Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng

Nội dung đóng góp cụ thể:

1.Về nguyên tắc tập trung dân chủ (Điều 9, Chương II)

Hầu hết ý kiến đồng tình với dự thảo Điều lệ Đảng giữ nguyên quy định về sáu nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ đã nêu trong Điều lệ Đảng hiện hành là đầy đủ và hoàn chỉnh không cần phải bổ sung, sửa đổi.

2. Về hệ thống tổ chức của Đảng (Điều 10, Chương II):

- Hầu hết ý kiến đồng tình với dự thảo Điều lệ Đảng bổ sung thêm từ “hành chính” vào điểm 1, điều 10 thành quy định là “ hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương đương với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước”. Như thế sẽ phù hợp với hệ thống hành chính của Nhà nước và đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở mỗi cấp và của toàn Đảng.

- Hầu hết ý kiến đồng tình với việc giữ lại nội dung về: ”việc lập tổ chức Đảng ở những nơi có đặc điểm riêng theo quy định của Bộ chính trị” là hợp lý, không cần bổ sung thêm quy định mới và căn cứ vào nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) để sắp xếp lại các tổ chức Đảng ở những nơi có đặc điểm riêng cho phù hợp với tình hình và yêu cầu mới.

3. Về các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy (Điều 14, Chương II):

- Hầu hết ý kiến đồng tình với việc giữ nguyên quy định về lập các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp như Điều lệ hiện hành, nhưng Trung ương cần có những quy định cụ thể và chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy theo nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) để khắc phục tình trạng tổ chức bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ thiếu rõ ràng, hiệu quả làm việc chưa cao, biên chế ngày càng tăng.

4. Về đại hội đại biểu bất thường của Đảng ở các cấp và việc bổ sung Uûy viên Ban chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ (Chương III,IV,V):

a- Hầu hết ý kiến đồng tình Dự thảo bổ sung vào Điểm 3, Điều 16, chương III có nội dung: “Trong khoảng giữa nhiệm kỳ, nếu không triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường, khi xét thấy cần và được trên một nửa số Ủy viên Trung ương và trên một nửa số cấp ủy trực thuộc Trung ương tán thành, thì Ban chấp hành Trung ương có quyền bỏ phiếu tín nhiệm để ra quyết định bổ sung số Ủy viên Trung ương thiếu, số bổ sung không quá 10% tổng số Ủy viên Trung ương do đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã bầu đầu nhiệm kỳ”

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị: số bổ sung Ủy viên Trung ương là 5% thay vì “ không quá 10%” so dự thảo đã nêu. Vì bổ sung quá nhiều làm mất đi tính chính xác của đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã bầu đầu nhiệm kỳ.

b- Hầu hết ý kiến đồng tình với dự thảo Điều lệ Đảng ở điểm 3, điều 18, chương IV quy định “ Khi Ban chấp hành đảng bộ xét thấy cần hoặc khi có trên một nửa số cấp ủy trực thuộc yêu cầu và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập Đại hội đại biểu bất thường.

Đại biểu dự Đại hội đại biểu bất thường là các Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ đương nhiệm, đại biểu đã dự Đại hội đại biểu đảng bộ đầu nhiệm kỳ, đủ tư cách” là cần thiết và phù hợp yêu cầu thực tiễn hiện nay. Vì trong thời gian qua, do chỉ có quy định đại hội đại biểu toàn quốc bất thường nên việc củng cố tổ chức, thống nhất về tư tưởng và hành động của Đảng bộ, kiện toàn cấp ủy và ổn định tình hình gặp nhiều khó khăn đối với các Đảng bộ địa phương và cơ sở diễn ra tình trạng mất đoàn kết, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật, nhiều cấp ủy viên và cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật, uy tín của tổ chức Đảng bị giảm sút.

c. Có ý kiến đề nghị: ở điểm 2, điều 21, Chương V đề nghị quy định việc thành lập tổ chức cơ sở Đảng “ có từ 5 đảng viên chính thức trở lên” thay vì “có từ 3 đảng viên chính thức trở lên” như Điều lệ hiện hành.

d. Về điểm 1, điều 22, chương V dự thảo Điều lệ Đảng giữ nguyên quy định nhiệm kỳ Đại hội cấp xã, phường, thị trấn 5 năm một lần; đối với các loại cơ sở khác 5 năm hai lần, có 3 dạng ý kiến:

Một là: Hầu hết ý kiến đồng tình giữ nguyên quy định về nhiệm kỳ Đại hội cấp xã, phường, thị trấn 5 năm một lần; đối các cơ sở khác 5 năm hai lần là phù hợp với yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và đội ngũ cán bộ được ổn định hơn; nếu có tình hình gì thật đặc biệt thì tổ chức đại hội bất thường.

Hai là: Có ý kiến đề nghị nhiệm kỳ đại hội cấp phường, xã 5 năm hai lần.

Ba là: Đối với nhiệm kỳ đại hội chi bộ khu phố, chi bộ bộ phận trực thuộc Đảng bộ cơ sở có 2 dạng ý kiến đề nghị khác nhau:

- Nhiệm kỳ đại hội chi bộ khu phố, chi bộ bộ phận là 5 năm hai lần.

- Nhiệm kỳ đại hội chi bộ khu phố, chi bộ bộ phận là 2 năm một lần.

e. Hầu hết ý kiến đồng tình với dự thảo Điều lệ Đảng quy định ở điểm 3, điều 22, chương V: ”Khi Ban chấp hành đảng bộ xét thấy cần hoặc khi có trên một nửa số cấp ủy trực thuộc yêu cầu và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập Đại hội đại biểu hoặc Đại hội đảng viên bất thường.

Đại biểu dự Đại hội đại biểu bất thường là các Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ đương nhiệm, đại biểu đã dự Đại hội đại biểu đảng bộ đầu nhiệm kỳ, đủ tư cách. Dự đại hội đảng viên bất thường là những đảng viên của đảng bộ “.

- Có ý kiến đề nghị ở điểm 3, điều 22, chương V có đoạn “…..được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý…” sửa lại thành “… thì báo cáo lên cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi triệu tập đại hội…”. Vì nếu chỉ được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp mới được tổ chức Đại hội bất thường thì mất đi tính chất độc lập và dân chủ của Đảng bộ cơ sở (tất nhiên Ban chấp hành Đảng bộ cơ sở phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nội dung đại hội bất thường trước cấp ủy cấp trên trực tiếp) và việc triệu tập đại hội đại biểu (hoặc đại hội đảng viên) bất thường phải nêu rõ nhiệm vụ của đại hội bất thường..

f. Hầu hết ý kiến đồng tình với quy định ở điều 23, chương V quy định về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở Đảng theo Điều lệ Đảng hiện hành.

Tuy nhiên do yêu cầu mới đặt ra có nhiều ý kiến đề nghị: cùng với 5 nhiệm vụ chung của tổ chức cơ sở Đảng, Trung ương cần chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm để bổ sung cụ thể về nhiệm vụ đối với từng loại hình cơ sở Đảng có tính chất. Đặc điểm khác nhau như: xã, phường, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị vũ trang… nhất là đối với các loại doanh nghiệp có quan hệ sở hữu khác nhau (quốc doanh, tập thể, liên doanh, công ty cổ phần, tư nhân…) để có sự vận dụng thực hiện một cách sát hợp.

6. Về tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân Việt (Chương VI):

- Hầu hết ý kiến đồng tình với việc thay từ “một số ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng công tác trong quân đội..” ở điểm 1, điều 26 thành từ “các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng công tác trong quân đội...” như điều lệ sửa đổi.

- Hầu hết ý kiến đồng tình giữ nguyên quy định về các đồng chí Bí thư Tỉnh, Thành ủy tham gia Đảng ủy Quân khu, các đồng chí Bí thư cấp ủy địa phương tham gia đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy Quân sự cùng cấp (tỉnh, huyện).

Tuy nhiên có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn quy chế hoạt động của Đảng ủy quân sự tỉnh để cho đồng chí Bí thư tỉnh ủy kiêm Bí thư Đảng ủy quân sự tỉnh hoạt động có hiệu quả hơn, khắc phục được tính hình thức như hiện nay.

7. Về công tác kiểm tra và Uûy ban kiểm tra các cấp (Chương VII)

- Hầu hết ý kiến đồng tình giữ nguyên các quy định về công tác kiểm tra của Đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp như Điều lệ hiện hành.

Tuy nhiên có ý kiến đề nghị:

- Ủy ban kiểm tra các cấp do Đại hội bầu sẽ nâng cao được vai trò, vị trí, quyền hạn của Ủy ban kiểm tra và từng thành viên của Ủy ban kiểm tra.

8. Về kỷ luật (Chương VIII):

a. Hầu hết ý kiến đồng tình giữ nguyên quy định về bốn hình thức kỷ luật đối với đảng viên và thẩm quyền của các cấp ủy và Ủy ban kiểm tra về thi hành kỷ luật đảng như Điều lệ Đảng hiện hành.

Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị:

- Thẩm quyền thi hành kỷ luật nên từ cấp chi bộ cơ sở trở lên để thể hiện tính nghiêm túc của quyết định kỷ luật Đảng và đảm bảo được nội dung hình thức của quyết định kỷ luật vì chi bộ bộ phận không có dấu, nghiệp vụ văn bản còn hạn chế nên quyết định của chi bộ thường không chặt chẽ về nội dung, đóng dấu treo.

- Đề nghị cần làm rõ hình thức “xóa tên trong danh sách đảng viên” đối với 4 hình thức kỷ luật của Đảng.

- Bỏ hình thức kỷ luật “cách chức” chỉ giữ 3 hình thức kỷ luật. Vì hình thức kỷ luật “cách chức” là “đặc ân” trong quan hệ giữa đảng viên có giữ chức vụ với đảng viên không giữ chức vụ trong Đảng: đảng viên không có chức vụ thì nếu bị xử lý kỷ luật ở mức cao hơn hình thức cảnh cáo thì phải chịu hình thức kỷ luật khai trừ. Đảng viên có chức vụ thì còn phải qua hình thức cách chức rồi mới đến hình thức khai trừ.

b. Hầu hết ý kiến đồng tình với Dự thảo Điều lệ Đảng quy định về phân cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại là: “Tổ chức Đảng, đảng viên không đồng ý với quyết định kỷ luật giải tán tổ chức đảng, khai trừ đảng viên, thì trong vòng một tháng, kể từ ngày nhận quyết định, có quyền khiếu nại với cấp ủy hoặc Ủy ban kiểm tra cấp trên cho đến Ủy ban kiểm tra Trung ương và Bộ Chính trị. Các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với tổ chức đảng thì cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đã quyết định thi hành kỷ luật có trách nhiệm chủ yếu trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại các hình thức kỷ luật đó”. Việc bổ sung này vừa đảm bảo dân chủ trong việc thi hành kỷ luật Đảng, tôn trọng quyền của đảng viên trong việc khiếu nại kỷ luật Đảng đến các cấp, vừa phát huy quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp, trước hết là ở cấp huyện, tỉnh trong việc giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng.

9. Về tổ chức Đảng trong cơ quan hành pháp (Điều 43, Chương IX):

Hầu hết ý kiến đồng tình với Quy định về lập Ban cán sự đảng trong cơ quan hành pháp, như Điều lệ Đảng hiện hành.

10. Về tài chính của Đảng (Chương XI):

a. Hầu hết ý kiến đồng tình với dự thảo nêu “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ ngân sách Nhà nước và các khoản thu khác”.

Có ý kiến đề nghị bổ sung “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ ngân sách Nhà nước và các khoản thu khác phù hợp với quy định của pháp luật”.

b. Về tổ chức đảng tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh:

- Một số ý kiến đề nghị tổ chức Đảng không nên duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vì trong thời gian qua bên cạnh đạt được một số kết quả nhất định như tạo nguồn thu cho ngân sách Đảng đã nảy sinh nhiều mặt phức tạp. Một số doanh nghiệp do cấp ủy lập ra làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng uy tín của Đảng.

11. Một số kiến nghị khác:

- Làm rõ khái niệm “ đảng viên có lao động không bóc lột” trong điều 1, chương 1 và quy định rõ hơn việc đảng viên được làm kinh tế trong phạm vị mức độ nào. Vì hiện nay vẫn có đảng viên tham gia làm kinh tế trang trại thì vấn đề này giải quyết như thế nào?

- Đề nghị thêm “ đảng viên có lao động không bóc lột” thành “ đảng viên có lao động không bóc lột tư bản chủ nghĩa” trong điều 1, chương 1.

- Thay chữ “có đơn tự nguyện xin vào Đảng” bằng “tự viết đơn xin vào Đảng (điều 4, chương 1).

- Trung ương nghiên cứu Quy định 55-QĐ/TW về “những điều đảng viên không được làm” để bổ sung vào Dự thảo Điều lệ Đảng như: “đảng viên không được viết hoặc ký tên vào đơn thư khiếu kiện tập thể” để thực thi nghiêm túc hơn.

- Tổ chức Đảng trong quân đội đề nghị lập lại chế độ chính ủy.

Thông báo