Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 17/7, UBND TPHCM tổ chức hội thảo xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; đại diện các sở, ngành TP, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường tài chính, từng bước đưa thị trường tài chính trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế và giảm dần sự phụ thuộc của doanh nghiệp (DN) vào vốn vay ngân hàng. Đối với TPHCM, ngay từ đầu năm 2001, tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TP, đó là một trong những tiền đề quan trọng để thị trường tài chính tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế TP.

Hiện nay, ngành tài chính tăng trưởng bình quân khoảng 8,8%/năm, chiếm tỷ trọng 10% trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của TP. Ngành tài chính cũng đã giúp TP huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù đạt được những kết quả khá tích cực nhưng nhìn chung thị trường tài chính TP vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, trong đó lực cản lớn nhất là TP chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân TP và hơn 7 triệu khách quốc tế.

“TP đang từng bước chuyển dần thành một siêu đô thị và TP luôn khát khao hướng đến một sự phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Tuy nhiên, để thực hiện thành công đề án là cả một quá trình phức tạp, lâu dài và nhiều khó khăn, thử thách. Do đó, TP mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, DN, tổ chức tài chính” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Báo cáo về đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã đưa ra một số định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. Đó là TP phải xác lập vị thế của trung tâm tài chính TP trở thành trung tâm tài chính khu vực, định hướng quốc tế. Cùng với đó, phát triển vốn con người; trong đó đảm bảo nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, điều chỉnh chính sách tuyển dụng lao động vào ngành, đặc biệt là chuyên gia quốc tế. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh như cải thiện pháp luật, chính sách hiện hành liên quan đến thuế quan, điều tiết thị trường theo hướng môi trường kinh doanh minh bạch, độ tin cậy cao, chi phí kinh doanh thấp… Mặt khác, có chính sách quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, quy hoạch ngành, trong đó phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ các thị trường…

TPHCM phải là nơi có thị trường tài chính tập trung quy mô lớn

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều hiến kế cho việc xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề quốc gia, chứ không phải là vấn đề riêng của chính quyền TP. Vì vậy, TS Trần Du Lịch khuyến nghị TPHCM phải ngày càng khẳng định được vị trí vai trò của “một đầu tàu” phát triển của Vùng và cả nước; hoạt động kinh tế trên địa bàn TPHCM phải là nơi mang “tính thị trường” nhất so với cả nước; nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế.

Đồng thời, TP phải là nơi có thị trường tài chính tập trung có quy mô lớn như: Quy tụ và tập trung nhiều nguồn cung cầu sản phẩm tài chính. Thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước và có tác động nhất định đến thị trường khu vực và thế giới. Nơi tập trung các định chế tài chính đặt trụ sở chính, những “con sếu đầu đàn” trên thị trường tài chính. Nơi có hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm” khả dĩ cho thị trường tài chính vận hành thông suốt… 

Còn GS.TS Sử Đình Thành, Trường Đại học Kinh tế TPHCM đề xuất phát triển trung tâm tài chính TPHCM phải gắn liền đặc thù của một nền kinh tế đang chuyển đổi; cũng như đặt trong chiến lược phát triển tổng thể khu vực tài chính của Việt Nam. Đặc biệt, hệ thống tài chính TPHCM cần được phát triển đồng bộ như: Phát triển hệ thống thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu; phát triển công nghệ quản lý tài sản; phát triển các dịch vụ tài chính; tăng cường mạng lưới toàn cầu của công nghệ tài chính; hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định tài chính.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc hội thảo. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc hội thảo.

Quan tâm khởi nghiệp sáng tạo về các công nghệ tài chính

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Việc TPHCM xây dựng đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là vì cả nước, chứ không phải vì TP, để phục vụ cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bởi lẽ, hiện nay vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 45% GDP, 42% thu ngân sách, dịch vụ có giá trị gia tăng chiếm 46%, xuất khẩu chiếm 40%; đầu tư nước ngoài về tổng dự án chiếm 56%, giá trị đầu tư 45%; kiều hối chiếm 65%; giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán ở TPHCM chiếm 93,5% của cả nước; 50% doanh nghiệp cả nước nằm ở TPHCM và nếu tính của cả vùng là 65%. Đây là nhu cầu cực kỳ lớn phục vụ cho cả nước và vùng. Do đó, nhu cầu vốn của TPHCM và khu vực phía Nam lớn. Cụ thể, năm 1999, quy mô kinh tế cả nước là 400.000 tỷ đồng, năm 2000 là 442.000 tỷ đồng thì quy mô kinh tế TPHCM năm 2010 là 463.000 tỷ đồng. Còn 2005, quy mô kinh tế cả nước là 914.000 tỷ đồng, thì năm 2016, quy mô kinh tế TP là 970.000 tỷ đồng. Nghĩa là cứ 10 năm, quy mô kinh tế TP bằng quy mô kinh tế cả nước 10 năm trước đó.

Bên cạnh đó, nhu cầu thanh toán của TP và khu vực phía Nam rất lớn. Đặc biệt, sắp tới nhu cầu các dịch vụ tài chính gắn với trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn. TP là trung tâm đào tạo lớn, nhiều trường kinh tế giỏi nên có khả năng hình thành chương trình đào tạo hỗ trợ cho dịch vụ tài chính. TP đã triển khai đô thị sáng tạo làm tiền đề hỗ trợ các DN khởi nghiệp về tài chính. 

Để chuẩn bị cho việc phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh đô thị thông minh; đẩy mạnh nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và ứng dụng từng bước; đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, quản trị giao thông thông minh; hiện đại hóa quy hoạch đô thị; đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp sáng tạo của TP, trong đó quan tâm khởi nghiệp sáng tạo về các công nghệ tài chính…

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo