Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thực hiện tốt việc lọc bệnh khi tiếp nhận, điều trị các bệnh truyền nhiễm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc. (ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Phòng bệnh, lọc bệnh, cách ly, là 3 giải pháp hạn chế tình trạng lây bệnh chéo các bệnh truyền nhiễm, trong đó, các bác sĩ cần quyết liệt trong vấn đề lọc bệnh nhằm điều trị một cách hiệu quả. Đó là những ý kiến được đưa ra trong buổi làm việc đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) về công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra ngày 12/10.

60% số ca bệnh từ các tỉnh chuyển đến

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế, Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện gia tăng trong khoảng từ 1,5 tháng gần đây. Trong đó, số ca bệnh từ các tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 60%.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, số ca bệnh ngoại trú liên quan đến tay chân miệng là 30.269 ca, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số ca nhập viện điều trị nội trú lại tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 9, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng cao, trong đó nội trú tăng 82% và ngoại trú tăng 220%. Tính đến sáng 12/10, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 84 ca điều trị nội trú tay chân miệng, trong đó có 66 ca mắc độ 2A, 12 bệnh nhân độ 2B, 1 bệnh nhân độ 3 và 3 bệnh nhân độ 4.

Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 6.348 ca bệnh ngoại trú liên quan đến bệnh sốt xuất huyết và 2.751 ca nội trú liên quan đến bệnh này, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 9 tổng số ca bệnh tăng từ 18-35% so với cùng năm trước.

Về bệnh sởi, năm 2017 không ghi nhận có ca mắc sởi nội và ngoại trú tại bệnh viện. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 198 ca bệnh ngoại trú và 208 ca nội trú.

Theo Sở Y tế TPHCM, với các hoạt động đã triển khai trong công tác phòng chống dịch, TP đã kiểm soát số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; trong 9 tháng đầu năm 2018 luôn thấp hơn cùng kỳ năm 2017 cũng như thấp hơn trung bình 5 năm trước. Từ đầu năm đến nay, toàn TP có 21.322 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017. Đối với bệnh sốt xuất huyết, có 13.127 nội trú và 8.106 ca ngoại trú, giảm 14% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 9 năm 2018, hệ thống giám sát dịch tễ ghi nhận số ca bệnh có hiện tượng gia tăng theo mùa hàng năm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong đó có TPHCM.

Về tình hình bệnh sởi, PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, tính từ đầu năm đến nay TPHCM đã ghi nhận 143 ca mắc sởi. Bệnh sởi đã xuất hiện ở tất cả các quận, huyện. Hầu hết ca bệnh không có liên hệ dịch tễ với nhau và không ghi nhận ổ dịch tại cộng đồng. Tuy nhiên gần đây đã phát hiện một số trường hợp lây nhiễm trong gia đình bệnh nhân.

Về các ca bệnh đang điều tri tại các bệnh viện, thống kê sơ bộ của 3 bệnh viện nhi tại TPHCM (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP) cho thấy, số ca bệnh nhập viện vì tay chân miệng và sởi được chuyển đến từ các tỉnh thành lân cận khoảng 60% tổng số bệnh nhân. Bệnh đông khiến các y bác sĩ rất vất vả trong việc tiếp nhận, cách li, điều trị. Các bệnh viện cũng rơi vào quá tải bệnh nhân.

Phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện

Theo Sở Y tế TPHCM, TP đang triển khai kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ sinh năm 2016, 2017 để đạt tỷ lệ tiêm chủng theo quy mô xã, phường. Đồng thời, cũng đang xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin sởi – rubella cho trẻ 3 – 5 tuổi theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn tại những khu vực có mật độ tập trung dân cao và do biến động dân cư lớn và khu vực vùng xa của TP.

Cùng với đó, Sở Y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và chỉ đạo các bệnh viện phải luôn chủ động dự trù nhân lực, thuốc, trang thiết bị... để phục vụ tốt nhất trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân và phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống bệnh truyền nhiễm. (ảnh: Đan Như) Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống bệnh truyền nhiễm. (ảnh: Đan Như)

Vừa qua, UBND TPHCM đã có văn bản về việc tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng, tăng cường công tác giám sát, điều tra tình hình bệnh, thông tin báo cáo, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp xử lý kịp thời, không để bệnh tay chân miệng lây lan trong cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Bên cạnh đó, TP cũng chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn TP thực hiện điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng; tăng cường tập huấn cán bộ y tế, phối hợp với Bộ Y tế cập nhật phác đồ điều trị, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, phòng bệnh, lọc bệnh, cách ly, là 3 giải pháp hạn chế tình trạng lây bệnh chéo. Đối với những bệnh nhiễm như sởi, hô hấp, kể cả luồng đi khám bệnh và ngồi chờ khám cũng cần phải cách ly tuyệt đối. Bác sĩ cần quyết liệt trong vấn đề lọc bệnh để giảm tải. phụ huynh có con nhỏ mắc các bệnh nhẹ không nên đưa vào bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, 2. Vì đưa vào các bệnh viện này, trẻ mắc các bệnh khác rất có nguy cơ lây nhiễm chéo. Đối với bệnh tay chân miệng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để phòng bệnh cần phải thường xuyên vệ sinh tay trẻ em, người chăm sóc trẻ, đồ chơi, nền nhà, ăn uống sạch và đầy đủ chất. Về bệnh sởi, đã có vắc xin ngừa bệnh hiệu quả nhưng do người dân chưa có ý thức nên không tiêm ngừa dẫn đến mắc bệnh. Cần tiêm sởi cho trẻ lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi. Riêng về bệnh sốt xuất huyết, để phòng ngừa người dân phải lật úp vật chứa nước (bình bông, vỏ xe, lon sữa…), tận gốc của vấn đế là diệt lăng quăng, sau đó là phun thuốc diệt muỗi…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân về  ý thức phòng ngừa bệnh, không phải đợi có bệnh mới đến cơ sở y tế… Người dân khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt, bỏ ăn, mệt mỏi… thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chữa bệnh để hạn chế tình trạng trẻ bị nhiễm chéo bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh nặng thì mới đưa vào bệnh viện tuyến trên cấp cứu theo dõi, để xử lý kịp thời.

S.Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo