Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kỷ niệm 15 năm Việt Nam gia nhập WTO (7/11/2006 – 7/11/2021)

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp khôi phục kinh tế TPHCM sau dịch

Trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy trao các văn kiện về việc kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO cho Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển, trong buổi lễ kết nạp Việt Nam vào WTO, ngày 7/11/2006, tại trụ sở WTO ở Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: TTXVN)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Ngày 7/11/2006, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng tại Geneva (Thụy Sĩ) để chính thức kết nạp Việt Nam vào WTO. Sự kiện này đã mở ra một thời cơ mới cho tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế nước ta suốt 15 năm qua, trong đó có TPHCM. Thời gian tới, việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế của TP mau chóng trở lại ổn định và phát triển sau dịch là nội dung rất quan trọng và cần thiết.

Từ năm 2007 đến nay, nhờ chính sách đổi mới, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, mặc dù có không ít khó khăn, thách thức. Đến nay, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhờ đó, đã mở ra nhiều cơ hội hội hợp tác kinh tế, đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch thương mại cả nước tăng từ hơn 48 tỷ USD năm 2007 lên trên 543 tỷ USD năm 2020; tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2007 đạt hơn 461.000 tỷ đồng, đến năm 2020, GDP cả nước đạt gần 6.300.000 tỷ đồng, tăng 13,7 lần.

Tại TPHCM, theo Cục Thống kê, trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1.372.000 tỷ đồng, tăng 1,39% so với cùng kỳ, chiếm gần 22% GDP cả nước, tăng gần 6 lần so với năm 2007 (đạt gần 229.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt gần 44 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô), chiếm 8,1% tổng kim ngạch cả nước, tăng gần 2,5 lần so với kim ngạch của thành phố năm 2007 (đạt hơn 18 tỷ USD). GRDP bình quân đầu người của TPHCM tăng từ 2.180 USD năm 2007 lên hơn 6.300 USD vào năm 2020, cao gấp 2,3 lần so với GDP bình quân cả nước (đạt gần 2.800 USD vào năm 2020). Ngoài việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (chiếm 86% GRDP năm 2020), giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, TPHCM còn là trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn nhất nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước…

Vừa qua, do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài nên GRDP của thành phố 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ; dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với năm 2020 và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2021 là 6%. Điều đó đặt ra cho thành phố phải có những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố bắt đầu nhộn nhịp trở lại do nới lỏng giãn cách xã hội và từ nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân vào thời điểm cuối năm thường tăng cao. Trong tháng 10, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố ước đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước và giảm 52,3% so với cùng kỳ. Để nền kinh tế thành phố nhanh chóng được hồi phục và từng bước phát triển sau dịch, xin đề xuất một số giải pháp:

Một là, lãnh đạo chính quyền các cấp cần có quyết tâm cao trong việc thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát tốt và đẩy lùi dịch Covid-19; quan tâm củng cố, tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu; cần bám sát tình hình diễn tiến của dịch bệnh, tăng cường khả năng phân tích, dự báo để xem xét áp dụng các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội an toàn, phù hợp; cần thống nhất quan điểm lấy an toàn trong phòng chống dịch để phát triển kinh tế - xã hội; cần mở rộng nhanh những “vùng xanh an toàn” trong sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải…

Qua 15 năm gia nhập WTO, hoạt động thương mại, dịch vụ của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng ngày càng phát triển. Trong ảnh, người dân đến mua sắm tại Co.opmart Thắng Lợi (quận Tân Phú) thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op). (Ảnh minh họa) Qua 15 năm gia nhập WTO, hoạt động thương mại, dịch vụ của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng ngày càng phát triển. Trong ảnh, người dân đến mua sắm tại Co.opmart Thắng Lợi (quận Tân Phú) thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op). (Ảnh minh họa)

Hai là, cần tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm vaccine đến học sinh, sinh viên, công nhân… để nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng, giúp người dân yên tâm tham gia lao động, sản xuất; ngoài ra, tạo cơ chế để các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập vaccine bảo đảm chất lượng để tiêm cho người lao động của mình; đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của “tổ an toàn Covid-19” tại chỗ và thành lập các trạm y tế lưu động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có đông công nhân.

Ba là, cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách ưu đãi về lãi vay, tiếp tục giãn nợ, giảm, miễn một số loại thuế, giãn thời gian áp dụng một số quy định gia tăng chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm tiền điện, nước cho các doanh nghiệp sản xuất và gia hạn việc nộp các loại thuế, tiền thuê đất trong năm 2021...

Bốn là, cần tiếp tục thực hiện các chính sách tổng thể về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục việc gián đoạn của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; kiên quyết cắt giảm ngân sách đầu tư cho các dự án chưa cần thiết sang các nhiệm vụ chi thường xuyên để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường, vận động người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của thành phố gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu một số ngành, lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống… Trong quá trình thực hiện, cần quan tâm phòng ngừa rủi ro về lạm phát từ các gói kích cầu kinh tế sau dịch.

Năm là, để việc trở lại sản xuất, kinh doanh thành công, không chỉ dựa trên các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn phụ thuộc lớn vào sự nỗ lực của từng doanh nghiệp. Lãnh đạo các doanh nghiệp cần sớm xây dựng kế hoạch tái hoạt động thật cụ thể, thận trọng, tránh đứt gãy nguồn lao động và chuỗi cung ứng; đồng thời, nghiên cứu mở rộng thêm các sản phẩm, dịch vụ mới cho phù hợp với tình hình sau dịch và tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu, phát triển các kênh bán hàng theo xu hướng thương mại điện tử… nhằm góp phần đưa nền kinh tế thành phố nhanh chóng khôi phục, ổn định đời sống xã hội sau dịch.

Sáu là, thành phố cần xúc tiến ngay việc phục hồi hợp tác kinh tế với các đối tác nước ngoài, nhất là các thành phố kết nghĩa, các bạn hàng truyền thống, các đối tác chiến lược… để có thể triển khai ngay các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư… khi điều kiện cho phép. Trong quá trình đó, cần tháo gỡ ngay các “điểm nghẽn”, vướng mắc về chính sách, quy định để việc hợp tác được thuận lợi và hiệu quả; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương thì cần đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp xử lý kịp thời.

Bảy là, tiếp tục rà soát các quy định của thành phố để thay thế, điều chỉnh những chính sách không còn phù hợp, chưa thuận lợi trong phát triển kinh tế nói chung và theo các quy định của WTO, của các hiệp định thương mại tự do (FTA)… nhằm tạo môi trường, hành lang pháp lý tốt nhất cho các hoạt động kinh tế. Đặc biệt, sau dịch, đồng thời thực hiện chủ đề năm về cải thiện môi trường đầu tư, thành phố cần mạnh dạn có những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và thu hút đầu tư nói riêng để tăng trưởng kinh tế.

Lê Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo