Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành đảng bộ huyện Bình Chánh tại đại hội đại biểu lần thứ VIII (2000-2005)

Phát huy những thành quả đạt được của các nhiệm kỳ trước, trong 5 năm qua (1996-2000), với sự nổ lực của toàn Đảng bộ, có sự chỉ đạo và góp sức của Trung ương, Thành phố, tình hình chung của Huyện có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Nhiều chủ trương đúng đắn trong Nghị quyết đại hội VII của Đảng bộ đã đạt kết quả tốt. Song tình hình đô thị hóa trên địa bàn diễn ra quá nhanh hơn dự kiến, phát sinh những thách thức to lớn. Đó là sự lúng túng về lãnh đạo Đảng và quản lý Nhà nước, sự bất cập về năng lực quản lý kinh tế-xã hội của đội ngũ cán bộ, những vấn đề phức tạp về ANTT và các vấn đề thuộc lĩnh vực VH - XH trên địa bàn.

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Huyện Đảng bộ một mặt phát huy thuận lợi để đảm bảo quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển đúng hướng, có hiệu quả KT-XH. Mặt khác, từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên trong thách thức, giữ vững ổn định chính trị. Kết quả đạt được như sau:

 PHẦN THỨ NHẤT

NHỮNG BIẾN ĐỔI 5 NĂM QUA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN

A/ NHỮNG THÀNH TỰU:

I/ KINH TẾ:

Năm năm qua, kinh tế của Huyện đã giữ được ổn định và tăng trưởng theo tinh thần NQĐH Đảng bộ lần thứ VII.Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch với tốc độ nhanh, đúng hướng và phù hợp với xu thế công nghiệp hóa. Lĩnh vực nông nghiệp có sự bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp quá trình đô thị hóa, mức tăng trưởng nông nghiệp bình quân đạt 2,95%/năm, giá trị tổng sản lượng đạt gần 100% kế hoạch. Một số loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được phát triển, nhân rộng. Một số vùng chuyên canh được hình thành (lúa, rau màu, cây ăn trái, mía,…). Các chuyên đề thực hiện NQTW5 về tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn đã từng bước đi vào cuộc sống và được sự đồng tình của bà con nông dân (chuyên đề cải tạo vườn tạp, phát triển đàn bò sữa). Các công trình thủy lợi Hốc Môn - Bắc Bình Chánh, hệ thống đê bao Tân Kiên, Cần Giuộc, tam giác Tân Nhựt, Hốc Hưu, Cầu Già …bước đầu phát huy hiệu quả. Hoạt động tín dụng nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân ngày càng mở rộng với sự tham gia của nhiều tổ chức như Ngân hàng, quỹ xóa đói giảm nghèo, các đoàn thể quần chúng. Hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở một số xã tạo tiền đề cho việc mở rộng ở các địa phương khác. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông nghiệp đạt tỷ lệ 98%.

Khu vực CN-TTCN phát triển nhanh, với tỷ trọng tăng rõ nét. Tốc độ tăng bình quân đạt 21% vượt 5% so với chỉ tiêu đại hội đề ra. Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển sản xuất ngày càng tăng. Khai thác thế mạnh của Huyện về đất đai và lao động đạt kết quả khả quan. Chỉ tính riêng 3 khu công nghiệp tập trung (Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc) đã có 191 doanh nghiệp thuê 198ha đất, nhà xưởng đạt 55% diện tích, với tổng vốn đầu tư 248 triệu USD và 1.750 tỷ đồng Việt Nam. Trong đó có 97 nhà đầu tư đã đi vào sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động. Phần lớn các doanh nghiệp đã trang bị máy móc khá hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Các cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư tiếp tục phát triển, so năm 1996 tăng 796 cơ sở với quy mô vừa và nhỏ. Giá trị xuất khẩu trong cơ cấu mặt hàng chuyển biến theo hướng tích cực. Hoạt động TM-DV được mở rộng. Lưu thông hàng hóa ngày càng tăng nhất là các chợ đầu mối: An Lạc, Bình Chánh, Cầu Xáng…. Hành lang thương mại, dịch vụ dọc Quốc lộ IA, đường Hùng vương (nối dài) đã và đang hình thành và phát triển đúng hướng.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư xây mới nâng cấp nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của Huyện, thông qua các dự án đầu tư của các thành phần kinh tế. Đến nay đã có 3 khu công nghiệp tập trung (Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân) với quy mô từ 150ha đến 462ha đang hoạt động; 48 dự án xây dựng khu dân cư đô thị đang triển khai thực hiện với diện tích 1.071ha. Trong đó, một số khu đã hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và xây dựng nhà ở. Ngoài ra, các công trình thuộc các lĩnh vực thương mại, y tế, VH-TDTT, môi trường với quy mô khá lớn đang hoàn chỉnh thủ tục và chuẩn bị thi công. Một số cầu đường huyết mạch đã được nâng cấp mở rộng, xây dựng mới. Hệ thống mạng lưới cầu đường nông thôn cũng được đầu tư bê tông hóa và trải sỏi đỏ, cơ bản hoàn thành điện khí hóa ở tất cả các xã-thị trấn, đã tạo cho hộ dân trên địa bàn Huyện sử dụng điện tiện lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đầu tư xây dựng mới nhiều giếng nước công nghiệp rải đều trên địa bàn các xã-thị trấn và các khu công nghiệp. Ngoài ra, còn hỗ trợ khoan 20.982 giếng nước sinh họat gia đình bằng nguồn vốn UNICEP ở khắp địa bàn dân cư trong Huyện phục vụ cho khoảng 80% hộ dân. Hệ thống bưu điện phát triển rộng khắp, nhằm phục vụ nhu cầu thông tin liên hệ làm ăn nhanh nhạy của nhân dân hiện nay.

Hoạt động tài chánh ngân sách thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra như: Tăng nguồn thu, huy động tối đa các nguồn thu hợp pháp vào ngân sách, đảm bảo các hoạt động thường xuyên của Huyện, đồng thời thúc đẩy sản xuất phát triển. Bình quân mức tăng thu ngân sách trên địa bàn trong 5 năm qua đạt 26,4%. Nguồn thu năm 1999 tăng gấp 2 lần so năm 1996. Nguồn thu vận động chủ yếu vận động từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước ủng hộ đưa vào quỹ phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương chiếm từ 20-25% tổng thu ngân sách Huyện. Chi cho đầu tư và xây dựng cơ bản từ 30% tổng chi ngân sách Huyện năm 1996 tăng lên 37% trong năm 1999.

II/ VĂN HÓA XÃ HỘI:

Huyện ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo; chỉ đạo triển khai đổi mới công tác GD-ĐT và dạy nghề cho nhân dân, thực hiện xã hội hóa giáo dục, kết hợp giữa 3 môi trường, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế-xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo dạy nghề của địa phương. Đã đầu tư xây dựng mới 188 phòng học và sửa chữa nhỏ hàng năm trên 40 phòng học các cấp, bổ sung khá đầy đủ trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác giảng dạy và học tập như: phòng nghe, nhìn, máy vi tính; thí nghiệm thực hành; máy photocopy, mạng lưới trường lớp đầy đủ, nhiều nơi khá khang trang, đều khắp các xã-thị trấn. Công tác vận động trẻ em 5 tuổi ra lớp hàng năm đều đạt 99,5%. Đã hoàn thành công tác phổ cập tiểu học, 6 xã được phổ cập giáo dục trung học, các xã đều đạt tiêu chuẩn quốc gia về xoá mù chữ. Nhìn chung các hoạt động giáo dục–đào tạo, dạy nghề có những chuyển biến tích cực, tỉ lệ tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở đạt cao. Công tác đào tạo dạy nghề ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của sự phát triển mới đặt ra. Cán bộ quản lý ngành giáo dục và giáo viên các cấp học đều đạt tiêu chuẩn qui định. Đã bảo đảm đủ giáo viên mẩu giáo, tiểu học và các môn khoa học cơ bản khối trung học cơ sở.

Huyện ủy đã triển khai NQTW5 (khóa 8) về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có tác dụng uốn nắn và định hướng toàn bộ các hoạt động văn hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để các ngành, các cấp Ủy Đảng thực hiện tốt vai trò chăm lo đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở đồng thời lãnh đạo đấu tranh trên mặt trận đầy sôi động và nóng bỏng hiện nay.

Tập trung củng cố theo hướng phát triển các hoạt động Văn hóa thông tin- Thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe nhằm đáp ứng một phần các nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh của các tầng lớp nhân dân. Hoạt động TDTT được duy trì, đặc biệt tập trung vào đối tượng học sinh thông qua các phong trào hoạt động học đường và "hội khỏe Phù Đổng" hàng năm, đã góp phần vào việc giáo dục và nâng cao thể chất cho thanh niên và học sinh.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư” thực hiện khá tốt, từng bước đi vào nề nếp, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng dân cư, được nhân dân đồng tình hưởng ứng rộng rãi. Ấp-khu phố văn hóa cũng được hình thành trên 20 xã-thị trấn, làm chuyển biến bước đầu bộ mặt nông thôn mới. Cuộc sống, vật chất và tinh thần của nhân dân có bước cải thiện, tạo nền tảng cho sự phát triển mọi mặt, đẩy lùi các tiêu cực xã hội. Trung tâm VH-TDTT liên xãø đã đi vào hoạt động ngày càng thiết thực, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ về VH -TDTT giữa nông thôn với thành thị. Các khu di tích lịch sử được trùng tu tôn tạo, phát hành các tập sử truyền thống đấu tranh cách mạng, các xã đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống Cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiện nay và mai sau.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trung tâm y tế Huyện được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao hiệu quả khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Hầu hết Trạm y tế tại các xã-thị trấn đều có bác sĩ. Bảo đảm đủ các loại thuốc chữa bệnh thông thường cho nhân dân, vừa đảm bảo hoạt động ở trung tâm hàng năm, vừa đảm bảo thường xuyên phối hợp tổ chức tốt các đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa và đối tượng chính sách, xóa đói giảm nghèo…được kịp thời, thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm thầy thuốc như mẹ hiền được nhân dân đánh giá cao về tinh thần phục vụ. Công tác vận động kế hoạch hóa gia đình cũng được chú trọng, thực hiện thường xuyên nên tỉ lệ tăng dân số đạt 1,48%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày càng giảm đáng kể.

- Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người nghèo, các hoạt động từ thiện, cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai được nhân dân và các ngành Đoàn thể hưởng ứng tích cực đạt nhiều kết quả xã hội to lớn và có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Công tác xoá đói giảm nghèo đã huy động nhiều tỷ đồng trợ giúp cho các hộ trong chương trình. Ngoài ra còn kết hợp các nguồn vốn khác như: ngân hàng phục vụ người nghèo, qũy quốc gia hỗ trợ việc làm… đã đem lại kết quả không còn hộ đói, giảm được 8,7% hộ nghèo (1999). Huyện còn xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa 678 căn,trong đó có 311 căn nhà tình nghĩa, 232 nhà tình thương, bảo đảm việc cấp phát đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hiện hữu và chi trợ cấp đột xuất. Vận động các đơn vị có điều kiện phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt nam anh hùng. Tổ chức đưa đối tượng chính sách đi an dưỡng tại các khu điều dưỡng Thành phố, một số khác được hỗ trợ kinh phí điều dưỡng tại gia đình. Tổ chức đưa các Mẹ Việt nam anh hùng đi thăm Thủ Đô vào viếng Lăng Bác…

Trên lĩnh vực giải quyết lao động đã tạo được việc làm cho 42.403 người; trong đó có 1/3 là lao động địa phương đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tiếp tuc đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường việc kiểm tra thi hành bộ luật lao động trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn; qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động.

III/ AN NINH QUỐC PHÒNG VÀ PHÁP CHẾ XHCN:

Huyện ủy thường xuyên quán triệt quan điểm giữ vững an ninh quốc phòng là nhiệm vụ quan trọng để không bị âm mưu thủ đoạn phá hoại bất ngờ của các thế lực thù địch. Từ Nghị quyết ANQP, Nghị quyết 03/HU, Thông tri, Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình hành động của Huyện ủy; các ngành, các cấp đã tích cực triển khai các mặt công tác trọng tâm, cơ bản và thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ trong phòng chống các loại tội phạm, nâng cao nhận thức chính trị trong Đảng, ngoài dân, chống mơ hồ, mất cảnh giác. Không để xảy ra đột biến xấu về chính trị, kịp thời khám phá làm thất bại các tổ chức phản động xâm nhập từ bên ngoài, mốc nối với lực lượng chống đối tại chổ. Ngăn chặn lưu hành tài liệu phản động, chủ động xử lý các vụ khiếu kiện, đình công, gây rối, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm ANTT xã hội.

- Nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương có nhiều tiến bộ. Các công tác trọng tâm chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Thông qua diễn tập hàng năm đã nâng cao được năng lực vận hành cơ chế lãnh đạo của Đảng và trình độ chỉ huy của cán bộ quân sự. Duy trì nghiêm chế độ trực sẳn sàng chiến đấu, chủ động đề ra các nội dung phối hợp hoạt động với ban ngành, đoàn thể, MTTQ, với các địa phương tiếp giáp. Tuần tra kiểm soát địa bàn, giữ vững ổn định chính trị không để bị bất ngờ trong mọi tình huống. Lực lượng dự bị động viên được đăng ký và quản lý chặt chẽ. Công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ từng bước đi vào nề nếp. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và tuyển quân hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu được giao. Hội thao quốc phòng được duy trì và đạt được các thứ hạng cao. Công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, chính sách hậu phương quân đội, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, xây dựng quỹ tình thương đồng đội được chú trọng chăm lo tốt hơn.

Việc triển khai các phương án chiến đấu và củng cố quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được quan tâm lãnh đạo, tiến hành thường xuyên phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức duy trì kiểm tra sơ tổng kết hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng được các đơn vị vững mạnh toàn diện được công nhận lá cờ đầu cấp Thành Phố.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã tạo chuyển biến nhận thức trong mọi người dân, mọi tổ chức "sống và làm việc theo pháp luật". Thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. Công tác xử lý vi phạm hành chính được chấn chỉnh. Từng bước khắc phục tình trạng quá tải trong tạm giữ, tạm giam. Thực hiện dân chủ trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, công khai hóa công tác quản lý giáo dục đối tượng ở cơ sở trước nhân dân mang lại hiệu quả thiết thực trong phòng chống tội phạm. Duy trì thường xuyên công tác đấu tranh phòng chống, ngăn chặn tham nhũng. Huyện ủy và Ủy ban đã chỉ đạo thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra ở các đơn vị, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng, phát hiện các sai phạm như vi phạm nguyên tắc quản lý, cố ý làm trái, tham ô…,đã xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm.

IV/ XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

- Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của công tác chính trị tư tưởng, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ đã có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quán triệt sâu trong cán bộ đảng viên và tuyên truyền rộng rải trong nhân dân về NQ Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, triển khai và xây dựng các chương trình hành động để tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, Huyện ủy làm cho cán bộ đảng viên nhận thức đầy đủ và nhất trí cao về đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ đó cán bộ, đảng viên ngày càng có ý thức tự giác trong việc học tập nâng cao trình độ mọi mặt, trong đó lý luận chính trị được chú trọng đúng mức. Bằng nhiều hình thức đào tạo khác nhau, ở những trình độ khác nhau, từ lý luận chính trị phổ thông đến trung cấp, cao cấp và đại học chính trị đã giúp cán bộ đảng viên từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực thực tiễn, làm cho chủ nghĩa Mác-LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng và của toàn xã hội. Đặc biệt qui định 54 của Bộ Chính trị về học tập lý luận chính trị đã tạo thuận lợi cho công tác giáo dục chính trị trong những năm tới.

Thực hiện phương châm hướng về cơ sở, đa dạng hình thức thông tin thời sự nhiều chiều, thông tin định kỳ đã tạo điều kiện thuận tiện cho đảng viên nắm bắt kịp thời, định hướng dư luận theo lập trường, quan điểm của Đảng. Hệ thống thông tin đại chúng của Huyện đã phát huy vai trò tích cực trong việc tuyên truyền vận động nhân dân với nội dung ngày càng phong phú có chất lượng, chính vì vậy đã giúp cho công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng luôn được kịp thời.

- Thực hiện tinh thần NQTW3 (khóa VII), NQTW5, NQTW 6 (lần 2) khóa VIII về nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng. Hàng năm, Huyện ủy đều quan tâm chỉ đạo công tác phân tích chất lượng đảng viên, phân loại cơ sở Đảng, có sơ tổng kết rút kinh nghiệm chỉ đạo sát hợp với từng loại hình cơ sở Đảng. Đến nay, chất lượng đội ngũ đảng viên có sự chuyển biến rõ nét, đảng viên đủ tư cách đạt tỷ lệ 94,77%, trong đó có 12,36% đảng viên được biểu dương; đảng viên có vi phạm tư cách là 5,22%. Qua kết quả phân loại hàng năm cho thấy vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở có thể hiện được trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng cơ sở Đảng không ngừng đạt được trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng khối hành chánh sự nghiệp, doanh nghiệp có nhiều tiến bộ trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, luôn tạo điều kiện cho các Đoàn thể làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đã tập trung xây dựng củng cố kiện toàn cấp ủy, phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ ấp, khu phố theo quy định 326 của Thành ủy. Công tác đào tạo cán bộ cũng được chú trọng và quan tâm, nhiều cán bộ, đảng viên được đưa đi đào tạo chính trị và nghiệp vụ chuyên môn ở bậc cao. Trong đó, đáng kể là thông qua công tác đào tạo đã tuyển chọn được một nguồn cán bộ dự bị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cho trước mắt và lâu dài. Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí, đề bạt cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, MT-ĐT cấp Huyện luôn được đáp ứng kịp thời phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ chủ chốt trẻ, tin cậy, có triển vọng, có khả năng đảm đương tốt nhiệm vụ kế thừa.`

Thực hiện Chỉ thị 15/TU về công tác phát triển Đảng, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, giải quyết những bế tắc, khó khăn trong khâu thủ tục, hồ sơ. Trong nhiệm kỳ công tác phát triển đảng viên mới đạt 88,8% (444/500), đảm bảo chất lượng và tăng cường số lượng cho Đảng bộ Huyện. Đã tổ chức triển khai NQ07/TU, Chỉ thị 39/TW cho cán bộ, Đảng viên để hiểu sâu hơn về "âm mưu diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, hiểu rõ về mục đích, yêu cầu, phương châm của công tác BVCTNB, nâng cao cảnh giác, nắm và hiểu rõ về cán bộ, thẩm tra xác minh lịch sử chính trị góp phần phục vụ cho công tác phát triển Đảng đạt số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Vì công tác kiểm tra Đảng: Trong nhiệm kỳ, UBKT đã tham gia tốt công tác cán bộ, công tác bầu cử HĐND các cấp, công tác phân tích chất lượng đảng viên và cơ sở Đảng, công tác chống tham nhũng trong ngành Công an theo kế hoạch 01 của UBKT và Ban Nội chính Trung ương, cũng như cùng phối hợp với Đoàn Thanh tra Nhà nước trong tham gia giải quyết các trường hợp liên quan đến chủ trương, nghị quyết của Đảng đối với cấp cơ sở và xử lý sai phạm qua kết quả và kết luận của Thanh tra.

- Công tác vận động quần chúng trong 5 năm qua có sự chuyển biến đáng kể, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân được củng cố và tăng cường. Đây là một yếu tố quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Ngoài việc hướng về cơ sở, quan tâm xây dựng nồng cốt ở ấp, khu phố, Mặt trận và đoàn thể thực hiện việc đổi mới phương thức, nội dung hoạt động bằng nhiều hình thức; tổ chức phong trào phong phú, đa dạng đem lại hiệu quả thiết thực như: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực sản xuất, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh phong trào giúp nhau làm kinh tế gia đình, mưu sinh lập nghiệp, thực hiện cuộc vận động xây dựng cuộc sống mới khu dân cư, xây dựng ấp-khu phố văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát huy dân chủ cơ sở, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, phong trào xã hội nhân đạo, tổ chức chăm sóc tốt đội thiếu niên tiền phong. Thông qua phong trào đã củng cố kiện toàn tổ chức, hoạt động của MT-ĐT các cấp, phát triển nhiều đoàn viên, hội viên có chất lượng, làm cho công tác vận động quần chúng ngày càng trở thành động lực mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngoài ra MT–ĐT còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, có nhiều chương trình phối hợp chặt chẽ trong chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, kể cả đoàn viên, hội viên thuộc giới mình đối với công tác tôn giáo, Huyện quan tâm hơn việc phát triển mối quan hệ tốt với chức sắc các tôn giáo theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuyên truyền vận động thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, chống các biểu hiện bị địch lợi dụng, xuyên tạc, chia rẽ trong nội bộ tôn giáo và dân tộc. Chú trọng đầu tư kinh phí chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho địa bàn có người Hoa sinh sống có nhiều khó khăn. Ban Dân vận thực hiện tốt vai trò làm tham mưu cho Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, sơ tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp về công tác quần chúng đặc biệt NQ 8B. Từ đó, đề xuất nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong nhân dân và bản thân công tác dân vận.

B/ TỒN TẠI YẾU KÉM:

-Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Huyện không đều và chưa thực sự vững chắc, chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động. Tổng sản lượng trong nông nghiệp chỉ tăng bình quân 2,95% không đạt chỉ tiêu đại hội đề ra (4-5%) và thấp hơn bình quân thời kỳ 1991 – 1995 là 2,04%. Kinh tế nông nghiệp còn mang nặng tính chất sản xuất nhỏ, tự phát còn lệ thuộc khá nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thị trường tiêu thụ, có giá trị, có sức cạnh tranh chưa được quan tâm đúng mức. Chăn nuôi kém phát triển và chưa có vai trò tương xứng (chỉ mới chiếm 1/3 tổng giá trị sản lượng nông nghiệp). Sự tác động của công nghiệp và khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Cơ giới hóa còn ở mức thấp; khâu chế biến bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Thay đổi giống, cây con chất lượng cao chỉ mới bắt đầu. Giá cả và đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh khiến người nông dân thiếu an tâm sản xuất. Một số công trình thủy lợi chưa hoàn chỉnh, việc quản lý khai thác còn lỏng lẻo, lãng phí, hiệu quả thấp.

Ngành CN – TTCN địa phương chưa tập trung đầu tư phát triển theo chiều sâu. Đa số những cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư có qui mô nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, thiếu vốn, chất lượng sản phẩm không có sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Một số có đầu tư thiết bị mới nhưng vẫn lạc hậu so trong Thành phố và chưa đồng bộ. Việc ô nhiễm môi trường ở một số khu vực, cần có kế hoạch giải quyết tốt hơn. Kinh tế hợp tác số lượng ít, qui mô nhỏ, chất lượng hoạt động chưa cao, một số mang tính hình thức. Lĩnh vực dịch vụ vượt quá mức cần thiết và mặt trái của một số loại hình dịch vụ cần phải chấn chỉnh (nhà trọ, cà phê giải khát…).

Tình trạng vi phạm qui hoạch, san lắp, xây dựng không phép tuy có tập trung chấn chỉnh nhưng vẫn không ngăn cản nổi, mức độ xảy ra ngày càng nhanh và phức tạp. Một số khu dân cư tự phát không đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng và vệ sinh môi trường có xu hướng lan rộng. Năm năm qua, chỉ tính riêng các xã Bình Hưng Hòa, Bình Hưng, Bình Trị Đông, Tân Kiên, Tân Tạo, Thị trấn An Lạc…đã có hơn 3.000 hộ dân phân lô bán nền với diện tích hơn 1.500.000 m2, trong đó có hơn 15.000 căn nhà đã xây dựng trái phép. Tình trạng cất nhà lấn chiếm kênh mương, cơ sở sản xuất gây ồn, thải khói bụi, phần lớn chưa được xử lý đến nơi đến chốn, gây hậu quả nghiêm trọng cả về sản xuất và sinh hoạt. Ở nhiều khu dân cư nước kinh rạch bị nhiểm bẩn, ô nhiễm không khí với mức độ ngày càng tăng. Tình trạng ngập nước lầy lội trong mùa mưa xảy ra trên diện rộng chậm được khắc phục đã tác động xấu đến môi trường và cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở một số xã, thị trấn đô thị hóa bị quá tải. Hệ thống thoát nước chưa đảm bảo. Tình trạng ùn tắc xe cộ, tai nạn giao thông tăng lên. Cầu đường giao thông ở các xã cánh Nam triển khai chưa đồng bộ khiến kinh tế khu vực này chậm phát triển. Thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản chưa được sửa đổi kịp thời nhất là các khâu khảo sát, lập dự toán, thiết kế, đấu thầu. Một số công trình thi công kéo dài, chất lượng chưa đảm bảo do khâu giám sát thiếu chặt chẽ. Về quản lý tài chính, ngân sách tuy có chấn chỉnh, nhưng vẫn còn sơ hở, dẫn đến một số trường hợp vi phạm nguyên tắc tài chính. Việc thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa đã có trường hợp xâm phạm tài sản nhà nước và lợi ích công dân nhưng khâu kiểm tra không kịp thời để ngăn chặn ngay từ đầu, dẫn đến thiệt hại khá lớn làm cho nhân dân khiếu kiện ngày càng nặng nề và gay gắt. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu bàn bạc với dân, một số trường hợp không công bằng, thu hồi đất vi phạm Luật đất đai, có vụ việc dư luận phần chúng và trong Đảng bộ nghi ngờ, không đồng tình, tác hại đến uy tính lãnh đạo Huyện không nhỏ, lòng tin một bộ phận trong dân giảm sút nghiêm trọng.

- Trong lĩnh vực giáo dục, chất lượng, hiệu quả đào tạo ở một số bộ môn chưa cao, trình độ học sinh của Huyện so với học sinh của nội thành còn có khoảng cách. Tình trạng học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ khá cao, đáng báo động và cần có biện pháp giải quyết tích cực. Tăng dân số cơ học khá nhanh làm cho việc qui hoạch trường lớp gặp nhiều khó khăn. Mặc dầu có quan tâm công tác dạy nghề, có xây dựng trường lớp khá khang trang, có đầu tư phương tiện và công cụ giảng dạy, học tập nhưng củ kỷ và lạc hậu. Đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu trình độ sư phạm và kỹ năng nghề nghiệp bậc cao. Cho nên chất lượng đào tạo nghề nghiệp chưa theo kịp yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa của Huyện. Trong tổng số lao động được giải quyết việc làm, người địa phương chỉ chiếm khoảng 30%.

Trên lĩnh vực văn hóa – thể dục thể thao còn một số mặt cần khắc phục, mặc dù công tác quản lý nhà nước có tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhưng còn gặp nhiều khó khăn như: văn hóa phẩm độc hại, mê tín dị đoan, lễ hội thiếu lành mạnh….Một số ấp-khu phố văn hóa hoạt động mang tính hình thức, thiếu phong phú về nội dung, cần phải có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên trong thời gian tới. Phong trào TDTT, chưa thành phong trào quần chúng rộng rải ở các xã-thị trấn, chưa đáp ứng yêu cầu rèn luyện thân thể cho nhân dân, nhất là giới trẻ... Cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đủ sức phục vụ nhân dân trên địa bàn Huyện và các vùng lân cận. Đời sống các tầng lớp nghèo và nhân dân ở những xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn. Tệ nạn ma túy, mại dâm có xu hướng phát triển đáng quan tâm, đòi hỏi phải có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu trong thời gian tới.

- Tình hình an ninh chính trị tuy ổn định nhưng nơi này, nơi khác còn có những mầm móng dễ bị kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng kích động gây đột biến xấu và bất ngờ.Tình hình người nước ngoài, Việt kiều về cư trú, thăm thân nhân, làm kinh tế ngày càng tăng và phức tạp. Công tác quản lý biến động nhân hộ khẩu, dân nhâp cư chưa chặt còn để xảy ra vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật. Cần có biện pháp quản lý và sử dụng lao động nhập cư như là nguồn lao đông bổ sung lực lượng lao động của Huyện và Thành phố. Tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, một số loại trọng án phát triển, tình trạng thanh thiếu niên hư, phạm pháp vẫn còn nhiều.

Quản lý Nhà nước về mặt pháp luật ở một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở, chưa kiểm soát hết một số lĩnh vực của đối tượng và địa bàn, giải quyết vụ việc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Lực lượng nòng cốt, an ninh cơ sở chưa đủ sức giải quyết tình trạng an ninh trật tự và ngăn chặn tội phạm xảy ra ở cơ sở. Tình trạng thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, quân nhân đào bỏ ngũ chưa được xử lý kịp thời đúng pháp luật. Việc giải quyết công ăn việc làm cho quân nhân xuất ngũ còn rất hạn chế. Chất lượng dân quân tự vệ ở cơ sở thấp, quản lý còn lỏng lẻo.

- Công tác quán triệt NQ của Đảng bộ, một số nơi nhận thức còn sơ cứng, chưa sáng tạo. Chế độ báo cáo chưa nghiêm túc. Một số ít cán bộ đảng viên biểu hiện bản lĩnh chính trị không rõ ràng, thậm chí suy thoái đạo đức, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng. Nhiều đảng viên cấp Huyện không quan tâm sinh hoạt tổ nhân dân nơi địa bàn cư trú, ít gắn bó với dân. Tâm trạng của nhiều đảng viên vẫn còn băn khoăn, lo lắng trước các tệ nạn tiêu cực nội bộ và trong xã hội. Công tác tổ chức chưa kết hợp chặt chẽ giữa qui hoạch, đào tạo với bố trí và sử dụng cán bộ, nhất là qui hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận. Nguồn đào tạo cán bộ thì nhiều nhưng vẫn hụt hẩng, khâu bố trí cán bộ mang tính chấp vá làm cho hiệu quả chất lượng công việc không cao. Quy trình xác minh, kết luận hồ sơ Bảo vệ chính trị nội bộ phục vụ công tác phát triển Đảng, công tác cán bộ còn chậm, kéo dài, chưa có hướng tháo gở, nhất là khâu tiếp xúc hồ sơ. Một vài cấp ủy cơ sở nhận thức công tác kiểm tra chưa đầy đủ, còn mang tính đối phó và ỷ lại cấp trên, thiếu tính chủ động kiểm tra phòng ngừa, nên số lượng đảng viên - kể cả cấp ủy cơ sở Đảng sai phạm còn chiếm tỷ lệ cao.

Hoạt động của các đoàn thể có mức phấn đấu vươn lên, song nhìn chung chưa thật sự ngang tầm với tình hình nhiệm vụ mới. Giai cấp công nhân phát triển nhanh trong quá trình công nghiệp hóa, nhưng đoàn thể chưa chủ động xây dựng loại hình thu hút họ tham gia vào các phong trào quần chúng, tạo nguồn phát triển Đảng trong giai cấp công nhân. Phương thức và nội dung sinh hoạt của chi, tổ hội mặc dù đa dạng nhưng chưa hấp dẫn lôi cuốn đông đảo nhân dân vào hội. Đây là trở ngại trong việc giáo dục ý thức trách nhiệm đối với các phong trào quần chúng ở địa phương. Việc sơ, tổng kết rút kinh nghiệm công tác Dân vận không thường xuyên và nghiêm túc, thường chỉ dừng lại ở Đảng bộ, chi bộ, chưa đến tận nhân dân. Một số chi bộ ấp-khu phố còn lúng túng trong việc xây dựng nghị quyết để lãnh đạo công tác vận động quần chúng đã làm ảnh hưởng không ít trong việc phát huy vai trò động lực của quần chúng trong tiến trình đổi mới (đổi mới sự nghiệp của Đảng chính là đổi mới sự nghiệp của quần chúng).

C/ NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

Những thành tựu 5 năm qua, trước hết là do Đảng bộ đã thường xuyên thể hiện tốt vai trò và đổi mới phương thức lãnh đạo, trước hết là trong BTV và BCH đã thể hiện rõ là hạt nhân lãnh đạo khá toàn diện, mặt khác giữ được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ từ trên xuống duới. Tuy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ đôi lúc còn có những ý kiến khác nhau, nhưng căn bản là vẫn tạo được sự thống nhất, bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, nghị quyết theo đa số. Từ đó, giữ được vị trí trung tâm đoàn kết, nhân dân tin tưởng, tạo ra những chuyển biến tích cực và thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn đổi mới, phát triển đúng hướng hợp lòng dân.

- Đó còn là kết quả của sự nổ lực to lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp trong việc lãnh đạo vận dụng thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là NQĐH 7 của Huyện. Quá trình lãnh đạo, Huyện ủy biết kết hợp chặt chẽ giữa những vấn đề mới phát sinh trên lĩnh vực kinh tế xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng bằng NQ 3,4 /HU và các chuyên đề, thể hiện tính năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm, nên đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, khắc phục các khó khăn trở ngại, đạt được kết quả ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra, trong khâu lãnh đạo và quản lý còn thể hiện rõ kết quả công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần NQTW 6 (lần 2), gắn liền với công việc củng cố kiện toàn công tác tổ chức cán bộ và cải tiến thủ tục hành chính với phát động các phong trào CM của quần chúng. Đây là khâu quan trọng hàng đầu đưa nhanh các chủ trương chính sách của Đảng vào cuộc sống và có hiệu quả, làm cho lòng tin của nhân dân được nâng lên, tạo nên động lực mạnh mẽ giúp cho Đảng bộ vượt qua mọi khó khăn thử thách, thúc đẩy KT-XH phát triển, giữ vững ổn định chính trị. Trong nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Trong công nghiệp nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vốn hàng chucï tỉ đồng để phát triển sản xuất, nhiều gương điễn hình người tốt việc tốt xuất hiện trong lao động, học tập và sáng tạo, làm cho khu vực đô thị hóa của Huyện có bộ mặt mới, sinh động hơn, mất dần cái tồn tại lâu đời nông nhàn và thụ động.

Bài học kinh nghiệm về mặt tồn tại cần đáng lưu ý quan tâm là: Xuất phát từ việc tổ chức bộ máy hành chính chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ nên hiệu lực quản lý Nhà nước chưa cao. Về nhận thức tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, chỉ thấy mặt mạnh mà không thấy mặt trái của cơ chế thị trường. Tình trạng tham ô, xâm phạm tài sản của Nhà nước làm thiệt hại đến lợi ích công dân chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Một số cơ chế chính sách về kinh tế còn bất cập khi áp dụng vào thực tế cuộc sống, nhiều thủ tục qui định bất hợp lý rườm rà nhưng chậm được kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Trong lãnh đạo, từng lúc từng nơi thiếu kịp thời kiểm tra tổng kết thực tiển. Việc cụ thể hóa NQ thành các chương trình hành động thiếu các biện pháp đồng bộ mang tính khả thi cao nên chưa tạo được sự chuyển biến về tư tưởng và hành động. Trong lãnh đạo hai mũi nhọn kinh tế của Huyện, có phần nặng công nghiệp và xây dựng, nhẹ nông nghiệp, và qui hoạch quản lý đất đai, môi trường nên gây ra hậu quả nhiều mặt, có mặt nặng nề, dư luận phê phán gay gắt. Một bộ phận cán bộ đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang còn tình trạng mất cảnh giác, chưa nhận rõ tính chất phức tạp, gay go quyết liệt và yêu cầu cấp bách của cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu thủ đoạn của địch đảm bảo vững chắc ANQP, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH. Mặc khác, trình độ năng lực, kiến thức nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ đảng viên trong các ngành bảo vệ pháp luật còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Việc thực thi các thủ tục pháp lý chưa nghiêm, còn tình trạng án tồn đọng kéo dài chưa đáp ứng tốt yêu cầu đòi hỏi của nhân dân.

- Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng của đảng viên, nắm bắt dư luận quần chúng có lúc không kịp thời, thiếu biện pháp xử lý thích hợp dẫn đến công tác tuyên truyền còn mang tính sự vụ. Đội ngũ cán bộ ở một số địa phương và đơn vị còn hụt hẩng, chưa trẻ hóa đội ngũ cán bộ kế thừa, trình độ kiến thức năng lực lãnh đạo và quản lý của một số cán bộ các cấp chưa đáp ứng kịp yêu cầu, phần đông đảng viên trẻ còn thụ động trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chi bộ từ Huyện đến các xã, ấp, khu phố là một thực trạng tồn tại lâu dài chưa có biện pháp khắc phục. Một số ít cán bộ đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức, đã ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng và Nhà nước ở một số nơi. Một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đến việc tạo nguồn để phát triển Đảng. Chưa chủ động và kịp thời làm tham mưu cho cấp ủy các cấp về công tác kiểm tra, ngăn ngừa sai phạm của đảng viên, chưa duy trì thường xuyên chế độ hội họp giao ban nên nhiều vấn đề về sai phạm của đảng viên để quá lâu không phản ảnh kịp thời cho cấp ủy cấp trên cơ sở. Dưới cơ chế thị trường, KT-XH phát triển làm cho cơ cấu giai cấp, các tầng lớp nhân dân cũng như nhu cầu và lợi ích của họ có sự biến đổi nhanh, trong khi công tác vận động quần chúng của hệ thống chính trị vẫn chưa theo kịp. Công tác phối hợp, kiểm tra hỗ trợ các biện pháp cần thiết để cơ sở thực hiện các nghị quyết, chuyên đề về công tác quần chúng đôi lúc chưa sâu và thiếu thường xuyên liên tục. Tính năng động sáng tạo, đổi mới vươn lên của nội bộ MT-ĐT chưa thật rộng khắp nhất là ấp-khu phố.

PHẦN THỨ HAI

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ XÂY DỰNG,

PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI HUYỆN BÌNH CHÁNH

NHIỆM KỲ 2000–2005

*

A/ NHIỆM VỤ CHUNG:

Xuất phát từ đặc điểm tình hình của Huyện đặt ra nhằm tiếp tục xác định nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ VIII (2000–2005) những năm đầu thế kỷ 21. Mục tiêu chung của 5 năm tới là: “Giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa gắn với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Tập trung và ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nổ lực cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân - đặc biệt là diện chính sách, hộ nghèo. Nâng cao chất lượng hoạt động các phong trào quần chúng. Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Để đạt được mục tiêu chung, cần tập trung thực hiện tốt các mục tiêu cơ bản thường xuyên:

- Tập trung khai thác triệt để tiềm năng và thế mạnh của Huyện, ra sức huy động sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh, thu hút đầu tư làm chuyển biến cơ bản tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn nông thôn, cũng như khu vực đô thị hóa.

- Tăng cường vai trò lãnh đạo và hiệu lực quản lý nhà nước, giữ nghiêm pháp luật kỷ cương làm chuyển biến tốt về TTATXH. Nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Tập trung giải quyết có hiệu quả các lĩnh vực VH-XH, đời sống và an ninh quốc phòng.

- Mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh công khai hóa, dân chủ hóa ở cơ sở. Tập trung khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tiềm lực vật chất và tinh thần trong nhân dân.

- Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, kiên quyết làm trong sạch về phẩm chất, đạo đức. Đồng thời có biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa, trước hết là cán bộ ở cơ sở.

B/ NHIỆM VỤ CỤ THỂ:

I/ PHÁT TRIỂN KINH TẾ:

Xác định cơ cấu kinh tế trong nhiệm kỳ VIII (2000 - 2005) là: Nông nghiệp – Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp – Dịch vụ – Thương mại. Trong đó từng bước gắn chặt nhiệm vu ïphát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, chuyển dịch theo hướng công– nông nghiệp cho nhiệm kỳ tới 2006 – 2010. Đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của toàn Đảng bộ.

 

1/ Về Nông nghiệp:

- Tập trung thúc đẩy công tác cải tạo vườn tạp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước gắn với thị trường nông sản. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm từ 3,5 đến 4%.

- Thường xuyên quan tâm chọn lựa giải pháp đầu tư khoa học kỹ thuật thích hợp cho các vùng chuyên canh: Lúa, rau, cây gia vị, ăn trái, hoa, kiễng… tập trung tháo gở về thủ tục hành chính để khuyến khích chuyển từ đất trồng lúa sang các loại cây, con có giá trị cao. Trước mắt mạnh dạn cho chuyển đổi cây lúa ở vùng ven đô thị và vùng năng suất thấp. Xây dựng chương trình phát triển cây mía cho các xã cánh Bắc (Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Bình Lợi).

- Ngoài việc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… cần có những chương trình hỗ trợ cho nông dân để tổ chức chăn nuôi theo hướng tập trung và qui mô lớn. Đảm bảo đàn bò sữa cuối nhiệm kỳ đạt 5.000 con.

- Có kế hoạch xây dựng các loại hình, tổ chức cần thiết cho kinh tế nông nghiệp phát triển. Trước mắt tập trung phát huy hiệu quả các tổ đội hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, trang trại…

- Tập trung khai thác triệt để tiềm năng đất đai, nhất là đất chưa đưa vào sản xuất (hoang hóa), kiên trì thu hồi và quản lý đất công. Hoàn thành 100% việc cấp giấy và chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chủ trương Nhà nước.

2/ Về công nghiệp –tiểu, thủ công nghiệp:

- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước góp phần thúc đẩy và phát triển CN – TTCN trên địa bàn Huyện, bảo đảm giá trị tăng trưởng bình quân từ 20 đến 25%/năm. Gắn với quy hoạch chung của Thành Phố cần có chương trình phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt quan tâm các xã cách Nam (Đa Phước, Qui Đức, Hưng Long…)

- Tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mở rộng diện tích, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất trong các khu công nghiệp tập trung (Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc…). Tiếp tục điều chỉnh bổ sung nội dung NQ 04/HU để tập trung giải quyết ổn định lầu dài cho các cơ sở sản xuất không ô nhiễm, xen cài trong dân cư và phù hợp với quy hoạch, kiên trì vận động di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm theo quy hoạch.

- Xây dựng chương trình để thúc đẩy phát triển các ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành nghề truyền thống trên địa bàn Huyện - nhằm giải quyết tốt công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân.

3/ Dịch vụ – thương mại:

- Hình thành và phát triển hành lang thương mại dịch vụ dọc tuyến đường quốc lộ 1A và Kinh Dương vương, đồng thời có kế hoạch phát triển ở các trục giao thông, thị tứ ( ngã tư Gò Mây, Bà Lát, ngã ba Tân Quí Tây, Bình Chánh…) góp phần nâng cao mức sống nhân dân. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10 – 12%.

- Có kế hoạch đầu tư xây dựng mới một số chợ có nhu cầu và bảo đảm cho việc phát triển xã hội. Sửa chữa, nâng cấp một số chợ nông thôn, xây dựng chợ chuyên ngành.

- Chú trọng đầu tư, xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ, xuất phát từ nhu cầu của nhân dân như:

+ Tín dụng

+ Thông tin, Bưu điện

+ Giao thông

+ Kho tàng, bến bãi

+ Vật liệu xây dựng

+ Dịch vụ phục vụ nông nghiệp…

4/ Quy hoạch đầu tư và hạ tầng kinh tế:

- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, mở rộng dân chủ trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tế trong từng thời kỳ. Tập trung định vị cho các xã còn lại, tạo điều kiện để phát huy hiệu quả công tác quy hoạch và định vị trong thời gian qua.

- Tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình công cộng, cố gắng hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu dân cư trung tâm các xã, thị trấn- trước mắt tập trung cho các xã đô thị hóa. Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các khu dân cư đã quy hoạch, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển nhà ở theo tinh thần Chị thị 23/UBND TP.

- Về giao thông: Ngoài phần kiến nghị Trung ương, Thành Phố hỗ trợ Huyện phấn đấu từng bước rãi nhựa và cấp phối sỏi đỏ đường ấp 6 Tân Nhựt, Hương lộ 7, đường Vĩnh Lộc 4-5-6-7 đường ấp 6 Hưng Long – Qui Đức, đường xuyên ấp Tân Quý Tây, đường liên ấp 3, 4 Bình Chánh, đường Kinh A, C, đường liên ấp Đa Phước… cố gắng theo phương thức Nhà Nước và nhân dân cùng làm để vận động bê tông hóa các hẽm tại thị trấn An Lạc, các vùng cập lộ của các khu dân cư ở các xã đô thị hóa. Có kế hoạch xây dựng các cầu trọng điểm bảo đảm cho sản xuất như: cầu Bà Hom, 4 cầu đường Tân Kiên – Bình Lợi, cầu Kinh Xáng - Láng Le Bà Tà. Phấn đấu những năm sau làm cầu ngã ba Lý Văn Mạnh, tiếp tục thực hiện đường giao thông 3 xã cánh Nam…đồng thời tiếp tục bê tông hóa cầu nông thôn để bảo đảm đi lại, học tập, lao động sản xuất của nhân dân.

* Về cấp nước: Kiến nghị thành phố tiếp tục nâng cấp hoàn chỉnh đưa vào sử dụng hệ thống cấp nước cụm giếng nước xã Bình Trị Đông, cải tạo nâng cấp ống dẫn nước dọc Tỉnh lộ 10, nâng cấp giếng nước Tân Nhựt. Thi công xây dựng đường ống dẫn nước, giếng nước xã Hưng Long, xã Tân Quý Tây. Đầu tư mới giếng nước bán công nghiệp tại một số khu dân cư tập trung. Phối hợp chương trình nước sinh hoạt nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn đầu tư xây dựng mới Giếng nước Unicef tại các xã-thị trấn. -Phấn đấu đến năm 2005 có 100% hộ dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

* Về thoát nước: Tập trung giải quyết cơ bản việc thoát nước các tuyến đường Kinh Dương Vương, Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, An Dương Vương, khu Cư xá Phú Lâm C. Quy hoạch và triển khai thực hiện chương trình thoát nước tại thị trấn An Lạc, Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo, Tân Kiên, Bình Chánh. Thường xuyên nạo vét thông thoáng hệ thống kinh rạch để đảm bảo thoát nước không gây ngập úng ô nhiểm môi trường. Tranh thủ thành phố đầu tư xây dựng hồ sinh học kết hợp thoát nước cải thiện môi trường tạo cảnh quan trong dự án Tân Hóa – Lò Gốm tại xã Bình Hưng Hòa qui mô 37 ha do Vương quốc Bỉ tài trợ.

* Về phát triển lưới điện: Phấn đấu đến năm 2005 thực hiện điện khí hóa triệt để trên địa bàn huyện, 100% hộ dân được lắp đặt điện kế và được sử dụng điện Quốc gia. Tiếp tục đầu tư, nâng công suất các trạm điện phục vụ các khu công nghiệp và dân cư:

II/ VỀ VĂN HÓA - GIÁO DỤC - XÃ HỘI:

1/ Về giáo dục – đào tạo: Tập trung đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng đủ cơ sở vật chất cần thiết cho nhu cầu giáo dục – đào tạo. Nâng cấp 4 trường cấp III hiện hữu, xây dựng mới 2 trường cấp 3, các xã cơ bản có trường cấp II. Đẩy mạnh chương trình xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển các loại hình trường bán công, dân lập, tư thục. Đảm bảo đầy đủ về số lượng, chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giáo viên.

- Phấn đấu đến năm 2002 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và triển khai phổ cập giáo dục phổ thông trung học. Trước mắt ở đầu nhiệm kỳ, cần có kế hoạch tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị, dụng cụ dạy và học cho trung tâm dạy nghề Huyện phù hợp nhu cầu thị trường lao động ở Thành Phố theo hướng chuyên môn hóa, kỹ thuật cao, thợ lành nghề bậc 3/7. Tổ chức bồi dưỡng đào tạo lại số giáo viên hiện có hoặc có chính sách thu hút giáo viên giỏi.

2/ Về văn hóa thông tin – thể dục thể thao: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ lành mạnh phục vụ đời sống tinh thần trong nhân dân. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Nghị định 87, 88/CP, Chỉ thị 814/TTg. Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình sinh hoạt văn hóa-văn nghệ. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ đờn ca tài tử, nhóm ca khúc chính trị… mở rộng các khu vui chơi giải trí tại các tụ điểm dân cư như: Khu văn hóa du lịch Láng Le, khu vui chơi giải trí xã Bình Lợi… Tiếp tục kêu gọi đầu tư Hồ Sinh Thái Vĩnh Lộc.

- Phấn đấu đến năm 2005 xây dựng được 60 ấp và khu phố văn hóa, trong đó có 50% đạt chuẩn ấp văn hóa được Thành phố công nhận 6 trung tâm văn hóa–TDTT liên xã, một Trung tâm văn hóa TDTT Huyện. Tiếp tục kiến nghị xây dựng thêm Bưu điện văn hóa xã. Cơ bản hoàn thành công trình xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ "Tết Mậu Thân", xây dựng Bia Tưởng niệm chiến sĩ đồng bào bị địch sát hại ở xã Hưng Long và Đền tưởng niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Huyện tại Bình Trị Đông. Phát triển tốt các loại hình thể dục thể thao theo định hướng Nghị quyết 20/NQ-TU của Thành ủy về "phát triển thể dục thể thao".

3/ Về Y tế: Mở rộng phòng cấp cứu Trung tâm y tế, trang bị nâng cấp phòng mổ, phòng săn sóc đặc biệt. Nâng cấp phòng khám khu vực III ở thị trấn An Lạc, bổ sung trang thiết bị cho phòng khám khu vực 2 ở xã Lê Minh Xuân, xây dựng phòng khám khu vực Phong Phú – Đa Phước phục vụ cụm dân cư dọc tuyến đường Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh. Đảm bảo mỗi trạm y tế có đủ y bác sĩ. Phòng khám khu vực có một số chuyên khoa để phục vụ tốt sức khỏe nhân dân. Quản lý tiêm ngừa 6 loại bệnh cho trẻ em đạt trên 90%, thanh toán bệnh bại liệt, kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh sốt rét. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn 15%. Đến năm 2005 phấn đấu hạ thấp tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,4 -1,2%, hạn chế thấp nhất sinh con thứ ba, 100% công chức nhà nước không sinh con thứ 3.

4/ Về lao động – thương binh xã hội:

Dự kiến từ năm 2001-2005 phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động (người địa phương), trong đó tập trung giải quyết việc làm cho các hộ trong chương trình xoá đói giảm nghèo. Thực hiện Quỹ Quốc Gia hỗ trợ việc làm cho vay khoảng 5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 người/năm. Kiến nghị Trung ương và Thành Phố có chính sách sử dụng lao động nhập cư, vừa thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, vừa đảm bảo công tác quản lý an ninh - trật tự xã hội có nề nếp, đúng pháp luật.

Thực hiện tốt việc vận động quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa” để góp phần chăm lo cho gia đình chính sách. Thông tư số 16/98-LĐ-TBXH-BQP-BCA, trong năm 2001 giải quyết dứt điểm việc xác nhận thương bệnh binh, liệt sĩ đối với những người tham gia kháng chiến. Nghị định 28/CP, Nghị định 175/CP về việc trợ cấp cho đối tượng chính sách và các chế độ ưu đãi khác, bảo đảm không để sai sót, đúng đối tượng, đúng chế độ. Rà soát thực hiện tốt nghị định 23/CP về việc thực hiện chế độ chính sách cho những người kháng chiến chống Mỹ(Gọi tắt là chế độ B, C, K).

Phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 2,6 % so với hộ dân trong diện. Tập trung làm chuyển biến tích cực về đời sống của người dân ở các xã nghèo như: Phong Phú, Đa phước, Qui Đức, Bình Lợi, Tân Nhựt…..

Công tác xã hội phối hợp với các ngành liên quan tập trung thực hiện có kết quả NQ 03/HU về chống tệ nạn xã hội. Thường xuyên kiểm tra và hợp đồng thực hiện đối với địa phương theo tinh thần thông tư số 05/BLĐ-TBXH về việc tập trung đối tượng vào các trung tâm bảo trợ xã hội, hỗ trợ xã hội. Thực hiện tốt quyết định 167/TTg về việc trợ cấp diện xã hội cho người cô đơn khó khăn, đảm bảo đầy đủ chế độ quy định và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng và các chủ trương của Nhà nước về chính sách xã hội.

III/ VỀ AN NINH - QUỐC PHÒNG:

1/ Về an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội: Tiếp tục giữ vững và bảo đảm an ninh trật tự, là điều kiện bảo đảm phát triển kinh tế- văn hóa xã hội trên địa bàn Huyện. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính Trị về chiến lược an ninh quốc gia, chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có liên quan đến an ninh. Bảo vệ tuyệt đối an toàn đại hội Đảng, bầu Quốc hội, HĐND các cấp, các ngày lễ lớn. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý trên địa bàn Huyện. Phấn đấu giảm 20% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 1999, nâng tỷ lệ khám phá án đạt từ 60 – 65%, tích cực giải quyết có hiệu quả tệ nạn xã hội, làm giảm 40% đối tượng nghiện ma túy. Chấn chỉnh và kiện toàn công tác quản lý nhân hộ khẩu, vũ khí, vật liệu nổ… Tăng cường công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông – trật tự đô thị ở các tuyến đường trọng điểm. Phát động mạnh mẽ phong trào phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự và phòng chống tội phạm. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của tổ nhân dân, tổ dân phố, phấn đấu có 70% tổ dân phố, tổ nhân dân và 60% xã- thị trấn đạt loại khá.

- Củng cố và chấn chỉnh hoạt động của lực lượng dân phòng đủ mạnh. Có chính sách hỗ trợ vật chất thiết thực nhằm động viên tinh thần phục vụ của lực lượng này ở địa bàn dân cư.

2/ Về Quốc phòng: Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ ở địa phương, xây dựng và củng cố các công trình phòng thủ hướng Tây Thành phố, hoàn thiện văn kiện diễn tập phương án A2. Hàng năm, huy động các đơn vị xã, thị trấn tham gia diễn tập theo kế hoạch chung của Thành Phố. Đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ và nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Duy trì nghiêm chế độ trực sẳn sàng chiến đấu từ Huyện đến cơ sở tập trung nâng cao chất lượng và phấn đấu xây dựng cơ quan quân sự và lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, toàn diện.

Đổi mới qui trình tuyển chọn và gọi thanh niên nhập ngũ, hoàn thành tốt chỉ tiêu giao quân ở cả 2 cấp. Sắp xếp và quản lý tốt lực lượng dự bị động viên đạt 100% kế hoạch. Tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng dân quân tự vệ đạt tỷ lệ 2,5% dân số, nâng cao chất lượng và tập trung xây dựng tự vệ ngoài quốc doanh và tự vệ chuyên ngành. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần, phương tiện hoạt động của lực lượng vũ trang, giải quyết tốt việc làm cho bộ đội xuất ngũ (phấn đấu đạt ít nhất 80% số người muốn có việc làm).

3/ Lĩnh vực pháp luật, pháp chế XHCN: Tham mưu tốt trên các lĩnh vực văn bản pháp quy, xử lý vi phạm hành chính, tư vấn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hộ tịch, công chứng nhà nước và nhiệm vụ xây dựng ngành. Thực hiện kiểm tra định kỳ công tác xử lý vi phạm hành chính của chính quyền cấp cơ sở, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho CBCNV và nhân dân trên địa bàn huyện. Củng cố đội ngũ báo cáo viên, chất lượng phục vụ các tủ sách pháp luật ở cơ sở, chú trọng công tác thông tin, cung cấp tài liệu pháp luật cho cán bộ cơ sở thực hiện tuyên truyền. Củng cố hoạt động của Ban tư pháp và các tổ hòa giải ở cơ sở, tập huấn nghiệp vụ, kết hợp công tác kiểm tra định kỳ, theo chế độ quy định.

- Tăng cường chỉ đạo hoạt động chống tham nhũng các cấp, phối hợp kiểm tra, tổ chức, cán bộ, CNV về chấp hành 3 pháp lệnh: thực hiện qui chế dân chủ cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp, chấp hành qui định những điều đảng viên không được làm. Định kỳ có kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với các hoạt động về tài chính, các quỹ thu chi phúc lợi xã hội, từ thiện, các dự án đầu tư, giải tỏa đền bù, các vấn đề về đất đai, nhà cửa, tiền hàng, thuế. Tập trung giải quyết những phần việc dễ phát sinh tham nhũng ở từng cơ quan, đơn vị và cơ sở. Đẩy nhanh các hoạt động của công tác kiểm sát với chất lượng cao để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Phấn đấu tinh gọn bộ máy, đề cao trách nhiệm cá nhân, tích cực xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt qui chế làm việc giữa 3 ngành: làm án, nâng cao chất lượng hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án để tránh quá hạn luật định. Phấn đấu kiểm sát, điều tra ngay từ đầu đối với 100% án đã khởi tố, giải quyết 85% trên tổng số án thụ lý, tỷ lệ truy tố từ 96% trở lên. Kiên quyết không đình chỉ sai, để lọt tội, hạ tỷ lệ án hoàn hồ sơ để điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ (không vượt quá 2%), chấm dứt tình trạng trả hồ sơ nhiều lần.

- Đảm bảo công tác giải quyết án hình sự trên 90% trong số án phải đưa ra xét xử; trên 80% án dân sư, kinh tế, lao động, hành chính và hôn nhân gia đình trong số án phải đưa ra xét xử, 100% thi hành án phạt tù trên số án phải thi hành, không để án quá hạn luật định, hạn chế thấp nhất về án hủy, sửa. Đảm bảo 100% bảøn án quyết định của Toà án đều được ra quyết định thi hành hoặc ủy thác không để án tồn. Đẩy mạnh tiến độ thi hành án đưa tỷ lệ thi hành so với án có điều kiện thi hành đạt 85%, trong đó xong hoàn toàn đạt trên 55%, thực hiện đúng trình tự thủ tục nội dung thi hành án. Bảo quản tốt tang, tài vật và xử lý kịp thời đúng quy định.

PHẦN THỨ BA

PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ

CÁC TỔ CHỨC CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ.

1/ Nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, tính tiên phong và tính giai cấp của đảng viên:

a/ Công tác chính trị tư tưởng: Tổ chức quán triệt nghiêm túc nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, NQĐH Đảng bộ Thành phố khóa VII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ VIII, cùng với các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Thành phố và của Huyện. Làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức đúng đắn, nhất trí cao về đường lối, chủ trương của Đảng. Qua đó động viên mọi cán bộ, mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức góp phần tham gia thực hiện thắng lợi sự nghiêïp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao lý luận chính trị, giáo dục bản chất cách mạng của Đảng của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động, là con đường tất yếu để xây dựng thành công CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt nam XHCN.

- Tiếp tục triển khai thực hiện qui định 54/BCT về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng nhằm bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đảng viên những vấn đề lý luận có tính nguyên tắc của Đảng. Mở rộng công tác giáo dục chính trị trong các tầng lớp nhân dân bằng những nội dung, hình thức phù hợp. Tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh Cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Có kế hoạch phối hợp với nhà trường, các đòan thể để đưa lịch sử đấu tranh cách mạng của Huyện nhà vào nội dung giáo dục cho học sinh, thanh, thiếu niên. Hoàn thành tập sử các xã-thị trấn còn lại.

- Giáo dục ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường, ý thức cần kiệm để xây dựng đất nước. Giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống, thực hiện tốt việc quản lý cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc cũng như tại nơi cư trú. Chống lối sống thực dụng, bon chen, đua đòi. Kịp thời đấu tranh ngăn ngừa các biểu hiệu suy thoái chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh trong nhân dân; từng bước củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình ấp văn hóa để tiến tới mở rộng qui mô trên địa bàn Huyện. Tăng cường ý thức cảnh giác cách mạng trong Đảng ngoài dân, không để xảy ra các điểm nóng về chính trị-tư tưởng cho kẻ địch lợi dụng. Tiếp tục thực hiện phương châm hướng về cơ sở, thường xuyên thông tin cho cán bộ, đảng viên những vấn đề thời sự nhằm định hướng tư tưởng theo đường lối và quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ. Bồi dưỡng nghiệp vụ, xây dựng lực lượng cán bộ làm công tác tư tưởng từ huyện đến cơ sở, đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.

b/ Công tác tổ chức cán bộ – Bảo vệ Chính trị Nội bộ - Kiểm tra: Tiếp tục thực hiện NQTW5, NQTW6 (lần 2), đưa cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng đi vào chiều sâu. Tập trung chỉnh đốn Đảng về tổ chức, cán bộ. Đảng viên phải nghiêm chỉnh thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ngăn chặn và khắc phục những biểu hiện lỏng lẻo về ý thức tổ chức kỷ luật, duy trì nghiêm túc các chế độ trong sinh hoạt Đảng, bao gồm: sinh hoạt lãnh đạo, học tập, tự phê bình và phê bình thành nền nếp. Thực hiện sự phân công đảng viên phù hợp sức khỏe và năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Phải thường xuyên kiểm tra công tác của đảng viên để nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng. Nâng cao chất lượng về nội dung sinh họat chi bộ và cấp ủy, nhất là chi bộ bộ phận, khu phố, ấp. Mỗi cấp ủy, từng đảng viên phải hoạt động theo quy chế, định kỳ hàng năm phải kiểm điểm việc thực hiện quy chế ở cơ sở.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tập trung cho cơ sở, nhất là ấp và khu phố. Tổ chức hướng dẫn xây dựng chức năng và nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ ấp, khu phố, đặc biệt là các chi bộ có khu dân cư đô thị mới hình thành hoặc có xen cài các cơ sở CN–TTCN. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 60% tổ chức cơ sở Đảng thật sự đạt trong sạch vững mạnh; số còn lại đạt loại khá, hạn chế đến mức thấp nhất loại trung bình, không còn yếu kém; đảng viên đủ tư cách chiếm tỉ lệ cao, đảng viên có vi phạm tư cách, giảm đến mức thấp nhất.

Thực hiện tốt công tác phát triển Đảng viên, đảm bảo số lượng, coi trọng chất lượng, Chú trọng phát triển Đảng ngành giáo dục, các đoàn thể, tổ nhân dân, khu phố, nông dân sản xuất giỏi và côngnhân trực tiếp sản xuất. Làm tốt hơn nữa việc tạo nguồn phát triển Đảng từ công nhân, con em thuộc gia đình có truyền thống Cách mạng, sinh viên và học sinh ưu tú. Trên cơ sở đó, công tác phát triển Đảng phải đạt được mục tiêu kết nạp là 500 đảng viên mới, trong đó ít nhất là 50% công nhân và quần chúng lao động. Công tác cán bộ, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và nhận thức đúng đắn tầm quan trọng trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Thực hiện tốt mô hình chi bộ giáo dục cơ sở. Thực hiện việc bố trí, sử dụng cán bộ phải chú trọng trước hết là phẩm chất, đạo đức tốt, đúng chuyên môn nghiệp vụ đã đào tạo theo quy hoạch. Nghiên cứu điều chỉnh tăng cường và luân chuyển cán bộ cho cơ sở. Cần củng cố và bổ sung ngay cán bộ có tâm huyết, có năng lực cho các Ban Đảng để làm tham mưu tốt cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy.

- Tiếp tục thực hiện NQ07/TU, Chỉ thị 39/TW và Qui định 75 của Bộ Chính Trị về nhiệm vụ BVCTNB nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những diễn biến phát sinh trong nội bộ, các hoạt động phá hoại của địch và các phần tử xấu. Tham mưu tốt cho cấp ủy các cấp đấu tranh ngăn chặn, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm sự trong sạch về chính trị của tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, công tác phát triển Đảng, công tác cán bộ và nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp. Tập trung, xác minh làm rõ và có kết luận nhanh nhất, đảm bảo tính chính xác, khách quan, tế nhị nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người khiếu nại, đồng thời làm rõ giúp cho các cấp ủy Đảng trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ.

- Tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra các cấp ủy cơ sở. Có kế hoạch kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng cơ sở, ngăn ngừa ngay từ đầu các vi phạm có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất các trường hợp vi phạm kỷ luật. Hàng năm ít nhất 2 lần tổ chức kiểm tra cơ sở Đảng, chú ý việc cấp ủy thực hiện công tác kiểm tra cấp mình gắn với kiểm tra việc thi hành kỷ luật trong Đảng, nhất là việc thực hiện tốt Qui định 55/BCHTW về 19 điều đảng viên không được làm. Giải quyết nhanh chính xác các trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm chủ trương chính sách của Nhà nước, không để oan sai hoặc bỏ sót hành vi vi phạm của đảng viên góp phần làm trong sạch đội ngũ của Đảng xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ngày càng vững mạnh.

- Nhận và giải quyết đơn tố cáo khiếu nại đúng thời gian qui định không để kéo dài và tồn đọng, phấn đấu đạt 95% trở lên. Hạn chế thấp nhất các trường hợp đảng viên khiếu nại kỷ luật do oan sai và do quá trình giải quyết có sai sót. Có kế hoạch kiểm tra tài chính của cấp ủy cùng cấp, thường xuyên kiểm tra việc thu nộp Đảng phí của cơ sở Đảng. Tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy theo dõi việc thực hiện kiểm tra theo Chỉ thị 29/BCT về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng

2/ Xây dựng chính quyền vững mạnh, thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân:

- Tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh tốc độ cải cách hành chánh. Tập trung công tác đào tạo và nâng cao kiến thức, năng lực cán bộ, thực hiện việc kiện toàn tổ chức, củng cố các phòng ban, đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, không gây phiền hà dân. Tập trung công tác quản lý nhà nước từ Huyện đến xã-thị trấn, khắc phục những mặt hạn chế trong quản lý và điều hành công việc hành chánh.

- Tăng cường hơn nữa giám sát của HĐND, UBND, UB MTTQ và các đoàn thể quần chúng trong công tác cải cách hành chánh,giảm hẳn phiền hà trong nhân dân. Nâng cao vai trò, vị trí, tác dụng của HĐND Huyện, xã-thị trấn một cách thực chất. Thực hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của mình tại các kỳ họp, thể hiện đầy đủ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Thông qua Nghị quyết về Kinh tế- xã hội phát huy vai trò kiểm tra, thẩm định, chất vấn của HĐND đối với UBND và các cơ quan quản lý nhà nước. Tổ chức nắm tình hình, tuyên truyền, giải thích những chủ trương của Đảng và nhà nước, phản ảnh những kiến nghị và nguyện vọng, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả những việc khiếu nại , tố cáo của nhân dân.

3/ Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân:

- Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của BCH, BTVHU đối với các tổ chức MT và các ĐT bảo đảm mối quan hệ hữu cơ giữa hai tính chất chính trị và xã hội nhằm tập trung giải quyết những vấn đề xã hội nóng bỏng, thiết thân của nhân dân, xây dựng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, có định hướng và tăng cường nội dung chính trị trong các hoạt động xã hội. Trên cơ sở đó xây dựng các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp để lãnh đạo chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Mọi đảng viên phải được phân công làm công tác dân vận và luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẩu trước quần chúng trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các phong trào của MT-ĐT phát động đảng viên phải thuyết phục quần chúng bằng cả lời nói và việc làm của mình. Tăng cường sự lãnh đạo chiều sâu của chi bộ ấp – khu phố đối với công tác dân vận.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung qui chế dân chủ ở cơ sở xã-thị trấn, cơ quan hành chính và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng dân chủ trực tiếp của nhân dân. Tăng cường phối hợp hoạt động thường xuyên, đồng bộ giữa chính quyền với MT-ĐT các cấp trong thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Huyện. Mặt trận - Đoàn thể làm tốt vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền trong những công tác có liên quan đến rộng rãi quần chúng. Phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tiếp tục đổi mới tổ chức đa dạng hình thức hoạt động của MT – ĐT theo hướng sâu sát, gắn chặt nhiệm vụ chính trị với bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, hội viên.

4/ Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị:

- Tổ chức học tập tốt các NQ-TW, TP và Huyện trong hệ thống chính trị. Giáo dục, động viên và tổ chức thành lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KTXH, không ngừng nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân. Đảng là hạt nhân nồng cốt lãnh đạo hệ thống chính trị, việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, phải theo quy trình thực sự phát huy dân chủ, trí tuệ của nhân dân, hợp ý và hợp lòng dân. Chính quyền từ Huyện đến cơ sở phải đảm bảo thực hiện tốt hơn chế độ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân một cách kịp thời.

- Đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, duy trì thường xuyên các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư"; Phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo, nâng cao tay nghề…; phong trào sản xuất giỏi và giúp nhau làm kinh tế gia đình…. Tiếp tục tham gia thực hiện các chương trình: Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương; phổ cập giáo dục và thực hiện các chuyên đề: Tôn giáo, người Hoa…Bồi dưỡng nâng cao ý thức giác ngộ chính trị cho đoàn viên, hội viên và tay nghề cho công nhân lao động. Tập trung củng cố tổ chức MT-ĐT từ Huyện đến cơ sở, phát triển đoàn viên, hội viên đảm bảo số lượng và chất lượng theo yêu cầu nhiệm vụ Cách mạng mới. Bổ sung kiện toàn lực lượng chính trị nồng cốt và duy trì sinh hoạt thường xuyên. Cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo giáo dục, rèn luyện lý tưởng cộng sản, lẻ sống cho đoàn viên, thanh niên và thiếu niên nhi đồng. Tập trung nguồn lực để củng cố tổ chức đoàn ở cơ sở xã-thị trấn, ấp và khu phố vươn lên vững mạnh.

PHẦN THỨ TƯ

NHỮNG GIẢI PHÁP CHUNG:

1/ Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp bằng các loại hình sản xuất có qui mô vừa và lớn, kinh tế trang trại theo hướng phân vùng chuyên canh, luân canh phù hợp đất đai, thổ nhưỡng cho từng loại cây trồng, thuận tiện cho thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đạt hiệu quả năng suất cao, người nông dân có lãi. Tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và đề nghị Trung ương, Thành Phố ban hành cơ chế, chính sách phát huy nội lực của Huyện, hoặc kêu gọi người ngoài Thành Phố bỏ vốn ra làm kinh tế trang trại, thu mua tiêu thụ, chế biến sản phẩm.

2/ Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, đường sá, điện, nước…, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi, bờ bao để phục vụ cho ổn định sản xuất và đời sống nhân dân. Bố trí lại cơ sở sản xuất, khắc phục ô nhiễm môi trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhằm thu hút lao động và giải quyết việc làm cho nhân dân ở các xã vùng sâu.

3/ Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, gắn với việc giải quyết tốt vấn đề giáo dục, đảm bảo tốt vấn đề xã hội, an ninh chính trị, trật tự trị an, phát triển và sử dụng tốt nguồn nhân lực. Mặt trận và các đoàn thể phải thường xuyên chăm lo các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, kịp thời phát hiện những gương điển hình người tốt việc tốt. Thực hiện phương châm thông tin tuyên truyền vận động quần chúng phải thường xuyên chăm lo gắn liền hướng dẫn công việc cho họ làm để MT-ĐT thật sự xứng đáng là chổ dựa là nơi tin cậy của quần chúng.

4/ Đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng chủ yếu hướng về cơ sở, vì cơ sở. Đồng thời cập nhật tình hình chung để phân loại, xử lý không để lây lan tâm lý gây ảnh hưởng xấu đến công tác lãnh đạo quản lý. Tăng cường đối thoại, khắc phục thông tin một chiều dội từ trên xuống bắt người nghe một cách thụ động.

5/ Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tệ buôn lậu làm hàng gian, hàng giả, đổi mới công tác lãnh đạo đi đôi với công tác chống tham nhũng, chống tệ cửa quyền, xa rời dân. Mọi cán bộ, đảng viên phải gương mẩu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lời nói đi đôi với làm, gần gủi và làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận các Đoàn thể tham gia với cơ quan nhà nước và các đơn vị kinh tế những vấn đề phát triển kinh tế, quản lý xã hội, bảo đảm lợi ích và nâng cao đời sống nhân dân.

6/ Các cấp ủy cơ sở, UBND, Mặt trận, Đoàn thể… cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ VIII (2000-2005) trên cơ sở đó căn cứ vào tình hình thực tế mà xây dựng kế hoạch phù hợp với đơn vị để tổ chức thực hiện đem lại kết quả cao.

TM/ BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ

                                                                                                       BÍ THƯ

 

 

 

                                                                                                        TRẦN TRUNG TRỰC

Thông báo