Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

(Thanhuytphcm.vn) - Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7, sáng 28/5, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia; thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn,… là những vấn đề đại biểu quan tâm thảo luận.

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành vì không có những biến động theo Luật để điều chỉnh.

Liên quan đến thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội quyết định là hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc, định hướng và khi đầu tư từ trung ương không dàn trải hàng ngàn công trình như hiện nay mà chỉ tập trung vào một số ít công trình lớn, quan trọng, liên kết vùng miền là những cú huých tạo động lực tăng trưởng.

Đại biểu Lê Thanh Vân Đại biểu Lê Thanh Vân

“Quốc hội quyết định mới bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn về phân bổ ngân sách trung ương theo Hiến pháp, vì dự án là linh hồn của kế hoạch đầu tư. Xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từ dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức, vì không xem từng dự án thì không thể cộng ra tổng tiền của kế hoạch và cũng không thể biết việc đầu tư có phù hợp với nguồn lực, tuân thủ định hướng đầu tư, nguyên tắc phân bổ vốn hay không” - đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh.          

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án đầu tư từ ngân sách trung ương cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, Chính phủ phải trình đi trình lại nhiều lần là do chuẩn bị chưa đạt yêu cầu; Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể từ chối khi Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, đúng qui định. Do đó, việc Chính phủ đề xuất trao thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho Chính phủ vì lý do mất thời gian, phát sinh thủ tục và số lượng dự án nhiều là không thuyết phục.

“Tuy nhiên, tùy chất lượng kế hoạch, Quốc hội có thể quyết định hoặc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc giao cho Chính phủ quyết định sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như đang làm hiện nay. Bên cạnh đó, Luật hiện hành và Luật sửa đổi qui định: Kế hoạch đầu tư công hàng năm trình Quốc hội phải có danh mục, mức vốn cho từng dự án nhưng hiện nay Chính phủ chưa thực hiện. Đề nghị từ dự toán 2020 Chính phủ trình Quốc hội danh mục, mức vốn các dự án nguồn ngân sách trung ương theo đúng Luật định”-  đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

Tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, giải trình của Chính phủ về việc giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua là chưa thuyết phục. Vấn đề cần mổ xẻ là đầu tư công thời gian qua chậm do vướng quy định của pháp luật hay khâu tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu. Nếu do vướng quy định của pháp luật, cần mổ xẻ để sửa luật nhưng nếu pháp luật đã phù hợp, không có cản trở mà là do khâu tổ chức thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu sự tập trung, làm chậm trễ thì phải điều chỉnh ở khâu này.

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

“Từ thực tiễn thực hiện của TPHCM, vướng chủ yếu từ khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ vấn đề này. Giải trình của Chính phủ có nói là sợ mất thời gian của Quốc hội, tôi nghĩ đây không phải là vấn đề. Những vấn đề quan trọng của quốc gia thì cần bao nhiêu thời gian, Quốc hội cũng có thể đảm đương được và đó là sự cần thiết” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay.

Còn theo tranh luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), thực tiễn điều hành phải theo luật chứ luật không theo thực tiễn điều hành, khi làm luật mới, chúng ta đã căn cứ nhiều thực tiễn, trong đó có cả thực tiễn điều hành, từ đó tác động tối ưu hóa chuẩn mực hành động. Khi đã ban hành luật, trong nhà nước pháp quyền, nó là hành lang pháp lý, khung pháp luật cho toàn bộ hoạt động của xã hội. mọi người phải tuân thủ. Ủng hộ phương án Quốc hội kiểm soát dự án đầu tư quan trọng quốc gia ở mức 10.000 tỷ đồng, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa việc kiểm soát nợ công và thâm hụt ngân sách ngày càng quan trọng, đã đụng đến tài sản công, ngân sách nhà nước, ở nhiều quốc gia, vài nghìn, vài chục nghìn USD cũng được kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta phải tăng cường kiểm soát tài sản công, đầu tư công theo hướng này.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo