Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thượng tướng Trần Văn Trà: “Làm nhiệm vụ, trước hết phải vì Dân”

Chân dung Thượng tướng Trần Văn Trà. Nguồn: Ảnh tư liệu

(Thanhuytphcm.vn)- Đồng chí Trần Văn Trà, tên thật là Nguyễn Chấn, sinh ngày 15 tháng 9 năm 1919 tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nông dân nghèo. Từ năm 11 tuổi (1930), đồng chí đã tham gia rải truyền đơn, dán khẩu hiệu tuyên truyền cho cách mạng. Năm 1936, học Trường Kỹ nghệ thực hành Huế (nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế), tham gia phong trào học sinh yêu nước đòi dân sinh dân quyền và gia nhập Đoàn Thanh niên dân chủ, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1938) tại chi bộ của Trường. Năm 1939 vào Sài Gòn làm công nhân hỏa xa và tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 12 năm 1939, bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, sau khi bị giam giữ 5 tháng thì được thả, nhưng bị quản thúc vô thời hạn ở quê. Tháng 3 năm 1941, đồng chí Trần Văn Trà trốn lên Đà Lạt tiếp tục hoạt động, rồi về Nha Trang, sau đó trở lại Sài Gòn bắt liên lạc với cách mạng, được giao phụ trách báo Giải phóng và cơ quan ấn loát của Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ. Tháng 11 năm 1944, đồng chí Trần Văn Trà bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 22 tháng 8 năm 1945, đồng chí được Chính phủ Trần Trọng Kim trả tự do, tham gia Tổng khởi nghĩa và được phân công đại diện Thanh niên Cứu quốc trong Kỳ bộ Việt Minh.

Khi quân Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn (23 tháng 9 năm 1945), đồng chí Trần Văn Trà gia nhập du kích, tham gia các trận đánh đầu tiên tại mặt trận Cầu Bông. Tháng 10 năm 1945, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ tạm rút về Mỹ Tho, đồng chí Trần Văn Trà xin ở lại Sài Gòn chiến đấu. Trước tình hình phức tạp của lực lượng kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ lúc đó, đồng chí chủ động đề xuất với Xứ ủy và Tỉnh ủy Gia Định thành lập Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa (01 tháng 11 năm 1945) và được cử làm Chính trị viên. Đây là đơn vị vũ trang đầu tiên ở Nam Bộ do Đảng trực tiếp tổ chức và lãnh đạo. Đồng chí đã góp phần quan trọng cùng các đồng chí Nguyễn Bình, Tô Ký… thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ thành Giải phóng quân Nam Bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy.

Tháng 3 năm 1946, khi tình hình miền Đông tương đối ổn định, đồng chí Trần Văn Trà tình nguyện về Đồng Tháp Mười xây dựng lại cơ quan Khu bộ Khu VIII và các tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến ở các tỉnh miền Trung Nam Bộ; tháng 4 năm 1946, thành lập Chi đội 14 Tân An (tương đương trung đoàn), do đồng chí Trần Văn Trà trực tiếp làm Chi đội trưởng; bắt đầu xây dựng căn cứ địa Đồng Tháp Mười. Tháng 9 năm 1946, đồng chí Trần Văn Trà được chỉ định làm Khu trưởng Khu VIII. Tháng 11 năm 1946, đồng chí tham dự Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng tại chiến khu Đồng Tháp Mười, được cử làm Xứ ủy viên. Nhận rõ tình hình thực tế trình độ kỹ thuật, chiến thuật của lực lượng vũ trang ta còn yếu, vũ khí còn nghèo nàn, đồng chí Trần Văn Trà tổ chức Trường Quân sự đầu tiên của Khu VIII để huấn luyện bộ đội, phát động phong trào rèn cán, chỉnh quân. Về tác chiến, đồng chí chủ trương và chỉ đạo nhằm chỗ yếu của địch mà đánh, tước vũ khí của địch để trang bị cho mình. Đồng chí trực tiếp chỉ huy trận Giồng Dứa phục kích địch trên đường số 4. Đây là trận đầu thắng lớn của quân và dân Khu VIII. Tháng 3 năm 1948, Tiểu đoàn 307, tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Khu VIII và Nam Bộ được thành lập, trở thành một đơn vị nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Thượng tướng Trần Văn Trà (ngồi thứ tư, từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa ở Đồng Tháp Mười, năm 1976. Nguồn: Ảnh tư liệu Thượng tướng Trần Văn Trà (ngồi thứ tư, từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa ở Đồng Tháp Mười, năm 1976. Nguồn: Ảnh tư liệu

Cùng với việc xây dựng và rèn luyện lực lượng vũ trang, đồng chí Trần Văn Trà còn tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, khuyến khích phát triển các hoạt động báo chí, tuyên truyền, nhiếp ảnh nhằm ghi lại và phổ biến những hình ảnh khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến. Giữa năm 1948, đồng chí Trần Văn Trà dẫn đầu Đoàn đại biểu quân chính Nam Bộ ra Việt Bắc báo cáo tình hình kháng chiến của Nam Bộ với Trung ương. Trước khi về Nam, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng thanh gươm khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân Nam Bộ.

Tháng 3 năm 1949, đồng chí Trần Văn Trà được cử làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ, sau đó là Tư lệnh Phân Liên khu miền Đông khi Nam Bộ được phân làm hai phân liên khu. Từ năm 1950 đến 1954, đồng chí là Khu ủy viên, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ kiêm Tư lệnh và Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn và Khu VII. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đồng chí Trần Văn Trà chỉ huy lực lượng tập kết ra Bắc và được cử giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1955 - 1962). Tháng 4 năm 1958, đồng chí Trần Văn Trà được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn mới được thành lập. Năm 1959, đồng chí Trần Văn Trà cùng với đồng chí Nguyễn Văn Vịnh đề đạt với Ban Chấp hành Trung ương và Quân ủy Trung ương nhiệm vụ tuyển chọn, huấn luyện, đưa cán bộ miền Nam tập kết trở về miền Nam chiến đấu. Đồng chí là người tham gia trực tiếp chỉ đạo xây dựng các tuyến giao thông vận tải chiến lược 559, 759 trên bộ và trên biển để vận chuyển lực lượng, phương tiện vào Nam.

Các tướng lĩnh trong Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam tại rừng miền Đông năm 1967, từ trái sang Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà, Trần Độ, Lê Trọng Tấn. Nguồn: Ảnh tư liệu Các tướng lĩnh trong Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam tại rừng miền Đông năm 1967, từ trái sang Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà, Trần Độ, Lê Trọng Tấn. Nguồn: Ảnh tư liệu

Năm 1959, đồng chí Trần Văn Trà được phong quân hàm Trung tướng. Năm 1960 - 1961, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự cao cấp thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô, khi về nước được cử giữ chức Giám đốc Học viện Quân chính, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

Năm 1963, đồng chí Trần Văn Trà trở lại chiến trường miền Nam, là Ủy viên Trung ương Cục và Phó Bí thư Quân ủy Miền, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí kiên trì chủ trương kết hợp phát triển chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy và việc xây dựng quân chủ lực, chủ động xây dựng các đơn vị chủ lực Nam Bộ từ cấp tiểu đoàn lên cấp trung đoàn rồi sư đoàn. Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngay từ khi chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và nhất là từ khi Mỹ trực tiếp đổ quân viễn chinh vào miền Nam gây ra “Chiến tranh cục bộ” và sau này đã cho thấy chủ trương đó là đúng đắn, góp phần tạo bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Năm 1967, khi Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam Hoàng Văn Thái được cử vào làm Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Trần Văn Trà giữ chức Phó Tư lệnh. Thực hiện chủ trương của Trung ương, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ngày 25 tháng 10 năm 1967, Trung ương Cục quyết định giải thể Quân khu I (miền Đông Nam Bộ) và Quân khu IV (Sài Gòn - Gia Định), lập Khu trọng điểm gồm Sài Gòn - Gia Định và một số quận, huyện của các tỉnh lân cận như Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An. Đồng chí Trần Văn Trà được cử giữ chức Phó Bí thư Khu ủy Khu trọng điểm (đồng chí Nguyễn Văn Linh là Bí thư) kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu. Trung ương Cục lập hai Bộ Chỉ huy Tiền phương là Bộ Chỉ huy Tiền phương Bắc và Bộ Chỉ huy Tiền phương Nam, trực thuộc Bộ Chỉ huy thống nhất do đồng chí Trần Văn Trà làm Tư lệnh và trực tiếp chỉ huy Bộ Chỉ huy Tiền phương Bắc. Cùng với Khu ủy và Bộ Chỉ huy Khu trọng điểm, đồng chí đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn - Gia Định.

Đời thường của Thượng tướng Trần Văn Trà và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn: Ảnh tư liệu Đời thường của Thượng tướng Trần Văn Trà và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn: Ảnh tư liệu

Tháng 01 năm 1973, khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, đồng chí Trần Văn Trà được cử làm Trưởng đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Ban Liên hợp quân sự bốn bên ở Sài Gòn. Năm 1974, đồng chí được phong quân hàm Thượng tướng, giữ chức vụ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam lần thứ hai. Tháng 12 năm 1974, đồng chí tham dự Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng với lãnh đạo và chỉ huy các chiến trường xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Tháng 4 năm 1975, đồng chí là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau khi Sài Gòn được giải phóng, đồng chí Trần Văn Trà được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản từ tháng 4 đến tháng 12 năm 1975. Từ năm 1976, đồng chí là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu VII. Tháng 5 năm 1978, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương. Đồng chí Trần Văn Trà là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, đại biểu Quốc hội khóa VI. Từ năm 1982, đồng chí nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1993, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Trần Văn Trà từ trần ngày 20 tháng 4 năm 1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ một học sinh giác ngộ cách mạng, gắn bó phần lớn cuộc đời với chiến trường miền Nam, trực tiếp là chiến trường B2 và Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam, hai lần giữ chức Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong những thời kỳ khó khăn ác liệt và hết sức vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là Phó Bí thư Khu ủy Khu trọng điểm kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đồng chí Trần Văn Trà là một nhà lãnh đạo, một vị tướng có tư duy chính trị quân sự sắc sảo ở tầm chiến lược. Đồng chí cũng là người luôn gắn bó, sâu sát với thực tiễn chiến trường, đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang trong chiến tranh nhân dân ở miền Nam, trong lãnh đạo và chỉ đạo tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung cũng như các lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng.

Đồng chí Trần Văn Trà là tác giả của nhiều tập hồi ký và truyện ký về đề tài chiến tranh cách mạng.

Do có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Trần Văn Trà được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Tên của đồng chí Trần Văn Trà được đặt cho nhiều con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Thành phố Đà Nẵng, Tây Ninh, Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang… Tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khuôn viên nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng, thuộc xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đồng chí Trần Văn Trà được phối thờ cùng các đồng chí Nguyễn Bình, Nguyễn Thị Định và Huỳnh Văn Nghệ.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo