Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 23/9, Ban Pháp chế HĐND TPHCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết triển khai thực hiện Điều 63a về xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Đến dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải.

Theo Điều 63a, HĐND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Đối với kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người phải có phương án di chuyển, bảo đảm khoảng cách an toàn.

Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TPHCM, qua công tác điều tra cơ bản, hiện trên địa bàn TP có 1.990 khu dân cư và 27.646 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo Nghị định 79 của Chính phủ và qua phân loại đánh giá có 10.621 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó có 1.082 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đã đưa vào sử dụng trước khi có Luật PCCC có hiệu lực. Các cơ sở này chủ yếu không đủ điều kiện vè khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, giao thông phục vụ chữa cháy, hệ thống kỹ thuật về PCCC.

Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn TP xảy ra 2.647 vụ cháy, nổ, làm chết 131 người và bị thương 419 người, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có 57 vụ cháy lớn gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng, thuộc các cơ sở được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực. Do đó, nhằm giải quyết dứt điểm các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC, Cảnh sát PCCC TPHCM đề xuất HĐND TP ban hành Nghị quyết này.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho rằng, việc phải xử lý các cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC trên địa bàn là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây ra cháy và mọi thiệt hại do đám cháy gây ra. Tuy nhiên, việc xử lý như thế nào để vừa đáp ứng được yêu cầu an toàn PCCC, vừa tạo điều kiện cho cơ sở tiếp tục sản xuất, kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do phải di dời, xây dựng mới có ý nghĩa chính trị, xã hội.

PGS.TS Ngô Văn Xiêm đề nghị, cần nghiên cứu kỹ thuật đặc điểm kiến trúc của cơ sở và các công trình phụ cận và đối chiếu với điều kiện về an toàn PCCC để có giải pháp thiết kế phù hợp cả về yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, kinh tế và an ninh. Cảnh sát PCCC TP cần có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và nghiệm thu trước khi đưa vào vận hành theo quy định. Ngoài các điều về giải pháp kỹ thuật, cần bổ sung thêm điều về tuyên truyền, giáo dục ý thức kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ PCCC để mọi người nắm, hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về PCCC.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn biết cách thao tác sử dụng, dụng cụ phương tiện PCCC tại chỗ và phương án xử lý an toàn khi có tình huống cháy, nổ, sự cố xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại người và tài sản. Đồng thời, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở không chấp hành, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung và phân rõ các nội dung về lộ trình thực hiện cụ thể, quy trình và giải pháp thực hiện, tổ chức thực hiện trong dự thảo Nghị quyết; cần có lộ trình di dời các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ bản hạ tầng kỹ thuật; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tự di dời đến vị trí mới phù hợp quy hoạch nhằm hoạt động ổn định và phát triển lâu dài.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có các giải pháp về PCCC, khắc phục đảm bảo an toàn PCCC phù hợp với tình hình thực tế, đối với công trình không thể thực hiện cải tạo về kiến trúc để đảm bảo về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, giải pháp thoát nạn; cần tập trung vào các giải pháp thẩm duyệt thiết kế bổ sung các phương tiện, hệ thống PCCC, giữ nguyên kiến trúc hiện hữu từng khu vực hoặc toàn bộ công trình, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở thực hiện.

Kết luận tại buổi tọa đàm, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Trương Lâm Danh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ban Pháp chế HĐND TP và Cảnh sát PCCC TP sẽ tiếp thu và điều chỉnh, hoàn thiện bổ sung vào dự thảo Nghị quyết Quy định về xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TPHCM được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo