Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Y tế thông minh: Xu thế tất yếu

Bác sĩ tra cứu thông tin sức khỏe của bệnh nhân trên máy tính bảng
(Thanhuytphcm.vn) - Theo Bộ Y tế, đến năm 2030 Việt Nam sẽ hoàn thiện nền Y tế thông minh với 3 trụ cột chính: Bệnh viện thông minh, Chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông minh và Quản trị hệ thống y tế thông minh. Thế “kiềng 3 chân” này được kỳ vọng sẽ giúp cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được hiện đại hóa, người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế. Và thực tế, tại TPHCM, các ứng dụng công nghệ đã bắt đầu được manh nha sử dụng, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.

Từ chống dịch bằng công nghệ

Nhằm giúp việc quản lý ca bệnh sốt xuất huyết, theo dõi diễn biến và dự báo dịch bệnh được chính xác, nhanh chóng và kịp thời, đồng thời giúp cơ quan quản lý khoanh vùng ổ dịch, xác định vị trí ca bệnh để lên kế hoạch xử lý, từ năm 2017, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM đã đưa hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographical Information System) vào công tác quản lý dịch bệnh sốt xuất huyết toàn TP.

Theo đó, khi nhận được tin báo ca bệnh sốt xuất huyết từ bệnh viện hoặc địa phương, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ đưa thông tin ca bệnh vào hệ thống GIS để các địa phương có ca bệnh nắm được và điều tra xác định ca bệnh. Với hệ thống GIS, người dùng có thể xem địa hình ổ dịch bằng nhiều loại bản đồ khác nhau như ảnh từ google, ảnh vệ tinh, ảnh không gian và phân chia ranh giới theo các tổ, phường, quận, ca bệnh… Điều này chẳng những khiến cho việc khoanh vùng dịch tễ chính xác, xác định ca liên quan, xử lý ổ dịch đúng phạm vi, không theo cảm tính, dễ kiểm soát mà còn giúp dự trù nhân sự, máy móc, hóa chất hợp lý.

Từ khi ứng dụng bản đồ GIS, việc quản lý dịch bệnh sốt xuất huyết trên toàn TPHCM đã có những thay đổi rõ rệt, tình hình dịch bệnh cập nhật kịp thời cho toàn hệ thống, các địa phương phán đoán tình hình dịch dựa trên số liệu khoa học. Những người làm công tác dự phòng dễ dàng xác định, khoanh vùng được các ổ dịch trên địa bàn cũng như các địa phương lân cận, từ đó có phương án xử lý rốt ráo.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho hay, nhờ hệ thống GIS đơn vị này đã kịp thời xử lý được các ổ dịch sốt xuất huyết, không để sót, để lọt ổ dịch, đặc biệt là các ổ dịch nằm giáp ranh giữa hai địa phương, từ đó hạn chế được dịch bệnh lây lan rộng.

Đến bệnh viện thông minh

Hơn một năm qua, mỗi lần đi khám bệnh tại Bệnh viện quận Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Tình (64 tuổi, ngụ phường Tam Bình, quận Thủ Đức) không cần phải mang theo sổ khám bệnh, đơn thuốc cũ, các kết quả xét nghiệm như trước đây bởi việc này đã được bệnh viện lưu trữ trên hệ thống máy tính. Với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như bà, điều này vô cùng tiện lợi. “Tuổi già rồi hay quên lắm, trước đây đến cổng bệnh viện rồi nhưng lắm lúc phải quay về nhà vì quên mang theo đơn thuốc cũ, rất phiền phức”, bà Tình kể.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, từ năm 2017, Bệnh viện triển khai ứng dụng hệ thống bệnh án điện tử toàn bệnh viện. Thay vì làm hồ sơ bệnh án bằng giấy, giờ đây, các thông tin được số hóa và lưu trữ trên máy tính thông qua hệ thống internet. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân chỉ cần mang theo thẻ Bảo hiểm y tế, nhân viên y tế sẽ thực hiện tra cứu mã số, từ đó từng bước hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh tiếp theo mà không cần phải nộp sổ khám bệnh chờ đợi như trước kia.

Nhận xét về hiệu quả sau 2 năm triển khai, bác sĩ Nguyễn Minh Quân cho biết, đa số bệnh nhân hài lòng với quy trình khép kín, nhanh gọn, còn bác sỹ thì đỡ vất vả hơn trong việc ghi chép bệnh án. Chỉ cần một cú chạm màn hình trên máy tính bảng, bác sĩ hoàn toàn có thể tra cứu tất cả lịch sử khám chữa bệnh, đơn thuốc, kết quả xét nghiệm… của bệnh nhân mà không cần phải lục tìm quá nhiều giấy tờ, sổ sách. Ngoài ra, nhờ có bệnh án điện tử, các bác sĩ cũng đảm bảo tuân thủ theo phác đồ điều trị, giảm thiểu đáng kể sai sót trong việc thống kê, sai số lượng thuốc... 

Không chỉ dừng lại ở việc triển khai bệnh án điện tử như Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM còn là đơn vị tiên phong có những ứng dụng công nghệ mạnh mẽ nhất trong mục tiêu trở thành “bệnh viện thông minh” đầu tiên tại Việt Nam như đăng ký khám bệnh trực tuyến, thanh toán viện phí trực tuyến…

Đăng ký khám bệnh tự động tại Bệnh viện Quận Thủ Đức Đăng ký khám bệnh tự động tại Bệnh viện Quận Thủ Đức

Sau khi đăng ký khám bệnh online, anh Lê Hữu Chí (39 tuổi, ngụ Quận 5, TPHCM) được hẹn giờ đến Bệnh viện Đại học Y dược TP khám bệnh. Đến theo giờ hẹn, không phải chờ đợi lâu, anh lập tức được gọi vào khám bệnh, thực hiện các chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm. Chưa đầy 15 phút, các kết quả xét nghiệm được tự động gửi đến điện thoại di động của anh đồng thời kết quả này cũng được chuyển đến bác sỹ điều trị thông qua máy tính bảng. Đến khâu thanh toán, anh Chí chỉ dùng thẻ ATM thanh toán trực tuyến ngay tại hệ thống thanh toán điện tử của bệnh viện. Cứ thế, quy trình khám bệnh của anh hoàn tất chỉ trong vài giờ đồng hồ thay vì phải chờ đợi mất cả một buổi sáng như trước đây.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho hay, trong tương lai, Bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển bệnh án điện tử trong quản lý thuốc, chỉ định cận lâm sàng, quản lý vật tư y tế... Ngoài ra, Bệnh viện cũng sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu trung tâm (Data Center) trên nền tảng ứng dựng Blockchain.

Nhìn nhận về xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng đây là xu thế tất yếu và các bệnh viện cần khẩn trương thực hiện: “Ứng dụng công nghệ thông tin là chìa khóa không những giúp lãnh đạo bệnh viện quản trị dễ dàng hơn mà còn làm tăng chất lượng khám chữa bệnh, tăng sự hài lòng, niềm tin của người bệnh vào bệnh viện. Trong bối cảnh các bệnh viện tự chủ tài chính như hiện nay thì niềm tin của người bệnh gần như sẽ quyết định sự sống còn của bệnh viện” - PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, ngoài nỗ lực của các bệnh viện, ngành Y tế TP đang hướng tới xây dựng Kho dữ liệu tập trung của ngành y tế, đặc biệt là ứng dụng Blockchain trong việc lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của toàn bộ người dân trên địa bàn TPHCM.

Lam Giang

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo