Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xuân Mậu Thân 1968 - Tầm vóc một cuộc tổng tiến công và nổi dậy

Tọa đàm khoa học “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018)”.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/1, Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018)”.

Tại tọa đàm, các đại biểu và đông đảo giảng viên trẻ, sinh viên đã được nghe những tham luận như: “Ba nội dung nổi bật trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 qua “Thư vào Nam” của đồng chí Lê Duẩn” (PGS.TS Hà Minh Hồng), “Về đợt III cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 tại chiến trường B2” (PGS.TS Hồ Sơn Đài), “Nhận định của giới sử học phương Tây về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968” (TS.Phan Văn Hoàng)… phân tích sâu về ý nghĩa chiến lược, khoa học - nghệ thuật quân sự của một trong những chiến công nổi bật của chiến tranh cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Các ý kiến đều thống nhất quan điểm: cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giữ một vị trí to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là biểu hiện của sự tập trung ý chí và sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam; biểu hiện sức sáng tạo và tài mưu lược trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng; là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; thắng lợi của ý chí quyết tâm “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; thắng lợi của sức mạnh dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Dịp này, Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cũng ra mắt quyển sách “Xuân Mậu Thân 1968 - Tầm vóc một cuộc tổng tiến công và nổi dậy”. Sách tập hợp các bài viết của nhiều giảng viên, cán bộ trong và ngoài nhà trường, các học viên cao học, nghiên cứu sinh học tập, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Được chia làm 3 phần: “Tầm vóc lịch sử”, “Tiến trình tổng tiến công và nổi dậy” và “Ký ức Mậu Thân”, quyển sách là những góc nhìn phong phú về sự kiện “có một không hai” trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Mỗi bài viết là kết quả nỗ lực nghiên cứu cá nhân, tìm tòi những tư liệu mới, góc nhìn mới, phân tích những khía cạnh mới góp phần bổ sung, hoàn thiện một hiện tượng khoa học quân sự nổi bật của lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo