Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Vui có độ dừng, tưng bừng có giới hạn

Du lịch có trách nhiệm, ăn uống có trách nhiệm, giải trí có trách nhiệm, thể thao có trách nhiệm... để chung tay góp sức bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Ảnh minh họa: TTXVN

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy trong các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch là thu hút đông người tham dự, ít thì vài ba chục người, nhiều thì lên đến hàng nghìn người. Thậm chí, trước thời điểm không có dịch Covid-19, những lễ hội lớn, như: Đền Trần (Nam Định), lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ)... hay các trận bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao có thể thu hút hàng vạn người tham dự.

Dân gian có câu “Vui như hát, nhạt như bơi, tả tơi như lễ hội” đã nói lên phần nào tính chất tươi vui, đông đúc, nhộn nhịp của các hoạt động ca hát, lễ hội ở nước ta. Nhưng, chữ “tả tơi” cũng phần nào phản ánh thực tế nhiều người do mải vui, ham chơi mà thiếu ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các hoạt động văn hóa, lễ hội. Dư luận từng nhiều lần lên tiếng tình trạng một bộ phận người dân xả rác bừa bãi, giẫm đạp lên thảm cỏ trong khuôn viên, bứt lá, bẻ cành, ngắt hoa, viết vẽ linh tinh trên nhiều di tích lịch sử văn hóa. Thậm chí nhiều người có những hành vi rất phản cảm, như: Chen lấn, xô đẩy chỗ đông người; vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định; khạc nhổ bừa bãi ở ngay chốn di tích tôn nghiêm... Đó là những hình ảnh xấu xí làm mất đi vẻ đẹp, ý nghĩa của các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gây ô nhiễm môi trường.

Nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Đối tượng thực hiện quy tắc không chỉ là các tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn, thi đấu và kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch mà bao gồm cả khách du lịch, khách tham quan, khán giả, cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động này.

Trong xã hội hiện đại, nhu cầu tham gia, thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, vui chơi, thể thao, đi tham quan, du lịch của người dân ngày càng lớn. Càng tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ này, các địa phương và doanh nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch càng có cơ hội tăng thêm nguồn thu. Tuy nhiên, mặt trái của nó là nếu không có kế hoạch tổ chức chu đáo, chặt chẽ gắn với các biện pháp cụ thể để kiểm soát, bảo đảm vệ sinh môi trường thì các địa điểm tổ chức văn hóa, thể thao, du lịch luôn đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường do tính chất đông người đổ về tham dự cùng một thời điểm, nhất là ở khu vực ngoài trời.

Về mặt tâm lý, khi tham gia vui chơi, giải trí, thể thao, lễ hội... ai cũng muốn được thỏa mãn trọn vẹn cảm giác thú vị cho cá nhân mình, nhưng nên nhớ “vui có độ dừng, tưng bừng có giới hạn”. Bởi khi vui quá đà, tưng bừng quá độ, con người dễ bị phấn khích, không kiểm soát được cảm xúc bản thân, từ đó rất dễ bộc lộ thái độ, hành vi ứng xử không thân thiện với môi trường, thậm chí có những việc làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. 

Ứng xử với môi trường là ứng xử với sự sống của chính con người. Vì vậy, dù ở đâu, làm gì, kể cả lúc vui chơi, giải trí, ăn uống, mỗi người rất cần thể hiện phong cách ứng xử chừng mực, không nên coi mình là “thượng đế” của nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch... rồi đòi hỏi phục vụ một cách quá đáng, bất chấp những quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường. Du lịch có trách nhiệm, ăn uống có trách nhiệm, giải trí có trách nhiệm, thể thao có trách nhiệm... đang là một trong những trào lưu, xu hướng tích cực của nhiều tổ chức, nhiều quốc gia trên thế giới nhằm mục tiêu cao cả là chung tay góp sức bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Theo QDND.VN

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo