Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM tập trung ngăn chặn bệnh tay chân miệng tăng cao

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ là một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống bệnh TCM.

(Thanhuytphcm.vn) – Từ hai tuần cuối tháng 9/2018, số ca bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn TPHCM đã tăng cao, trong đó tại một số trường mầm non đã xuất hiện các ca bệnh. Trước tình trạng này, Sở Y tế TP đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn bệnh tăng cao.

Số ca bệnh tăng đột biến

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 5/10 có 155 trẻ bị bệnh TCM điều trị ở Khoa Nhiễm, trong đó mắc bệnh độ 3 có 12 trẻ và có 2 bé ở độ 4 phải điều trị ở khoa hồi sức.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Nguyễn Thanh Hùng, đến hết tháng 8/2018 số ca bệnh TCM điều trị tại bệnh viện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, từ 2 tuần cuối tháng 9 số ca bệnh đã tăng đột biến, trong đó có nhiều ca nặng. Từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện đã có 1 ca tử vong do bệnh TCM.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca bệnh TCM cũng tăng từ 2 tuần cuối tháng 9. Đại diện Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện cho biết, trong 2 tuần đầu tháng 9 số ca bệnh giảm nhưng đến 2 tuần cuối tháng 9  số lượng nội trú tăng khoảng 13%. Mỗi ngày có khoảng 50 trẻ phải nhập viện điều trị bệnh TCM.  Sáng ngày 5/10, bệnh viện có 116 ca điều trị nội trú về bệnh TCM. Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có  2 ca tử vong do bệnh TCM.

Cùng với Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP cũng đang điều trị 50 trẻ bị bệnh TCM. Riêng trong khoảng 2 tuần gần đây, số ca bệnh TCM tại bệnh viện này tăng khoảng 15%.

Qua các đợt kiểm tra ngành y tế TP cho biết, một số trường mầm non tại các quận, huyện đã xuất hiện các ca bệnh TCM trong thời gian qua. Trong đó, Trường Mầm non Hoàng Yến  (Quận 12) ghi nhận 27 trẻ mắc TCM tại 8/10 lớp của trường; Trường Mầm non Phường 1 (Quận 10) có 2 bé mắc bệnh TCM; Trường mầm non Huệ Trắng (quận Thủ Đức) đã xuất hiện 2 ca bệnh TCM.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, chỉ tính riêng trong tuần trước (từ 21 đến 29/9), số trường hợp mắc TCM phải nhập viện điều trị trên địa bàn TP là 347 trường hợp, tăng 49% so với trung bình 4 tuần trước đó. Các cơ quan y tế cho biết, năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút Enterovirus 71 – chủng vi rút đã gây vụ dịch TCM lớn trên cả nước những năm 2011. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh TCM gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.

Không chủ quan trong phòng chống dịch bệnh

Trước tình trạng số ca bệnh TCM tăng cao, ngành y tế TP đã triển khai các đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện, địa bàn dân cư và các trường mầm non,... Qua thực tế kiểm tra, giám sát, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Nguyễn Trí Dũng đề nghị, đối với nơi đã phát hiện ca bệnh, đặc biệt là trong trường học thì những vật dụng từ đồ chơi, chăn màn trẻ tiếp xúc phải được vệ sinh khử khuẩn ngay lập tức và thường xuyên. Đối với ly uống nước của trẻ sau khi trẻ dùng cần được rửa bằng dung dịch, lau chùi sạch sẽ. Trung tâm Y tế dự phòng và trạm y tế  các quận, huyện trên toàn TP cần tăng cường các công tác chủ động phòng chống dịch bệnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nhanh chóng nắm bắt những ca bệnh để kịp thời hướng dẫn các biện pháp khử khuẩn. Với các trường học đã có ca bệnh cần thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch toàn diện đã được hướng dẫn và có sự giám sát; tăng cường truyền thông trong cộng đồng... Trung tâm Y tế dự phòng các quận cần có sự phối hợp với địa phương rà soát ở nhóm trẻ gia đình, ngăn chặn nguồn lây nhiễm.

Ở lĩnh vực điều trị, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Nguyễn Thanh Hùng cho biết, bệnh viện đã tập huấn cho bác sĩ chuyên khoa nhi của các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện các tỉnh khu vực phía Nam để phân luồng điều trị ngay từ tuyến dưới, tránh dồn hết bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên. Hiện tại, các bệnh viện tuyến quận, huyện đã có khả năng phát hiện và điều trị bệnh TCM độ 2A trở xuống.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh, đầu tháng 11/2018, bước qua mùa khô thì bệnh TCM sẽ tăng hơn nữa so với thời điểm mùa mưa. Dù dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng không được chủ quan trong phòng chống dịch bệnh. Cùng với tăng cường truyền thông cho người dân, phát tờ rơi trong các khu dân cư, khu vực trường học trong công tác dự phòng, trong công tác điều trị, Bệnh viện Nhi đồng TP phải có một khoa dự phòng để có thể tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 quá tải.

Để phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

S.Hải – Đan Như


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo