Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

TPHCM cần sớm hoàn thiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế

TS. Trần Du Lịch trình bày tham luận tại Hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) – Hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022 - 2025” do UBND TPHCM tổ chức vào sáng 16/10 đã thảo luận và đưa ra nhưng đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội của TP và đưa ra dự báo chính sách, xu hướng phát triển thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa

Nêu vấn đề về TPHCM hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng nhằm chuẩn bị sống chung an toàn và bền vững với Covid-19, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, với tỷ lệ gần 100% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm ngừa và 72% người dân đã tiêm đủ mũi 2, TPHCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần, tức là ngoại trừ những người đã tiêm vaccine sẽ được bảo vệ, những người chưa tiêm vaccine cũng được bảo vệ một phần do giảm nguy cơ bị lây nhiễm từ những người xung quanh, mà đa số những người này đã được tiêm ngừa. Điều này làm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm trong Covid-19 trong cộng đồng và góp phần giảm số ca mắc mới. Tuy nhiên do miễn dịch cộng đồng này là không hoàn toàn nên người không tiêm ngừa vẫn còn khả năng mắc bệnh, dịch vẫn còn có khả năng gia tăng.

Từ đó, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng xin kiến nghị với lãnh đạo TPHCM một số điểm cần lưu ý sau khi chuẩn bị nới lỏng giãn cách nhằm phục hồi kinh tế. Đó là, tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện 5K; yêu cầu tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, xây dựng chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh có hiệu quả, mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ. Nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế là nhỏ. Cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch và sử dụng biện pháp kiểm soát kinh tế để yêu cầu tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Không cần thiết cách ly người F1 nếu những người này đã được tiêm vaccine đủ 2 mũi. Xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để có thể ứng phó kịp thời. Đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện các mũi tiêm tăng cường ở các đối tượng này khi cần thiết.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài nêu ý kiến tại Hội thảo. GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài nêu ý kiến tại Hội thảo.

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội TPHCM, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật TP, nhận định, các tổn thất mà doanh nghiệp đang gặp phải đã làm doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản, nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng. Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế TPHCM, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh khuyến nghị sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói hỗ trợ tức thời và các gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn sau: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc/nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TPHCM; đề xuất TPHCM sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022, ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng tương đương 0,29% GRDP TPHCM.

Góp ý cho việc hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, cho rằng, hành chính công và quản trị công là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất, nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi. Các biện pháp trước mắt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ và mở rộng hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất với động lực tự nhiên. TP chủ động quan hệ với các địa phương để khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP cần phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ đưa lao động ở địa phương trở về làm việc. Đồng thời, cần triển khai nhanh dự án quan trọng bị ngưng trệ như xây dựng trung tâm tài chính TPHCM; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại TP Thủ Đức; xây dựng đô thị thông thông minh; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp số hóa các hoạt động...

Từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TPHCM, chỉ ra rằng, quan hệ chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế toàn Vùng nhưng đã bị đứt gãy nghiêm trọng. Do đó, TPHCM cần tập trung vào các giải pháp tức thời, ngắn hạn. Thứ nhất, tăng cường tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 cho người lao động trực tiếp, gián tiếp trong toàn bộ hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng cho toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thứ hai, cần loại bỏ sự cát cứ địa phương trong chính sách chống dịch bệnh. Các chính sách, thủ tục hành chính đều phải cân nhắc ở cấp độ toàn vùng với mục tiêu phục hồi kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Không vì chống dịch mà gây ra cát cứ địa phương và gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn vùng. Thứ ba, từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy. Cần khẩn cấp khơi thông dòng dịch chuyển nhân lực nội vùng để phục hồi lao động cho sản xuất ở toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng, từ thương nhân, lao động tham gia chuỗi cung ứng, công nhân và người lao động ở các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân ý kiến tại Hội thảo. GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân ý kiến tại Hội thảo.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TPHCM cần tiếp tục có chính sách chăm lo an sinh cho người dân, trong đó chú ý quan tâm đến trẻ em. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp nguồn vốn để phục hồi kinh tế. Hỗ trợ cho ngành y tế, nâng cấp trang thiết bị, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn có đủ điều kiện để phục hồi, đồng thời hỗ trợ cho người lao động quay lại TPHCM sớm nhất ngay trong tháng 10. 

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kết luận Hội thảo. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kết luận Hội thảo.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của chuyên gia, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển cùng các sở ngành liên quan sớm hoàn thiện kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế, theo hướng vừa hoàn thiện chương trình khung vừa hoàn thiện các đồ án, kế hoạch để triển khai. Hiện TP có độ trễ về ban hành và thực thi chính sách phục hồi. Do vậy phải làm song song chương trình khung và chính sách, kế hoạch hoạt động cụ thể và trong quá trình này TP tiếp tục nghe ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia. Đối với các vấn đề mới, theo tinh thần của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM vừa qua, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo TPHCM với truyền thống năng động, sáng tạo sẽ đi trước nghiên cứu các cơ chế chính sách, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, 2 trụ cột về y tế, kinh tế - xã hội tiếp tục hoàn thiện theo hướng này.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo