Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số trong phát triển du lịch

Du lịch hướng tới những mục tiêu dài hạn, phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

(Thanhuytphcm.vn) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, khác với nhiều năm trước, dù tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày và là tháng lễ hội của mùa xuân nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, các dịch vụ lưu trú, du lịch đều giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu 2021 ước tính đạt 88,44 nghìn tỉ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Những địa phương ghi nhận mức doanh thu giảm rõ rệt nhất là TPHCM giảm 14,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 15,9%; Đà Nẵng giảm 16,1%, Hà Nội giảm 7,6%; Hải Dương giảm 7,8%... so với cùng kỳ năm trước. Riêng với lĩnh vực du lịch lữ hành, doanh thu trong 2 tháng qua ước tính chỉ đạt 2,5 nghìn tỉ đồng, giảm tới 62,1% so với cùng kỳ năm trước. Những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 và có mức doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ như Hà Nội giảm 47,7%; Đà Nẵng giảm 67,7%; TPHCM giảm 69,2%; Thừa Thiên- Huế giảm 73,3%; Hải Dương giảm 89,4%...

Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, năm 2021 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn đối với ngành du lịch. Mặc dù thời gian qua ngành đã đề xuất nhiều chính sách và doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch đã thực hưởng những hỗ trợ như miễn, giảm tiền điện, thuế đất, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế… Tuy nhiên, những hỗ trợ này không nhiều, chưa thiết thực, nhiều chính sách chưa thực sự đến được doanh nghiệp, người lao động ngành kinh doanh này. Theo thống kê sơ bộ, tại thời điểm này đã có hơn 500 doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp tục hoạt động, xin thu hồi giấy phép. 90- 95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, công suất buồng phòng khách sạn chỉ còn 10-20%.

Khách quốc tế đến nước ta tháng 2/2021 đạt gần 11 nghìn lượt người, giảm 38,3% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 28,7 nghìn lượt người, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, lực lượng lao động trong ngành đang có sự dịch chuyển lớn sang ngành khác mà phải mất 5-7 năm mới có thể hồi phục như năm 2019. Thị trường thay đổi, nhu cầu, thị hiếu của khách, xu hướng du lịch cũng thay đổi nên cách làm du lịch không còn cách nào khác cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Hỗ trợ du lịch hồi phục cũng là hỗ trợ cho các ngành khác vì du lịch là ngành tiêu thụ sản phẩm cho các ngành, đồng thời tránh sự đổ vỡ hàng loạt, tổn thương nặng nề hơn cho ngành.

Nhận định những khó khăn của ngành Du lịch sẽ phải đối mặt, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu tính toán kỹ, lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2021 và kế hoạch dài hạn cho 5 năm tới. Ngoài các nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện như việc đưa Quỹ hỗ trợ phát triển đi vào hoạt động, cơ cấu lại ngành Du lịch, sản phẩm du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số trong phát triển du lịch, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch tham mưu cho lãnh đạo Bộ về kế hoạch làm việc với các địa phương về phát triển du lịch. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Bình và các địa phương liên quan tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021; phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games vào cuối năm 2021; tăng cường liên kết với 2 địa phương đầu tàu du lịch là Hà Nội và TPHCM để thúc đẩy triển khai các thỏa thuận liên kết hợp tác giữa 2 địa phương này với các địa phương trong cả nước.

Trúc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo