Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tình nguyện cùng F0 tại nhà vượt qua dịch bệnh

Tình nguyện viên của “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” chuyển thuốc cho F0 bằng xe máy.

(Thanhuytphcm.vn) - Đến hết ngày 13/9, TPHCM có 88.598 người là F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó có 52.974 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 35.624 trường hợp cách ly sau xuất viện. Chưa có con số thống kê có bao nhiêu F0 đang được các nhóm tình nguyện hỗ trợ điều trị tại nhà. Cũng chưa thể thống kê hết có bao nhiêu nhóm hỗ trợ, bao nhiêu hoạt động hỗ trợ. Nhưng rõ ràng là, cùng với hệ thống trạm y tế xã, phường, y tế lưu động, thì hoạt động của các nhóm thiện nguyện hỗ trợ F0 về y tế như hiện nay rất cần thiết và hiệu quả. Đáng quan tâm là các nhóm đều được tổ chức khoa học, bài bản, sát với thực tế và F0 tiếp cận dễ dàng.

“Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” - Hotline 0866207299

Nhiều người ở TPHCM, nhất là những người làm trong lĩnh vực giáo dục, giới học sinh sinh viên, đều nghe tên và biết đến PGS.TS Hồ Thanh Phong - một người thầy tâm huyết.

Đợt dịch Covid-19 này, nhiều người biết đến ông qua các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân thành phố. Khi đề nghị được viết về công việc tình nguyện hỗ trợ các F0 điều trị tại nhà, ông từ chối. Nhưng khi chia sẻ với ông về việc đưa hoạt động của ông và nhóm lên thông tin đại chúng để có thêm nhiều F0 biết đến, liên hệ và được giúp đỡ, thì ông đồng ý. Với ông, trong giai đoạn này, tất cả vì các F0, tất cả là để chiến thắng dịch bệnh.

Trước đó, dịch bùng phát tại TPHCM và ngày càng nhiều người gặp khó khăn. Tháng 6/2021, PGS.TS Hồ Thanh Phong cùng bạn bè, đồng nghiệp, học trò cũ và Nhóm từ thiện Minh Tâm chung tay tặng gần 100 tấn gạo cho người dân khó khăn; tặng vật tư y tế cho các bệnh viện dã chiến. Dịch bệnh mỗi lúc một nặng, số người cần hỗ trợ tăng nhanh từng ngày, trong đó có cả những người mắc Covid-19. Họ bắt đầu cần hỗ trợ không chỉ lương thực thực phẩm, mà cần được giúp cả thuốc men, thăm khám bệnh.

Từ thực tế đó, PGS.TS Hồ Thanh Phong cùng nhóm bạn bè thân thiết, trong đó có nhiều bác sĩ, ngồi bàn và quyết định hình thành một nhóm chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà có tên “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” với số điện thoại (hotline): 0866207299. Nhóm tham khảo mô hình Telemedicine, tức là khám chữa bệnh từ xa, của một số nước tiên tiến và quyết định hình thành như vậy. Chuẩn bị nhanh nhưng phải thật kỹ, thật khoa học và chu đáo, đầu tháng 8/2021 nhóm bắt đầu hoạt động. Thầy Phong cho biết, đến nay, nhóm có hơn 80 bác sĩ các chuyên khoa và hơn 100 tình nguyện viên làm ở các khâu kết nối với bệnh nhân, với bác sĩ, với y tế địa phương, mua và chia thuốc, vận chuyển thuốc và oxy…

Tâm niệm của các thành viên trong nhóm là, đã nhận giúp đỡ ca F0 nào là giúp đỡ đến cùng. “Anh em ngồi bàn với nhau, thấy là bệnh nhân tại nhà rất hoang mang, rất là khổ. Mình có thể hỗ trợ mạnh mẽ hơn, sâu hơn, thiết thực hơn thành ra nhóm chuyển hướng sang hỗ trợ bệnh nhân. Mỗi lúc số bệnh nhân càng đông lên. Đến giờ mỗi ngày tiếp nhận có thể hơn 100 bệnh nhân. Lúc mới làm chỉ mong 2 tuần sau sẽ có bệnh nhân hồi phục, còn giờ thì đếm số bệnh nhân hồi phục hàng ngày.”- Thầy Phong kể lại.

Anh Nguyễn Tuấn Khởi cùng xe cấp cứu của dự án “Bệnh viện tại nhà” đến hỗ trợ tại Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 Bình Tân. Anh Nguyễn Tuấn Khởi cùng xe cấp cứu của dự án “Bệnh viện tại nhà” đến hỗ trợ tại Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 Bình Tân.

Gia đình anh Đặng Văn Lập ở khu phố 22, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân là một trong hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà đã nhận sự hỗ trợ hết lòng từ nhóm của thầy Phong. Anh Lập kể, cuối tháng 8, cả nhà anh 15 người đều dương tính với SAR CoV2. Gọi y tế phường thì chưa được hỗ trợ ngay vì quá tải, anh lên mạng xã hội tìm sự hỗ trợ rồi liên hệ với “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự”. Ngay lập tức anh được nhóm tiếp nhận, cử bác sĩ theo dõi sức khỏe cả nhà, hướng dẫn cách tự chăm sóc và sử dụng thuốc. Đến khi người lớn tuổi nhất trong nhà là ba của anh Lập có dấu hiệu chuyển nặng, nhóm cử thêm một bác sĩ chuyên khoa hô hấp hướng dẫn điều trị, đem đến bình oxy, máy trợ thở. Rồi sau đó, ba của Lập phải đi bệnh viện và không qua khỏi. Đến nay, các bác sĩ của nhóm vẫn đang tiếp tục hỗ trợ 14 thành viên còn lại.

“Nhóm của thầy Phong và các cộng sự hỗ trợ nhà em nhiều lắm. Nhà em có bác sĩ theo dõi, đưa bình oxy và máy tạo oxy. Riêng ba em tình hình không khả quan nên đưa đi bệnh viện, xe cấp cứu cũng của nhóm đưa đi, nhóm tự tìm bệnh viện và tự liên hệ trước giùm em luôn.” - anh Lập chia sẻ.

Anh Lê Viết Hải, 43 tuổi ở đường số 5, cư xá Chu Văn An quận Bình Thạnh là một bệnh nhân Covid-19 có tổn thương phổi, suy hô hấp. Anh đã được đưa vào cấp cứu, đã đến bệnh viện điều trị, đã tạm ổn và được cho về điều trị tại nhà. Rồi bệnh đột ngột chuyển biến nặng trở lại, anh Hải phải thở oxy. Khi đó, chính sự tiếp nhận và hỗ trợ rất nhanh của “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” đã cứu anh. Hiện bác sĩ của nhóm vẫn theo dõi, tư vấn cho anh Hải sau 2 lần xét nghiệm âm tính. “Tôi về nhà thì vẫn thở không nổi, phải chạy quanh đi kiếm oxy. Lúc đó không phải có tiền hay không mà là oxy ở đâu mà tìm. Tôi được giới thiệu nhóm của thầy Phong. Tôi thở hết 2 bình oxy của nhóm thì có bác sĩ Đạt trong nhóm hỗ trợ. Bác sĩ rất tận tình, hỏi thăm, theo dõi sức khoẻ hàng ngày và điều trị. Giờ bệnh của tôi thuyên giảm và đang tiến triển tốt”- Anh Hải nhớ lại.

Số F0 tại nhà liên hệ với nhóm của thầy Phong cao điểm lên đến hàng trăm ca mỗi ngày và số ca khỏi bệnh cũng tăng lên hàng ngày. Từ nhẹ cho đến nặng, từ tư vấn, cấp thuốc, trợ giúp oxy cho đến hỗ trợ nhập viện, nhóm đều làm hết sức và đều thành công. Hai kho thuốc và thiết bị của nhóm đặt ở hai đầu thành phố là Quận 8 và Gò Vấp đã kịp thời đến với rất nhiều bệnh nhân. Đội gần 20 shippers của nhóm lặn lội khắp thành phố để tiếp cận hỗ trợ F0.

Hỗ trợ F0 ở bất cứ nơi đâu, dù trong nội thành hay ngoại thành TPHCM. Hỗ trợ F0 ở bất cứ nơi đâu, dù trong nội thành hay ngoại thành TPHCM.

F0 tại nhà như có một bác sĩ gia đình

Cũng ra đời vào cao điểm như vậy, ngày 10/8 dự án “Bệnh viện tại nhà” của kênh thông tin Y tế Việt Nam và ứng dụng MedOn đi vào hoạt động.

Anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc điều hành của dự án này kể, hai tuần cuối tháng 8 là hai tuần làm việc thâu đêm suốt sáng của 150 thành viên là y bác sĩ, là tình nguyện viên của nhóm với vài trăm ca/ngày. 2 xe cấp cứu, 500 bình oxy, 300 máy tạo oxy cá nhân và tổng đài của nhóm hoạt động không ngừng nghỉ. Đó cũng là 2 tuần người bệnh nhiều, y tế quá tải.

Tính đến nay, dự án “Bệnh viện tại nhà” đã chăm sóc cho hơn 5.000 trường hợp F0 và vẫn tiếp tục tiếp nhận hàng chục ca mỗi ngày. Các đội cấp thuốc, tiếp oxy, cấp cứu của dự án vẫn hoạt động. Nhưng theo anh Khởi, điều đáng mừng là các trạm y tế lưu động, trạm y tế phường xã đang dần hỗ trợ bệnh nhân kịp thời hơn, sát hơn. “Bệnh viện tại nhà” lúc này có thời gian và nhân lực, vật lực để phối hợp với địa phương ở bệnh viện điều trị trực tiếp. “Cụ thể là tại quận Bình Tân, từ đầu tháng 9 đến nay lượng F0 cần hỗ trợ thông qua hệ thống của chúng tôi giảm hẳn. Đó là tin vui. Giảm rõ rệt là do người dân có kinh nghiệm hơn trong tự chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Thứ hai là sự hỗ trợ của y tế cơ sở với các trạm y tế lưu động, trạm y tế phường và trung tâm y tế cấp quận nhiều hơn.” - anh Nguyễn Tuấn Khởi cho biết.

Hỗ trợ F0 ở bất cứ nơi đâu, dù trong nội thành hay ngoại thành TPHCM. Hỗ trợ F0 ở bất cứ nơi đâu, dù trong nội thành hay ngoại thành TPHCM.

TS.BS Ngô Văn Công, Bệnh viện Chợ Rẫy, phụ trách Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi cho biết, những nhóm tình nguyện hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà đã góp phần rất nhiều vào công tác điều trị chung của y tế địa phương và đặc biệt là luôn bên cạnh người bệnh để nâng đỡ cả về sức khoẻ lẫn tinh thần. “Mô hình này quá tốt, góp rất nhiều vào công cuộc phòng chống dịch nói chung. Về mặt y tế thì đã giảm tải cho y tế địa phương, vì bệnh nhân có thể gọi bất cứ khi nào, gọi đi gọi lại nhiều lần và nhớ tới đâu họ gọi tới đó. Về mặt tâm lý, bệnh nhân được các bác sĩ của các nhóm quan tâm, giải quyết mọi thắc mắc và điều trị cơ bản.” - TS.BS Ngô Văn Công nhận xét.

Có thể nói, trong việc cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà ở TPHCM hiện nay, mỗi F0 có sự trợ giúp của các nhóm như có 1 bác sĩ riêng và họ nhận được sự tư vấn tận tình về bất cứ vấn đề gì có liên quan đến căn bệnh của mình. Ra đời từ khi Bộ Y tế cho phép F0 tại TPHCM được điều trị tại nhà, mạng lưới thiện nguyện hỗ trợ các F0 này ngày càng quy mô và hiệu quả. Hoạt động này đã hỗ trợ cho bệnh nhân cả về sức khỏe lẫn tinh thần, cho các F0 có một chỗ dựa tin cậy, vững chắc để chiến đấu với dịch bệnh. Trong quá trình hỗ trợ, người vượt qua được, người ra đi mãi mãi, nhưng F0 nào cũng rất cảm động bởi các nhóm, các bác sĩ, các tình nguyện viên đã cùng họ đi đến hết chặng đường…

Song Nguyên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo