Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Triển khai chiến dịch tiêm chủng 800.000 liều vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn TPHCM

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại một điểm tiêm ở TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM phòng, chống dịch COVID-19 vừa có buổi làm việc cùng Sở Y tế TPHCM về việc xây dựng kế hoạch và các công tác chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng 800.000 liều vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn TPHCM.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM phòng, chống dịch COVID-19 thông tin, theo chỉ đạo từ Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia trong tổng số vắc xin phòng COVID-19 được đưa về Việt Nam trong đợt này, TPHCM sẽ được phân bổ ít nhất 800.000 liều. Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia cũng chỉ đạo ngành y tế TPHCM xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm chủng (trong thời gian 5-7 ngày). Kế hoạch tiêm chủng cần cụ thể về phân bổ số lượng, đối tượng tiêm chủng, lịch tiêm chủng, kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, kế hoạch ứng trực cấp cứu…

Báo cáo về kế hoạch triển khai tiêm chủng tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, đối với kế hoạch tiêm chủng được phân bổ trong đợt thứ 5, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng như người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đối với việc tổ chức tiêm chủng, TP dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng bao gồm các điểm tiêm chủng tại Trung tâm y tế, Trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày, tại mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày. Việc đảm bảo an toàn tiêm chủng được thực hiện nhằm đảm bảo các điểm tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định; đảm bảo yêu cầu về giãn cách, an toàn phòng chống dịch COVID-19; thực hiện sàng lọc đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tư vấn đầy đủ cho đối tượng được chủng; thu gom và xử lý rác thải y tế tại điểm tiêm chủng.

Liên quan đến việc xử lý các phản ứng bất lợi sau tiêm, tại tất cả các điểm tiêm sẽ được chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu. Đồng thời bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm với lực lượng mỗi đội gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng. Song song đó là tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn sẵn sàng vận chuyển người đến bệnh viện khi cần thiết. Tổ chức theo dõi sau tiêm, cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị Sở Y tế TPHCM và các đơn bị có liên quan cần nhanh chóng khẩn trương triển khai tổ chức các điểm tiêm, lập danh sách đối tượng tiêm, xây dựng lịch tiêm chủng, cơ sở đảm bảo an toàn tiêm chủng, hệ thống truyền thông trước tiêm chủng và xây dựng hotline giải đáp thắc mắc sau tiêm chủng. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch tổng quát cho chiến dịch tiêm chủng cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho chiến dịch tiêm chủng. Xin ý kiến chỉ đạo đối với các đối tượng tiêm không thuộc Nghị quyết 21, với trường hợp người trên 65 tuổi và nhóm đối tượng công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất giao Bộ phận thường trực đặc biệt thực hiện văn bản gửi Bộ Y tế để xin ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Trường Sơn lưu ý, dựa trên tiến độ dự kiến của vắc xin, danh sách đối tượng tiêm chủng phải được hoàn thành trong ngày 18/6, với đầy đủ các thông tin về nhóm đối tượng, địa chỉ, nơi làm việc, địa điểm tiêm… Bên cạnh đó, kế hoạch huy động 1.000 điểm tiêm (bàn tiêm) cần được thể hiện rõ, phù hợp các quy định hiện hành. Cần xây dựng lịch tiêm chủng cho từng nhóm đối tượng để hạn chế sự tập trung đông người ở phòng chờ sau tiêm nên bố trí các ghế ngồi có lưng dựa; Hotline cần phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giải đáp thắc mắc của các đối tượng được tiêm. Bên cạnh đó là chuẩn bị tổ chức các đội cấp cứu lưu động chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng cấp cứu các trường hợp phản ứng sau tiêm. Dựa trên kế hoạch về địa điểm tiêm sẽ tiến hành rà soát và bố trí lực lượng nhân sự, xe cấp cứu cho phù hợp, trong trường hợp còn thiếu sẽ phối hợp các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn để hỗ trợ.

Thy Dương


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo