi trọng việc giáo dục đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng trong chặn đường trước mắt do Đại hội V đề ra.

Làm cho cán bộ, đảng viên hiễu rõ về kẻ thù trực tiếp nguy hiểm là bọn Bành trướng Trung Quốc cấu kết với kẻ thù cơ bản lâu dài là đế quốc Mỹ, vạch trần âm mưu thủ đoạn của kẻ thù đang tiến hành một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt ở Thành phố và ngay trong Quận.

Giáo dục lý tưởng cộng sản, bồi dưỡng phẩm chất, truyền thống cách mạng, nâng cao ý chí chiến đấu, rèn luyện tổ chức kỷ luật, có nếp sống giản dị trong sạch.

Phê phán những tư tưởng hoài nghi bi quan, sa sút ý chí chiến đấu, giảm sút lòng tin, vô tổ chức vô kỷ luật trong việc chấp hành đường lối chính sách, ngăn chặn có hiệu quả các hiệu tượng tiêu cực.

Theo nội dung này, Quận uỷ và các cấp uỷ có kế hoạch công tác chính trị tư tưởng từ nay đến năm 1985. Trường Đảng của Quận cần tổ chức cho mỗi đảng viên đều phải học qua một lớp lý luận. Hầu hết đảng viên phải qua chương trình cơ sở, cán bộ chủ chốt ở cơ sở qua chương trình sơ cấp, cán bộ chủ chốt cấp Quận qua chương trình trung cấp và phần lớn Quận uỷ viên qua chương trình cao cấp ở cả 2 hệ tập trung, tại chức. Trước mắt tổ chức học xong 12 chuyên đề nghiên cứu về Nghị quyết Đại hội V cho cán bộ đảng viên.

Mặt khác, coi trọng chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo tính giáo dục chính trị, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình. Chi bộ phải quản lý chặt tư tưởng đảng viên song song với quản lý đảng viên trên các mặt khác.

Hàng quý, Quận uỷ phải đánh giá tình hình chính trị tư tưởng của đảng viên để có biện pháp chỉ đạo nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, tính chiến đấu của đảng viên.

Bộ phận sưu tầm lịch sử Đảng cần có thêm cán bộ để tiếp tục sưu tầm lịch sử Đảng bộ, trước mắt ghi lại một số nét truyền thống của Đảng bộ. Cuối năm 1983 hoàn thành sơ thảo lịch sử Đảng bộ. Cuối năm 1985 hoàn chỉnh lịch sử Đảng bộ.

Công tác khoa giáo tập trung tổng kết, phát huy tình hình cải tiến kỹ thuật, áp dụng thành tựu khoa học vào các ngành nhất là sản xuất, phân phối lưu thông, văn hoá xã hội. Nắm lại đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật để vận động đưa vào phục vụ sản xuất, phân phối lưu thông và thi hành các chính sách của Đảng với cán bộ khoa học kỹ thuật. Lên phương án 3 năm và lâu dài về xây dựng đội ngũ khoa học kỹ thuật trong Quận.

b) Công tác tổ chức: Trọng tâm là củng cố, kiện toàn cơ sở Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Quận uỷ và các cấp uỷ, nhất là các cơ sở Đảng lãnh đạo toàn diện. Khắc phục các tồn tại về cơ cấu bố trí đảng viên. Làm tốt việc bồi dưỡng đào tạo, bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ; chuẩn bị cán bộ kế thừa, phát triển đảng viên.

Về xây dựng chi bộ cấp Phường:

Chi bộ Phường là chi bộ lãnh đạo toàn diện nên cần tập trung củng cố kiện toàn. Ba Ban Đảng và các ngành có chân rết ở phường cần có kế hoạch xây dựng Phường và cử cán bộ trong ban lãnh đạo xuống giúp phường trong xây dựng cơ chế Đảng, Chính quyền, đoàn thể và giải quyết các khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Phên phán mạnh cách làm việc quan liêu, khoán trắng cho Phường tự lo liệu.

Ở Phường vấn đề cần quan tâm là: củng cố cơ chế tổ chức theo quyết định của Thành uỷ, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ hoặc Tổ Đảng khu phố và các nhóm trung kiên thực hiện tốt cơ chế phường. Phường mạnh phải có trên 2/3 tổ dân phố mạnh, vì vậy cần phân công đảng viên chịu trách nhiệm 1 tổ dân phố.

Trong 3 năm tới, cơ cấu bố trí đảng viên ở Phường phải thay đổi một bước qua công tác phát triển Đảng và bố trí sắp xếp lại. Khu vực sản xuất, hợp tác xã tiêu thụ, phường đội, các cơ sở trường học mẫu giáo, trạm Y tế nhất thiết phải có đảng viên, phần lớn thanh niên công tác trong khu vực này là đoàn viên thanh niên cộng sản.

Đối với cấp uỷ Phường cần bố trí đủ số lượng và có khả năng hoạt động cơ sở; có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa, nhất là cho chi uỷ, Uỷ ban và các trưởng đoàn thể.

Tinh giảm bộ máy một số cơ quan cấp Quận, đưa một bộ phận đảng viên về Phường hoạt động trong mọi lĩnh vực dưới hai hình thức: đi xây dựng thí điểm và công tác lâu dài.

Về công tác xây dựng Đảng ở các đảng bộ, chi bộ cơ quan, ban ngành Thành phố và Trung ương trực thuộc:

Ngoài các nội dung xây dựng Đảng chung cho toàn đảng bộ, đối với các đảng bộ, chi bộ cơ quan đơn vị Thành phố và Trung ương trực thuộc, cần tập trung thực hiện một số việc như sau:

+ Khắc phục tình trạng quản lý mang tính chất đảng vụ như hiện nay. Quận uỷ cần có một bộ phận cán bộ theo dõi khối đảng bộ, chi bộ Thành phố và Trung ương trực thuộc, tăng cường quan hệ giữa Quận uỷ và các cơ sở Đảng để giúp các đơn vị lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, củng cố kiện toàn cơ sở Đảng, xây dựng cơ chế làm chủ ở từng cơ sở, phát triển đảng viên mới, quản lý chặt chẽ đảng viên cả về tư tưởng và tổ chức, chống các biểu hiện tiêu cực.

+ Nắm chắc tình hình đảng bộ, chi bộ lãnh đạo đơn vị thực hiện kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị khác để tuỳ theo loại hình chi bộ lãnh đạo đảm bảo hoặc lãnh đạo toàn diện mà củng cố đúng mức, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

+ Chỉ đạo các ngành chức năng của Quận quan hệ chặt chẽ trên các mặt an ninh chính trị, bảo vệ cơ quan, giữ gìn tài sản, chăm lo đời sống ở các đơn vị Thành phố Trung ương góp phần cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời khai thác khả năng khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất để cùng Quận phối hợp phát triển các mặt.

+ Đến năm 1985 tiến hành xong việc quy hoạch chi uỷ, đảng uỷ các cơ sở Đảng. Giúp các đơn vị quy hoạch phát triển Đảng, từng bước thay đổi cơ cấu đảng viên, chú ý giúp các cơ sở trắng, yếu.

+ Theo các loại hình chi bộ đã phân thành khối mà tập họp một số cán bộ của từng khối để làm công tác Đảng giúp Quận uỷ theo dõi các khối cho chặt chẽ.

+ Quy hoạch cán bộ: trước nhất là quy hoạch cán bộ cho Quận uỷ và chi uỷ đến năm 1985. Mỗi chi bộ đều phải có một hoặc hai cán bộ dự bị. Cần chọn một số đảng viên, đoàn viên thanh niên ưu tú, thành phần công nhân, lao động nghèo, người tại chỗ, nữ đưa vào quy hoạch lâu dài và đào tạo ngay từ năm 1983, để đến năm 1985 có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo đáp ứng yêu cầu.

Cán bộ quản lý ở các ngành sản xuất lưu thông phân phối, văn hoá xã hội… cần phải có quy hoạch đào tạo gấp rút bằng hai biện pháp: học tập tại chức, tập trung để đến năm 1985, Quận cố gắng có một đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội đáp ứng nhu cầu. Cần quan tâm bồi dưỡng khả năng đội ngũ cán bộ quản lý hiện có.

Về cán bộ khoa học kỹ thuật, giao cho Ban Tổ chức và Ban Tuyên giáo có kế hoạch giúp Quận uỷ đào tạo, nâng dần tỷ trọng cán bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế, văn hoá, xã hội… Đến năm 1985 trên 50% cán bộ hoạt động các ngành trên phải có trình độ trung cấp nghiệp vụ trở lên.

Qua đào tạo bồi dưỡng mà từng bước tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ. Năm 1985, cán bộ cơ sở phải học qua chương trình lý luận sơ cấp, có văn hoá phổ cập cấp II, có tuổi bình quân là 30 – 35 tuổi. Chú trọng cán bộ nữ và thành phần công nhân. Phần lớn cán bộ chủ chốt Quận phải học qua chương trình lý luận trung cấp có trình độ văn hoá cấp 3.

Song song việc quy hoạch, phải bồi dưỡng khả năng, bố trí đúng chỗ, không chồng chéo ngành nghề. Tăng cường cán bộ có năng lực cho khu vực sản xuất, kinh doanh, văn xã và đoàn thể. Khắc phục dần đi đến chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm không có hiệu quả ở các cơ sở.

Kết hợp tốt giữa cán bộ lớn tuổi và cán bộ trẻ, cán bộ kháng chiến và cán bộ tại chỗ, mạnh dạn đề bạt lớp trẻ, cán bộ nữ. Tạo điều kiện và có những biện pháp thích hợp để cán bộ hưu trí đóng góp công sức cho Quận, nhất là về công tác Đảng, đoàn thể.

Công tác phát triển Đảng: Sau Đại hội này, từng cơ sở Đảng và toàn Quận xây dựng quy hoạch phát triển Đảng viên. Sau đây là một số phương hướng mục tiêu chủ yếu:

Phát triển nhiều đảng viên thành phần công nhân trẻ, nữ xuất thân từ phong trào tại chỗ, có trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật, có năng lực hoạt động thực tiễn, có đạo đức phẩm chất tốt.

Hướng phát triển là những nơi trắng yếu như: Hợp tác xã sản xuất, các đơn vị kinh doanh, cửa hàng, trường học, mẫu giáo nhà trẻ, y tế, phường đội, các khoa, phòng, các phân xưởng và các khâu trọng yếu khác.

Khắc phục tình tr5ang nhận thức không đúng đắn về quần chúng Thành phố, tư tưởng hẹp hòi, tạo thuận lợi cho việc phát triển Đảng, đồng thời quan tâm tạo nguồn, chú ý đến đoàn thanh niên.

Đến năm 1985, tất cả các hợp tác xã sản xuất đều phải có tổ Đảng hoặc đảng viên, các hợp tác xã tiêu thụ có tổ Đảng, các cửa hàng, kho, quỹ đều phải có đảng viên. Các cơ sở văn hoá trực tiếp phục vụ quần chúng, trạm y tế, trường học, mẫu giáo nhà trẻ nơi nào có đảng viên phải hình thành tổ Đảng, nơi nào trắng phải có đảng viên. Các khoa, phòng, phân xưởng đều phải có đảng viên hoặc tổ Đảng. Tất cả phường đội đều phải có đảng viên, phấn đấu 50% phường đội có tổ Đảng.

Về cơ cấu đảng viên phải bố trí cho khu vực sản xuất, lưu thông phân phối gấp đôi hiện nay (120 đồng chí). Khu vực giáo dục tăng tỷ lệ đảng viên lên gấp 2 lần (từ 60 đồng chí lên 120 đồng chí chiếm 3,5% trên tổng số giáo viên). Trong lực lượng công an, 40% trên tổng số cán bộ chiến sĩ là đảng viên, 70% cảnh sát khu vực là đảng viên đối với số có từ 3 năm làm cảnh sát khu vực.

Về xây dựng cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh:

Gắn liền với phong trào thi đua XHCN là xây dựng cơ chế tổ chức phường, xí nghiệp…, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Phấn đấu đến năm 1985 có trên 30% cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn vững mạnh, đại bộ phận còn lại là khá, không còn cơ sở kém.

Công tác chính sách: Chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ hưu trí, cán bộ kháng chiến. Quan tâm bồi dưỡng, văn hoá chính trị cho cán bộ đương chức, xử lý nhanh chóng các vụ đứt liên lạc, chú ý đề bạt nâng lương đúng quy định và xử lý đúng khả năng cán bộ.

c) Công tác kiểm tra: Trước hết cần quán triệt quan điểm: không kiểm tra àl không lãnh đạo, công tác kiểm tra là của toàn đảng bộ, khắc phục khuynh hướng khoán trắng cho Ban Kiểm tra Đảng.

Căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm và những công tác cần tập trung từng thời kỳ, Quận uỷ, các chi uỷ và ban ngành đoàn thể xây dựng chương trình kế hoạch và chỉ đạo công tác kiểm tra thành nề nếp, kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Từng ban ngành phải làm tốt chức năng tham mưu đồng thời phải kiểm tra việc thực hiện theo phạm vi chức năng của mình, triển khai rộng kinh nghiệm thí điểm kiểm tra cho các cơ sở Đảng về thực hiện các quyết định.

Tiếp tục thực hiện việc xây dựng 4 nề nếp giữ gìn kỷ luật ở cơ sở Đảng, theo Thông tri 49/TT-TU của Thành uỷ, xây dựng điển hình cơ sở Đảng giữ gìn kỷ luật tốt.

Việc kiểm tra cán bộ, đảng viên cần chú trọng về quan điểm lập trường, sự nhất trí với đường lối, chủ trương, chính sách tinh thần trách nhiệm, tính tổ chức kỷ luật. Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa các mặt tiêu cực và xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm những vấn đề trên và những vi phạm khác như tham ô, móc ngoặc, hối lộ, ức hiếp quần chúng.

Kiện toàn hệ thống tổ chức kiểm tra tận cơ sở Đảng, nâng cao nghiệp vụ cán bộ kiểm tra cơ sở. Bố trí đủ cán bộ cho Uỷ Ban Kiểm tra Quận uỷ.

D- CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thực hiện rộng rãi phương pháp chỉ đạo điển hình, từng bước nâng cao về các mặt phong trào quần chúng. Từng ban ngành đoàn thể, Phường tổ chức học tập, xây dựng và nhân điển hình.

Sau Đại hội này, UBND Quận và các ngành trọng điểm như sản xuất, phân phối lưu thông, an ninh quốc phòng, dân vận, xây dựng Đảng cần cụ thể hoá các phương hướng nhiệm vụ và mục tiêu nêu trong Nghị quyết thành chương trình hành động cụ thể từng năm, quý, tháng và triển khai thực hiện. Quận uỷ cần xây dựng những kế hoạch chỉ đạo chuyên đề về một số mặt như phân phối lưu thông, cải tạo, chăm lo đời sống…

Thường trực Quận uỷ và Thường trực Uỷ ban quy định rõ lề lối làm việc trong chỉ đạo các ban ngành nhằm phát huy tính chủ động của từng cơ sở, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo chỉ đạo, tập trung toàn diện của Quận uỷ và Ban Thường vụ.

Sau Đại hội, ban Chấp hành sẽ phân ra 7 nhóm cấp uỷ viên như: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phân phối lưu thông, văn xã, nội chính, đoàn thể, xây dựng Đảng, phường. Từng nhóm gồm các đồng chí Quận uỷ viên và một số cán bộ tham mưu trong khối đó để có phương án chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội. Giao cho Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ duyệt phương án từng khối.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này từng Đảng bộ cơ sở, từng cấp, từng ngành, phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và quần chúng, chủ động, sáng tạo cụ thể, và nhất là biết phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân Quận 3, phát huy quyền làm chủ tập thể XHCN, tinh thần cách mạng tiến công, ra sức vận động quần chúng hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 3 lần 3 (đợt 2) đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

TM. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ QUẬN 3

Bí thư

TRƯƠNG MỸ LỆ

Thông báo