Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM cần phát huy tối đa vai trò “đầu mối” du lịch

Hội nghị tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long

(Thanhuytphcm.vn) - Vừa qua, trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp 2021 đã diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020.

Tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cùng đại diện lãnh đạo 14 tỉnh, thành liên kết vùng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng...

Doanh thu du lịch sụt giảm mạnh

Hội nghị đã đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ cụ thể từ Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa UBND TPHCM và UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025. Các đại biểu cũng thảo luận về những sáng kiến, giải pháp để cụ thể hóa Thoả thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch hành động năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, năm 2020 là năm khó khăn của cả nước, trong đó có TPHCM và ĐBSCL nói riêng. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch năm 2020 cũng giảm sâu, đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành. Tổng khách du lịch đến TPHCM năm 2020 đạt 17,182 triệu lượt, giảm 66,6%, trong đó khách quốc tế đạt 1,303 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm 84,8% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 18,879 triệu lượt, giảm 48,45% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch năm 2020 đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ. 

Tương tự, ở khu vực vùng ĐBSCL, khách du lịch đạt 28,45 triệu lượt, giảm 38,37% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48,26% so với cùng kỳ. Trong đó ở cụm phía Đông ĐBSCL, số khách du lịch quốc tế đạt hơn 420 ngàn lượt, giảm 79% so với cùng kỳ, số lượt khách du lịch nội địa đạt hơn 6 triệu lượt, giảm 41%. Ở cụm phía Tây ĐBSCL, số lượt khách quốc tế đến các tỉnh thành đạt hơn 361 ngàn lượt, giảm 75% so với cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt hơn 21,6 triệu lượt, giảm 33% so với cùng kỳ.

Tăng cường kết nối xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch giữa các tỉnh, thành ĐBSCL Tăng cường kết nối xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch giữa các tỉnh, thành ĐBSCL

Các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép - giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú… Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự “chống chọi” khi có rủi ro thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa. Tuy trong hoàn cảnh khó khăn nhưng các doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời luôn ở tinh thần sẵn sàng vào cuộc để chia sẻ công tác phòng chống dịch và tinh thần “bật trở lại” mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng, trong khi thị trường du khách quốc tế còn chưa “mở” thì đây là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư phát triển thị trường du khách nội địa. Theo cơ cấu tổng thu từ khách du lịch đến TPHCM năm 2019, mặc dù chi tiêu khách quốc tế bằng 1,8 lần chi tiêu của khách nội địa, tuy nhiên thu từ khách du lịch nội địa chiếm gần 60% trong tổng thu từ khách du lịch của Thành phố. Đối với du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL thì đây vẫn là nguồn thu chính.

Từ sau Hội nghị triển khai ở Bạc Liêu vào tháng 12 năm 2019 đến nay, dù trải qua 4 đến 5 tháng gần như đóng băng do đại dịch Covid-19 nhưng UBND 14 tỉnh, thành đã chỉ đạo các Sở phụ trách du lịch phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ thông tin, biện pháp phòng chống dịch và bước đầu thực hiện một số chương trình trong 13 chương trình thuộc kế hoạch hợp tác đã được 14 địa phương đồng thuận triển khai. Cạnh đó, 14 địa phương cũng đã tích cực thực hiện hiệu quả các chương trình kích cầu. 

"Chỉ trong thời gian ngắn sau giãn cách xã hội, đã có trên 153.000 lượt khách du lịch đăng ký mua tour tại các doanh nghiệp lữ hành lớn của TPHCM để đi du lịch đến các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn. Các hoạt động khảo sát xây dựng tour mới đã bắt đầu trở lại. Hoạt động công tác bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực đã được quan tâm. Các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch thường xuyên được chuyển tải trên các kênh truyền thông của 14 địa phương, tạo sự nhận biết tốt hơn những lợi thế đặc trưng của vùng. Đặc biệt đã xây dựng được thương hiệu du lịch vùng thống nhất về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, giá trị bản sắc thương hiệu du lịch liên kết vùng, thiết kế biểu tượng (logo) và tiêu đề thương hiệu (slogan)..." - Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng thông tin tại hội nghị.

Nỗ lực phát triển truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch vùng

Về phương hướng năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đề nghị các tỉnh, thành cần quyết liệt triển khai các nội dung công việc đã xác định trong báo cáo; đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa trong năm 2021 sôi động trở lại, thậm chí phải sôi động hơn cả giai đoạn trước dịch. Theo đó, trước hết sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch nội địa như một giải pháp khơi gợi mong muốn đi du lịch trở lại của du khách. Trên cơ sở thương hiệu du lịch vùng đã thống nhất, cần bắt đầu nỗ lực phát triển truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch vùng.

Các doanh nghiệp lữ hành, các khu điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch cần đánh giá các sản phẩm du lịch liên kết vùng đã triển khai thực hiện cũng như việc thực hiện các chính sách kích cầu du lịch; kịp thời báo cáo những vướng mắc cho cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương để cùng tháo gỡ, tránh sự “đứt gãy” trong chuỗi giá trị, thiếu sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Tổ giúp việc liên kết Vùng phát huy trách nhiệm, chủ động nắm bắt tình hình và tham mưu kịp thời các vấn đề và giải pháp cho UBND các tỉnh/thành trong Vùng liên kết.

Song song đó, cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, theo dõi tình hình dịch các nước là thị trường trọng điểm; kết hợp với các đơn vị phân tích dữ liệu quốc tế để nắm bắt kịp thời tâm lý của du khách quốc tế. Đối với những quốc gia đã có sự kiểm soát tốt dịch cần có kế hoạch quảng bá để du khách biết đến TPHCM và ĐBSCL là vùng du lịch an toàn và vẫn đang sống động. Trong đó, TPHCM cần phát huy tối đa vai trò “đầu mối” - nhận khách đến và đưa về các địa phương thông qua các chương trình tour liên kết.

Với chương trình liên kết đã được ký kết với các vùng như Đông Nam Bộ, Đông Bắc, Tây Bắc mở rộng, khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và Hà Nội, TPHCM sẽ kết nối với các liên kết đã ký trong công tác xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch, trao đổi thông tin cơ chế chính sách phát triển du lịch,… tạo thành một chỉnh thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của du lịch Việt Nam.

Trong khuôn khổ của Hội nghị cũng diễn ra Hội thảo giới thiệu các chính sách hỗ trợ, kích cầu liên kết phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch mới liên kết giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021 với sự tham dự của Tổ giúp việc Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng; Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; Hiệp hội Du lịch 14  tỉnh, thành liên kết vùng; các doanh nghiệp du lịch tiêu biểu và các cơ quan báo chí.

H.Thảo

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo