Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống

Tiếp tục kéo giảm sâu tai nạn giao thông tại Việt Nam

Ảnh minh họa. (Nguồn: QDND.vn)

Tai nạn giao thông (TNGT) đã và đang là vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc, mang tính toàn cầu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đương đầu. Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), giảm TNGT.

Trung bình hằng ngày ước tính có khoảng 20 người chết do TNGT tại nước ta, chủ yếu xảy ra trên đường bộ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, số người tử vong do TNGT chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số người tử vong do tai nạn thương tích. Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, thiệt hại kinh tế do TNGT đường bộ hằng năm ở Việt Nam vào khoảng 2,9% GDP, tương đương với khoảng 340 tỷ đồng mỗi ngày.

Từ năm 2002 đến 2015, bình quân mỗi năm Việt Nam xảy ra hơn 18.000 vụ TNGT, làm hơn 11.000 người chết và gần 19.000 người bị thương. Đứng trước thực trạng đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông. Cụ thể, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ năm 2011 đến nay, công tác bảo đảm ATGT đã liên tục có chuyển biến tích cực, TNGT được kéo giảm, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn từng bước được khắc phục.

Theo thống kê chính thức do Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố, nếu so sánh giữa giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015, trong 5 năm qua đã giảm được 12.546 người chết và 44.586 người bị thương do TNGT, tỷ lệ người chết do TNGT trên 100.000 dân đã giảm từ 12,97 người/100.000 dân (năm 2011) xuống còn 9,56 người/100.000 dân (năm 2015). Năm 2016, số người chết vì TNGT tiếp tục được kéo giảm xuống dưới 9.000 người. Bên cạnh đó, số vụ và số người bị thương do TNGT giảm mạnh, tương ứng là 5,52% và 8,5% so với năm 2015. Kết quả này đã thể hiện rõ hiệu quả trên thực tế từ quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong quá trình đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi TNGT nhằm xây dựng một môi trường giao thông an toàn, thân thiện. Các kết quả trong bảo đảm ATGT của Việt Nam đã được nhân dân ghi nhận và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, tình hình trật tự ATGT nhìn chung vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, tai nạn liên quan đến người điều khiển mô tô, xe gắn máy chiếm gần 70%, vẫn còn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, giữa phương tiện thủy nội địa với các công trình đường bộ, đường sắt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả đau xót, dai dẳng trong xã hội, gây bức xúc trong dư luận, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Tình hình đó cho thấy, bảo đảm sự bền vững trong kéo giảm TNGT trong thời gian tới vẫn là một thách thức lớn tại Việt Nam.

Năm 2016 là năm đầu tiên, các cấp, các ngành triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tại Đại hội XII, Đảng ta đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục chú trọng thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, đặc biệt là đột phá về xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và hiện thực hóa Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng được đặt ra trong tình hình mới. Cùng với đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại giữa các vùng miền, giữa Việt Nam với thế giới sẽ trở nên nhộn nhịp hơn, phương tiện giao thông tăng nhanh, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, cần tiếp tục xác định mục tiêu chung là kéo giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hằng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; từng bước giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực hiện Năm ATGT hằng năm với chủ đề trọng tâm, trọng điểm hướng đến mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

Để tiếp tục kéo giảm TNGT đường bộ trong năm 2017 cũng như các năm tiếp theo, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần thường xuyên rà soát, đánh giá, kiến nghị, cập nhật bổ sung để các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo bảo đảm ATGT phù hợp với tình hình mới.

Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, trong đó tập trung chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; nghiên cứu xây dựng kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường thủy nội địa; tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất ATGT.

Đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và giảm giá cước vận tải đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không, giảm áp lực cho vận tải đường bộ; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lách luật, tránh trạm cân tải trọng và chống đối lực lượng thực thi công vụ. Ngăn chặn xe chở quá tải từ gốc, yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, doanh nghiệp như: Mỏ, cảng, ga, cơ sở sản xuất vật liệu ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng xe và có biện pháp kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xếp hàng.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Tập trung xử lý các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm ATGT của kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến TNGT. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải bằng xe ô tô.

Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, cần đổi mới cả nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả, hướng tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện cá nhân, đặc biệt là nhóm những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về trật tự ATGT cho đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo; xây dựng và triển khai thực hiện tuyên truyền vận động bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Một số giải pháp đột phá về khắc phục ùn tắc giao thông đã được thực hiện thành công tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội. Những giải pháp này cần được nhân rộng. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới, đẩy nhanh tiến độ phát triển vận tải hành khách công cộng kết nối các đô thị trung tâm tỉnh với trung tâm huyện, các khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn. Để kiềm chế, ngăn chặn TNGT, ùn tắc giao thông có hiệu quả, các giải pháp cần phải được triển khai đồng bộ, kiên trì, quyết liệt.

Theo QĐND

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo