Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam để thay thế 2 mạng lớn Facebook, Google

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 17/11. (Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời chất vấn các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Chất vấn của ĐBQH tập trung vào vấn đề quản lý nhà nước đối với mạng xã hội; bảo đảm an ninh mạng; xây dựng chính phủ điện tử; hạn chế tác động xấu của các chương trình phát thanh truyền hình thiếu phù hợp với thanh thiếu niên; quản lý sim rác…

Phấn đấu 5-7 năm nữa Việt Nam có sản phẩm thay thế Facebook, Google

Hiện cả nước có 363 trang mạng xã hội trong nước, các trang này cơ bản đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Với mạng xã hội nước ngoài, Facebook và Youtube là 2 mạng có đông người dùng Việt Nam sử dụng nhất với gần 90 triệu thành viên (tính đến 30/9/2017, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam). Như vậy, chủ yếu là dùng mạng xã hội nước ngoài trong khi các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài.

Trả lời chất vấn của các ĐBQH phát triển mạng xã hội trong nước để thay thế mạng xã hội nước ngoài, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Facebook, Google, Youtube trở thành những doanh nghiệp (DN) cung cấp mạng lớn nhất toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu, các nước đều quan tâm chứ không chỉ riêng Việt Nam. Rất nhiều DN có tham vọng xây dựng thương hiệu cạnh tranh với 2 thương hiệu này. Hiện nay chỉ có một số quốc gia có mạng trong nước chiếm ưu thế như Trung Quốc, họ không sử dụng Facebook, Google; Hàn Quốc sử dụng mạng trong nước chiếm ưu thế; Liên bang Nga có phần mềm tìm kiếm riêng, còn lại các nước khác lệ thuộc rất lớn vào 2 mạng này.

Tại Việt Nam, từ 2008 đã có một số trang như Bamboo, Xalo, Zingme được kỳ vọng có thể thay thế được các trang mạng nước ngoài. Nhưng sau khi hoạt động được một thời gian, do tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh nên Bamboo và Xalo đã phải đóng cửa sau 2 năm. Hiện chỉ có Zingme còn tồn tại nhưng ngày càng tụt hậu, số lượng người sử dụng nếu so với Facebook, Google thì rất thấp. Dù Zingme đã phát triển sang Zalo- mạng có số người Việt Nam sử dụng nhắn tin nhiều nhất nhưng vẫn rất thấp.

“Để hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh tại Việt Nam thì cần có một số cơ chế chính sách, với điều kiện ưu tiên đồng bộ cả thuế, tài chính, giảm thủ tục hành chính, có chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ các DN số trong nước phát triển. Lúc đó mới có cơ sở tin tưởng rằng các DN Việt Nam có thể xây dựng các sản phẩm thay thế được Youtube, Facebook trong 5-7 năm tới” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Theo Bộ trưởng, để làm được điều này, các DN phải tập trung xây dựng 4 mảng dịch vụ lớn, xây dựng mô hình 4 nhà: nhà mạng viễn thông, nhà mạng hỗ trợ, nhà quảng cáo trong nước, nhà phát triển tập trung trong nước. Chỉ khi tập trung 4 nhà đó, lúc đó mới hy vọng xây dựng được hệ sinh thái số Việt Nam để thay thế 2 mạng lớn Facebook, Google. Đây là vấn đề rất khó vì thói quen của người dùng và sự tương tác rất lớn của 2 nhà mạng trên.

ĐB Vũ Trọng Kim phát biểu chất vấn chiều 17/11. Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội ĐB Vũ Trọng Kim phát biểu chất vấn chiều 17/11. (Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội)

Liên quan đến vấn đề kiểm soát thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, ĐB Vũ Trọng Kim cho biết ông cảm thấy hoang mang khi Bộ trưởng nói mạng xã hội đang áp đảo báo chí. Theo ĐB, khi Facebook, Goolge làm sai thì chúng ta phải có biện pháp chế tài chứ không thể du di, như thế mới giữ được mặt trận thông tin-truyền thông. ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cũng chất vấn cho rằng, khác với mạng trong nước, mạng xã hội nước ngoài không bị điều chỉnh bởi quy định của pháp luật, gây khó khăn trong công tác quản lý. Trả lời, Bộ trưởng cho biết tới đây sẽ thu thuế với Faceboo, Google vì không lý gì anh hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà không nộp thuế.

Hội nghị APEC 2017: Phát hiện 27 cuộc tấn công  mạng

Trả lời chất vấn của các ĐB về vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận tình trạng tấn công mạng ngày càng phổ biến, dẫn tới lộ, lọt thông tin và thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức. Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Riêng tại Hội nghị APEC, phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí; 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công.

Theo Bộ trưởng, Công tác bảo đảm an ninh mạng luôn được tăng cường, tuy nhiên còn nhiều hạn chế, như: 41% cơ quan, tổ chức không thực hiện đánh giá rủi ro, không phát hiện nguy cơ mã độc tiềm ẩn trong hệ thống; 51% cơ quan, tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; 73% cơ quan, tổ chức chưa triển khai các biện pháp an toàn thông tin... Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, phải xác định đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, mỗi gia đình và tổ chức.

Về công tác quản lý sim, hạn chế sim rác, Bộ trưởng cho biết đã cố gắng xử lý triệt để vấn đề này.

Với các chất vấn về xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm, Bộ trưởng cho biết tới đây sẽ tham mưu Chính phủ ban hành hệ thống quy phạm pháp luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, có chế tài bắt buộc người đứng đầu cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống thông tin phần mềm trong chỉ đạo, điều hành; dành kinh phí thích đáng cho ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử; có cơ chế huy động nguồn tài chính của DN, xã hội, thực hiện xã hội hoá…

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo