Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

TPHCM đón những cơ hội vàng đến trong khủng hoảng kinh tế thế giới

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc làm việc. (Ảnh: VGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Trưa 8/5, phát biểu kết luận buổi làm việc giữa Chính phủ với TPHCM về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM cần hành động nhanh hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Cùng với đó, cộng đồng DN Thành phố hãy chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo vượt khó.

Kinh tế - xã hội TPHCM vẫn có những điểm sáng

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Trong 4 tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của TP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái; hoạt động thu ngân sách gặp khó khăn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, trước bối cảnh dịch Covid-19 tác động ảnh hưởng mạnh mẽ, kinh tế - xã hội TP vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Đó là mặc dù tốc độ tăng GRDP, tổng thu ngân sách giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 25% của cả nước; giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 4.270 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14,42 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Qua đó cho thấy, TP vẫn có những yếu tố tích cực là tiền đề để tiếp tục phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Trong thời gian tới, TP xác định chủ động chuyển sang trạng thái “bình thường mới”; tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn của dịch Covid-19, vừa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP. Trong đó, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh ngăn chặn sự phá sản của DN. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp. Xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực. Qua đó, có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP của TP nhằm đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất có thể.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; triển khai làm việc với các cơ quan Trung ương để hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP; Đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Mặt khác, triển khai Nghị quyết số 27 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án, nhất là các DN trong lĩnh vực bất động sản. Đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân thông tin: Trong 3, 4 tháng vừa qua, kinh tế TP có giảm sút, do tổng cầu giảm, còn tổng cung TP vẫn đảm bảo. Đến nay, số doanh nghiệp TP phá sản hoặc đóng cửa chiếm 3%. Do đó, nếu có biện pháp hỗ trợ DN để giữ người lao động, hỗ trợ DN giảm áp lực về chi trả các khoản vay nợ, đủ thanh khoản thì từ tháng 5 trở đi cùng với mở cửa thị trường trong nước thì các DN Thành phố bắt đầu hoạt động trở lại được. 

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phân tích: Với những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân TP và cả nước sẽ sớm phục hồi. Tuy nhiên, những khu vực cần thiết phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn. Về dịch vụ du lịch nước ngoài sẽ làm có chọn lọc. Về công nghiệp, hàng công nghiệp, nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trong nước có cơ hội hoạt động trở lại trong quý II. Còn hàng tiêu dùng phục vụ xuất khẩu phụ thuộc bên ngoài trên cơ sở chủ động làm việc với từng nước và xác định lộ trình mở cửa ở từng mặt hàng. Về sản xuất vật liệu xây dựng mở ra không có gì trở ngại vì chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước. Ngành xây dựng tiếp tục phát triển đặc biệt gắn với nhu cầu đầu tư công và phải làm ngay. Sản xuất thiết bị máy móc một phần phục vụ trong nước, nhưng phần lớn phục vụ xuất khẩu còn phụ thuộc bên ngoài nhưng có thể mở cửa vào quý II, III.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ dành 20% tổng gói hỗ trợ của Chính phủ cho TP. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có thông báo về chi phí bình quân, chính thức đất đai của Khu đô thị mới Thủ Thiêm để TP đề nghị DN đóng góp, nếu còn lâu dài thì cho phép TP cùng DN thỏa thuận mức đóng góp bổ sung ngay. Bên cạnh đó, cho phép TP sát nhập 3 quận gồm 2, 9, Thủ Đức thành một TP nhằm tạo đà tăng trưởng kinh tế cho TP và cả nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: TPHCM là trung tâm kinh tế, thị trường năng động của Việt Nam. Cho nên, phải làm thế nào để trong 3 quý còn lại năm 2020, TPHCM tăng trưởng và phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của mình; phải trở lại cực tăng trưởng đầu tàu kinh tế của cả nước.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM phát huy cao độ phương châm hành động “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” của những ngày tháng 4 lịch sử 45 năm trước. Theo đó, TP cần hành động nhanh hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Cùng với đó, cộng đồng DN Thành phố hãy chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo vượt khó. Giải ngân vốn đầu tư công là việc cần làm ngay của TP.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị TP đón những cơ hội vàng đến trong khủng hoảng kinh tế thế giới. TP chủ động nắm bắt, xúc tiến đầu tư, tận dụng “biến nguy thành cơ”; đặc biệt là những dự án công nghệ, những tập đoàn đa quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP triển khai nhanh các biện pháp hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó, chú ý giữ DN và phát triển các loại hình DN, đào tạo nguồn nhân lực và giữ nhân công; phát triển loại hình hợp tác xã, hộ cá thể; hạn chế và kiểm soát việc bán DN cho nước ngoài; nắm bắt cơ hội đầu tư nước ngoài.

Về giải pháp lâu dài, căn cơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Phát triển không gian đô thị phải đi trước một bước, phát triển các đô thị vệ tinh với quy mô hợp lý, phù hợp. TP sớm hoàn thành Đề án phát triển TP thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. TPHCM phải đi đầu về TP thông minh, trung tâm ứng dụng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước. TP có giải pháp cải thiện nhanh môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng.

Về kiến nghị của TP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Về tỷ lệ chi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho TP giao Bộ Tài chính cân đối. Đối với chi phí bình quân, chính thức đất đai của Khu đô thị mới Thủ Thiêm giao Bộ Tài chính sớm công bố để làm cơ sở tính toán. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. Về đề nghị giảm giá điện, Thủ tướng Chính phủ khuyến khích Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện và giao Bộ Công thương tính toán.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo