Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM có 3 trường hợp mắc bệnh sởi phải nhập viện

Tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi cho trẻ là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả (ảnh: Tiêm phòng vắc xin cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng TP). (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh sởi phải nhập viện.

Cụ thể, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là bé 18 tháng tuổi, ngụ tại Quận 2. Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi ngụ tại Quận 6 và trường hợp thứ 3 mắc bệnh là bệnh nhân 23 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận. Từ kết quả điều tra dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng TP xác định 3 ca bệnh này không có sự liên quan về nguồn lây nhiễm, bệnh xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em.

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, bệnh sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền có thể gây dịch lớn. Bệnh rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, một số biến chứng của bệnh  bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não có thể gây tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo, tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm chủng đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh sởi lây bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân, có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Những người mắc bệnh có các triệu chứng khởi đầu: sốt, viêm kết mạc mắt (mắt đỏ), viêm sổ mũi, ho và có nốt koplik (những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng) ở niêm mạc miệng, ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh nhân (ban bắt đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân).

Để phòng tránh bệnh sởi cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em theo lịch: mũi 1 (vắc xin sởi)  lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 (vắc xin sởi – rubella) lúc trẻ 18 tháng tuổi. Ngoài tiêm chủng vắc xin cần lưu ý một số biện pháp dự phòng khác như sau: nâng cao sức đề kháng cơ thể (ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất); tăng cường vệ sinh cá nhân như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (người sống cùng nhà, thầy thuốc trực tiếp chăm sóc, điều trị); hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

S.Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo