Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tự chủ đại học vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ

Các đại biểu tham gia hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 27/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức hội thảo giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”. Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu nhằm tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong GDĐH, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2019.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, trên 30 năm đổi mới, GDĐH Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Đặc biệt có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở GDĐH, tuy nhiên trong thực thi còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách, là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của GDĐH Việt Nam.

Sau phiên khai mạc, hội thảo chia thành 1 phiên về các vấn đề chung và 2 phiên chuyên đề sâu về thể chế tự chủ trong GDĐH và tự chủ tài chính trong GDĐH. Theo GS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hội thảo giáo dục là hoạt động thường niên của Ủy ban về các vấn đề giáo dục, tập hợp những người làm chính sách, nhà quản lý nhà nước, những người trực tiếp làm giáo dục, lực lượng truyền thông để có được sự thống nhất cao về một vấn đề giáo dục. Qua các ý kiến sẽ rõ những gì đang làm tốt, những gì còn bất cập của chính sách trong thực tiễn để tiếp tục điều chỉnh. Qua 2 năm thực hiện Luật GDĐH, vấn đề cốt lõi nhất chính là tự chủ đại học, luật pháp đã quy định nhưng thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là về cơ chế tự chủ và tài chính đại học.

Ông Chorítophe Lemiere, Quản lý chương trình phát triển con người - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng giáo dục phổ thông Việt Nam khá tốt, nhưng chất lượng GDĐH Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN. “Dù chất lượng GDĐH Việt Nam đã tăng khá ấn tượng trong thời gian qua nhưng so với các nước khác thì chưa như kỳ vọng”, ông Chorítophe lemiere nói.

Trình bày báo cáo của Bộ GD-ĐT về vấn đề tự chủ đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, từ năm 2014, 23 cơ sở GDĐH bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo nghị quyết 77 của Chính phủ. Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam.

Bộ GD-ĐT kiến nghị Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ đại học; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ về quy định cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài; tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách cho GDĐH. Ngoài ra, Bộ kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học với sự tham gia cả các bộ ngành liên quan với Bộ GD-ĐT là thường trực. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn thực hiện tự chủ đại học.

Toàn cảnh hội thảo Toàn cảnh hội thảo

Báo cáo về vấn đề tự chủ đại học từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  Phạm Tất Thắng, cho biết hành lang pháp lý cho hoạt động tự chủ đại học vẫn còn có những bất cập, thiếu đồng bộ. Bên cạnh Luật GDĐH, hoạt động của cơ sở GDĐH còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách,… với nhiều quy định mang tính ràng buộc, cần phải tiếp tục sửa đổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tinh thần tự chủ đại học. Một số quy định của Luật vẫn còn mang tính khái quát và phải chờ có văn bản hướng dẫn thi hành để có thể đưa quy định của Luật vào thực tiễn cuộc sống. 

Tại hội thảo, ý kiến của các trường đại học cũng đề cập đến việc phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để việc tự chủ đại học thực sự có hiệu quả, không để các trường có tâm lý “sợ rủi ro” như hiện nay.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo