Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

TP Thủ Đức có thể trở thành địa phương có quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước sau TPHCM và Hà Nội

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Thy Dương

(Thanhuytphcm.vn) – Việc thành lập TP Thủ Đức, không phải sáp nhập cơ học 3 quận (Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức) mà sáp nhập lại để hình thành tổ chức với yếu tố bên trong mới từ đó phát triển cao hơn. TP Thủ Đức có nhiều tiền đề hội tụ và nếu tiếp tục bổ sung với một chính sách phù hợp, đặc thù sẽ trở thành nơi có năng suất lao động cao nhất cả nước. Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề “Xây dựng TP Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, TP kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0 phía Nam” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức chiều 19/1.

Đến dự có các đồng chí: Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; cùng gần 1.300 đại biểu tham dự tại điểm cầu Hội trường TP và các điểm cầu tại Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.

Đủ các điều kiện để trở thành khu Đô thị sáng tạo tương tác cao

Trình bày chuyên đề “TP Thủ Đức - Đô thị sáng tạo tương tác cao, TP kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP đã xác định: “… Huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;… không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.” Báo cáo chính trị cũng xác định 9 giải pháp lớn phát triển kinh tế. Từ đó, TP đã xác định 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm để phát triển TP thời kì 2020 – 2030/2045.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TPHCM gặp gỡ các đại biểu tại buổi báo cáo. Ảnh: Thy Dương Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TPHCM gặp gỡ các đại biểu tại buổi báo cáo. (Ảnh: Thy Dương)

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, ngoài việc xác định các giải pháp như trên về mặt ngành, lĩnh vực, cần phải tạo nên sự tương tác mạnh mẽ của các yếu tố nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0, của hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trên một không gian địa lí cụ thể, phải đảm bảo tính đồng bộ và tương tác mạnh mẽ giữa các thành phần của hệ sinh thái kinh tế tri thức và hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo.

Với nhận thức như trên, từ 2018 Thường trực Thành ủy đã nhận thấy, sau 20 năm phát triển ở 3 quận (Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức) đã hình thành một số tiền đề, cấu phần quan trọng cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, trong một không gian địa lý đủ gần để có thể hình thành sự tương tác mạnh giữa các cấu phần này, có thể hình thành hệ sinh thái của kinh tế tri thức, của trí tuệ nhân tạo.

Cụ thể, Quận 9 có Khu công nghệ cao. Quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trong đó có quy hoạch xây dựng trung tâm tài chính lớn nhất của Việt Nam); Khu công nghiệp Cát Lái 2. Cùng với đó là có quy hoạch xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch, trung tâm triển lãm - hội chợ quốc tế; Đại học Văn hóa; Cảng Cát Lái - cảng container lớn nhất Việt Nam. Quận Thủ Đức có Đại học Quốc gia TPHCM (với 7 đại học thành viên), Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Đại học Nông lâm TPHCM, với tổng số 100.000 sinh viên, hơn 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ. Ở đây còn có khu chế xuất Linh Trung.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thy Dương Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Thy Dương)

Với tổng diện tích 3 quận hơn 21.000 ha, dân số 1,17 triệu người đây là một khu đô thị có quy mô sản xuất công nghệ cao lớn nhất cả nước, có mật độ đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ tương đối cao vào loại lớn nhất cả nước, có hệ thống giao thông kết nối đường bộ, đường thủy, đường hàng không rất thuận tiện (sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành). Nếu tích hợp lại và bổ sung các cấu phần còn thiếu của các đô thị sáng tạo trên thế giới (Thành phố Darmstadt của Đức, Thành phố Einhoven của Hà Lan, Thành phố Montreal của Canada, Thành phố khoa học Tsukuba của Nhật Bản) thì khu đô thị gồm 3 quận này có thể trở thành 1 khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức Hội thảo quốc tế về các khu đô thị sáng tạo và sau đó là cuộc thi quốc tế về đề xuất ý tưởng phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. Cuộc thi đề xuất ý tưởng phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP với sự tham gia của nhiều công ty tư vấn quy hoạch quốc tế nổi tiếng thế giới, mà Công ty Sazaki của Mỹ đạt giải Nhất đã khẳng định, Quận 2, 9 và Thủ Đức hoàn toàn có đủ các điều kiện để trở thành khu Đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế tri thức của TPHCM.

Phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau.

Cụ thể, hạ tầng kinh tế 4.0 gồm 7 cấu phần. Đó là các cụm Đại học chất lượng cao quy mô đủ lớn, Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo quy mô lớn. Cùng với đó là Khu công nghệ cao có quy mô lớn, khu thực nghiệm công nghệ mới (xe không người lái, máy bay không người lái, người máy…); Công viên phần mềm quy mô lớn, hiệu quả cao, trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính); Dịch vụ viễn thông 5G (đã có). Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đến nay TP Thủ Đức đã có cụm Đại học chất lượng cao quy mô đủ lớn, khu công nghệ, viễn thông 5G.

Một khu vực Quận 2 dọc theo Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Thy Dương Một khu vực Quận 2 dọc theo Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Thy Dương)

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, về hạ tầng giao thông và dịch vụ đô thị, bao gồm 8 cấu phần. Đó là hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không; Hệ thống tàu điện ngầm (đường sắt); Hệ thống thoát nước và chống ngập; Hệ thống cấp nước sạch; Hệ thống xử lý rác; Hệ thống các khu đô thị mới, đô thị thông minh…

Đối với hạ tầng tài chính – thương mại gồm 3 cấu phần. Đó là Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM (Thủ Thiêm); Trung tâm hội chợ - triển lãm quốc tế (Thủ Thiêm); Hệ thống siêu thị và bán lẻ thông minh.

Về hạ tầng xã hội gồm 7 cấu phần. Trong đó có hệ thống trường mầm non, trường phổ thông, trường nghề chất lượng cao; Hệ thống các bệnh viện, đạt chuẩn quốc tế; Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch (Thủ Thiêm); Công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Cùng với đó là sân Golf Thủ Đức; Trung tâm thể thao Rạch Chiếc; Quảng trường Hồ Chí Minh (Thủ Thiêm).

Riêng quản lý TP dân chủ, thông minh, hiệu quả có 6 giải pháp. Cụ thể là chính quyền đô thị (Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 và Nghị quyết 1111/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020); Cơ chế chính sách đặc thù (Nghị quyết 54 và bổ sung); Chính quyền số (Thành phố thông minh). Bên cạnh đó là Hội đồng phát triển TP Thủ Đức (với sự tham gia của của đại diện các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà văn hóa, người dân, chính quyền, cấp ủy); phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội; cơ chế là Đảng lãnh đạo và chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, từ kinh nghiệm trong nước và nước ngoài, muốn một nơi có năng suất lao động cao nhất, ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0 là trí tuệ nhân tạo ở giai đoạn phổ cập hóa như chúng ta thì địa phương đó phải có đủ tiền đề tương tác cung cấp nhân lực, tạo ra các giải pháp, ứng dụng giải pháp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. TP Thủ Đức có nhiều tiền đề hội tụ và nếu tiếp tục bổ sung với một chính sách phù hợp, đặc thù nó sẽ trở thành nơi có năng suất lao động cao nhất cả nước. “Việc thành lập TP Thủ Đức, không phải sáp nhập cơ học 3 quận mà sáp nhập lại để hình thành tổ chức với yếu tố bên trong mới từ đó phát triển cao hơn.” – Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích, hiện nay năng suất của khu công nghệ cao TPHCM gấp 16,6 lần năng suất lao động của Việt Nam và 6,6 lần năng suất lao động của TPHCM. Nếu sau 5-10 năm năng suất lao động của TP Thủ Đức gấp 3 lần năng suất lao động của TPHCM, với dân số và lực lượng lao động TP Thủ Đức chiếm 10% dân số và lao động của TP, giá trị đóng góp GRDP của TP Thủ Đức vào kinh tế TPHCM là 30%; tương đương 6,6% GDP của Việt Nam. Nếu TP Thủ Đức phát huy được các cấu phần tương tác của mình hoàn toàn có thể trở thành địa phương có quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước sau TPHCM và Hà Nội.

S.Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo